Chàng trai mồ côi nghèo đỗ thủ khoa đại học

Chàng trai mồ côi nghèo đỗ thủ khoa đại học
TP - Bố mất từ khi chưa chào đời, hai mẹ con sống nghèo khổ gần hai chục năm nay, nhưng nghị lực học tập của Phạm Văn Đích (xã Hoàng Hanh, Tiên Lữ, Hưng Yên) khiến xóm làng nể phục. Đợt thi đại học vừa qua, Đích đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự với 28 điểm.

> Bách 'ngố' thủ khoa 30 điểm

Ngôi nhà rách nát của chàng thủ khoa mồ côi

Phạm Văn Đích bóc nhãn giúp mẹ. Nếu đi xoáy long nhãn thuê, mỗi ngày cậu kiếm được khoảng 100 nghìn
Phạm Văn Đích bóc nhãn giúp mẹ. Nếu đi xoáy long nhãn thuê, mỗi ngày cậu kiếm được khoảng 100 nghìn.

Vào nhà, phải lội qua ao

Chúng tôi đến nhà khi Phạm Văn Đích đang gò người trên chiếc giường rách nát, ôn tập tiếng Anh bên ánh sáng từ cửa sổ. Nhà của gia đình Đích mới được xây bằng gạch xi măng, lợp ngói, rộng gần ba chục mét vuông.

Trong nhà, chỉ có chiếc bàn bằng sắt, bốn chiếc ghế nhựa nhỏ, ba bốn bao ngô dựng một góc. Nắng nóng, chỉ ngồi nói chuyện, quần áo đã ướt đẫm mồ hôi. Từng đợt gió ngoài đường cuốn theo mùi nước đái bò theo vào trong nhà, khai nồng nặc.

Đích cho biết, dù mùi khai nồng nặc thốc vào nhà, nhưng hai mẹ con vẫn ăn ở, sinh hoạt trong căn nhà cấp bốn tồi tàn này.

Đường vào nhà của Đích luôn lầy lội
Đường vào nhà của Đích luôn lầy lội.

Muốn vào được nhà, Đích và mẹ phải vượt qua một vũng nước khá lớn. Đích bảo, trước đây chỗ này là ao, được lấp để xây nhà tình thương, khi mưa, nước dồn xuống, ngập đến tận đầu gối.

Có chứng kiến ngôi nhà của Đích, mới cảm phục nghị lực của cậu học sinh nghèo. Trên chiếc giường cũ, kê gần cửa sổ, tập sách vở tiếng Anh, Đích học buổi sáng vẫn chưa kịp gấp.

Đối diện chiếc giường là góc học tập của tân thủ khoa, nhưng đã từ lâu không sử dụng được, vì chiếc bàn nhỏ bằng gỗ ép dán đã mục nát.

Phạm Văn Đích và mẹ Ảnh: Trường Phong
Phạm Văn Đích và mẹ Ảnh: Trường Phong.

“Năm ngoái, Đích lĩnh được tiền học bổng một triệu đồng, mua được cái bếp gas còn lại trả nợ hết” – bà Tĩnh, mẹ của Đích cho biết.

Chiếc bếp gas là đồ hiện đại nhất trong nhà. Nhà của Đích, mỗi khi mưa, không khác gì ngoài sân. Vì thế, ngay trên nóc màn, hai mẹ con Đích phải căng nilon để chống dột. Chính giữa tấm nilon, vẫn còn một vũng nước khá lớn. Gầm giường được tận dụng xếp tre, gỗ, kéo hết chiều dài căn nhà.

Tất cả quần áo đều được treo và phơi ngoài hiên cùng hàng chục bao tải lõi ngô làm đồ đun nấu. Ngoài sân, hai tấm ngói xi măng được dựng lên làm bếp.

Khi trời nắng ráo, để tiết kiệm gas, hai mẹ con nấu nướng ở đây. Ở phía đối diện ngôi nhà, vài ba chiếc chum đựng nước được tận dụng, bên cạnh là bể nước mới được xây cùng thời điểm với căn nhà tình thương.

“Chụp ảnh có lộ cái gì không anh” – Đích cười hỏi. Bà Tĩnh bảo, Đích hơi vô ý, nhiều khi bạn gái học cùng lớp đến cũng cứ “quần đùi ra tiếp như thường”.

Nhưng, thực ra, Đích chỉ có vài bộ quần áo thay đổi hằng ngày, nên không phải lúc nào cũng sẵn hàng như nhiều bạn cùng trang lứa khác.

Liên tục lên hạng

Đích cho biết, “khi còn học lớp 9, lớp 10, em mê game lắm. Nhiều khi trốn cả học, đi gần chục cây số để chơi game. Lớp có mấy đứa con trai thì tất cả đều chơi game”.

“Nhà thế này, tiền đâu ra mà em chơi game?” - “Thông cảm với hoàn cảnh gia đình em, bạn bè trả tiền hộ” - Đích nói.

Từ bỏ chơi game, Đích học giỏi lên rõ rệt. Từ lớp 10A6 – một lớp học bình thường trong Trường THPT Trần Hưng Đạo, do học tập tốt, em được cô Huyền - giáo viên dạy Toán xin sang lớp 11A2 - lớp chọn do cô làm chủ nhiệm - để tiện theo dõi, bồi dưỡng kiến thức.

Sau đó, Đích tiếp tục được chuyển sang lớp 12A1, lớp chọn tốt nhất của trường. Cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bè bạn, đó chính là tiền đề giúp Đích có được thành công hôm nay.

Đi thi đại học, mục tiêu của Đích hướng tới những trường không phải nộp học phí nhằm giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Thế là, cùng với một người bạn, Đích đăng ký thi Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Thật may khi bạn học có người quen ở Hà Nội. Vì thế, lai kinh ứng thí, Đích không phải chi tiêu quá nhiều. Người quen này chính là người báo điểm thi cho Đích. Biết tin đỗ thủ khoa (Toán: 9, Lý: 9,5, Hóa: 9,5), nhưng Đích vẫn chưa khao được bạn bè vì tiền không có.

Những ngày này, Đích đi xoáy long nhãn giúp mẹ kiếm tiền. Mỗi ngày, Đích cũng kiếm được khoảng một trăm nghìn đồng. Đích bảo, số tiền đó tích trữ lại để sau này, khi đi học, mẹ còn có tiền ăn uống, thuốc thang lúc đau yếu.

Căn nhà lụp xụp của hai mẹ con Phạm Văn Đích. Ảnh: T. Phong
Căn nhà lụp xụp của hai mẹ con Phạm Văn Đích. Ảnh: T. Phong.

Nhà Đích chỉ có ba mảnh ruộng nhỏ. Mảnh bãi ven sông được chia, mỗi năm, hai mẹ con cũng chỉ kiếm được vài bao ngô. Vì thế, quanh năm suốt tháng, mẹ Đích đi làm thuê kiếm tiền.

Bà làm thuê đủ mọi thứ việc khắp làng trên xóm dưới. Bố Đích mất từ khi Đích chưa lọt lòng. Gần hai chục năm qua, trong căn nhà nhỏ, cũ nát đó, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Nhà không có tiền, phải rất lâu, Đích mới có một bữa cơm với thịt cá.

Mải tiếp khách, gần 12h trưa, mẹ con Đích mới ăn cơm. Bữa trưa chỉ có một bát đậu phụ năm nghìn đồng, nửa bó rau muống luộc cùng một bát nước mắm.

“Năm học lớp 11, em có chiếc xe đạp cũ đi học. Để ở nhà mới, không khóa cửa một lúc đã bị mất. Thế là, thầy cô, bè bạn lại đóng góp, mua cho một chiếc xe” -nghe mẹ kể lại chuyện cũ, mắt Đích ngân ngấn.

Bố Đích mất từ khi Đích chưa lọt lòng. Gần hai chục năm qua, trong căn nhà nhỏ, cũ nát đó, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Nhà không có tiền, phải rất lâu, Đích mới có một bữa cơm với thịt cá.

Mải tiếp khách, gần 12h trưa, mẹ con Đích mới ăn cơm. Bữa trưa chỉ có một bát đậu phụ năm nghìn đồng, nửa bó rau muống luộc cùng một bát nước mắm.

Đích kiên quyết không cho chụp ảnh hai mẹ con ăn cơm. Chỉ đến khi phóng viên cất máy ảnh đi, Đích mới chịu ngồi xuống mâm. Có lẽ em ngại đưa hình ảnh bữa cơm đạm bạc của gia đình lên báo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG