Căn lều trước cửa Nhà Trắng

Căn lều trước cửa Nhà Trắng
TP - Trước khi đến Mỹ, tôi đã được đọc, được nghe khá nhiều về “tự do theo kiểu Mỹ”. Một ngày cuối tháng 6, mới tận mắt chứng kiến điều này ngay trước cổng Nhà Trắng ở thủ đô Washington DC.

> Phim 'Nhà Trắng sụp đổ' sắp công chiếu tại Việt Nam
> Leonardo DiCaprio 'bóp nghẹt' trái tim khán giả

Ngay đối diện với Nhà Trắng. Một căn lều dựng từ những đoạn gỗ và thanh sắt, phủ bằng các tấm chất dẻo màu trắng. Hai bên căn lều là hai tấm pa nô lớn dán đầy ảnh, được tạo ra bằng các vật liệu nhặt nhạnh với những thông điệp kẻ tay chữ in hoa: “Cấm tất cả các vũ khí hạt nhân”, “Có một ngày tận thế”…

Ba thập kỷ - một căn lều

Bà Connie vẫn ở nguyên vị trí của mình trong trận bão tuyết tháng Hai năm 2010. Ảnh: AP
Bà Connie vẫn ở nguyên vị trí của mình trong trận bão tuyết tháng Hai năm 2010. Ảnh: AP.
 

Nơi trú ẩn thô sơ này đã tồn tại bên ngoài Nhà Trắng hơn ba thập kỷ. Chủ nhân của nó là bà Connie Picciotto - Người đang làm cuộc biểu tình chính trị được coi là dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Giữa cái nắng trong suốt bao phủ quảng trường Lafayette. Đại lộ Pennsylvania chạy ngang cổng chính Nhà Trắng luôn có rất nhiều du khách đến chỉ với mục đích nhìn vào ngôi nhà nổi tiếng ngày nào cũng được báo chí truyền hình thế giới nhắc đến. Và họ không thể không để ý đến căn lều tồi tàn như một đối trọng với tòa nhà cổ kính cao vời kia.

Một trong hai tấm pa nô dán ảnh có chủ đề chống chiến tranh, có rất nhiều ảnh về Việt Nam. Ảnh một bà mẹ Việt Nam đang cho con bú. Ảnh bom napan nổ… Bên cạnh đó là ảnh về nạn diệt chủng do Khơ me Đỏ gây ra. Có lẽ cuộc chiến Việt Nam khủng khiếp vẫn gây ấn tượng về sự hủy diệt. Trên có dòng chữ “If you want peace work for justice” (Nếu bạn muốn hòa bình, hãy làm theo công lý)…

Rất nhiều du khách tò mò đứng lại nhìn ngôi lều, đọc những thông điệp. Nhân cơ hội đó, một thanh niên cao ráo, đẹp trai, đeo kính đen kịt tranh thủ thuyết giảng về tôn chỉ hoạt động của bà Connie Picciotto. Tôi tiến lại gần và hỏi anh bà Picciotto đang ở đâu, anh ta chỉ nói bà không ở đây và liên tục đứng chắn cửa lều. Anh chàng cũng không nói tên là gì mà chỉ cười thân thiện và nói, “tôi là một trong những người bạn của bà Connie”!

Một người thạo tin đứng gần đó cho biết, bà Picciotto vẫn yếu do cú đụng xe taxi vào tháng 4 năm nay.

Anh thanh niên đẹp trai này đang thực hiện đúng phương châm của bà Picciotto: cho phép tất cả những ai muốn chụp ảnh, nhưng có một cái giá: Họ cần phải lắng nghe. Một số du khách lắng nghe một cách lịch sự, sau đó đề nghị được chụp ảnh chung. Anh thanh niên vui vẻ đồng ý và đứng lên chụp ảnh với phong cách rất “xì tin”, nhưng không hề bỏ kính.

Bà Connie đang nói chuyện với học sinh tham quan Nhà Trắng. Ảnh: washingtonpost.com
Bà Connie đang nói chuyện với học sinh tham quan Nhà Trắng. Ảnh: washingtonpost.com.

Được biết, bà Connie Picciotto và những người đồng chí hướng với mình còn có một “đại bản doanh” ngay tại Washington DC. Đó là một ngôi nhà được đặt tên là “Nhà Hòa Bình”. Thường xuyên ở đây có khoảng 10 người ở, họ sống rất kỷ luật. Vào lúc phong trào lên cao, có tới gần 40 người ở đây.

Ngôi nhà đó có một lịch sử khá ly kỳ. Nó là của ông William Thomas – người đi trước bà Connie Picciotto trong việc biểu tình dài ngày – được thừa kế. Cho đến nay, ngôi nhà này đang bị tranh chấp giữa một bên là bà Ellen Benjamin – vợ và là người đồng chí của ông; với một bên là bà Picciotto và những người bạn. Đây là một câu chuyện dài xin được kể sau. Thế mới biết, đằng sau những sứ mệnh cao cả, không tránh khỏi những phiền muộn đời thường.

Trở lại đại lộ Pennsylvania. Ngoài hàng trăm du khách, còn có thêm hai người đàn bà nhiều tuổi đang giương lên một biểu ngữ bằng dáng vẻ vô cùng nghiêm túc. Căn cứ theo tấm biểu ngữ thì thấy họ đang đòi tự do cho một nhà đấu tranh vì nhân quyền ở Mỹ – bà Lynne Stewart. Hành trang của họ là mấy chiếc túi lỉnh kỉnh những nước uống, cà phê và hình như có cả thức ăn nhanh.

Ngay trên đại lộ là một nhóm phóng viên truyền hình đang dàn dựng chương trình. MC và kỹ thuật viên đang thử micro và thiết bị quay. Nhưng họ không có ý định quay ngôi lều của bà Picciotto cũng như cuộc biểu tình của hai bà đứng tuổi. Một viên cảnh sát đứng ngay đó cũng tỏ thái độ hết sức thờ ơ. Xa xa, hai chiếc xe với 4 viên cảnh sát khác cũng trong trạng thái nghỉ. Tóm lại, ai chăng biểu ngữ cứ chăng. Ai diễn thuyết cứ thuyết. Ai ngắm nghía và chụp hình với ngôi Nhà Trắng danh tiếng cứ chụp. Chỉ có điều không được leo qua hàng rào (từ đó vào tới cửa Nhà Trắng khá xa, khoảng 200m). Du khách luôn tò mò, và hoạt động biểu tình trước cửa Nhà Trắng cũng là một trong những điểm nhấn cho trí tò mò của họ vậy.

Không phải sống – mà là sống sót

Người đồng chí hướng của bà Connie chụp ảnh với du khách rất “xì tin”. Ảnh: lê anh hoài
Người đồng chí hướng của bà Connie chụp ảnh với du khách rất “xì tin”. Ảnh: lê anh hoài.
 

Người đi trước bà Picciotto là ông William Thomas. Tại đại lộ Pennsylvania – hoạt động phản đối chiến tranh của William Thomas đã khiến ông được coi là hàng xóm gần gũi nhất với một loạt các Tổng thống.

William Thomas là một kỳ quan đối với nhiều du khách và các nhà báo - người đàn ông vô gia cư để tóc đuôi ngựa và râu rẻ quạt, ánh mắt dữ dội. “Rất nhiều người có thể nghĩ rằng tôi bị điên”, ông từng nói với tờ The Washington Post, “và tôi liên tục đặt câu hỏi về sự tỉnh táo của tôi.”

William Thomas Hallenback Jr, sinh ngày 20 /3/ 1947, ở Bắc Tarrytown, New York. Ông từng mô tả mình là một cựu người nghiện ma túy có hồ sơ tù trải dài từ New York (hành vi trộm cắp xe hơi) đến Ai Cập (hành vi vi phạm visa).

Hai người đàn bà đang lặng lẽ biểu tình. Ảnh: lê anh hoài
Hai người đàn bà đang lặng lẽ biểu tình. Ảnh: lê anh hoài.

Sau khi ném hộ chiếu của mình xuống sông Thames ở London – một hành động biểu trưng cho việc từ bỏ quốc tịch Mỹ, ông bị chính quyền Anh trục xuất và tới Washington vào năm 1980 (bà Picciotto tới đây sau một năm – 1981). William Thomas, xuất hiện ấn tượng với tấm pa nô: “Trí tuệ và trung thực bị truy nã” và quyết định thực hiện cuộc biểu tình vĩnh viễn trước cửa Nhà Trắng. Sau đó ông tạo ra biểu ngữ: “(Những người) Sống với bom, (sẽ) chết với bom”.

Thomas cũng như Connie Picciotto, qua nhiều năm tháng, đã phải chịu đựng cả những trận bão tuyết, mưa lớn, nắng nóng, khí thải giao thông, chuột cống, nghe nói có cả sự giám sát sẵn sàng của mật vụ bắn tỉa (điều này không bao giờ được xác nhận, nhưng chính bà Picciotto vẫn luôn đội một chiếc mũ bảo hiểm vô cùng cũ kỹ).

Bà Connie Picciotto đến trước cửa Nhà Trắng sau ông ít lâu. Ông Thomas nói với một phóng viên rằng bà đến và đã giúp ông chăm sóc cho đôi chân, và ông đã tìm thấy bà “như một bác sĩ”. “Cô ấy tin tưởng tôi,” ông nói. “Tôi là người duy nhất trên thế giới, cô tin tưởng.”

Có lẽ vì tình cảm đặc biệt đó, nên bà Connie Picciotto và bà Ellen Benjamin – vợ ông Thomas – luôn như mặt trăng mặt trời.

Năm 1984, Ellen Benjamin, khi đó là một quan chức của Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia, đang liên kết với Liên đoàn Quốc tế Phụ nữ vì Hòa bình và Tự do, nhìn thấy ông Thomas khi cô đi qua Quảng trường Lafayette. Có thể là sét đánh, họ nhanh chóng kết hôn, chỉ sau ba tuần. Tuy nhiên, cho đến giờ, bà Picciotto vẫn khẳng định, động cơ thực sự của bà Ellen Benjamin là “khai thác William Thomas” (?!). Còn bà Ellen Benjamin, sau cái chết của chồng (ông chết vì bệnh phổi ở tuổi 61), đã từ bỏ cuộc biểu tình ở lề đường Pennsylvania. Và hiện nay đang ra giá cho bà Connie và bạn bè về ngôi nhà Hòa Bình.

Có một điều lạ: Thomas đã từng bị tòa án kết tội. Tòa án đứng về phía yêu cầu bồi thường của Chính phủ. Trong bản án, Thomas là “một người cắm trại vi phạm quy định Liên bang”. Ông đã phải chịu ba tháng tù cùng với Benjamin. Tuy nhiên sau đó họ vẫn tiếp tục ở đây. Còn bà Connie Picciotto thì không bao giờ phải đi tù, qua 4 đời Tổng thống Mỹ: George HW Bush (bố), Bill Clinton, George W. Bush (con), Barack Obama.

Hiện nay, bà Connie đã 77 tuổi. Sức khỏe ốm yếu hơn kể từ khi bà bị một chiếc taxi va quệt hồi cuối tháng 4/2013. Báo Mỹ viết, bà vẫn đau vai, chưa hồi phục từ vụ tai nạn. Bà vẫn không thôi hy vọng rằng ông Obama có thể là Tổng thống đầu tiên gặp bà và lắng nghe câu chuyện của bà. Sau khi Tổng thống Obama tái đắc cử, bà đã viết cho ông một lá thư.

Trong nhiều năm qua, bà Connie sống chủ yếu ở trên đường phố. Bà cũng như Thomas sống bằng lòng hảo tâm của những người đóng góp tiền, quần áo và thực phẩm. Họ ngủ trong công viên, lén lút. Gần quảng trường có một cửa hàng bánh, các nhân viên thường cung cấp cho các nhà hoạt động thức ăn thừa. Họ tắm tại nhà bạn bè.

“Chúng tôi đã không sống - chúng tôi sống sót,” Connie nói.

Có lẽ đó là cái giá bà phải trả, cho một hành động đấu tranh gần như vô vọng 32 năm qua. Nhưng rõ ràng, cũng là một kỳ tích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.