Câu cá lăng thượng nguồn sông Mã

Anh Hà Văn Hình, bản Buốn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) chuẩn bị cần câu để đi câu cá lăng ở sông Mã
Anh Hà Văn Hình, bản Buốn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) chuẩn bị cần câu để đi câu cá lăng ở sông Mã
TP - Dọc sông Mã, từ huyện miền núi Cẩm Thủy đến huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), loài cá lăng sinh sống tự nhiên trở thành 'con cá vàng' đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ven sông, bởi nó đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Anh Hà Văn Hình, bản Buốn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) chuẩn bị cần câu để đi câu cá lăng ở sông Mã
Anh Hà Văn Hình, bản Buốn, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát (Thanh Hóa)
chuẩn bị cần câu để đi câu cá lăng ở sông Mã.


Canh ba câu cá

Ba giờ sáng, anh Hà Văn Hình- một thợ câu cá lăng có tiếng ở bản Buốn đánh thức chúng tôi: Dậy đi ra sông câu cá thôi!

Ngoài hiên nhà sàn, một bó cần câu (loại dài tới 3m) đã được anh Hình chuẩn bị sẵn cùng chiếc xô nhựa và một túi mồi. Theo chân những người trong bản men theo lối mòn ra phía sông Mã, chúng tôi bước vào cuộc khám phá.

Anh Hình cho biết: “Cả bản Buốn, bản Chiềng Cồng, bản Tén Tằn của xã này có hàng chục người làm nghề câu cá lăng chuyên nghiệp dọc sông Mã. Mùa mưa cũng như mùa khô, cứ khoảng ba giờ sáng là mọi người gọi nhau í ới ra sông đi câu cá lăng. Đoạn sông từ trung tâm huyện đến xã Tén Tằn (giáp biên giới Việt- Lào) được đồng bào nơi đây gọi là: Khúc sông vàng, bởi vùng này có nhiều cá lăng”.

Anh Hình và nhiều thanh niên bản Buốn chọn vị trí câu cá lăng cách bản chừng 1 km. Tiếng reo vui khi câu được khiến cho không khí đêm nhộn nhịp. Đôi tay của anh Hình thoăn thoắt mắc những con cá chép, cá rô phi nhỏ vào lưỡi câu, rồi quăng ra phía mặt sông. Mười phút... rồi ba mươi phút trôi qua.

Anh Hình ngồi lặng lẽ hút thuốc lá, đôi mắt vẫn không rời chiếc phao trắng muốt, to như ngón tay cái đang nổi trên mặt nước. Chợt anh Hình nhổm dậy, ôm lấy cần câu giật phắt lên, một con cá lăng to như bắp tay mắc câu và rất chuyên nghiệp, nó được ném vào chiếc xô nhựa.

Trời rạng sáng, ánh nắng bắt đầu xuất hiện trên các ngọn đồi, anh Hình đã câu được 4 con cá lăng. Khúc sông trở nên rộn ràng hơn bởi âm thanh nói cười của nhiều người qua lại. Không trở về bản anh Hình cùng những tay câu ghé qua thị trấn Mường Lát để kịp bán cá cho các nhà hàng.

Anh Hình đặt 4 con cá lăng lên bàn cân, chiếc kim cân chỉ đúng 2 kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. “Giá cá lăng cũng biến đổi theo từng ngày, dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg. Hôm nay, câu được vậy là ổn rồi, chứ có hôm chỉ được một, hai con cá nhỏ thôi”- Anh Hình vui vẻ nói.

Xuôi theo sông Mã về huyện Quan Hóa, huyện Bá Thước, đồng bào ở đây có cách câu cá lăng độc đáo hơn, đó là câu chùm. Khoảng 12 giờ đêm, chúng tôi theo chân anh Hà Văn Mai, ở bản Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa) bước xuống mép sông Mã, nơi chân cầu Na Sài.

Sau khi mắc mồi vào hai mươi lưỡi câu to như que tăm trong vài phút, anh Mai rọi đèn pin ra phía mặt sông, chỗ nhiều ghềnh đá, rồi quăng cả chùm lưỡi câu về phía đó. Cột chặt xong sợi dây nối với các lưỡi câu vào một tảng đá lớn trên bờ, anh Mai cùng chúng tôi thong thả ra về.

- Vùng Hồi Xuân này có khoảng hai mươi người chuyên đi câu cá lăng. Loài cá này sống trong các ghềnh đá, ban ngày thì chúng trốn biệt trong hang, hốc đá dưới đáy sông, ban đêm mới đi kiếm ăn. Từ trước đến nay, người dân địa phương chỉ câu những con cá to (tức là làm mồi và lưỡi câu to). Vào mùa sinh sản của cá, đồng bào không ai đi câu cả. Nhưng có một khoảng thời gian, nhiều người dân thuyền chài ở mạn dưới lên đây dùng kích điện chà xát, đánh cá lăng một cách hủy diệt.

Buổi sáng, ra sông Mã nhìn thấy vô số xác cá lăng nhỏ như ngón tay nổi trên mặt sông thấy xót vô cùng. Sau đó, chính quyền và công an xã, huyện nhanh chóng xử lý nghiêm các đối tượng dùng kích điện đánh cá lăng, nên đến nay đã không còn hiện tượng này- Anh Mai trò chuyện.

Cả khúc sông Mã lập lòe ánh đèn pin của những người đi câu cá lăng, anh Mai bảo: Đồng bào ở đây ai cũng có một chỗ câu của riêng mình. Những người đi câu cắm câu chùm dọc bờ sông Mã rồi về thôi, nhưng không ai lấy của ai. Sớm mai ra nhổ câu, có người thì được cả một xâu cá, nặng tới ba, bốn kilôgam, nhưng có người chỉ được một, hai con vài lạng.

Những thợ câu cá lăng ban đêm ở Hồi Xuân, Quan Hóa (Thanh Hóa)
Những thợ câu cá lăng ban đêm ở Hồi Xuân,
Quan Hóa (Thanh Hóa).


Cá lăng xóa đói

Cá lăng- một loài cá thuộc họ da trơn, có thịt trắng, thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Tại Thanh Hóa, loài cá này sinh sản tự nhiên ở đoạn sông Mã chảy qua mấy huyện vùng cao. Nghề câu cá lăng trên sông Mã đã tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nơi thượng nguồn con sông này.

Cá lăng đang là loài cá có giá bán cao nhất ở khu vực này, giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo. Vào mỗi mùa khô, khi nước sông Mã cạn và trong vắt lại là một mùa câu cá lăng thuận lợi, bội thu của các thợ câu nơi đây.

Hiện nay, sức tiêu thụ loài cá đặc sản, thơm ngon này rất lớn, bởi hằng ngày người buôn vào các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát để mua cá lăng, cung cấp cho các nhà hàng, chợ hải sản ở Hà Nội. Được biết, mỗi ngày tại các huyện này, bà con xuất bán khoảng hơn 200 kg cá lăng cho thị trường ngoại tỉnh.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.