Chớp hình từ... chín tầng mây

Chớp hình từ... chín tầng mây
TP- “Mỗi lần lên máy bay, mọi người thì tranh thủ nghỉ ngơi, còn riêng tôi thì lại lo lắng để làm sao chụp được những tấm hình qua cửa kính máy bay”- Giản Thanh Sơn, tay máy được công nhận là “Người chụp ảnh từ trên không nhiều nhất VN" tâm sự.

Tôi biết anh Giản Thanh Sơn cách đây hơn 4 năm, khi anh đang chuẩn bị cho ra mắt một triển lãm ảnh khá lạ: “Triển lãm chân dung chính khách”. Có lợi thế là phóng viên thời sự của báo Công an TP HCM, Giản Thanh Sơn có thể tiếp cận được với các chính khách, các nguyên thủ quốc gia các nước. Tuy nhiên việc tiếp cận của anh Sơn cũng như nhiều phóng viên khác, cũng phải chen chúc, chờ đợi và cũng có khi… không chụp được.

Nhưng khác với các đồng nghiệp, với Giản Thanh Sơn, việc chụp ảnh nguyên thủ không chỉ nhằm phục vụ cho việc làm tin, bài. Anh cố chụp thật nhiều để tìm ra được những góc cạnh của nhân vật muốn chụp.

Hơn 10 năm tích cóp chụp và lưu giữ, Giản Thanh Sơn đã cho ra mắt triển lãm riêng của mình với ảnh chụp trên 100 chính khách, nguyên thủ như Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright….

Hỏi chuyện anh những ngày đó, tôi mới biết rằng để có được triển lãm trên, anh Sơn đã phải chụp trên 10.000 tấm ảnh, nghĩa là gần 3.000 cuốn phim đã bị anh… đốt, bởi thời điểm đó, anh Sơn chưa có máy chụp kỹ thuật số. Nhưng cũng nhờ triển lãm này, anh Sơn đã ghi tên mình vào sách Kỷ lục Việt Nam với tư cách là  “Người chụp ảnh nhiều nguyên thủ quốc gia nhất”.

Bẵng đi mấy năm,  Giản Thanh Sơn lại miệt mài với công việc một phóng viên và điều hành CLB phóng viên ảnh thuộc Hội Nhà báo TPHCM. Ai cũng nghĩ anh Sơn đã hài lòng với những gì mình đã có được thì bất ngờ một hôm, anh Sơn điện cho tôi: “Này! Mình sắp làm triển lãm ảnh trên không đấy. Nhớ tới dự nhé!”.

Lại thêm một triển lãm khá độc đáo của Giản Thanh Sơn. Gặp tôi, anh nói hồn nhiên: “Cũng chẳng độc gì đâu! Mình đi trên máy bay nhìn xuống thấy phong cảnh đất nước đẹp quá nên chụp thôi”.

Chớp hình từ... chín tầng mây ảnh 1
Chiều vàng Phan Thiết

Ý nghĩ chụp ảnh đất nước từ trên máy bay xuất hiện đầu tiên khi Giản Thanh Sơn (phóng viên báo Công an TPHCM)  đi công tác tại Côn Đảo năm 2003. Trên chiếc máy bay trực thăng Mi-17 cũ kỹ cất cánh từ TP Vũng Tàu, anh Sơn nhìn qua ô cửa nhỏ máy bay và sững sờ trước vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên bên dưới. Những thảm cỏ chạy dài, bờ biển cát vàng ươm nằm bên làn nước xanh ngắt, những con sóng tranh nhau xô đẩy… Vội cầm lấy máy, Giản Thanh Sơn bấm lia lịa.

Cũng từ ngày đó, anh Sơn bỗng nảy ra ý định sẽ chụp cảnh đất nước từ không trung. Nhưng chụp ảnh từ không trung đâu phải cứ muốn là được. Cứ mua vé máy bay để bay đi bay về chụp ảnh Giản Thanh Sơn cũng không kham nổi, nói chi là thuê máy bay riêng. Vì thế, anh Sơn đành tranh thủ tận dụng mọi cơ hội mỗi khi đi công tác bằng máy bay.

“Mỗi lần lên máy bay, mọi người thì tranh thủ nghỉ ngơi hay là thả hồn trôi theo những đám mây lãng đãng. Còn riêng tôi thì lại lo lắng làm sao chụp được những tấm hình qua cửa kính máy bay”, Giản Thanh Sơn tâm sự.

Anh xin được ngồi cạnh cửa sổ, tranh thủ bấm máy khi máy bay hạ cánh, cất cánh. Đặc biệt là những lúc máy bay nghiêng cánh, từ cửa sổ anh Sơn được nhìn trọn vẹn mảnh đất dưới chân, thế là lại bấm máy.

“Nhưng đâu phải chuyến bay nào cũng chụp được hình, chuyện máy bay gặp phải mây mù là bình thường, cũng có khi vừa chụp thì máy bay nghiêng cánh, thế là toi cả loạt ảnh. Vì thế dù chụp cả mấy năm liên tục, tôi vẫn chưa có được nhiều tấm hình ưng ý”, anh Sơn kể.

Chớp hình từ... chín tầng mây ảnh 2
Dòng phù sa Hậu Giang

Kế hoạch chụp ảnh phong cảnh đất nước Việt Nam từ trên không của Giản Thanh Sơn còn lâu mới đạt kết quả nếu không có sự giúp đỡ của những chiến sỹ không quân. Trong một chuyến đi cứu trợ cùng Trung đoàn phi công 917, anh Sơn đã quen được những chiến sỹ ở đây.

Biết ý định của anh Sơn, đơn vị đã đồng ý giúp anh bằng cách mỗi khi có chuyến bay tập, bay khảo sát thì chỉ huy đơn vị lại cho anh Sơn theo cùng. Nhờ những lần ngồi trên trực thăng, anh Sơn đã có được khá nhiều tấm ảnh ưng ý khắp đất nước, những tấm ảnh mà nếu bay theo các chuyến bay dân sự (thường chỉ bay theo hành trình nhất định) anh Sơn sẽ không thể nào có nổi.

Thượng tá Lê Việt Thắng- Trung đoàn trưởng Trung đoàn phi công 917, người mà anh Sơn gọi là “đồng tác giả” của những tấm ảnh chụp từ trên không bảo: “Là phi công nên chúng tôi thường xuyên được ngắm cảnh đẹp của mọi miền đất nước dưới đôi cánh bay. Nhiều lúc đẹp quá chỉ biết xuýt xoa buột miệng: Giá như biết chụp hình thì tốt biết bao. Vì thế tình cờ chúng tôi gặp anh Sơn, nghe nói anh ấy đang làm bộ sưu tập ảnh phong cảnh từ trên không, chúng tôi đã tạo điều kiện hết sức để anh ấy làm tốt công việc. Lưu giữ những cảnh đẹp đất nước cũng là mong ước của chúng tôi”. 

Chớp hình từ... chín tầng mây ảnh 3
Hà Nội mùa hè

Hơn 4 năm miệt mài, cho tới thời điểm này Giản Thanh Sơn đã có trong tay trên 7.000 bức ảnh thiên nhiên của khắp đất nước nhìn từ không trung. Những đồi núi trập trùng Tây Nguyên, những dòng sông nặng phù sa ở Đồng bằng sông Cửu Long, một góc ngoại thành Hà Nội, một đô thị mới ở TP HCM đều được Giản Thanh Sơn thể hiện khá đa dạng… Chọn lựa ra 200 tấm ảnh ưng ý nhất, Giản Thanh Sơn quyết định làm triển lãm ảnh mang tên “Việt Nam nhìn từ không trung”.

Trong buổi khai mạc triển lãm, điều bất ngờ đối với Giản Thanh Sơn là khán giả đã tới chật cứng khán phòng. Không chỉ có những nhà nhiếp ảnh, những đồng nghiệp phóng viên mà còn có cả các Việt kiều, những người nước ngoài.

Vị khách tên là Jonathan Whitehead- Quốc tịch Anh- hiện đang làm việc tại một trung tâm xúc tiến du lịch tại Việt Nam viết vào sổ lưu niệm: “Những tấm ảnh của Giản Thanh Sơn đẹp quá, chúng tôi nghĩ bản thân các tấm ảnh này sẽ là cơ sở để các bạn quảng bá về đất nước”.

Còn Chủ tịnh nước Nguyễn Minh Triết thì viết: “Những bức ảnh đẹp tuyệt vời. Giản Thanh Sơn- Một nghệ sỹ tài hoa can đảm sáng tạo. Xin chúc mừng đồng chí”. Ngay trong buổi triển lãm, đã có một doanh nghiệp liên doanh đặt mua 2 bức ảnh với giá 20 triệu đồng.

Giản Thanh Sơn rất vui vì đã bán được những tấm ảnh đầu tiên. Anh bảo: “Tôi sẽ dùng toàn bộ số tiền bán ảnh này để góp phần vào xây dựng quỹ cho trẻ em nghèo được đến trường”.

Trong buổi khai mạc, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam Vietbook đã ra quyết định công nhận kỷ lục gia cho Giản Thanh Sơn với “Người chụp ảnh từ trên không nhiều nhất Việt Nam”.

Nhận quyết định công nhận là kỷ lục gia lần thứ 2, Giản Thanh Sơn bộc bạch: “Bản thân tôi cũng không có ý định lập kỷ lục một lần nữa. Điều tôi mong mỏi là qua triển lãm này, mọi người được nhìn thấy đất nước mình tươi đẹp như thế nào. Và nếu được, tôi mong những tấm ảnh chụp Việt Nam từ trên không của tôi sẽ đến được với nhiều người dân thế giới”.

Trọng Thịnh

MỚI - NÓNG