Chị Huê 'xin gạo'

Chị Huê 'xin gạo'
TP - Ngày ngày, bất kể trời mưa hay trời nắng, cứ mỗi khi thùng gạo cứu đói gần hết, chị Huê (xã Phong Thu, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) lại đội chiếc nón lá, khoác thêm manh áo bảo hộ đi tới từng nhà trong thôn xin gạo.
Chị Huê 'xin gạo' ảnh 1
Chị Huê đang đút cơm cho mệ Truồng bị tai biến, liệt toàn thân

 “Ai chứ chị Huê thì cả xã đều biết. Chú đi vô thêm 5km nữa. Chị cũng mới tới nhà tui xin gạo về đó”, một người ven QL 1A chỉ dẫn chúng tôi tìm đến tận ngõ nhà chị Huê.

Căn nhà ba gian đơn sơ như bao ngôi nhà khác. Trên góc tường màu vôi trắng đã bạc nổi bật những tấm bằng khen. Chị Huê đang nhẩm tính lại số gạo, tiền góp được trong ngày.

“Bác Thỉ 5 lon, chú Hải 10 lon, dì Sáu 5 lon... Ra Tết nhà ai cũng khó, rứa mà vẫn xin được 100 lon gạo với 97 ngàn đồng, đủ để cầm cự giêng hai giáp hạt”. Chị lẩm nhẩm và chăm chú ghi lại từng lon gạo, từng ngàn bạc góp lại.

Cuốn sổ góp gạo hơn 15 năm nay là vật bất ly thân của chị. Đó cũng là cuốn sổ cứu đói, sổ tình nghĩa xóm làng của bà con trong thôn.

Đã hơn 15 năm làm Chi hội trưởng Phụ nữ, ngoài kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng và sổ trợ cấp hàng tháng, chị không nhận thêm một thứ gì ngoài tình cảm biết ơn của những hộ nghèo trong xóm và sự sẻ chia, đồng cảm của dân trong thôn, xã. Thu nhập cả nhà chị chỉ trông vào mấy sào ruộng, chục cây bưởi với vài con gà, con vịt. Thế nhưng, chị vẫn không quên các hộ còn nghèo khó.

“Nhà mình đắp đổi qua ngày cũng no bụng, nợ nần tí chút ít ra cũng nuôi được con ăn học. Nhà họ thì miếng cơm còn khó, mình bỏ công bỏ sức ra đi vận động bà con giúp đỡ người thì mấy lon gạo, người thì mấy ngàn mua bó rau, con cá.

Chuyện lá lành đùm lá rách, bình thường thôi mà. Chuyện chị Huê đi xin gạo, xin tiền thì nhiều lắm, như chuyện sang thôn bên xin gạo ông Trần Văn Hải, ông Hải kể: “Hồi trước chị qua thôn tui xin gạo, tui không biết nên không cho. Sau qua thăm đứa cháu bên đó, nghe kể trong thôn có chị Huê thường xuyên đi xin gạo giúp đỡ các hộ nghèo, tui thích quá, về kể cho khắp thôn. Từ đó lúc mô chị qua xin, thôn tui ai cũng cho. Tui ưng răng mà thôn mô cũng có người như chị thì người nghèo đỡ khổ”.

Người mẹ đẹp như cổ tích

Nấu vội bữa cơm cho đứa con trai lớp 9 đang học bồi dưỡng học sinh giỏi trên thị trấn, chị kể: “Tui có một đứa đang học sư phạm về giáo dục thể chất ở Huế. Thằng thứ hai mồ côi mẹ, thấy tội quá tui nhận về nuôi. Nhà hắn cũng ở trong thôn, mẹ tàn tật, ngày thường vẫn qua nhà tui xin cơm ăn. Lúc mẹ mất, thấy nó thui thủi một mình, tui bảo chừ cháu qua ở với dì, có chi ăn nấy, chỉ cần cháu học cho thiệt giỏi để mẹ cháu dưới kia mừng là được”.

Công việc trong nhà, chị chỉ cho cháu quét dọn nhà cửa, còn lại chị làm hết. “Thằng cu Thuần (đứa con nuôi của chị - PV) học giỏi Anh văn với lịch sử. Hắn thương tui, chọn học sử, nói với tui là học Anh văn phải mua băng đĩa, sách vở nước ngoài tốn nhiều tiền lắm. Tui bảo cháu giỏi môn chi thì học môn đó, dì nghèo thì nghèo nhưng cũng cố cho cháu học được. Chừ hắn đang học bồi dưỡng học sinh giỏi Anh văn của huyện đó chú” - chị Huệ nói.

Nấu xong bữa cơm tối cho đứa con nuôi mà chị quý như con ruột, chị lại vội vàng khoác chiếc áo quày quả qua nhà mệ già đơn thân trong xóm: “Con tui 9 giờ tối mới học về chú ạ. Tranh thủ qua xem mệ cơm nước răng. Đứa con mệ đi mô cả ngày chưa thấy về...”.

Bác Mai Ân, trưởng thôn An Thôn, thổ lộ: “Trong thôn có 42 hộ thì có bốn hộ nghèo, bốn hộ cận nghèo. Việc làm của cô Huê và chị em phụ nữ thật sự đã giúp đỡ được rất nhiều cho các gia đình khó khăn trong thôn”.

Có chị Huê xin gạo, các hộ khó trong thôn đỡ chao chạnh trong tháng giêng hai, trong mùa giáp hạt. Tấm lòng của chị nhen thêm đốm lửa ấm trong cái lạnh rớt cuối đông.

MỚI - NÓNG