Cầu hiền

Cầu hiền
TP - 10/10/1947,  giặc Pháp bắt đầu tấn công ồ ạt căn cứ địa Việt Bắc: máy bay, tàu chiến, xe tăng và một vạn quân tinh nhuệ hòng bóp chết các cơ quan đầu não và tiêu diệt quân chủ lực của ta.
Cầu hiền ảnh 1
Bác làm việc trong hang núi Việt Bắc, 1951

Cuộc tấn công lên Việt Bắc, giặc Pháp có gây nhiều khó khăn tổn thất cho ta. Cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh là một mất mát to lớn. Nhưng giặc Pháp đã thất bại, tháo lui khỏi Việt Bắc. ATK đứng vững trong thế trận và cuộc kháng chiến trường kỳ chuyển sang giai đoạn mới.

Hội đồng Chính phủ họp bàn để quyết định những vấn đề nhân sự cho các Bộ, việc phong quân hàm lần đầu tiên cho một số vị chỉ huy quân đội ta. Bác Hồ nhắc với vị Bí thư riêng: “Chú Tư đến trình bày với Cụ Bùi một số vấn đề, xin ý kiến Cụ. Rét giá tháng Chạp thế này, Cụ đến họp e sức khỏe của Cụ…”.

Nhưng Cụ Bùi rất vui nói với ông Tư: “Cụ Chủ tịch luôn chăm lo sức khỏe cho tôi, tôi càng gắng sức mình, còn được chút nào thì phải đóng góp vào công cuộc kháng chiến cứu nước. Quân dân ta vừa thắng lớn như vậy, tôi thật sự vui. Gian khổ mà vinh quang cho dân tộc…”.

Cụ Bùi dự họp suốt hai ngày từ 17 đến ngày 19/2/1948. Cả Hội đồng Chính phủ rất vui và hoàn toàn nhất trí với Chủ tịch nước và Trưởng ban thường trực Quốc hội: Quân đội nhân dân Việt Nam có quân hàm đại tướng, trung tướng, thiếu tướng.

Mà vị Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc họp hội đồng Chính phủ bừng lên một niềm vui ấm áp như xua tan cái giá rét mùa đông! Ngay hôm sau, 20/1/1948, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 110 (Sắc lệnh 110/SL, 20/1/1948) phong quân hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong dịp này, Hồ Chủ tịch có thơ:

Tặng Bùi Công

Khán thư sơn điều thê song hãn
Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi.

Kỳ họp Hội đồng Chính phủ lần sau vắng Hồ Chủ tịch, vì có công tác đột xuất. Nhưng ai nấy đều băn khoăn, lo lắng. Thực ra, Bác Hồ bị sốt cao, kéo dài từ chiều ngày 28/2 sang ngày 1/3. Cụ Bùi Bằng Đoàn hỏi riêng ông Tư mà biết được Bác bị sốt nặng gần như lần sốt ở Tân Trào tháng 8/1945.

Cụ Bùi  đã có bài thơ họa, gửi Hồ Chủ tịch, bài thơ không có nhan đề:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi

(Son sắt một lòng phù chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ muôn đời
Biết Người việc nước không dư rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc lui,

 ( Trần Đắc Thọ - dịch)

Cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh nhưng tình hình chiến cuộc Thu - Đông 1947, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận chưa tổ chức được lễ Truy điệu Cụ Tố – một danh nho chiến sĩ, Bộ trưởng, Trưởng ban thường trực Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sang tiết mạnh hạ - Bụt sinh, Cụ Bùi nhận được thư Hồ Chủ tịch, nhờ Cụ “sửa giùm”: Lời điếu Cụ Nguyễn Văn Tố!

Cụ Bùi mời Cụ Phan Kế Toại, Cụ Vi Văn Định để cùng hội kiến. Trong lúc chờ đợi Cụ Phan, Cụ Vi, Cụ Bùi thao thức thâu canh… Đêm chiến khu sâu biền biệt! Cạn ba ấm trà độc ẩm mà trời chưa sáng hẳn. Nước mắt Cụ Bùi nhỏ xuống từng dòng chữ Cụ Hồ:

“Kính gửi Cụ Bùi

Trưởng ban Thường trực Quốc hội

Thưa cụ

Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được. Vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế.

Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa, thì ta làm văn xuôi vậy. Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, cho nên cứ gửi để cụ xem.

Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp cụ, kính chúc cụ mạnh khỏe và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan2 và cụ Vi3

Chào thân ái và quyết thắng
5/1948
Hồ Chí Minh

“Lời điếu cụ Tố”

I.Than ôi

Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ
Mây phủ mê man, Thái Sơn ngừng biếc

Nhớ cụ xưa

Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu
Thái  độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng
Phú quý, công danh, cụ nào có thiết

Đến ngày dân tộc giải phóng thành công
Thì cụ sẵn sàng ra tay giúp việc

Giữ chức Bộ trưởng  thì cụ ngày càng gần gũi nhân dân
Đại biểu Quốc hội thì cụ luôn luôn tính bàn kiến thiết

II. Dân ta hết sức tôn trọng hòa bình
Giặc Pháp dã tâm gây nên lưu huyết
Từ ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ
Thì cụ tâm tâm hô hào đoàn kết

Lũ Tây gặp nhà là đốt, gặp của là vơ
Thấy làng thì phá, thấy người thì giết

Non sông gấm vóc há cam lòng chịu đọa đầy
Con cháu Lạc Hồng nào để thực dân khinh miệt
Ngày này qua tháng khác, cụ đi động viên tinh thần dân chúng khắp xa gần
Xứ Bắc đến miền Nam, cụ đã trông thấy sức kháng chiến ngày thêm mãnh liệt.

III. Quân địch ào ào tấn công
Trong vùng cụ đang làm việc
Chúng tra tấn cụ, cực kỳ tàn khốc dã man
Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt
Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa.

Cụ đã hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu vẻ vang bất diệt
Với cụ, dân tộc mất một người chiến sĩ, thế giới mất một người danh nho.

Cho nên Chính phủ khôn xiết nỗi buồn rầu, đồng bào khôn xiết lòng thương tiếc.

IV. Tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh cụ mà hứa rằng:
Từ đây quốc dân đồng tâm càng thêm đồng tâm
Chính phủ ta kiên quyết càng thêm kiên quyết
Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn
Quyết tranh thống nhất, độc lập cho nước nhà

Việt Nam

Để anh linh cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng
Và nền dân chủ cộng hòa của nước nhà sẽ vững như vầng nhật nguyệt.

5/1948

Cụ Bùi đàm luận với Cụ Phan, Cụ Vi về “Bài truy điệu cụ Tố” thế nào không được biết tường tận. Ông Tư (Vũ Đình Huỳnh) là người được Bác Hồ cử đến nhận lãnh lời Cụ Bùi: “… Hồ Chủ tịch vừa khiêm nhường, vừa tín trọng tôi mà giao cho tôi “xem”, “sửa giùm” “Lời điếu cụ Tố”.

Tôi có hội diện Cụ Phan, Cụ Vi. Chúng tôi đều ứa lệ như Chủ tịch ứa lệ viết bài khóc Cụ ứng Hòe – Nguyễn Văn Tố. Bài văn chỉ tốc gang mà ý tưởng dài muôn dặm - đích thị Hồ Chí Minh.

Lớp chúng tôi được Hồ Chủ tịch tín trọng coi là bậc “học vấn cao siêu”. Chúng tôi nhận mà ngợp với Người. Về bài “Lời điếu cụ Tố”, chúng tôi trình với Hồ Chủ tịch chỉ một chữ “siêu” thay bằng chữ “sâu”: “Nhớ cụ xưa Văn chương thuần túy, học vấn “cao siêu” đổi là học vấn “cao sâu”

(Còn nữa)

Nhà văn Sơn Tùng

MỚI - NÓNG