Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối

Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối
Kể từ khi  Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30/4/1975), nhiều người Mỹ và phương Tây vẫn không thể  hiểu nổi tại sao Chính quyền Sài Gòn nhanh chóng sụp đổ, khiến Mỹ phải tháo chạy trong cuộc di tản lớn nhất trong lịch sử?

Trong cuốn “Decent Interval” (tạm dịch là phút giao thời),  tác giả Frank Snepp – Chỉ huy trưởng Trung tâm phân tích tình báo chiến lược của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Việt Nam cung cấp nhiều thông tin quan trọng theo cách nhìn của người trong cuộc ở phía bên kia, góp phần tìm lời đáp cho câu hỏi “tại sao?”.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng và miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tiền Phong lược dịch một số đoạn trong cuốn “Phút giao thời” nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một nguồn thông tin tham khảo giúp hiểu hơn về chiến thắng 30/4 vĩ đại của dân tộc ta.

Kỳ 2: Cuộc họp Nội các và Chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Tổng thống Thiệu

Kỳ 3: Huế, Đà Nẵng thất thủ không thể cưỡng nổi

Kỳ 4:   Đại sứ Mỹ Graham Martin và kế hoạch di tản

Kỳ 5: Vì sao Mỹ không ủng hộ Nguyễn Cao Kỳ đảo chính?

Kỳ 6: Những toan tính quanh “con bài” Nguyễn Văn Thiệu

Kỳ 7: Tiểu xảo “rọi đèn pha” và tham vọng của Pháp

Kỳ 8:   Tổng thống Thiệu cướp ngân khố quốc gia

Kỳ 9: Cuộc từ chức đầy kịch tính của Tổng thống Thiệu

Kỳ 10 : Hy vọng trong tuyệt vọng

Kỳ 11: Tổng thống Trần Văn Hương đón nhầm vận mệnh

Kỳ 12 : Cuộc ra đi trong nước mắt của kẻ thất sủng Nguyễn Văn Thiệu

Kỳ 13 : Trần Văn Hương xin làm Tổng thống thêm nửa ngày

Kỳ 14: Vị Tổng thống 3 ngày và những quyết định khó hiểu

Kỳ 15 : Di tản hoảng loạn và sụp đổ  

Kỳ 1: Ban Mê thuột: Tướng Phú bị lừa như thế nào?

Khi các sư đoàn quân đội Bắc Việt đã bí mật ém quân bao vây Ban Mê Thuột, tại sở chỉ huy tối cao quân đội Sài Gòn người ta vẫn không hay biết gì. Mặc dù vài ngày trước đó tình báo quân sự Việt Nam Cộng hòa tại quân khu 2 đã thu được cuốn nhật ký trong ngực áo của một người lính Bắc Việt đã hy sinh.

Cuốn nhật ký để lộ một số nội dung kế hoạch chiến dịch đánh Ban Mê Thuột của Sư đoàn 320 Bắc Việt. Cùng lúc, nguồn tin từ tỉnh Quảng Đức giáp Ban Mê Thuột cũng báo cáo về rằng có sự tập trung lớn quân đội Bắc Việt ở vùng biên giới Cămpuchia.

Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh quân khu 2 cực kỳ bối rối sau khi nhận được hai tin nói trên. Nếu quả đúng như vậy, ông ta không có đủ lực lượng để bảo vệ tất cả những mục tiêu tiềm tàng trên khắp vùng Tây Nguyên.

Sư đoàn 23 tinh nhuệ nhất của tướng Phú đã phải căng ra đối phó nên lực lượng bảo vệ mỗi mục tiêu trở nên quá mỏng. Hai lữ đoàn của sư 23  bị điều lên bảo vệ Kontum và Pleiku. Một phần của lữ đoàn thứ 3 bị kéo căng ra để giữ mặt trận Ban Mê Thuột -  Quảng Đức.

Nếu quả thực sư 320 của Bắc Việt đã dàn quân chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột thì việc tướng Phú phải điều lực lượng chủ lực của mình bảo vệ Ban Mê Thuột là điều bắt buộc. Nhưng nếu tướng Phú điều hết lực lượng tinh nhuệ xuống Ban Mê Thuột rồi mà tin tình báo là sai thì Kontum và Pleiku sẽ bị mất vào tay đối phương là cái chắc.

Nhưng tướng Phú không thể liều trong canh bạc này. Ông ta quyết định giữ nguyên các lực lượng chủ lực của mình bao gồm phần lớn sư đoàn 23 tập trung ở phía bắc Tây Nguyên để bảo vệ Kontum và Pleiku.

Nhằm củng cố thêm cho quyết định của mình, tướng Phú viện dẫn ra những bức điện mà lực lượng thám không của ông ta  mới thu được của đài thông tin Cộng sản. Những bức điện này cho thấy sở chỉ huy sư 320 của quân đội Bắc Việt vẫn hoạt động bình thường ở khu vực Đức Cơ phía tây Pleiku. Chứng tỏ sư 320 quân đội Bắc Việt không có ý định tấn công Ban Mê Thuột. Do vậy, tin tình báo mà tướng Phú nhận được trước đây là “sai”.

Tướng Phú không hề biết rằng trên thực tế tin tình báo của ông ta là hoàn toàn đúng còn những bức điện của lực lượng thám không quân đội Sài Gòn thu được mới là giả. Để nhằm đánh lạc mục tiêu săn lùng của đối phương, quân đội Bắc Việt đã lập ra những sở chỉ huy giả ở Đức Cơ.

Từ những chỉ huy sở giả này, họ phát lên không trung đều đặn những bức điện  cốt làm cho đối phương tin rằng sư 320 quân đội Bắc Việt vẫn còn ở khu vực Đức Cơ gần Pleiku.

Sự đánh lừa này khéo đến mức tất cả bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn và các cố vấn Mỹ, CIA đều không ai nhận ra. Đây chính là nhân tố cuối cùng dẫn đến các hậu quả chết người sau này đối với Chính quyền Sài Gòn.

Trong khi tướng Phú đang cố tìm hiểu ý định thực sự của đối phương, tướng Mỹ Timmes đã đích thân tới Pleiku để gặp Phạm Văn Phú. Viên Tư lệnh quân khu 2 không hề che dấu sự bối rối của mình với tướng Timmes.

Bất chấp các thông tin báo về rằng quân đội Bắc Việt đang tập trung quanh khu vực Ban Mê Thuột, tướng Phú vẫn đinh ninh rằng đối phương sẽ mở mũi tấn công chủ yếu vào Pleiku và Kontum.

Tướng Timmes không có thông tin gì hơn, mặc dù lập luận của tướng Phú không mấy thuyết phục nhưng ông ta cũng chẳng biết phải cố vấn thế nào.

Trong khi tướng Phú còn chưa rõ mục tiêu thực của đối phương, quân đội Bắc Việt vẫn tiếp tục chuẩn bị cho các trận đánh. Khoảng cuối tháng 2, Tướng Văn Tiến Dũng đã hoàn thành chuyến đi của ông từ Hà Nội vào Tây Nguyên để thành lập Bộ chỉ huy tiền phương (tức là Bộ Chỉ huy mặt trận Tây Nguyên) đóng tại phía tây Ban Mê Thuột.

Để giữ bí mật sự hiện diện của mình ở Tây Nguyên, tướng Văn Tiến Dũng cho ngừng tất cả mọi cuộc liên lạc bằng vô tuyến điện. Sự liên lạc giữa ông với Hà Nội được thực hiện qua đường điện thoại.

Chính quyền Sài Gòn những ngày hấp hối ảnh 1
Di tản từ Huế vào Đà Nẵng

Nhờ các tin tình báo và những bức điện mà lực lượng thám không thu được của đối phương, tướng Văn Tiến Dũng sớm biết rằng tướng Phú đang bối rối trong việc xác định vị trí thật của sư 320 quân đội Bắc Việt. Tư lệnh quân khu 2 Phạm Văn Phú không chỉ mất hút sư 320 mà còn không biết sư đoàn 10 quân đội Bắc Việt đang ở đâu.

Sư 10 chính là sư đoàn thường mở các trận tấn công vào Kontum và Pleiku. Tướng Phú không hề biết rằng trên thực tế sư 10 đã được bí mật điều vào phối hợp cùng với sư 320 ém sẵn tại Ban Mê Thuột.

Nhằm đánh lạc hướng nhiều hơn nữa đối phương, tướng Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho một số đơn vị nhỏ lẻ của quân đội Bắc Việt ở lại Pleiku và Kontum, thỉnh thoảng lại mở những đợt tấn công gây rối ở khu vực mà sư đoàn 10 đóng quân trước đây cốt để cho tướng Phú tin là sư 10 quân Bắc Việt vẫn chưa di chuyển.

Vào lúc này, sư đoàn 316 của quân đội Bắc Việt cũng được điều từ miền Bắc vào đã tiến sát Ban Mê Thuột. Chưa đầy 3 tuần sư 316 đã di chuyển vào Nam thành công, dọc đường đi không hề liên lạc bằng điện đài nên đối phương hoàn toàn không ngờ sư 316 đã có mặt ở Tây Nguyên.

Nhờ sự điều quân bí mật, tương quan lực lượng của tướng Dũng tại Ban Mê Thuột về mặt con người đang có nhiều lợi thế, lúc này là 5 chọi 1. Đấy là chưa kể đến còn sư đoàn 968 từ Nam Lào được giao nhiệm vụ thực hiện những cuộc hành quân nhỏ lẻ ở khu vực Pleiku và Kontum nhằm đánh lừa tướng Phú.

Tại Đại sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn chúng tôi không hề hay biết gì về việc tướng Văn Tiến Dũng đã có mặt ở miền Nam Việt Nam, nói chi đến chuyện biết gì về việc quân đội Bắc Việt đã lập xong các chỉ huy sở ở phía Tây Ban Mê Thuột và đang chuẩn bị đánh chiếm căn cứ quan trọng này.

Ngày 1/3/1975, quân đội Bắc Việt ở Tây Nguyên chính thức mở chiến dịch đánh vào Ban Mê Thuột bằng việc đánh chiếm căn cứ Đức Lập ở phía Nam hướng đi Cămpuchia.

Lúc này tại Chỉ huy sở của tướng Phú  ở Pleiku, các trợ lý phân tích tình báo đưa ra kết luận Ban Mê Thuột sắp bị tấn công. Vậy mà tướng Phú vẫn còn nghi ngờ, mãi sau mới chấp nhận điều thêm một lữ đoàn đến Buôn Hồ để hỗ trợ các đơn vị đang giao chiến ở đó.

Bên trong thành phố Ban Mê Thuột lúc này  quân đội Sài Gòn chỉ thực sự có 2 tiểu đoàn gồm 1.200 quân.  Ngày 10/3, quân đội Bắc Việt mở chiến dịch đánh thẳng vào Ban Mê Thuột, Chính quyền Sài Gòn vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Đến ngày 14/3 chúng tôi mới  biết rằng quân đội Bắc Việt đã chiếm được thành phố này. Khi đoàn xe tăng đầu tiên của quân đội Bắc Việt tiến vào Ban Mê Thuột, Tướng Phú tháo chạy về Nha Trang.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cuộc họp Nội các và Chiến lược “Nhẹ đầu nặng đuôi” của Tổng thống Thiệu

MỚI - NÓNG