Kỳ 1: Thử giải mã dự cảm của nhạc sĩ Huy Du

Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Chiêm quan Bạch Long Vĩ
TP - Ấy là kiểu nói khác đi của việc tham quan chiêm bái cùng chiêm ngưỡng, và cũng là cách thử nói hộ mối thiện cảm của du khách khi liền sáu tiếng đồng hồ dập dềnh trên sóng biếc sóng lặng lẫn sóng lừng đột ngột nhô trong đường chân trời một vật xam xám bắt mắt: Đảo Bạch Long Vĩ ( BLV), pháo đài canh giữ vị trí tiền tiêu của Vịnh Bắc Bộ, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

BLV cách Hải Phòng 130 km về phía Đông Nam, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 110 km...

Kỳ 1: Thử giải mã dự cảm của nhạc sĩ Huy Du

Tôi cứ tha thẩn mãi chỗ hai cây đa, thoạt nhác như cây đa đôi mé bên trái trụ sở của Đoàn C52 Vùng 2 Hải quân trấn giữ đảo Bạch Long Vĩ.

Tha thẩn bồi hồi nghĩ đến cái năm xa, nhân một buổi ngồi với nhạc sĩ Huy Du, chúng tôi tò mò muốn biết duyên cớ lẫn những hoàn cảnh từng viết nên những ca khúc có sức xuyên thủng sự lãng quên của nhiều năm tháng Anh vẫn hành quân, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Việt Nam trên đường chúng ta đi, Nổi lửa lên em... Buổi gặp đó có cả GS Trần Quốc Vượng.

Khi gạn đến hoàn cảnh ra đời ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương... Nhạc sĩ Huy Du có hé cho chúng tôi rằng đó là một buổi trưa ông bệt xuống chỗ gốc đa của đơn vị hải quân giữ đảo Bạch Long Vĩ (BLV).

Trong âm thanh xé tai của lũ F.105E (Thần Sấm Sét) ngang nhiên xoẹt qua đảo BLV vào gây tội ác trong đất liền Hải Phòng, Quảng Ninh, ông liều chả muốn xuống hầm nữa...

Văn nghệ sĩ thời bom đạn ấy ra đảo mạn Bắc tức Vịnh Bắc Bộ nhiều. Nguyễn Khải ra Cồn Cỏ. Nguyễn Tuân đi Cô Tô... Nhạc sĩ cứ day dứt lấn bấn từ lúc đặt chân lên đảo, người chỉ huy đảo thân thiết nắm lấy tay chiến sĩ chúng tôi nghe danh anh, hát bài hát của anh đã lâu.

Anh làm một bài hát về đảo Bạch Long Vĩ này đi anh... Và trong cái buổi trưa chớm sang chiều dưới gốc đa ấy, giai điệu của Bạch Long Vĩ đảo quê hương hình thành...

Như các thế hệ người Việt, nhiều người từng biết, nếu không thuộc cả thì một vài đoạn ca từ của BLV đảo quê hương... Trong ca từ không có tiếng rít của bầy Thần Sấm Sét, cũng chẳng có bom đạn Mỹ ùng oàng đánh xuống đảo (từ năm 1965 đến năm 1973 có hơn 4.000 lần chiếc máy bay tàu chiến Mỹ oanh tạc BLV với hằng trăm ngàn tấn bom đạn.

23 máy bay Mỹ các loại bị quân dân đảo bắn rơi) mà chỉ tuyền một âm hưởng chủ đạo thiết tha. Là tâm tình của một người em gái hậu phương đảm đang mà nay hậu phương ấy bất đắc dĩ trở thành tiền tuyến... BLV đảo quê hương, em đứng trông biển khơi thôn xanh như phủ châu...

Tôi nhớ, giữa buổi chuyện, GS Trần đứng lên chìa cái ly rượu trắng về phía nhạc sĩ giọng cảm khái, người nhạc sĩ  mặc áo lính  với ngôi sao vàng trên mũ này có lẽ chưa hề bắn ngã một tên giặc thực dân nào, nhưng âm hưởng hào hùng của ca khúc Huy Du thì có sức mạnh hơn cả một binh đoàn.

Cái chất lãng mạn cách mạng trong hằng số âm nhạc của Huy Du giản dị như lời ru vậy! Trước lời khen tặng ấy, nhạc sĩ Huy Du chỉ nhũn nhặn rằng yêu cầu của đơn vị cũng chính là lòng tôi thôi thúc. Tôi viết cho đơn vị đảo cũng là viết cho chính tôi...

Chiêm quan Bạch Long Vĩ ảnh 1

Dưới gốc đa mà có thể nhạc sĩ Huy Du đã viết ca khúc nổi tiếng Bạch Long Vĩ đảo quê hương? Ảnh: Xuân Ba

Cây đa ngày ấy có phải gốc đa bây giờ? Tôi chả dám chắc... Nhưng nghe nói trụ sở tiểu đoàn 52, tiền thân của Trung đoàn 952 bây giờ, vẫn đứng chân tại nơi này từ khi thành lập (năm 1957), Trung đoàn trưởng 952, tiếng ở đảo lâu nhất, cũng mới từ năm 1985 đến nay.

Nhạc sĩ Huy Du cùng GS Trần đã thành thiên cổ... BLV đảo quê hương... Gió rì rào năm tháng... Gió thiết tha trùng dương, sóng mang đi ngàn phương, quê hương của rồng trắng, quê hương của hải đảo...  Buổi sinh hoạt chiều của bộ đội đoàn 952 bất ngờ  rộn rã giai điệu bài đảo ca BLV. Từ năm 1966 cả nước đã biết BLV qua ca khúc của Huy Du. 43 năm nay, BLV đảo quê hương trở thành tài sản chung của nhiều thế hệ người Việt.

Tôi lẩn mẩn nghĩ thêm đến cái tài dự báo của Huy Du. BLV đảo quê hương như một điềm triệu. Điềm triệu? Em mà năm Huy Du đưa vào ca khúc ấy, có thể là cô gái trong lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trong đất liền chi viện đột xuất làm công tác quân sự? Có thể là một xã viên trong hợp tác xã (HTX) đánh cá của người Hoa từ ngày bộ đội ta lướt sóng về đây, tay nắm chặt tay sẵn sàng chiến đấu (lời ca từ).

Những năm bom đạn ấy, nói gì thì nói, hòn đảo tiền tiêu BLV vẫn ăm ắp sự sống quân dân cá nước, vẫn nhịp nhàng hiệu quả của sự chung tay phối hợp của tình quân dân...

Rồi đùng cái, những ngày khó khăn, những ngày buồn mà bây chừ chả muốn nhắc đến.  Mùa nắng năm 1978, sau một ngày một đêm, hoặc hơn tôi cũng không nhớ kỹ, lử lả trên một con tàu đánh cá kiêm vận tải quân sự, tôi có mặt ở Bạch Long Vĩ trong nhóm báo chí được triệu tập đi công tác đột xuất.

Tình hình căng thẳng khi đó và những năm tiếp sau khiến rất nhiều người dân bỏ đảo ra đi.Dằng dặc mười mấy năm như thế chỉ có âm thanh hù hụ của gió xiết qua nòng qua họng súng các cỡ của các lực lượng bảo vệ đảo Bạch Long Vĩ!

BLV, âm thanh đó, địa danh ấy bao lần tự nhiên giật thột mỗi lúc chợt nhớ nhưng chả thể đến được ngay bởi những nhiêu khê ngày đàng gang nước hơn trăm cột số đường biển tính từ Hải Phòng, để rồi bây giờ, sau 31 năm ngơ ngác trước một BLV đang vỡ vạc dần hình hài của cuộc sống hiện đại.

Không nhận ra tí gì, đúng hơn, không sót lại chút nào dấu tích của những làng chài Hoa kiều. Hình như chỗ xóm chài xôm tụ nhất ngày ấy bây giờ là một âu tàu hiện đại với những khối bê tông sừng sững chắn sóng. Một xóm chài xơ xác khác bây giờ là trụ sở của đội TNXP BLV.

Ngẫm cảnh trước thấy việc nay để mà chợt giật mình ca từ của Huy Du như thứ điềm triệu. Điềm triệu nghĩa là đảo BLV phải hiện diện, phải thường trực một sự sống bình thường của lương dân. Nhỡn tiền bao nhiêu năm nay, BLV đang gắng gỏi trở thành đảo Thanh Niên. 

Hàng ngàn lượt nam nữ của Tổng đội TNXP BLV đứng chân từ những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, trong sự chở che, cũng là làm cái việc chung lưng đấu cật với trung đoàn bộ đội 952 trồng rừng đánh cá làm kinh tế, ngõ hầu làm thay đổi diện mạo hòn đảo hoang vắng diện tích hơn ba cây số vuông này.

Để trên những lối đi hun hút, ngàn xưa chỉ có gió bể hoang thả giàn và ẩn ẩn hiện hiện sắc xanh áo lính, nay chợt  thấp thoáng những eo lưng thon thon của các cô TNXP... Những eo lưng ấy là tín hiệu, là tiêu chí của sự sống sinh thái hài hòa mà thiên hạ đang gắng gỏi đạt đến.

Để có bóng thuyền đánh cá tứ xứ tấp nập vào ra trong âu cảng của đảo. Và cũng nên có thêm cả chất giọng lè nhè chót quá chén của đám thủy thủ, thuyền viên đánh cá vốn ăn sóng nói gió khật khưỡng ghé vào BLV để lấy thêm nước ngọt, xăng dầu, đồ ăn thức uống từ hệ thống dịch vụ mà những cư dân mới của đảo đảm trách để tiếp tục cho những chuyến hải trình mới. 

Để rồi có tiếng khóc của trẻ con trong khu gia đình mới xây. Để rồi dần dà hình thành âm thanh hỗn tạp nhưng ấm áp của cuộc sống thường nhật, trong những khu tập thể của hòn đảo Thanh niên BLV vv... 

Kỳ II. Đôi hồi bên phên dậu quốc gia

Nhỡn tiền bao nhiêu năm nay, BLV đang gắng gỏi trở thành đảo Thanh Niên. 

Hàng ngàn lượt nam nữ của Tổng đội TNXP BLV đứng chân từ những năm cuối 80, đầu 90 của thế kỷ trước cho đến bây giờ, trong sự chở che, cũng là làm cái việc chung lưng đấu cật với trung đoàn bộ đội 952 trồng rừng đánh cá làm kinh tế, ngõ hầu làm thay đổi diện mạo hòn đảo hoang vắng diện tích hơn ba cây số vuông này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.