Chắt chắt tương phản

Chắt chắt tương phản
TP - Một nhà hàng khá sang nằm mé thị trấn Ba Đồn. Chưa đến 11 giờ trưa mà ô tô, xe máy dựng kín khoảnh sân trước sảnh. Nhà hàng phục vụ đầy đủ các món ba ba, rùa, rắn, đến mực, tôm hùm, hải sâm, và cả vây cá mập...
Chắt chắt tương phản ảnh 1
Vợ chồng ông Sỹ ngâm mình trong nước buốt vì kế sinh nhai

Bạn tôi giải thích: Đó là trước đây thôi. Còn bây giờ, người ta đến để thưởng thức các món bị lãng quên.

Độc món

Cua đồng rang muối, cá đồng vụn kho lá nghệ, thân chuối, thân đu đủ muối chua, cá giếc ăn gỏi, nhái, chẫu chàng xào măng tre... Nhân viên chạy bàn đưa đồ phục vụ “như mọi khi” mà bạn tôi gọi lên. Một chai rượu trong như mắt mèo thương hiệu Quảng Long nổi tiếng của vùng này.

Vài chiếc bánh đa bám đầy vừng nướng giòn mà dân trong vùng quen gọi là bánh mè xát. Một dĩa to ngào ngạt, thơm nức được đặt ngay ngắn chính giữa. Bạn tôi giới thiệu: Bữa hôm nay, chỉ độc món. Tất cả đều là chắt chắt.

Cái tục danh chắt chắt chưa gợi lên trong tôi điều gì. Nhưng nhìn vào chiếc dĩa to tướng trước mặt kia, tôi thấy chúng chẳng khác nhân của hến, ngao, hàu là mấy. Khác chăng, chúng bé xíu như những vỏ trấu màu ngà. Không biết đầu bếp chế biến món này ra sao mà khi bày lên bàn bắt mắt đến thế. Rau mùi, hành tây, ớt đỏ, sền sệt trong nước xốt cà chua vàng ươm, béo ngậy. Thân chắt chắt ngà đục hóa thân vào trong đó.

Bạn tôi bình: Món ăn này lâu nay dân trong vùng thường dùng, nhưng theo cách dân dã của họ. Nó hội đủ ngũ sắc, ngũ vị và ngũ khí... Chén rượu Quảng Long váng cườm quanh thành ly, nồng đốt vòm họng. Bánh đa giòn tan rôm rốp dưới tay thực khách.

Người ta lấy bánh đa xúc vào dĩa chắt chắt, dùng đũa gắp một ngọn rau thơm để lên trên và đưa vào miệng. Từ từ nhai để tận hưởng cái giòn tan của bánh đa, cái hương thơm đượm vị phù sa của vừng, cái ngầy ngậy của chắt chắt, trong một chút cay của ớt, một chút chua của cà, một chút nồng của tiêu, một chút thơm của hành...Và cảm giác như vũ trụ đã hội đủ trong vòm họng...

Dĩa chắt chắt bay vèo. Món thứ hai là chắt chắt xào với mít non lá lốt. Xưa nay, món này dành cho người nghèo. Mít non gọt vỏ, băm nhỏ, thêm một ít lá lốt thái mịn trộn đều xào với chắt chắt. Món này được dân nhậu phong là “đệ nhất dinh dưỡng” và “đệ nhất sạch”...

Thực khách vào nhà hàng ngày càng đông. Tiếng cười nói sau những ly rượu Quảng Long ngày càng rôm rả. Thấp thoáng dưới gian bếp kia, có hai phụ nữ, nón mê, áo quần ướt sũng trong cái lạnh buốt. Họ mang chắt chắt đến bán cho nhà hàng. Bạn tôi rút ví trả tiền một bữa ngon và no cho 4 thực khách chỉ hơn trăm ngàn và hẹn gặp lại...  Tôi theo chân hai phụ nữ kia hỏi đường về làng nghề chuyên bắt chắt chắt...

Vật vờ quanh cồn

Người chạy đò có tên là Lê Văn Thành, ngoài 50 tuổi, quê Quảng Lộc tỏ ra am tường về cái nghề bắt chắt chắt trên sông Gianh. Ông Thành nói với tôi, hầu hết dân trên các ốc đảo giữa sông nhờ chắt chắt mà cầm cự qua mùa thất bát. Nước mặn bao bọc quanh làng. Ruộng vườn canh tác nhờ nước trời là chủ yếu.

Có đến 7-8 cồn nổi giữa dòng Gianh, như Cồn Ngựa, Cồn Nâm, Cồn Két, Cồn Cưỡi, Cồn Sẻ... với hơn chục ngàn dân sống. Đa phần trong nhà đều có người sung vào đội quân cào chắt chắt. Chắt chắt rộ theo mùa và theo con nước.

Cứ như ông Thành nói, chắt chắt nhiều nhất và ngon nhất kéo dài chừng bốn tháng, từ tháng 3 cho đến tháng 7. Lúc đó chắt chắt đang ngậm sữa, béo tròn và thơm thịt. Chúng thường tụ thành mỏ quanh các cồn nổi giữa dòng Gianh. Cả trăm năm nay, chỉ các mỏ chắt chắt đó, người khai thác mỗi ngày một tăng, thế mà chắt chắt chẳng hề vợi bớt.

Tiếng là chắt chắt có mùa nhưng, vì miếng cơm manh áo, dân gần như khai thác chắt chắt quanh năm. Trong cái rét cắt da, cắt thịt, nhà hàng đặc sản mà tôi vừa ngồi tuyên bố với khách là chưa bao giờ hết món chắt chắt.

Thuyền giảm ga, tấp vào một bến sông. Ông Thành giới thiệu với tôi, đây là làng Tiên Xuân, gần 90% dân số sống nhờ nghề cào chắt chắt. Tôi ngồi trong mui đò, chỉ dám thò cổ ra ngoài. Mưa và gió quất hơi lạnh như kim châm rát mặt. Nhiều chiếc đò nhỏ chạy lừ lừ trên sông. Được một quãng, họ dừng lại và kéo lên một mớ tạp nham gồm rong, sạn và chắt chắt.

Ông Sỹ kể, năm năm trước, cứ trằn lưng cào chắt chắt mãi không đủ sức, nên bàn với vợ vay 1,4 triệu đồng để chăn nuôi. Ai dè, lợn gà chết cả. Nợ đến giờ vẫn chưa trả được...

Đổ vội mớ hỗn tạp ấy vào lòng thuyền, người đàn ông vội ném mớ lưới có răng cào bằng sắt xuống sông, tiếp tục cho thuyền chạy từ từ. Người phụ nữ chui ra từ khoang đò, ngồi phân loại ném trả lại sông rong và sạn nhỏ. Ông Thành lý giải: Đó là cách khai thác chắt chắt của những người khá giả trong làng. Còn lại, phần đông dân ở đây, cứ phải trầm mình bốn mùa như thế.

Tôi ghé nhà ông Phó thôn Nguyễn Văn Sỹ để nắm bắt tường tận hơn cái nghề cào chắt chắt. Đầu giờ chiều, gặp đúng dịp vợ chồng ông chuẩn bị đồ nghề ra sông cào chắt chắt. Gió từ sông buốt thấu xương. Ông Sỹ vác chiếc cào chắt chắt trên vai. Chị Nguyễn Thị Nghĩa, vợ ông tay cầm một chiếc sàng to và một nồi nhôm có dây buộc ra mé sông.

Chờ đò, ông Sỹ tâm sự, trầm mình dưới sông kia đều là những người không còn nổi một hạt gạo cho bữa cơm chiều. Ông Sỹ có sáu đứa con bằng đầu nhau. Tám miệng ăn trong gia đình chỉ nhờ vào những mớ chắt chắt bán được.

Con đò nhỏ chao trên mặt sông. Đủ áo len, áo khoác nhưng tôi vẫn gai lạnh. Sóng nước vỗ tung bọt trắng mạn đò. Vợ chồng ông Sỹ chỉ phong phanh một manh áo cũ... Ông vác cào nhảy ùm xuống nước. Nước ngang thắt lưng. Ông đưa tay đỡ vợ xuống. Họ cứ thế vục cào vào đáy sông và đi giật lùi ra chỗ sâu hơn.

Cứ chừng mươi phút, ông Sỹ nâng cào lên đổ vào chiếc sàng to trên tay vợ. Chị vợ nhặt nhanh những con chắt chắt bé hơn hạt cúc cho vào chiếc nồi nhôm nổi bềnh. Thấp thoáng phía xa, những người cào chắt chắt khác từng bước giật lùi dầm mình trong nước buốt đến ngang cằm.Tôi co ro trong mui thuyền như thế chừng một giờ đồng hồ rồi bảo người lái đò chở vào bờ...

Tầm chiều, ông Sỹ, vợ cùng mấy đứa con đang co ro bên bếp lửa. Một mớ chắt chắt thu được sau hơn ba giờ chỉ lưng chiếc rá nhỏ. Ông Sỹ cười, hai hàm răng đánh lập cập vào nhau: Tối nay mượn tạm gạo nấu ăn. Mớ chắt chắt kia ngày mai có người đến mua, bán được chừng 15 ngàn đồng, mua được năm lon gạo.

Chị Nghĩa ngồi bên góp chuyện: Nếu không có chắt chắt, giêng hai đến, có khi nửa làng bếp không đỏ lửa. Rét thế, chứ rét nữa cũng phải xuống sông. Nhà nào có thì uống tí nước mắm cho ấm khi đi cào chắt chắt. Còn không thì nhiều khi người cứng đơ, tím tái chẳng thể lên đò mà vào bờ được.

Phía thị trấn sáng choang ánh điện. Không biết nhà hàng đặc sản mà tôi ghé lúc trưa đã vãn khách?

MỚI - NÓNG