Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Chọc thủng Trường Sơn - kỳ 2

Chọc thủng Trường Sơn - kỳ 2
TP - Cầu Bùng bị máy bay đánh sập, công nhân Đội cầu 10 cùng Đội 15 TNXP Thanh Hóa hì hục trong bom đạn vác lấp sông làm đường ngầm. Nước thủy triều lúc lên lúc xuống, tắc rồi lại thông.

>> Kỳ 1: Kỳ tích

Đội trưởng kiêm bí thư chi bộ Bùi Đức Nhuận từng đứng trên bom nổ chậm chỉ huy máy ủi san lấp hố bom, có sáng kiến bắc cầu chìm dưới mặt nước để ngầm Bùng được thông xe liên tục.

Chọc thủng Trường Sơn - kỳ 2 ảnh 1
Chuẩn bị vượt đường 20

Sau khi thông đường, ba trung đoàn bộ đội hoàn thiện nền đường, lát mặt đường, bảo đảm giao thông. Đến 9/1966 theo lệnh của Bộ Giao thông Vận tải và Đoàn 559, công trường tổ chức lại hai đội thanh niên xung phong (TNXP) là Đội 23 và Đội 25 gồm những TNXP khỏe mạnh chuyển sang Binh trạm 14;

do Trung tá Hoàng Trá (người quê xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) làm binh trạm trưởng. Ông nổi tiếng gan dạ, thông minh, kiên quyết, sống hòa đồng, rất thương lính và luôn bám sát cơ sở, ở đâu hiểm nguy, địch đánh phá ác liệt là ông có mặt để chỉ huy.

Từ những tháng cuối năm 1966 trở về sau là những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt trên từng mét đường, mét cầu với máy bay Mỹ gầm rú suốt ngày đêm. Chúng dùng đủ loại vũ khí tối tân hiện đại nhất của Hoa Kỳ để ném xuống đường 20.

Mùa khô 1966 - 1967, chúng ta thắng địch ở cửa ngõ đường 20 Xuân Sơn, Khương Hà, Cù Lạc, Phong Nha và cửa khẩu biên giới cua chữ A... Khối lượng vận chuyển đạt gấp 10 lần mùa mưa năm 1966.

Cầu Bùng bị máy bay đánh sập, công nhân Đội cầu 10 cùng Đội 15 TNXP Thanh Hóa hì hục trong bom đạn vác lấp sông làm đường ngầm. Nước thủy triều lúc lên lúc xuống, tắc rồi lại thông.

Đội trưởng kiêm bí thư chi bộ Bùi Đức Nhuận từng đứng trên bom nổ chậm chỉ huy máy ủi san lấp hố bom, có sáng kiến bắc cầu chìm dưới mặt nước để ngầm Bùng được thông xe liên tục.

Bến Xuân Sơn có đại đội công binh 16 cầu phà, đêm đêm bắc cầu phao cho xe qua dưới đèn pháo sáng, bom rơi đạn nổ. Đại đội trưởng Sở băng trắng treo cánh tay bị thương vào cổ đứng chỉ huy đơn vị bắc cầu phao.

Ở trọng điểm Kon 32 (Khe Diêm) Đại đội 7 TNXP Quảng Bình nổi tiếng là đơn vị cơ động xuất sắc của Đội 23, chốt giữ trọng điểm ác liệt địch đánh phá suốt ngày đêm.

Lợi dụng thế đường độc đạo cua dốc, bên núi cao, bên vực sâu, quanh co hiểm trở. Địch đánh ở cua trên, đất đá đổ ập xuống cua dưới cắt đứt nhiều chỗ. Nhiều chiến sĩ TNXP đã hy sinh, bị thương tại trọng điểm này, song đường tắc lại thông.

Trọng điểm Chà Ang (Km 12 - Km 16) lợi dụng tuyến đường nằm chênh vênh trên núi cao 400 - 600m, vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu sông Chà Ang (chảy ngầm ra động Phong Nha). Đội 81 TNXP Thái Bình chốt giữ trọng điểm này (đơn vị vào sau bổ sung cho đường 20). Chúng đánh phá Cầm Canh, không còn một nhánh cây ngọn cỏ, đá biến thành vôi, đất thành bột.

Ngày 30/8/1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Nhưng ngày 5/11/1968 không quân Mỹ lại dồn lực lượng để bịt hai cửa khẩu 12 và 20. Trên liên hoàn trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta Lê đèo Phu La Nhích (gọi tắt là trọng điểm ATP), mỗi ngày đêm, hơn trăm máy bay đến đánh phá, trong đó có 30 - 40 lần máy bay B52 ném bom rải thảm.

Hai tiểu đoàn công binh 33 (Binh trạm 32) và tiểu đoàn 335 (Binh trạm 14) phối hợp khôi phục giao thông đều bị tổn thất nặng. Binh trạm 14 phải gùi những cân hàng khẩn cấp cho Đoàn 559. Để phá thế độc đạo, cấp trên chủ trương mở thêm các đường vòng, đường tránh.

Thế là đường 20B, 20C, 20Đ, 20E, 20K ra đời. Một mạng nhện đường mở dưới tán cây che kính, xe chạy ban ngày địch không thể phát hiện được. Thế là giải tỏa được trọng điểm ATK, xe vẫn tiếp tục nối nhau ra tiền tuyến. Tham gia mở các đường vòng tránh trên có Đội 23, Đội 25 TNXP cùng sát cánh đắc lực.

Cửa khẩu và cua chữ A lúc ấy có Đội 25 TNXP (Nam Hà, Ninh Bình) trấn giữ. Rừng xanh biến thành sa mạc trơ trụi hàng chục cây số những thân cây cháy dở. Núi đá bị nung thành vôi trắng; núi đất bị xới thành đất bột. Mưa xuống sông Ta Lê thành dòng vôi trắng pha bùn trôi đục ngầu.

Báo cáo tổng kết năm 1968 của Ban xây dựng 67 có đoạn: "... Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày 1/1/1968 đến ngày 30/10/1968 (ngày kẻ địch buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra), địch đánh vào cầu đường Ban 67 tổng số 11.865 trận với hàng triệu quả bom, bình quân mỗi cây số đường phải chịu 311 quả bom và mỗi chiến sĩ giao thông công binh TNXP trên tuyến đường phải chịu 43 quả bom, chưa kể hàng ngàn trận bom bi, rốc két, pháo kích mà lượng bom đạn không thể thống kê được.

Số lần đánh vào các trọng điểm ít nhất 20 trận/ngày đêm, cao nhất 36 trận/ngày đêm, với số lượng máy bay từ 4 - 12 chiếc/trận. Mỗi cây số đường trong thời gian địch tập trung đánh phá phải chịu 3.600 đến 4.200 quả bom, đặc biệt trọng điểm km 12 - đường 20 quyết thắng, trong phạm vi không đầy một km đã phải chịu tới 8.800 quả bom...".

Hồi ức "Đường xuyên Trường Sơn" của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên tư lệnh Đoàn 550 cũng ghi lại mức độ tàn phá khủng khiếp của những trận ném bom hủy diệt này: "... Ở hướng đường 20, tập đoàn trọng điểm ATP, suốt một tuần lễ không khác gì một sa mạc lửa. Đèo Phù La Nhích, Ta Lê, cua chữ A hứng chịu gần năm vạn quả bom".

Nhờ sự phối kết hợp chặt chẽ, gắn bó với các lực lượng trên đường 20, với các tiểu đoàn xe vận tải D781, D52, D965, D990...

Trung đoàn pháo cao xạ 224, các trung đoàn tên lửa 238, 275, các tổng kho, các đơn vị giao liên, chuyển thương, các đơn vị hậu cần, y tế, trực tiếp chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau đánh đuổi địch ra xa để bảo vệ đường, bảo vệ xe, bảo vệ hàng hóa đến nơi tập kết an toàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng, đập tan âm mưu "cắt cổ họng" tuyến vận tải chi viện chiến lược Đoàn 559 của kẻ thù.

Chọc thủng Trường Sơn - kỳ 2 ảnh 2
Cư dân dọc đường 20

Đại đội 7 TNXP Quảng Bình

Chỉ bảy năm (1/1966 - 1/1973) nơi đây có tám đơn vị và tám cán bộ, chiến sĩ, công nhân được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đoàn, các đội TNXP chống Mỹ cứu nước được thành lập để cùng với quân đội và ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Ngày 15/7/1965 tại xã Vạn Ninh, Đại đội 7 TNXP được thành lập, gồm 227 nam, nữ thanh niên khỏe mạnh  của tám xã thuộc huyện Quảng Ninh (xã Vạn Ninh, Gia Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh, Lương Ninh, Lộc Ninh, Quang Phú, Tân Ninh, về sau này có bổ sung thêm một số ít người của các huyện khác trong tỉnh).

Thời gian đầu đơn vị được lệnh hành quân vào Đường 16 ở Khỉ Ho để làm nhiệm vụ mở đường đi bộ, đường xe thồ qua đèo "nghìn linh một" đến Cù Bay, Cù Bạc biên giới Việt, Lào và tham gia gùi thồ, mang vác vũ khí, lương thực, thuốc men phục vụ bộ đội miền Bắc hành quân vào chiến trường miền Nam.

Thời kỳ đó, đơn vị còn được phân công bắc cầu treo (cầu khỉ), vật liệu chủ yếu đều lấy ở rừng, gỗ, tre, mây song. Lợi dụng các cây to ven suối để bắc cầu qua dài đến hàng chục mét. Nhờ các cầu khỉ này, hàng ngàn, hàng vạn bộ đội cùng vũ khí nhỏ đã hành quân vào chiến trường.

Có chiến dịch vận chuyển đưa hơn 30 chiếc thuyền gỗ dài gần 10 m vượt Trường Sơn, vượt đèo "nghìn linh một" sang sông xã Băng Hiên, Lào để vận chuyển hàng hóa trên sông. Thuyền thì dài đường thì hẹp lắm cua dốc, ngoặt ngoèo, hiểm trở. Có đoạn phải nhích từng tý một. Đồng chí Sơn (quê xã Lương Ninh) rơi xuống vực sâu, đơn vị phải rất vất vả mới lấy xác lên được.

Cuối tháng 12/1965, được lệnh của trên, Đại đội 7 hành quân ra đường 20 để cùng với các đơn vị TNXP, quê Nam Hà, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và các đơn vị bộ đội để tham gia chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi".

Đại đội 7 TNXP được phân công mở đoạn đường từ km13 đến km16 (đoạn có hang tám cô hiện nay). Đúng 17 giờ ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, đồng chí Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra lệnh nổ đợt bộc phá đầu tiên để đón Xuân và hưởng ứng chiến dịch "Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi" do Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát động. Tiếng bộc phá nổ vang trên toàn tuyến. Mọi người hân hoan đón một cái tết đầu tiên ở Trường Sơn.

Sở dĩ gọi Đại đội 7 TNXP Quảng Bình là vì toàn tuyến đường 20, duy nhất có một đại đội TNXP quê Quảng Bình, sau đó có thêm đại đội 4 pháo 12,7 ly thuộc Tỉnh Đội Quảng Bình, Quân khu 4 là đơn vị hai lần được tuyên dương danh hiệu anh hùng. Đơn vị này, năm 1967 - 1968 bảo vệ ngầm Kà Roòng kết nghĩa với đại đội 7 TNXP cũng bảo đảm giao thông ở ngầm Kà Roòng.

Mở đường xong, đơn vị đang tiến hành rải đá củng cố nền đường, thì máy bay địch phát hiện ra dù trong quá trình mở đường, theo chủ trương của trên là đường mở đến đâu phải ngụy trang kín đến đó. Nhiều đoạn đường ta luy dương quá cao, đất đỏ loét, lá ngụy trang bị khô héo quá nhanh, nhất là những ngày trời nắng gay gắt, nên không thể giữ bí mật mãi được.

Chúng ta còn nhớ có những thời gian khá dài, thiếu những thứ cần thiết thiếu gạo, thiếu rau, thiếu vải mặc, thiếu cả vải vệ sinh cho chị em nên có lúc cả đơn vị hàng trăm người đều bị sốt rét, người sốt nhẹ phục vụ người sốt nặng cáng nhau đi viện, người nằm trên cáng và người cáng đều là bệnh nhân, người nào giảm sốt xuống khiêng, người nào sốt cao lên cáng, cứ thế thay nhau đưa người đi viện.

MỚI - NÓNG