Chiêu thoát khó của Êm “Bảy Món”

Chiêu thoát khó của Êm “Bảy Món”
TP - Trong khi hầu hết các trang trại nuôi đặc sản khác lỗ vốn, sạt nghiệp, giải tán vì cung vượt quá cầu, chủ trại nhím Thanh Liễu lại mở lối tự nâng cấp bằng cách… phá chuồng xây lại quy mô hơn, khép kín dây chuyền sản xuất từ ổ đẻ cho tới... bàn nhậu.

> Lính công binh nuôi cá sấu
> 'Vua nhím' là Bí thư Đoàn

Hết thời vạn nhà nuôi nhím!

Vài năm trước đây, nghề nuôi nhím một vốn mười lời ào ào tràn lan khắp các tỉnh thành trên cả nước. Ngoài Bắc, Sơn La đi đầu phát động phong trào “nuôi nhím xóa đói giảm nghèo”, có lúc lên tới hơn năm nghìn hộ tham gia, xã nào huyện nào cũng lập Hội Nuôi Nhím, Câu lạc bộ Nuôi Nhím. Nghề nuôi nhím lan từ Sơn La sang Vĩnh Tuy, Hà Giang, Quảng Ninh, Nam Định rồi tràn xuống Nghệ An, Thanh Hóa …Trong Nam, lợi nhuận từ nghề nuôi nhím trên Tây Nguyên khiến các chủ đất sững sờ “nuôi nhàn mà lãi gấp mấy lần trồng cà phê” ! Nhím giống từ Đắk Lắk ùn ùn chảy ngược ra Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bắc Cạn; chuyển xuôi xuống Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Củ Chi; bò vào tận Vĩnh Long, Đồng Tháp, Kiên Giang v.v…Bắc Trung Nam đều mọc lên những “vua nhím”, “tỉ phú nhím giống” .

Anh Êm tuổi đã ngoài năm mươi, giờ vào vai cậu học trò nhẫn nhịn chịu nghe vợ con ồn ào chấm điểm, phê phán đắng, cay mặn, ngọt đủ điều. Nhờ vậy, anh biến thành đầu bếp số dzách, nổi tiếng với nghệ danh Êm Bảy Món lúc nào không biết!

Không giàu sao được, khi mỗi cặp nhím con mới hai tháng tuổi đã có thể bán với giá đôi ba chục triệu, mà cứ cặp ba, tức 1 nhím đực 2 nhím cái chỉ cần ăn rau củ quả đơn giản cũng đều đều mỗi năm đẻ tới 4-5 cặp nhím con, ngoan ngoãn dễ nuôi, chẳng ốm đau chi hết ! Nuôi tròn 1 năm, mỗi con nhím đã nặng tròm trèm chục ký. Mỗi ký hơi giá 800 nghìn đồng. Nuôi nhím thịt đã lời, nuôi nhím giống càng lãi khủng. Vậy nên có lúc “sốt nhím”, giá nhím giống lướt sóng lên tới 50-60 triệu/ cặp, người ta vẫn ào ào giành nhau mua.

Dù đã được cảnh báo trước, cơn say nhím cứ như đỉnh chứng khoán mê muội, thấm sâu tới nỗi… đùng một phát, thị trường bão hòa, các chủ trại giật mình muốn tháo chạy thì đã muộn. Giá nhím thong thả rớt , rớt sốt ruột, rớt cào ruột xé gan các chủ trại từng gom góp của cải, vay nóng vay nguội để xây chuồng, mua nhím giống với giá ảo vòi vọi, lãi suất cao ngất ! Nhím thịt Sơn La rớt từ 800 nghìn xuống 150-200 nghìn, nhím giống từ vài chục triệu tuột xuống còn 2 triệu một cặp vẫn chẳng có ai mua. Thương lái trước đây mua gom nhím xuất qua Trung Quốc bỗng biến luôn. Bán không được. Nhậu không nổi. Vẫn cứ phải mua thức ăn nuôi chúng, chờ phép lạ. Không dưới 95% chủ trại khóc vì nhím ế !

Liễu “một nghìn”, Êm “bảy món”

Ngược xuôi thăm lại và điện thoại hỏi vòng quanh một số “ triệu phú”, tỉ phú nhím” từng quen biết trước đây, tôi toàn nghe những lời than não nuột ! Vì vậy, thật bất ngờ khi được nghe tiếng cười sảng khoái của chủ trại nhím giống Thanh Liễu ở tổ 5, khối 8, P.Tân An, TP Buôn Ma Thuột. Đưa tôi thăm lại khu chuồng trại được đại tu to đẹp, kiên cố hơn hẳn mấy năm trước, anh Hoàng Êm khẳng định: Tôi hỏi kỹ rồi, hầu như cả miền Trung- Tây Nguyên chỉ còn mỗi một trại nhím quy mô cỡ này còn sống khỏe!

Liên tục nghe đặt hàng
Liên tục nghe đặt hàng.

Bí quyết tồn tại, trụ vững giữa cơn “bão nhím” nghiệt ngã của đôi vợ chồng chủ trại này hết sức giản đơn, hợp lý mà sáng rõ: nhặt nhạnh tiết kiệm tối đa, chịu thương chịu khó tận cùng, giảm giá thành tuyệt đối, khép kín quy trình sản xuất, đưa sản phẩm cuối cùng đến tận… miệng giới tiêu dùng !

Hơn 12 năm trước, vừa rời quân ngũ, ngày đầu ngẫu nhiên đến với nghề nuôi nhím từ mấy bé nhím cái bạn tặng, chị Vi Thị Thanh Liễu đã “ chơi kiểu con nhà nghèo” là tận dụng nguồn rau thứ phẩm vô tận từ khu chợ Tân An gần nhà để chăn nuôi mà không phải tốn tiền mua thức ăn cho chúng. Khi đàn nhím đông lên tới vài trăm con, chị mới bắt đầu được các mẹ bán rau quen mồm gọi là “Liễu Một Nghìn” ! Bởi hễ có loại rau củ quả nào xộ hàng, bán ế, cứ việc chở qua nhà chị Liễu, chị mua tất với giá đổ đồng loại gì cũng 1.000đ/ký. Nhím dễ nuôi, chỉ cần sạch sẽ. Các món chay rẻ tiền đưa về chị Liễu chỉ cần gọt rửa kỹ cho vào chuồng, là chúng gặm rào rào. Lâu lâu, ngoại giao được đợt xương trâu bò khuyến mãi, chị đem về dội rửa, nướng thơm rồi thưởng bầy nhím khoái chí mài cho răng ngắn bớt !

Khi các trại nhím khác giải tán vì thua lỗ, vợ chồng anh Êm chị Liễu cũng lục tục gom đàn, đập chuồng nhưng không phải để bỏ nghề, mà để bỏ vô hàng trăm triệu nâng cấp ô lồng cho hợp lý, kiên cố hơn, xác định ngay từ nay sẽ chuyển hướng từ bán nhím giống sang bán nhím thịt. Theo cách tính của chị Liễu, trung bình mỗi ngày 1 con nhím cần 1 ký thực phẩm trị giá 1.000đ, sau 1 năm nuôi nhím cân nặng 10 ký, mỗi ký hơi giá 250.000đ, trừ mọi chi phí công sá mỗi con lãi khoảng 1 triệu đồng. Bán bao nhiêu con, lãi bấy nhiêu triệu !

Không chỉ vợ chồng anh Êm sớm nhìn ra tương lai của nghề nuôi nhím thịt, gọi văn vẻ hơn là “nhím thương phẩm”. Tuy nhiên, nhiều trại nuôi lập hẳn những website quảng cáo bán nhím thương phẩm rất bài bản mà vẫn khó tiếp cận khách hàng, nhất là trong bối cảnh ăn nhậu thời kinh tế khủng hoảng đã trở nên muôn phần … tiết kiệm ! Kẻ sành ăn thừa biết nhím trên 1 tuổi là độ thịt ngon nhất, mềm ngọt, da giòn, không mỡ, chế biến đủ món hấp dẫn thừa sức đãi cỡ 20 thực khách no say, rất thích hợp cho dạng tiệc gia đình hoặc mâm bàn cỗ cưới. Tuy nhiên, rất hiếm bà nội trợ biết cách xoay xở với con đặc sản khỏe mạnh, vuốt sắc, răng dài, lông nhọn hoắc dài cả gang tay tua tủa đầy đe dọa!

Để giải quyết đầu ra, anh Êm khăn gói lên đường “tầm sư học đạo”, học lỏm nghề chế biến thịt nhím từ rất nhiều thầy khác nhau. Sau đó quay về, chọn vài gã nhím sồn sồn lẻ đôi làm vật tế thần . Cả nhà chấp nhận “hy sinh miệng” cho đầu bếp mới thử tay nghề, triền miên cả tháng bữa nào mâm cơm cũng có vài món nhím. Anh Êm tuổi đã ngoài năm mươi giờ vào vai cậu học trò nhẫn nhịn chịu nghe vợ con ồn ào chấm điểm, phê phán đắng cay mặn ngọt đủ điều. Nhờ vậy, anh biến thành đầu bếp số dzách, nổi tiếng với nghệ danh Êm Bảy Món lúc nào không biết!

Khoác tạp dề, lái ô tô giao hàng

Xuyên qua căn nhà lầu khang trang, có gara ô tô đen bóng 1 chiếc 5 chỗ sang trọng, chúng tôi bước vào khu trại nhím nuôi ngay sau bếp nhà anh Êm. Hàng trăm ô chuồng gọn ghẽ ngăn nắp được đánh số cẩn thận, xành xạch rào rào hơn bốn trăm chùm đuôi nhím rung chuông, nhưng chỉ phảng phất chút … mùi nhím chứ không gây ô nhiễm.

Cơ ngơi nhờ nhím mà ra
Cơ ngơi nhờ nhím mà ra.

Ba năm trước cùng tôi tới đây, chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng đã ngạc nhiên khẳng định ông đã đến rất nhiều trại nhím trên cả nước, chưa thấy đâu giải quyết khâu vệ sinh, tiếng động và khử mùi vật nuôi tốt bằng nơi này. Hàng xóm sát vách chẳng có chi phải phàn nàn. Thậm chí, hàng ngày vừa rửa dọn chuồng nhím, vợ chồng chủ trại còn vừa nghe đài VOV, theo dõi thời sự trong nước và thế giới bằng chiếc catsetter cũ đặt ngay trên nóc chuồng ! Bí quyết nằm ở chỗ độ dốc sàn chuồng, hệ thống thoát chất thải, chiếc chậu trấu ủ lẫn bồ kết âm ỉ tỏa khói đêm ngày, và cả cách chủ trại tập cho đàn thú của mình đi đúng nơi, ngủ đúng chỗ.

Sắp tới lễ Quốc Khánh, chủ trại kiêm bếp trưởng Êm Bảy Món liên tục nghe điện thoại đặt hàng. Người thật hàng thật, không qua trung gian, khách hàng tin tưởng chỉ cần một cú gọi. 4 tiếng trước giờ nhậu, anh Êm sẽ tự cân nhím, cắt tiết, làm lông, xả thịt, ướp gia vị. Trong khi đó vợ con anh chuẩn bị hành tỏi sả ớt, mắm muối phụ gia. Muốn anh nấu tại nhà rồi đánh ô tô chở đến, hay mang thịt và nguyên phụ liệu, chở cả lò than nồi hấp quạt lùn tới nơi biểu diễn đều OK. Đông khách quá thì huy động thêm vợ con đồng diễn. Tổng giá tính đúng bằng cân ký con nhím hơi tươi sống tại chuồng, mọi phụ gia công cụ lẫn thao tác biểu diễn đưa con đặc sản lên mâm đều là quà khuyến mãi ! Muốn cầu kỳ, anh sẽ bày biện đủ 7 món hấp, nướng, xào lăn, nhựa mận, xáo măng, tiết canh, áp chảo! Chủ nhà chỉ cần mua sẵn vài ký bún, đúng giờ ráp luôn vô bàn, tha hồ dzô, dzô !!!

Hì hì, vượt bão thời khó năng động tới cỡ này, coi bộ dễ hiểu mà … không dễ bắt chước tẹo nào!

Bà Tống Thị Điệp Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Buôn Ma Thuột:

Nghề nuôi thú đặc sản đương là mốt khắp nơi, gặp lúc mất giá nên nhiều trại đã dẹp. Một số phường nội ngoại thành quanh đây vẫn còn mấy hộ nuôi heo rừng, trĩ, công, dúi, rắn, nhím khác, tuy nhiên không so được với trại Thanh Liễu cả về mô hình lẫn số lượng. Điều đáng để nhiều nông dân học hỏi ở anh Êm chị Liễu, là ý thức bảo vệ môi trường sống, và tính năng động sáng tạo hiếm có, tự mình đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn.

Hoàng Thiên Nga
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG