Chợ sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Chợ sâm trên đỉnh Ngọc Linh
TP- Người thanh niên ngẩng lên, lướt một lượt. "Có việc gì?". "Ông Ni giới thiệu tôi lên gặp anh". "Bây giờ bận rồi, tối gặp". Ông Hồ Văn Ni là Chủ tịch Huyện Nam Trà My, Tỉnh Quảng Nam.

Trước khi đi, ông dặn: "Lên Trà Linh viết về sâm Ngọc Linh thì phải gặp Nguyễn Văn Lượng ở nóc Măng Lùng. Nó bây giờ chắc có tiền tỷ, giàu nhất nóc nhờ trồng và buôn bán sâm, nhà cửa đáng giá hơn trăm triệu, lót gạch hoa, ghế salon hẳn hoi. Đừng tưởng như thế là không ăn thua. Đưa được tạ gạo lên đến đó, công cõng đã là 200 ngàn đấy. Thanh niên mà biết làm giàu sớm.

Ba lăm tuổi, có hai con mà trông như chạm cửa bốn mươi.

Lượng bảo hôm nay tỉa lúa vụ mới, theo tục của người Xê Đăng, phải cúng và uống rượu. "Nghe nói anh chuẩn bị vay 500 triệu để mở rộng làm ăn?". "Làm gì có, tôi không biết". Giọng có vẻ cảnh giác, mắt đưa  sang chén rượu chần chừ rồi làm một hớp. "Cán bộ huyện, khen người như anh Nam Trà My này chỉ có một, làm giàu và biết giúp bà con". Im lặng. Mãi sau mặt Lượng mới giãn ra.

"Tôi bắt đầu trồng và thu mua sâm từ 1993. Hồi đó nó rẻ và nhiều như củi. Sâm khô 90 ngàn đồng/kg, sâm tươi chỉ 30 ngàn đồng/kg. Chẳng biết làm gì ngoài ngâm rượu uống, chữa đau bụng, rắn cắn. Đầu năm 2000 đến nay, không hiểu vì sao người ta cần đến nó nhiều. Con buôn khắp nơi tìm đến mua, nên mới xảy ra ăn cắp. Một mình không giữ nổi, tôi lập tổ. Phải chọn người đàng hoàng mới tin được. Bắt đầu từ 2003. Mãi đến 2006, tôi ra riêng. Vì sao à? Bây giờ tôi đủ sức thuê người giữ. Bà con ở đây ít người làm chung. Liên kết với nhau làm ăn, giữ cực lắm. Mất sâm liên tục".

"Anh có bao nhiêu gốc sâm?". "Ai mà biết được. Trồng ở rừng, mọc như cây rừng, biết đâu mà nói". Hôm qua tôi hỏi ông Nguyễn Văn Lợi, chủ tịch MTTQ xã, ông bảo, nó có đến mấy trăm ngàn gốc đấy. Nó nhiều hơn người khác là do  cách nghĩ khác. Ở đây bà con hễ trồng được chừng ba năm trở lên là nhổ bán. Còn nó, có tiền là đi mua giống về trồng, sâm càng lớn tuổi, chất lượng càng cao, giá tiền lớn. Chứ không phải có chừng nào bán chừng nấy, ăn chơi tiêu xài đến lúc đói nghèo là bu bám nhà nước.

Sâm mọc dưới tán lá mục của rừng. Trời lạnh. Ở đây cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Tôi đi theo Lượng ra vườn sâm cách đó 30 phút đi bộ. Giữa vườn mênh mông là ngôi nhà nhỏ, có hai người trực 24/24.

Bỗng Lượng đổi giọng "Em thuê bốn người. Trên đỉnh Ngọc Linh cũng có trại của em. Năm ngoái huyện cho vay 25 triệu, đủ trả tiền lương cho người ta, trừ ăn uống, nhận 800 ngàn đồng/tháng/người. Hiện em có khoảng 30 ngàn gốc nằm trong diện tích khoảng 15 ha tại khu vực này.  Năm ngoái, em thu lãi hơn 100 triệu khi nhổ bán sâm chừng 7 tuổi".

Chỉ vào cây sâm cao chừng 70 cm, Lượng cho hay nó đã được 10 năm. Với cách tính qui đổi là một năm bằng một tuổi, giá bây giờ bán củ một lạng khoảng chừng 1,5-1,7 triệu đồng, tùy theo thời điểm. "Hôm qua mấy anh hỏi đúng đấy. Em với một người nữa định vay 500 triệu để mua giống, nhân rộng ra. Nghe nói là phải thế chấp".

Trồng, mua bán sâm, còn mở hiệu tạp hóa cho vợ bán, mà vốn bỏ ra năm 2008 cho cái hiệu này đã hơn 200 triệu.  "Nếu có giống, sẽ giàu hơn" - Lượng lẩm nhẩm. Bài ca thiếu giống đã vang lên suốt mấy năm rồi. Toàn thôn 2 Ngọc Linh, nơi thủ phủ sâm này, có tám nóc với hơn 160 hộ, thì chưa đến một phần ba hộ được cấp giống.

Năm 2007, huyện Nam Trà My bỏ ra 200 triệu mua giống từ trại dược liệu của tỉnh, phát cho bà con.  Như muối bỏ bể. Huyện thì không có tiền. Trại sâm của tỉnh nhân giống bán, ai có tiền thì mua. Bên Kon Tum, người ta lập trại trồng sâm qui mô lớn, sang đây mua hết, giá thấp nhất 10 ngàn đồng/cây. "Đồng bào Trà Linh lấy tiền đâu mà mua?", tôi hỏi lãnh đạo huyện. Mấy anh mệt mỏi nhờ chuyển giùm về Sở Y tế, nơi đang quản lý trại dược liệu trên đỉnh Ngọc Linh.

"Bà con ở đây muốn làm tốt, lâu dài cây sâm nhưng điều kiện khó khăn lắm. Mấy năm qua nhờ huyện hỗ trợ, trồng được cây sâm nên mới có tiền, nhưng phần nhiều cũng nhờ Lượng. Nó là đứa tốt. Giống nhiều, nó bán cho bà con chỉ 5 ngàn đồng/cây. Hộ khó, nghèo nó giúp gạo. Họp thôn, tổ, nó dạy cách trồng và chăm sóc bảo vệ sâm"- Lời ông Hồ Văn Reo, nguyên chủ tịch HĐND xã.

Lượng học kinh nghiệm trồng từ cán bộ trạm dược liệu, mày mò nghiên cứu sau nhiều năm đeo đuổi giống cây quý này. Chỉ lên ngọn Ngọc Linh cao nhất 2.598 m, Lượng kể "Trên đó đất rất tốt và rộng. Em đã lên kiểm tra để trồng. Làm cây sâm mà không tính chuyện lớn, lâu dài, không thắng đâu. Nóc này là bà con em cả, em nói mãi mà nhiều người cũng không nghe. Đây là nơi cao nhất tỉnh, dưới huyện lên chỉ toàn đi bộ, mùa nắng thì đỡ, mưa là chịu. Cực khổ quanh năm, có cây sâm trời cho, nên phải biết quý trọng, giữ gìn. Nếu túng thiếu thì làm rẫy, săn bắn, đừng nhổ sâm bừa bãi. Em cũng là người mua sâm, em biết quá rõ"…

Y tế không thể ôm hết được

Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch Huyện Nam Trà My, nói: Huyện nhiều lần gửi văn bản lập trại giống, nhưng tất cả rơi vào im lặng. Dân Nam Trà My nhìn sâm bây giờ như con gà nhìn hạt bắp trong chai, cứ đi quanh mà thèm. Nếu có cơ chế tốt, trồng sâm được, sẽ giúp bà con xóa đói nghèo, kèm theo việc giữ được rừng, bởi Ngọc Linh là thượng nguồn sông Thu Bồn. Bài học phá rừng sờ sờ ra đó. Sâm là dược liệu, ngành y tế lập đề án. Nhưng trồng rừng phải là ngành nông nghiệp, y tế không thể ôm hết được. Nếu tình trạng trồng sâm tự phát kéo dài, ai biết trước được từ đây rừng sẽ ra sao?

(Còn nữa)

Kỳ 2: Chợ sâm và công nghệ làm giả

MỚI - NÓNG