Chúng ta vẫn còn những giọt nước mắt

Chúng ta vẫn còn những giọt nước mắt
Chị Cảnh sinh năm 1950, tuổi Dần, cầm tinh con Hổ. Nhìn bức ảnh ngày trẻ chị treo trên tường, nhìn vóc dáng của chị hôm nay tôi hình dung những ngày chị đánh mìn phá đá trên đường Trường Sơn.

Cô thanh niên xung phong tên Cảnh, to, khỏe, hăng say lao vào những việc khó nhất : đục đá, đánh mìn để mở đường cho những đoàn xe ra trận. Bây giờ tôi mới hiểu rằng, ngầm Phong Cảnh trên đường Trường Sơn mà chúng tôi đã từng đi qua chính là ngầm mang tên chị.

Sống trong bom đạn, vượt lên bom đạn để trở về trong niềm vui chiến thắng, niềm vui nước nhà thống nhất, cuộc sống yên bình… Đời chị đã neo đậu lại trên sườn đồi chênh vênh bên vịnh biển Nha Trang. Đôi tay đục đá, đánh mìn chai sạn năm xưa, giờ trở về với đời thường lại chai sạn hơn. Chị lại tiếp tục làm bạn với đá. Chị gánh đá thuê để nuôi hai đứa con ăn học.

Tôi nhìn đôi tay gầy guộc của chị, với những vết sẹo như những nhát dao cứa, đó là những vết thương của chiến tranh để lại. Trong căn nhà, nói cho sang chứ thực ra là một túp lều được thưng bởi những tấm cót ép, những tấm tôn cũ mà chị nhặt được ở các đống rác thải. Hàng xóm láng giềng đã giúp chị một ít thanh gỗ, tre để dựng lên túp lều này.

Chị kể rằng, mỗi lần có gió to, ba mẹ con chị phải giữ chặt ba góc nhà, căn lều lung lay thật đáng sợ. Chị đã sống như vậy nhiều năm, không để ý gì đến xung quanh. Chị nói, nền nhà này xưa kia là bãi đổ rác, chị đã dọn dẹp sạch sẽ, chuyển rác đi chỗ khác để lấy mấy mét đất dựng lên túp lều này…

Gần đây, chị xin được một chiếc tivi đen trắng của một gia đình trong phố sau khi mua được tivi mầu đã đem cho chị. Xem tivi, chị mới được biết Nhà nước ta đang có những chính sách, chế độ mới đối với các cựu TNXP. Chị giục các con chạy đi làm giấy tờ để giải quyết chế độ.

Khi tôi trao cho chị cuốn sổ tiết kiệm tình nghĩa nửa triệu đồng của báo Tiền Phong, chị đã khóc. Chị nói: Cả đời tôi chưa bao giờ có trong tay năm trăm ngàn đồng. Chị bày tỏ lời cảm ơn đến Đoàn, đến báo Tiền Phong.

Chúng ta vẫn còn những giọt nước mắt ảnh 1
Ngôi nhà của gia đình chị Phong Cảnh, cựu TNXP ở Khánh Hòa  Ảnh: Đình Quân

Tôi lấy làm lạ là chị không hề phàn nàn về hoàn cảnh của mình hiện nay. Suốt gần một tiếng đồng hồ, chị say sưa kể về những ngày ở đội TNXP trên đường Trường Sơn. Chị kể, mắt ngời sáng như đang sống lại những ngày tươi đẹp nhất trong cuộc đời mình… Chị nói “Nếu bây giờ Đoàn gọi tôi lên đường đi chiến đấu, đi TNXP, tôi sẵn sàng ra đi ngay…”. Thấy chị nói cười vui vẻ mà tôi cứ muốn khóc.

Tôi bàn với anh Thanh, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa cùng đi về những việc có thể làm được để giúp chị vượt qua những khó khăn hiện nay, anh Thanh hứa sẽ quan tâm đến việc này.

Đến nhà chị Thìn, cũng là một cựu TNXP ở ngay thành phố Nha Trang. Chị ở trong một căn phòng tập thể mà đồ đạc duy nhất chỉ có một chiếc giường đã cũ, chiếc chiếu sờn rách…Chị có một đứa con nhưng không có chồng. Hàng ngày, chị đi bán rau ở chợ để kiếm sống nuôi con… Đã hơn một năm nay, chị chạy hết chỗ này đến chỗ khác, nhờ hết người này đến người khác vẫn chưa giải quyết xong thủ tục giấy tờ về chế độ phụ cấp cho cựu TNXP mà Nhà nước đã ban hành. Chị vừa kể vừa khóc: “Trăm sự tôi nhờ báo Tiền Phong, nhờ các anh ở Tỉnh Đoàn”. Chị lau nước mắt và chỉ lên mảng tường tróc lở…

Từ miền Trung, chúng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh rồi xuôi miền Tây Nam Bộ, đến với những cựu thanh niên xung phong, với những gia đình chính sách. Trước khi lên đường, tôi có chục cái giấy mời để trên bàn. Nhiều nơi ra quân sôi nổi trong Tháng Thanh niên mời tôi dự. Tôi thấy cũng cần đi, nhưng, hội nghị công tác tư tưởng văn hoá toàn quốc ở Nha Trang, rồi chuyến đi đền ơn đáp nghĩa có lẽ cũng là một hoạt động thiết thực trong Tháng Thanh niên.

Đến thành phố Hồ Chí Minh, ban liên lạc của TNXP đã có một cuộc hội ngộ cảm động với những giọt nước mắt của những người sau bao nhiêu năm gặp lại. Những cựu thanh niên xung phong mà bước chân đã làm mòn vẹt đá núi Trường Sơn, nay tóc nhiều người đã bạc trắng, có người phải chống gậy đến với nhau, ôn lại những ngày tháng gian khổ mà hào hùng… Món quà tình nghĩa báo Tiền Phong tặng như một sự gắn kết những người đồng chí, đồng đội…

Chúng tôi cùng đến thăm người cựu TNXP đang nằm liệt giường ba năm nay - anh Phan Thanh Khiết. Anh Tài Ba, Trưởng ban liên lạc cựu thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh cùng đi. Anh Khiết nằm bất động trên giường. Bên cạnh là vợ anh đứng bần thần. Anh chỉ đôi chân gần như teo tóp của mình. Đôi chân đã từng dẫm lên bom đạn, lên những vùng đất cháy na pan vẫn băng băng lao về phía trước… nay chỉ còn da bọc xương. “Tui chỉ muốn chết thôi, sống như ri còn khổ hơn là chết” - Anh nói và nước mắt trào lăn trên gò má.

Anh Tài Ba cầm một cuốn sách viết về chiến công của những thanh niên xung phong thời chống Mỹ tặng tôi và chỉ cho anh Khiết xem những hình ảnh hào hùng ngày ấy. Gương mặt anh Khiết bỗng sáng lên, anh cười. Anh cựa quậy như muốn đứng dậy, như muốn chạy ra khỏi nhà, như muốn lao theo những đoàn quân trong nhịp bước rầm rầm của ngày chiến thắng…

Đến Long An, chúng tôi vào trụ sở Huyện ủy huyện Đức Hoà. Đây chính là vùng đất xưa gọi là Hậu Nghĩa, giáp với Củ Chi, căn cứ địa cách mạng, một vùng đất anh hùng có hàng ngàn gia đình thương binh liệt sĩ…

Chúng tôi đến thăm và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa của báo Tiền Phong cho 6 gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu TNXP. Lúc đến nhà bác Nguyễn Văn Cào, mọi người cùng đi không ai tin là mình đang đến căn nhà của một con người từng vào sinh ra tử nay là thương binh nặng. Không thể gọi là căn nhà, cũng không thể nói là túp lều. Dù phía trên cũng có những mảng tranh mục nát và hai thanh gỗ chống lên, có thể sập xuống bất cứ lúc nào.

Một cháu bé bị câm, thấy người lạ thì rối rít chạy vào nhà ra hiệu cho ông. Bác Cào đưa cho tôi một tập giấy và nói là đã nhiều năm chính quyền xã đề nghị cấp cho bác mấy mét đất để bà con dựng cho căn nhà tình nghĩa mà vẫn chưa được. Tôi nhìn con đường liên xã bụi đất đỏ bay mù mịt như nhuộm đỏ tất cả cỏ cây, lại nhìn ra xung quanh mênh mông là đất. Tôi nhẩm đọc một tờ giấy bác đưa “Phòng tổ chức lao động xin báo cáo với UBND huyện như sau:

Ông Nguyễn Văn Cào hiện đang hưởng chính sách thương binh hạng 2/3. Nhà ở, đời sống của ông hiện tại rất khó khăn. Năm 2002, UBND xã Hòa Khánh Tây báo cáo ông khó khăn nhà ở cần được xây dựng nhà tình nghĩa… do ông không có đất nên xã Hoà Khánh Tây chưa đề nghị xây dựng nhà tình nghĩa cho ông…

… Phòng đề xuất UBND huyện xét cấp cho ông một mảng đất ở để ông có nơi xây nhà ở. Nếu có đất thì mới có thể xây nhà tình nghĩa cho ông được…” Phía trên ghi: Hậu Nghĩa ngày 24 tháng 6 năm 2003. Phía dưới có chữ ký của Trưởng phòng Đào Văn Bạch và con dấu đỏ chói.

Có đến mấy tờ giấy, mấy công văn đề nghị như vậy. Đã hai năm rồi, mọi ý tưởng tốt đẹp vẫn nằm trên giấy. Bác Nguyễn Văn Cào vừa kể vừa khóc.

Chị Võ Thị Tuyết, Phó Chủ tịch huyện Đức Hoà nắm tay bác Cào nói trong nước mắt. “Cháu thật có lỗi. Cháu là cán bộ huyện, ở không xa nơi này mà quan liêu quá. Bác thứ lỗi cho cháu… Cháu thật không ngờ hoàn cảnh của bác lại thế này… Cháu xin hứa với bác, với đồng chí Tổng biên tập báo Tiền Phong sẽ báo cáo với lãnh đạo huyện sớm giải quyết việc này. Bác cứ yên tâm…”.

Mọi người đều cảm động rưng rưng nước mắt. Riêng cháu bé bị tật nguyền lại nhoẻn miệng cười. Là cháu ruột của bác Cào, bố chết, mẹ bỏ nhà đi mất tích, hai ông cháu lần hồi rau cháo nuôi nhau… Cháu mang cuốn sách với những dòng chữ viết khá nắn nót, đều đặn trải xuống nền nhà, dở từng trang như khoe với chúng tôi.

Khi viết những dòng này, tôi bỗng nhớ tới câu nói của một bậc vĩ nhân nào đó đã được nhà văn Nam Cao đưa vào tác phẩm của mình “Mọi tội ác đều sinh ra từ sự thờ ơ của con người”.

May mắn sao, chúng ta vẫn còn những giọt nước mắt.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.