Chiêm quan Bạch Long Vĩ

Chiêm quan Bạch Long Vĩ
TP - Tiện chân tôi ghé vào một căn nhà tuềnh toàng bên đường. Vì huyện đảo Bạch Long Vĩ (BLV) chưa có quy hoạch chi tiết nên nhà cửa của cư dân đảo hầu hết hẵng còn tạm bợ.

>> Kỳ trước

Kỳ cuối:  Chớ phụ những tấm lòng với đảo 

Chủ nhà là anh Đức, bộ đội đảo. Trong số hơn 60 gia đình thanh niên xung phong (TNXP) định cư tại đảo có 16 cặp chồng là bộ đội đảo BLV lấy vợ TNXP.

Chiêm quan Bạch Long Vĩ ảnh 1
Thanh niên xung phong Bạch Long Vĩ trong ngày hội ...

Đức quê Thanh Hóa, vợ Đức là TNXP đã chuyển việc khác. Hình như mọi thứ chi tiêu trong nhà Đức, hai vợ chồng với hai con nhỏ, đều trông chờ vào sạp hàng mắm muối rau cỏ, bia, nước ngọt choán gần hết diện tích căn nhà chật hẹp.

Bão hay gió lớn, sóng cao hoặc thời tiết xấu, dân đi biển méo mặt, nhưng nhiều sạp hàng của cư dân đảo trong đó có vợ chồng Đức lại mừng vì hàng bán chạy, dân đánh cá, vận tải dạt vào trú ở BLV khá nhiều.

Thu nhập mọi thứ, theo Đức, cũng chỉ đủ sống, nhưng vợ chồng anh dự định ở đảo lâu dài. Đức bộc bạch với khách rằng vợ chồng anh yên tâm bởi nghe đâu sắp tới có nhiều dự án kinh tế đầu tư cho đảo, huyện đảo lại cũng sắp có quy hoạch chi tiết.

Có quy hoạch nghĩa là nhiều hộ trên đảo như gia đình Đức được phép xây nhà khang trang hơn chứ không tạm bợ thế này...

Không xa nhà Đức là khu tập thể dành cho TNXP. Trong những căn hộ khiêm nhường thậm chí hẵng còn tuềnh toàng ấy tôi chợt bắt gặp những ý tưởng những dự định.

Anh Hậu TNXP, quê ở Tiên Lãng, nhiều năm nay theo học khoa Luật Kinh tế của một trường ĐH ở Hải Phòng. Mỗi tháng Hậu vào đất liền một lần mấy ngày để theo học. May mắn thì đi được tàu của đảo hoặc tàu khách. Không thì đi nhờ tàu cá.

Không ít lần đi nhờ tàu cá, gặp bão hoặc thời tiết xấu, Hậu dạt sang tận Quảng Ninh, lần thì dạt xuống mãi Thái Bình, gần nhất là Đồ Sơn, Hậu lại phải đón xe đò về Hải Phòng để kịp học. Ròng rã nhiều năm như thế, Hậu theo gần hết chương trình. Già năm nữa, Hậu sẽ tốt nghiệp.

Nhìn cái cười cởi mở của Hậu, tôi như đang ngồi trước một kỳ quan. Chứ không à, riêng hành trình của Hậu liên tục là BLV đi Hải Phòng rồi ngược lại. Mỗi tháng với mỗi lần đi như thế, khi tốt nghiệp Hậu đã chạm đến con số 17.000 km!

Tôi chợt nhớ đó là độ dài của đường cáp ngầm kết nối từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ. Chao ôi, hai cậu con trai của vợ chồng Hậu, chắc chắn sau này, nếu có đi học thì cũng không phải trải qua lộ trình nhọc nhằn như cha.   

Chiêm quan Bạch Long Vĩ ảnh 2
và bữa cơm liên hoan

Chuyện của Định, trai Hà Nội mắc nghiện hút nhiều năm. Cũng ròng rã gần mười năm quyết tâm cai nghiện. Để đoạn tuyệt với quá khứ đau thương, qua một bạn ở Hải Phòng, Định biết có lực lượng TNXP trên đảo BLV. Định xin ra đảo nhập vào lực lượng TNXP.

Tại đảo Định tìm được niềm vui lẫn hạnh phúc tưởng như vĩnh viễn rời bỏ những người nghiện hút. Định có gia đình, vợ hiền ngoan, hai đứa con kháu khỉnh. Ngồi cà phê với Định, tôi kín đáo cố săm soi, mặc dầu chẳng muốn, cố thử chộp một trích đoạn trong quá khứ xám xịt của trai Hà thành kia. Định chẳng giấu...

Nhưng luôn hiện hữu trước tôi, một người đàn ông có thân hình vạm vỡ chắc nịch vẻ kín đáo, lại có cái cười cởi mở... Tôi biết bờ vai chắc chắn kia không chỉ để gia đình bé mọn của Định tựa vào, mà còn giúp anh gánh vác bao việc trên hòn đảo mà Định quyết neo lại.  

Đêm cuối ở đảo tôi leo lên bậc cuối của ngọn hải đăng BLV. Chợt nhớ cái đêm đứng ở mũi Tachiao rực lên các cỡ đèn của đảo Hải Nam tự nhiên có cảm giác bồn chồn khi dõi  ra phía biển đêm tít mù.

Từ mũi Tachiao này chỉ 110 cây số (bằng đoạn từ Hà Nội đi Bỉm Sơn, Thanh Hóa), phía mạn đông đông nam kia là BLV. Cũng chỉ là cảm giác của một kẻ tha hương rằng đất nước mình gần thế sao tự dưng trước mình vời vợi một trùng dương.

Bây giờ đứng trên cửa sổ nhà đèn  Bạch Long Vĩ dõi theo luồng sáng xanh hải đăng quét về hướng Hải Nam tít mù kia, tự dưng có chút sốt ruột thế nào. Trong túi áo tôi đang cồm cộm cái báo cáo của huyện đảo. 

Bình quân mỗi năm thu hút từ 18-20.000 lượt tàu thuyền vào neo đậu tàu trú gió bão, trao đổi hàng hóa.

Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2007  đạt trên 100 tỷ đồng với mức tăng trưởng hằng năm 12 phần trăm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2007 đạt 19 triệu đồng thu ngân sách trên địa bàn đạt ba tỷ đồng.

Mới 16 năm thành lập, gắng gỏi ấy cũng là đáng kể. Nhưng vọng người mà ngó đến ta. Hải Nam, người Trung Quốc không gọi đảo mà là đặc khu kinh tế.

Hầu như tất cả các yếu nhân của Trung Hoa đều đặt chân đến Hải Nam. Chu Dung Cơ, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào,  Ôn Gia Bảo... Còn thế giới thì tấm tắc Hải Nam là Hawaii của phương Đông. Người ta kháo nhau Hải Nam là căn cứ quân sự có cả căn cứ tàu ngầm!

Nói vậy thì biết vậy, chả biết thế nào mà lần. Nhưng nhỡn tiền một đặc khu kinh tế tầm cỡ thế giới hằng ngày cứ ngồn ngộn sinh sôi. Nhà máy lọc dầu, khu du lịch, casino, cảng cá, khu chế biến hải sản... giăng giăng khắp mặt đảo. Cùng một thổ nhưỡng với thứ khí hậu na ná cũng là biển đảo, mà sự phát đạt của Bạch Long Vĩ, mà Cát Bà của Hải Phòng, lại vời vợi thế này?

Chiêm quan Bạch Long Vĩ ảnh 3
Rừng thông của thanh niên xung phong bén xanh trên đảo / Ảnh: Xuân Ba

Lẩn thẩn nghĩ thêm, chẳng phải là cam chịu tụt hậu nhưng, trước lúc kịp cho bằng chị bằng em, đại sự chưa thành thì đành hành tiểu sự, nghĩa là làm việc nhỏ trước.

Theo tài liệu của ngành thủy sản, dân nước mình 2/3 nguồn protein chỉ còn trông chờ vào nguồn lợi từ hải sản (chả thế mà bao đời nay đã hình thành ngạn ngữ mang tính xoắn bện biện chứng như cơm với cá như mạ với con...).

Như vậy, phấn đấu trong những năm tới, làm sao đạt chỉ tiêu để dân mình không mang tiếng còi cọc và suy dinh dưỡng, thì mỗi năm phải đạt tiêu chuẩn 35 kg cá cho mỗi đầu người. Trong các đầu mối khai thác nguồn lợi từ biển, một trong những nơi đắc địa của ngư trường Vịnh Bắc Bộ chính là BLV.

Chả phải ngẫu nhiên mà BLV được trên tin tưởng đặt trọng trách phải  gắng gỏi vươn lên chức phận là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ.

Có lẽ trước khi có sự đầu tư thích đáng những cú hích, những thứ kích cầu, mong các cấp có trách nhiệm lưu tâm đến lời tâm sự của  ông Bí thư Huyện đảo Cao Xuân Liên trước lúc chia tay.

Đề nghị trung ương và  thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội của huyện, chỉ đạo đầu tư tháo gỡ khó khăn về giao thông đi lại giữa đảo và đất liền, điện nước, đồng thời có chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ cán bộ giỏi ra đảo công tác...

Ra đảo Bạch Long Vĩ có lẽ chỉ còn trông chờ vào thanh niên.

Huyện đảo Bạch Long Vĩ vinh dự mang tên đảo Thanh Niên. Hàng ngàn lượt nam nữ TNXP thuộc Tổng đội TNXP Hải Phòng lần lượt làm việc tại đảo, mỗi nhiệm kỳ ở đảo thường là 3 năm. TNXP làm việc tại đảo không được hưởng tiêu chuẩn như công nhân viên quốc phòng và bộ đội. Theo nghị định về phụ cấp lương mới ban hành năm 2004,  mỗi người hằng tháng được hưởng 1.080.000 đồng. 01 bộ quần áo thu đông và 01 bộ xuân hè/ người/ năm.

60 gia đình TNXP đang sinh cơ lập nghiệp trên đảo. 35 em đang theo học từ phổ thông cơ sở (PTCS) đến phổ thông trung học (PTTH). Trong số đó, 15 em học chương trình PTTH tại cơ sở nội trú Đồ Sơn dành cho TNXP. Số còn lại đang học PTCS tại huyện đảo Bạch Long Vĩ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.