Chiếc máy kéo mang tên 'Tháng Tám' và cuộc đời một trí thức yêu nước

Chiếc máy kéo mang tên 'Tháng Tám' và cuộc đời một trí thức yêu nước
TP - Ông và nhiều trí thức khác đã từ bỏ cuộc sống sung sướng ở các nước giàu có và cả những gì thân yêu nhất của mình để về nước tham gia kháng chiến. Những người  không có tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc nồng nàn sẽ không bao giờ hiểu được hành động của họ.
Chiếc máy kéo mang tên 'Tháng Tám' và cuộc đời một trí thức yêu nước ảnh 1
Kỹ sư Lê Viết Hường nghiên cứu động cơ Diesel

Ông đứng lặng trước nấm mồ người mẹ kính yêu vừa mất không lâu. Lặn lội hàng vạn cây số, sau mấy chục năm xa xứ ông mới về được quê hương Nguyệt Viên (Thanh Hóa), cái làng nổi tiếng mà tên gọi đã đi vào ca dao đất nước. Ông cúi đầu rất lâu như hối tiếc vì sự ra về chậm trễ của mình.

Bà con trong vùng nói về gia đình ông với sự nể trọng. Bố ông là cụ Lê Viết Tạo, đỗ Phó bảng kỳ thi cuối cùng của triều Nguyễn rồi làm một chức quan nhỏ trong triều. Bấy giờ người làm quan trong kinh thì gia đình ở quê không được chia đất. Mẹ ông tần tảo nuôi sáu anh chị em ông khôn lớn.

Do thông minh, chăm chỉ nên anh em ông đều đỗ đạt. Một điều đáng quý nữa, do là trong cuộc kháng chiến chống Pháp thần thánh, tất cả anh chị em trong đại gia đình trí thức của ông đều theo cách mạng.

Do học giỏi, ông được chọn đi du học tại Pháp, vào học trường Đại học Quốc gia Cầu đường – trường đại học danh tiếng xếp thứ 5 của nước Pháp và tốt nghiệp kỹ sư cầu đường năm 1939. Ông học tiếp trường Đại học Quốc gia Hàng không và lấy bằng kỹ sư hàng không năm 1943. Ông đã từng làm kỹ sư hãng Renault, Giám đốc chi nhánh nghiên cứu tại Hãng nghiên cứu Hàng không Pháp, rồi Giám đốc kỹ thuật Hãng sản xuất vật liệu composit.

Cũng trong thời gian ấy, ông đã lấy một người vợ Pháp và sinh được một người con trai mang cái tên Pháp Việt Le Viet Dominique Thanh.

Năm 1946, Hồ Chủ tịch thăm chính thức nước Pháp, ông và các bạn Việt kiều vô cùng vui sướng và hãnh diện. Ông và nhiều người muốn về giúp đất nước mới giành được độc lập. Bấy giờ Bác Hồ đã khuyên các ông học giỏi thành tài sau này về xây dựng quê hương và chỉ đưa về nước kỹ sư Trần Đại Nghĩa – người có chuyên môn có thể giúp ngay cho các công binh xưởng.

Năm 1950, biên giới Việt – Trung được giải phóng. Theo tiếng gọi của đất nước và theo lời mời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông đã trốn vợ con lên đường về nước. Từ Paris, được sự giúp đỡ của Hội Việt kiều, ông đi tàu qua Tây Đức và trốn sang Đông Đức, rồi từ đó về đến biên giới Việt – Trung. Đồng chí Trần Đăng Ninh đại diện Trung ương đón ông từ biên giới về Tuyên Quang – thủ đô kháng chiến, gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thế là sau 17 năm xa đất nước, ông đã về với quê hương về với kháng chiến. Ông đã phải ngậm ngùi chia xa người vợ và đứa con thân yêu vì một sự nghiệp lớn. Người vợ Pháp tất nhiên không thể chờ đợi người chồng ra đi không hẹn ngày về nên sau mấy năm đã đi bước nữa.

Con trai ông lớn lên ăn học và đã trở thành một bác sĩ vi phẫu thuật nổi tiếng ở Pháp và quốc tế. Sau khi hòa bình được lập lại, năm 1955, ông kết hôn với một cô giáo trường Trưng Vương, Hà Nội và có thêm 3 người con gái, tất cả đều thành đạt.

Sau khi về nước, ông được Chính phủ cử làm Giám đốc Viện Kỹ thuật tại Thái Nguyên, tiền thân của Bộ Công nghiệp sau này. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ. Đời một người trí thức theo cách mạng như ông cũng không ít trầm luân, nhưng dù ở cương vị nào ông vẫn là một nhà khoa học chân chính và sáng tạo.

Trong một lần tâm sự với chúng tôi, ông thổ lộ rằng ông muốn làm một người phát minh sáng chế chứ không phải là người giải thích, quảng cáo cho khoa học. Ông đã góp phần to lớn đưa Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đi lên, đáp ứng những đòi hỏi của thời kỳ xây dựng đất nước. Ông đã chủ trì thành công việc nghiên cứu và sản xuất động cơ diesel dùng cho máy bơm, ôtô, máy kéo.

Trong một bài viết, ông đã tâm sự rằng ông cảm thấy bứt rứt khi đứng nhìn bà con nông dân cả xóm, cả làng hò nhau kéo lê chiếu  máy bơm nước Liên Xô to đùng từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.

Ông muốn làm ra các động cơ nhỏ, dùng cho nhiều máy bơm công suất nhỏ hơn phù hợp với đồng đất nước ta để người nông dân chống hạn đỡ khổ. Ý tưởng ấy đã thôi thúc ông và các cộng sự chế tạo ra những chiếc động cơ diesel nhỏ trong điều kiện khó khăn của năm 1962.

Trong hoàn cảnh kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1969 – 1970, ông và cán bộ nghiên cứu Cục Cơ khí Bộ Công nghiệp nặng cho ra đời chiếc máy kéo đầu tiên ở Việt Nam mang tên “Máy kéo Tháng Tám”. Ông đã được Nhà nước thưởng nhiều huân chương và có lần được thưởng cả một chiếc xe đạp Thống Nhất.

Thời bấy giờ, phần thưởng chiếc xe đạp là khá lớn. Các đồng chí lãnh đạo Nhà nước đã đến nhà máy thăm và chúc mừng công trình của ông và tập thể cán bộ nhà máy. Từ năm 1962, ông được cử làm Giám đốc Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo.

Năm 1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt – Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2 do Hồ Chủ tịch chủ trì, ông được vinh dự thay mặt giới trí thức Việt Nam tham gia Đoàn Chủ tịch và đọc báo cáo nói lên quyết tâm cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Năm 1969 ông được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cơ khí Bộ Công nghiệp nặng. Năm 1971 ông được Nhà nước bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim cho đến ngày ông mất (1975).

Cuộc đời của kỹ sư Lê Viết Hường là tấm gương sáng của người trí thức yêu nước. Ông là một trong lớp trí thức đáng kính bên cạnh các tên tuổi Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu…, những con người hết lòng vì dân tộc, vì đại nghĩa, đầy trí sáng tạo đã làm sáng đẹp thêm hình ảnh người trí thức Việt Nam.

Tôi cũng như không ít người vẫn luôn tự hỏi vì sao từ trong nhung lụa, ông có thể chấp nhận hy sinh cả những cái thân yêu nhất để đến với kháng chiến, với cách mạng thanh thản như vậy. Chúng ta đã quen với những tấm gương quả cảm của bao chiến sĩ tiền bối, họ từng bị áp bức, đau khổ và đã vùng lên làm cách mạng.

Lớp trí thức như kỹ sư Lê Viết Hường thì lại khác. Họ được đào tạo từ những nước tư bản phát triển hàng đầu, họ có cuộc sống và việc làm dường như không chê vào đâu được. Nhưng họ đã từ bỏ nó và đi theo tiếng gọi của quê hương, của cách mạng.

Rõ ràng là hồn dân tộc và chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng đất nước đã khơi dậy những cái tốt đẹp nhất trong họ, đó là tình yêu, khí phách quê hương. Và thành công của sự nghiệp cách mạng hôm nay, trong đóng góp hy sinh to lớn của cả dân tộc có công sức quý giá của lớp trí thức đầu tiên của cách mạng này.

Trong những ngày tháng Tám lịch sử, viết về ông, tôi muốn nói lên tình yêu vô vàn và lòng biết ơn sâu nặng của chúng tôi – những người con cháu đã được ông giáo dục bằng chính tấm gương của cả đời mình.

Hà Nội tháng 8 năm 2007

MỚI - NÓNG