Cận vệ của Dã Đại vương

Cận vệ của Dã Đại vương
TP - Có một người tự nguyện hầu hạ một cây dã hương được vua nhà Lê phong là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”...

Tôi đứng dưới tán cao rợp của cây dã hương cổ thụ  và bỗng cảm thấy ngợp trước sức sống ngàn năm của Dã Đại vương. Trong ngọc phả của thôn Giã, huyện Lạng Giang, Bắc Giang còn có ghi giấy trắng mực đen rằng, Vua Cảnh Hưng nhà Lê (1740-1786) khi vi hành, thấy cây dã hương to, đẹp, sắc phong cho cây là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương”, nghĩa là cây dã hương lớn nhất nước.

Giờ đây, ở thế kỷ hai mốt, Dã Đại vương vẫn sừng sững một góc làng, uy nghiêm và có chút gì trầm mặc, kiệm lời của kẻ chứng kiến quá nhiều chuyện bể dâu. Một trong những người biết rõ về Dã Đại vương nhất ở thôn Giã này chẳng phải ai khác ngoài ông Nguyễn Văn Đề.

Ông Đề đang ngủ trưa nhưng bật dậy ngay khi tôi hỏi về Dã Đại vương: “Tôi tự nguyện làm cận vệ  cho cụ cây từ lâu rồi. Ở cái làng này ai cũng gọi cây dã hương nghìn tuổi này bằng cụ.

Ngày xưa, cụ kỵ của tôi kể với cố nội của tôi, rồi cố nội kể cho ông nội tôi, ông nội  tôi kể cho tôi. Sau này, nhiều nhà khoa học về đây đo tuổi cụ Dã, phỏng đoán khoảng bảy trăm đến một ngàn tuổi...”.

Chẳng biết duyên phận thế nào, nhà ông Đề lại sát ngay cụ Dã. Tuổi thơ của ông có biết bao kỷ niệm gắn với cụ cây ngàn tuổi này. Hồi ấy, chim chóc kéo về làm tổ trên những cành lá dã hương sum suê.

Ông Đề kể: “Trẻ con bọn tôi hồi ấy ngày nào cũng chơi đùa bên cụ cây. Tôi còn nhớ chim sáo đen mỏ bạc, sáo mỏ vàng chân chì, chào mào, chích chòe... hót râm ran trên cây. Sau này, dân làng dùng thuốc chuột nhập từ Trung Quốc để diệt chuột ngoài đồng, chim tha mồi về cho con cũng dính thuốc chuột. Vì thế, cây dần vắng bóng chim”.

Cây dã hương cao 30m, đường kính 2,59m, chu vi thân chỗ lớn nhất đo được 11m. Cây thuộc chi Cinamomum Camphora, loài long não, là loài cây quý hiếm, có chứa tinh dầu ở tất cả các bộ phận của cây. Trong bộ Từ điển Larousse của Pháp có in ảnh của cây này với lời thuyết minh: “Cây dã Tiên Lục- cây dã thứ hai thế giới”. Cây thứ nhất, già hơn (nhưng bị chết cách đây mấy năm) là ở châu Phi”.

Ông Đề trước đây làm nghề thợ mộc và lúc ấy cả vùng quê này còn bạt ngàn rừng. Rừng bị chặt phá dần, chỉ còn trơ trọi lại mỗi Dã Đại vương. Không trực tiếp vào rừng chặt cây nhưng công việc suốt ngày xẻ gỗ đóng giường tủ khiến ông cứ nghĩ mình cũng đang tiếp tay cho  lâm tặc.

Cảm giác ấy cứ dằn vặt ông từng ngày. Thế rồi, ông quyết định nghỉ luôn nghề mộc để chuyên tâm vào trông coi, chăm sóc cụ cây. Ông tình nguyện làm nô bộc cho Dã Đại vương mà chẳng cần lương bổng gì, như một lẽ tự nhiên phải thế.

Năm  1989,  cụ cây được Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó xếp hạng di tích quốc gia cùng với đình Viễn Sơn, Phúc âm Tự ở xã Lạng Giang. Rồi sau đó Nhà nước rót hơn 2 tỷ đồng về để tu bổ, chăm sóc, làm đẹp cho Dã Đại vương. Cụ cây trở thành niềm tự hào không chỉ của xã mà cả tỉnh Bắc Giang. 

Khách đến tỉnh, từ các vị cấp cao đến thập phương hầu như đều được dẫn tới thăm Dã Đại vương. Công việc của ông Đề nhờ thế cũng được nâng tầm. Xã ký với ông một hợp đồng gồm nhiều điều khoản có triện đỏ với mức lương ba trăm nghìn đồng/tháng.

Ông Đề bảo: “Chẳng có mức lương ấy thì tôi cũng đã làm công việc này từ lâu rồi”.

Cận vệ 24 giờ và triết lý về Dã Đại vương

Ông Đề có nhiệm vụ bảo vệ Dã Đại vương 24/24 giờ, không để xảy ra bất cứ hành động xâm phạm nào tới di tích lịch sử cấp quốc gia này. Hàng ngày ông đun nước tiếp khách thập phương đến thăm cụ cây và nếu cần thì kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên. 

Ông Đề thầm tự hào, nhờ bóng Dã Đại vương, mình được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều văn nghệ sỹ và các chính khách nổi tiếng khi họ đến tham quan.

Tài tử giai nhân về đây cũng nhiều, có cả đôi kẻ phàm phu. Cách đây chưa lâu có hai vị khách đến đây, nhìn trước nhìn sau rồi rút dao định đâm vào Dã Đại vương.

Ông Đề lập tức ngăn lại, thì họ bảo xin một ít vỏ để nghiên cứu. Chỉ đến khi dân làng kéo đến, hai kẻ tự xưng là nhà khoa học nhưng chẳng hề có giấy tờ gì để chứng minh mới chịu bỏ đi.

Rồi dịp đầu xuân này, không ít người tới đây xin lộc bằng cách trèo lên bẻ cành Dã Đại vương. Ai cũng muốn chọn cành to bẻ. Vì thế đêm giao thừa Tết Kỷ Sửu vừa qua, ông Đề phải thức trắng đứng canh, không cho bất cứ ai bắc thang trèo cây hái lộc. Dân thường thì còn có thể nói, nhưng một số quan chức hàng tỉnh hàng huyện về cũng muốn xin tí lộc của Dã Đại vương.

Cận vệ của Dã Đại vương ảnh 1
Ông Đề kể cho du khách nghe về Dã Đại vương

Ông Đề kể: “Vừa rồi có một tay buôn gỗ từ Bắc Ninh lên đây đặt vấn đề muốn mua tất cả các cành khô của cụ cây để làm một công trình có tính tâm linh nào đó. Tôi bảo đây là di tích văn hóa cấp quốc gia nên ngay cả mua lá cây cũng không đơn giản. Tôi không có quyền bán, anh muốn mua thì đi hỏi Thủ tướng. Gã ngán ngẩm bỏ đi. Có kẻ còn đến đây gạ tôi mua cành khô đã gãy xuống. Chỉ cần tôi chịu xác nhận đây là cành khô của cây dã hương nghìn tuổi, gã sẽ trả nhiều tiền. Tôi trả lời, chốn này không phải để mua bán”.

Ông Đề rất nhớ mỗi cành gãy của Dã Đại vương, thường rơi vào những thời khắc trọng đại của đất nước: “Các cành gãy này đều không phải vào ngày mưa to gió lớn, không phải do mối mọt. Tôi không nói chuyện tâm linh nhưng các cụ ở làng này nghiệm thấy mỗi cành gãy đều gắn với một sự kiện lịch sử của đất nước.

 Cành thứ nhất gãy vào năm 1945, đúng lúc Nhật đảo chính Pháp rồi Cách mạng tháng Tám diễn ra.

Cành thứ hai gãy vào năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Năm 1964 vào hai giờ chiều, lúc chúng tôi đang hát “Bài ca may áo” thì một cành lớn gãy, ứng vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Tháng Bảy âm lịch năm 1969 gãy một cành lớn trên đỉnh ngọn, ứng với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Năm 1975 gãy một cành phía trên cũng là lúc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ba giờ năm phút chiều 22/6/2006, gãy một cành trên đỉnh ngọn chếch về phía Nam thì ngày 7/1 Việt Nam vào WTO”.

Ông Đề dường như có thể bắt mạch được sức khỏe của cụ cây. Những lúc cụ khỏe mạnh hay trái gió trở trời, nhìn vào màu sắc lá cây, ông cũng đoán được phần nào. Những biến cố về sức khỏe của Dã Đại vương ông vẫn  nhớ rõ.

Năm 1982, những đốm lửa nhỏ do trẻ con đốt dưới gốc cây khiến cụ suýt đi.  Đêm ấy khói thơm từ thân Dã Đại vương bay khắp làng. Mọi người phải đục cả lỗ đổ nước vào nhưng lửa vẫn cháy. Đến khi xe cứu hỏa của tỉnh xuống, đám cháy mới được dập tắt. Năm 2006 lại nạn sâu  cước ăn hết cả những chồi lộc non vừa mới nhú, phải phun thuốc mãi mới hết.

Rồi Dã Đại vương nghìn tuổi lại gặp cái hạn bị mối đục thân. Huyện Lạng Giang mời các nhà khoa học của Trung tâm Đa dạng Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, về để nghiên cứu và đưa ra những phương án bảo tồn và đặt rất nhiều hộp nhử mối, mọt để bảo vệ cho cụ cây.

Ông Đề có một cuốn nhật ký ghi lại chuyện và cảm nhận của mình xung quanh Dã Đại vương. Ông thường đắm chìm trong suy tư lúc ngồi đầu hè, hút thuốc lào vặt trong mùi dã hương thơm nhẹ lan tỏa dưới ánh trăng suông.

Ông Đề chỉ cho tôi cái lỗ thủng trên thân Dã: “Cái lỗ này dẫn vào thân cây rỗng chứa được hơn hai mươi người đấy”.

Tôi bỗng nhớ tới một đoạn trong cuốn sổ nhật ký mà ông Đề cho xem: “Có ba cháu nhỏ hỏi mình: Bác ơi tại sao thân cây rỗng mà nó vẫn sống lâu. Mình trả lời: “Các cháu ạ, nó rỗng nên nó sống lâu, cũng như các cháu cứ vô tư không ích kỷ, không ghét khi người khác hơn mình, vui buồn với niềm vui nỗi buồn của người khác, hãy bao dung và vui sống, sẽ sống lâu”...

Ghi chép của Phùng Nguyên

MỚI - NÓNG