Chị dâu của trò Ơn

Chị dâu của trò Ơn
TP - Vì cảm phục tấm gương hy sinh oanh liệt của người học trò Trần Văn Ơn, người nữ chiến sỹ cách mạng có chồng hy sinh ấy đã nhận lời lấy chồng là anh trai thứ 8 của Trần Văn Ơn. Cuộc đời bà cũng từ đó gắn bó với mảnh đất Đồng Khởi Bến Tre.
Bà Thanh bên bức tượng Trần Văn Ơn
Bà Thanh bên bức tượng Trần Văn Ơn.

Bà là Đoàn Thị Đấu (Tám Thanh) 81 tuổi, chị dâu anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn và là mẹ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Huỳnh Minh Đoàn.

Nước mắt căm thù giặc

Ngày cuối cùng năm dương lịch, tôi tìm về Phú Thạnh, xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành (Bến Tre) với tâm trạng lâng lâng.

Ngôi nhà là nơi chôn nhau cắt rốn của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn hiện ra - như bao ngôi nhà vườn xứ dừa, trong vườn lúc lỉu bưởi da xanh đang rạo rực chờ Tết, sau nhà thấp thoáng bóng dừa cao. Vết tích một hố bom ngay trước sân vườn nhà. Tỉnh Đoàn Bến Tre xây dựng một nhà thờ nổi, bên trên thờ tượng Trần Văn Ơn. Nhà thờ tộc họ nằm phía bên trái nhà.

Thay lại bộ áo mới tươm tất, bà làm chúng tôi ngạc nhiên vì sự khỏe mạnh, nét mặt phúc hậu và minh mẫn. Bà vừa về bên Đồng Tháp, nghe con dâu điện báo có cán bộ tỉnh lên thăm, chúc Tết, hơn nữa cũng sắp đến ngày giỗ “chú Ơn” nên bà về. Chị Kim Em-con dâu bà khoe: Má làm thơ hay lắm, bên Đồng Tháp còn in cả tập thơ. Má nhớ chi li từng việc lớn nhỏ.

Dòng ký ức đưa bà trở về với vùng đất biên giới Ba Chúc, Tri Tôn (An Giang) nơi bà đã sinh ra. Năm bà 14 tuổi, xảy ra việc bọn Pháp và tay sai hãm hiếp cô em họ hơn bà hai tuổi chết đi sống lại. Căm thù giặc, bà làm mật báo viên, chỉ chỗ chúng cho Việt Minh tiêu diệt. Bà chỉ bắt hai tên ác ôn tay sai Giáo Danh và Đội Móc trả thù cho cô em họ và xóm làng.

Bà về Hồng Ngự (Đồng Tháp) sinh sống và hoạt động phụ nữ. Ngày 1-2-1948, tròn 18 tuổi, bà được kết nạp vào Đảng.

Hình như trong cuộc đời bà, số 3 là con số định mệnh. Năm 1953, chiến sĩ Huỳnh Văn Lến cùng bà lập gia đình. Đúng ba ngày sau, ông Lến quay về đơn vị, và mãi cho đến khi bà sinh con trai Huỳnh Minh Đoàn đúng 3 tháng thì ông mới bất ngờ về thăm. Chưa đủ 3 ngày sau, ông chia tay bà đi tiếp cho đến lúc hy sinh... Còn 3 ngày nữa là ký Hiệp định Genève, bọn giặc đã bắt ông Lến cùng nhiều cán bộ Việt Minh, mổ bụng...

Kể đến đây nước mắt bà chảy dài trên hai má nhăn nheo. Tiếp đến là giấc mơ hòa bình, thống nhất tan nát. Bọn giặc tráo trở, lùng bắt Việt Minh trả thù, bất chấp Hiệp định đình chiến.

Một mình ẵm con nhỏ, bà lặn lội khắp các nhà lao dò hỏi tin chồng. Đó là những tháng ngày cơ cực nhất của đời bà, tưởng chừng không vượt qua nổi. Cuối cùng bà cũng tìm được ngôi mộ hoang, bên trên kê hòn đá ghi tên họ của chồng...

Bà Thanh trước cổng nhà
Bà Thanh trước cổng nhà.

Làm dâu xứ dừa

Trong một buổi lễ truy điệu các chiến sĩ hy sinh năm 1960, anh Trần Công Thành (còn có tên Trần Văn Tín, sinh năm 1927) - anh thứ tám của Trần Văn Ơn đã để ý cô cán bộ đọc diễn văn... Năm 1962, trong lần học chính trị, ông Thành gặp lại người xưa. Tuy thầm thương, trộm nhớ nhưng ngày đó, trong bối cảnh hoạt động cách mạng, để gặp gỡ, tỏ một lời yêu là chuyện vô cùng khó. Nhờ tổ chức giúp đỡ, bà mới biết ông là anh trai trò Ơn.

Bà nhớ lại: “Tui dang dở một lần đò, lại nghe tin anh ấy đã hai lần lấy vợ vào các năm 1947, 1950 nhưng đều tan vỡ. Khó mà lấy nhau được”. Đến dịp kỷ niệm ngày trò Ơn hy sinh 9-1, bà phát động phụ nữ đấu tranh, đánh giặc trả thù cho trò Ơn. Một đêm, bà suy nghĩ: “Lấy anh trai trò Ơn là đúng tâm nguyện của mình, một gia đình truyền thống, anh hùng”...

Tháng 8-1964, đám cưới bà với ông Thành được tổ chức rất đơn sơ nhưng rất vui. Bà có với ông Thành ba người con là Ba Sơn, Tư Trung và Út Lê. Vợ chồng anh Trần Công Trung –Nguyễn Thị Kim Em hiện đang ở với bà tại căn nhà thờ Trần Văn Ơn. Ông Trần Công Thành mất năm 2007.

Tháng 5-1975, bà mới khăn gói về Phước Thạnh quê chồng làm dâu và sống đến ngày nay. Tảo tần thương khó, bà thức khuya dậy sớm để vượt qua cuộc sống khó khăn những năm đầu giải phóng và thời bao cấp. Ngay trong vườn nhà, bà lập đền thờ chú Ơn thầm lặng bên cạnh mồ mả ông bà cha mẹ.

Bà dành dụm từng đồng bạc, cộng thêm sự hỗ trợ của chính quyền hai tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre để quy tập xây mồ mả ông bà và lập nhà thờ họ khang trang như ngày nay. Rồi cũng chính tay bà đi tìm, sưu tầm từng tấm ảnh về Trần Văn Ơn, mua khung nhôm lồng vào treo bốn vách nhà thờ.

Bà kể lại : Hồi đó có nhà điêu khắc nhận làm tượng trò Ơn với giá 8 triệu đồng, nhưng bà chỉ để dành được 4 triệu. Sau khi ra Biên Hòa, Đồng Nai (quê cha của chồng) sưu tầm tư liệu về trò Ơn và dự lễ khánh thành tượng Trần Văn Ơn, bà quay về TP Hồ Chí Minh gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết (nay là Chủ tịch nước) kể chuyện làm tượng. Bí thư Nguyễn Minh Triết vui vẻ... trả dùm 8 triệu đồng. Thế là chú Ơn có cái tượng đứng trong vườn nhà, ngay trên hố bom ngày xưa.

Tiếp nối truyền thống gia đình, các thế hệ con cháu trò Ơn ngày nay học tập thành tài. Ngôi nhà càng trở nên trống vắng cô đơn. Chỉ mình bà lặng lẽ hằng ngày bên ghế đá và bia mộ cha mẹ, anh em, chồng. “Má đã làm xong bổn phận một người cộng sản, một con dâu hiếu thảo, một người chị dâu của trò Ơn... Còn sau này...”.

Nói đến đây, bà dừng lại khá lâu để lau nước mắt: Ngày ông Thành còn sống, má đã xin phép sau này má mất, được về quê Đồng Tháp để gần với mẹ, vì cả một đời má đã xa quê, xa mẹ.

Rồi má Tám khẽ ngâm câu ca dao: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều”. Chia tay chúng tôi, má Tám ra tận cổng; ngồi trên ghế đá, bàn tay má cứ vẫy vẫy suốt. Phía sau lưng má là ngôi nhà, đền thờ đỏ rực trời chiều gần tắt nắng, ngày cuối năm...

Vài nét về Anh hùng Trần Văn Ơn

Anh hùng Trần Văn Ơn sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, năm 1940, sau khi học xong tiểu học ở thị xã Mỹ Tho, Trần Văn Ơn lên Sài Gòn theo học năm thứ nhất bậc cao tiểu học tại trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Năm 1947 – 1948, anh tham gia phong trào học sinh yêu nước tại trường và gia nhập Hội học sinh sinh viên Việt Nam - Nam bộ.

Trần Văn Ơn đã vận động nhiều học sinh tham gia bãi khóa phản đối vua bù nhìn Bảo Đại, tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1-5. Anh được Đảng đoàn học sinh phân công đi học hè ở các trường tư thục để tìm quần chúng tốt, phát triển thêm mạng lưới cơ sở Hội học sinh Việt Nam.

Ngày 9-1-1950, Trần Văn Ơn dẫn đầu đoàn biểu tình với hàng trăm biểu ngữ, khẩu hiệu đòi quyền lợi cho học sinh, phản đối độc lập giả hiệu. Chính quyền Sài Gòn huy động cảnh sát và lính lê dương bao vây khu vực học sinh biểu tình. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. Trần Văn Ơn anh dũng hy sinh.

Ngày 12-1-1950, hàng vạn người dân Sài Gòn đã xuống đường dự đám tang Trần Văn Ơn và đây trở thành cuộc biểu dương sức mạnh, lòng căm thù của nhân dân Sài Gòn - Gia Định đối với giặc Pháp.

Ngày 23-3-2000, Trần Văn Ơn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.