Chúng tôi đi trồng cây ngoài vịnh Bắc Bộ

Chúng tôi đi trồng cây ngoài vịnh Bắc Bộ
TP - Mùa xuân - Tết trồng cây không chỉ là mỹ tục của một dân tộc mà của cả một đất nước. Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân. Trồng cây mười năm, trồng người trăm năm. Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người là như thế…
Chúng tôi đi trồng cây ngoài vịnh Bắc Bộ ảnh 1
Chuẩn bị “đổ bộ” lên cồn Thủ

Còn dăm mét nữa mới tới bờ cồn, nhưng nước nông quá, xuồng không vào được. Chúng tôi cởi giày, rụt rè thò chân xuống nước. Lạnh buốt. Trời xám xịt, lắc rắc mưa. Phía trước, cồn cát mờ mịt, không còn biết đâu là biển, là trời…

Chiếc xuồng cao tốc của Đồn Biên phòng 72 mang số hiệu BP 03-07-01 hướng ra biển vào một ngày đầu xuân Mậu Tý. Nó khá mạnh với công suất 75 mã lực, có thể đạt tốc độ tối đa 25 hải lí/giờ.

Thuộc loại xuồng cứu hộ nhưng hôm nay nó chỉ phải làm công việc khá nhẹ nhàng: chở 200 cây phi lao non từ cửa Lân ra cồn Thủ. Trời rét căm căm, đã lâu lắm rồi mới có mùa xuân rét như vậy.

Tôi hỏi chiến sĩ lái xuồng: “Ta đang ở đâu đây anh?”. Trả lời: “Vịnh Bắc Bộ”. Chao ôi, mới đi nửa tiếng đồng hồ mà đã đến cái địa danh nghe vừa mênh mang, vừa xao xuyến và xa ngái đến thế rồi sao.

Trên đường ra biển, bốn con sông chảy qua tỉnh Thái Bình, tạo thành bốn cửa sông lớn thì riêng huyện Tiền Hải đã có tới ba, đó là Trà Lý, Lân và Ba Lạt. Từ ba cửa sông này hàng năm đổ ra biển hàng triệu mét khối phù sa, tạo nên bãi biển Đồng Châu, cồn Thủ, cồn Vành...

Ngày xưa ở Thái Bình có câu sấm: Bao giờ Lân, Lý giao nhau/Thì dân Tiền Hải mắc võng đào mà đưa. Sông Lân và sông Trà Lý mà nhập lại thì một miền đất vô cùng màu mỡ sẽ đem lại nguồn lợi vô tận cho dân Tiền Hải.

Cồn Thủ thuộc địa phận xã Nam Thịnh. Ngày xưa trên cồn cây mọc thành rừng, kiểu bờ lặng lẽ cát vàng, thoai thoải hàng thông đứng.

Những năm gần đây, trải qua nhiều trận bão lớn, cộng với sự bừa bãi, vô ý thức của người dân, tự ý chặt hạ, cây trên cồn Thủ bị thanh toán không còn  một mống.

Không có cây cát chẳng biết bấu víu vào đâu. Cát bay hoang mang, và biển liếm đi từng mét cồn… Khi nước xuống, cồn Thủ rộng khoảng 15 ha, nhưng nước triều lên phần nổi chỉ còn non nửa.

Một nhóm tình nguyện viên trong một lần đi khảo sát đã đặt mục tiêu: cứu cồn Thủ. Đầu tiên hẵng cứ trồng 5.000 cây phi lao để giữ đất. Nhưng trồng thế nào, ở đâu, liệu cây có sống được không… là những câu hỏi chưa có lời đáp.

Trước giờ lên đường, tại Đồn Biên phòng 72 diễn ra một cuộc họp ngắn, có đại diện của huyện Tiền Hải và một số xã ven biển. Ông Dũng, chủ tịch xã Nam Thịnh kể, ngày còn bé, cách đây quãng 40 năm, ông từng ra cồn Thủ chơi.

Gặp những con chuột to bằng bắp chân, nặng không dưới một cân. Chúng rất dạn người, chỉ cần ném ra mấy hột cơm là ủn ỉn chạy lại ăn. Vung gậy đập cho một cái, nướng lên, có bữa chén ngon lành.

Ngày ấy chẳng ai thắc mắc, tại sao ngoài cồn, bốn bên là biển, không có người sinh sống mà lại xuất hiện loài chuột? Bây giờ thì chỉ còn cát là cát và những con còng biển to bằng con cua, chạy nhanh như gió.

Trên cồn Thủ nay chỉ còn hai loài cây là sam biển (còn gọi dừa biển) và muống biển. Nhưng hễ ở đâu có muống biển thì phi lao có thể sống được. Trước mắt, hãy trồng thí điểm 200 cây đã.

Trung tá Chiến, chỉ huy đồn, cho xuồng và điều một tiểu đội lính trẻ đi theo giúp sức (cồn Thủ thuộc địa bàn quản lý và bảo vệ an ninh của Đồn Biên phòng 72). Anh là người Thái Bình, lính đồn hầu hết cũng là người Thái Bình, thông thạo địa hình.

Chúng tôi bám theo tốp lính trẻ. Họ lấy những chiếc xẻng làm đòn, gánh vài chục cây phi lao non, bước đi thoăn thoắt. Qua một đêm, nước thủy triều xuống để lại những đường nét kỷ hà trên mặt cát rắn đanh.

Đồn rằng, ấy là vì trong cát có quặng titan. Chợt nghe tiếng ai đó hét to: “Giẫm vỡ hết ngao của người ta bây giờ!”. Thì ra mặt nước ven bờ cồn người dân Tiền Hải thầu để nuôi ngao.

Chúng tôi đã vô tình đi lạc vào một cánh đồng ngao. Những lúc thủy triều rút, đám ngao trắng, ngao đỏ vùi mình dưới cát, người lạ như chúng tôi không thể biết nơi nào có ngao, nơi nào không.

Nước lên đem theo những loài phù sinh của biển, lúc ấy lũ ngao mới đội cát chui lên. Cái cách di chuyển của ngao cũng kỳ lạ. Chúng tiết ra một đám chất nhờn không tan trong nước, sóng đẩy đám chất nhờn ấy đến đâu, ngao “bơi” theo đến đó.

Dựa vào đặc điểm này, người nuôi ngao quây những tấm lưới cao quãng nửa mét ngăn đường đi của đám chất nhờn, nhờ đó ngao tự do di chuyển kiếm ăn nhưng không thể đào thoát được.

Chúng tôi đi trồng cây ngoài vịnh Bắc Bộ ảnh 2
Chiến sĩ Đồn Biên phòng 72 tham gia trồng cây

Những chiếc lều trông ngao thật ngộ nghĩnh, giống như những con cua bò lổm ngổm trên mặt nước. Mới ra Giêng mà tàu mua ngao đã vào ăn hàng để xuất sang Trung Quốc.

Một hécta nuôi cho sản lượng trung bình 10 tấn/năm, thời điểm sau Tết giá bán buôn khoảng 6.000 đồng/kg. Nhiều nông dân Tiền Hải đã trở thành triệu phú, tỉ phú nhờ ngao.

Nhưng chỉ cần thời tiết không thuận, nóng lạnh thất thường hay độ mặn của nước biển thay đổi cũng có thể khiến ngao lăn ra chết hàng loạt.

Không ít người dân xã Nam Thịnh đã lâm vào cảnh nợ nần hoặc trắng tay vào thời kỳ “đại tang ngao” năm 2003, tổng thiệt hại lên đến hơn 50 tỉ đồng. Nghề làm ăn mà phải phụ thuộc hoàn toàn vào ông giời thì vẫn là cái anh tiểu nông, đủ ăn đã là may chứ chưa thể ra biển lớn được.

Đánh bắt xa bờ chưa đủ điều kiện thì sao không đánh bắt gần bờ ? Nghĩa là tìm lại những tiềm năng ở bên cạnh mình mà vì lý do nào đó vẫn còn để đấy. Cồn Thủ có đầy đủ những tiềm năng ấy.

Thử hỏi mấy nơi cách bờ chỉ nửa giờ đồng hồ, lại có một vùng hoang sơ, biệt lập bốn bề sóng vỗ, sẵn sàng thỏa mãn trí tò mò khám phá của du khách như nơi này? Nhưng cũng chẳng dễ ăn, vì cồn Thủ bây giờ chỉ còn có cát và đang bị nước biển tấn công từng ngày…

Chúng tôi đi sâu vào trong cồn vài cây số mà tịnh vẫn chưa thấy một bóng cây, ngọn cỏ nào cả. Những đôi chân bắt đầu thấm mệt, đỏ ửng lên vì rét. Có người bàn lùi: “Hạ thổ” tạm ở đây thôi, vài tháng sau quay lại xem cây sống chết thế nào. Không lẽ màu xanh đã tuyệt diệt trên cồn Thủ thật rồi ư?

Nhưng ông Hằng, phó chủ tịch huyện Tiền Hải và một nhóm tình nguyện vẫn kiên nhẫn tiến về phía trước, nơi những con sóng trắng xóa trên vịnh Bắc Bộ ẩn hiện cuối chân trời.

Đi thêm độ nửa giờ nữa. Đầu tiên là đám cỏ lún phún như ria mép thanh niên mới lớn. Rồi đến những đám sam biển, lá nhỏ và mọng như lá cây bỏng, mọc theo hình rẻ quạt. Cuối cùng là những vạt muống biển mọc rải rác.

Nó trông giống như rau muống trong đất liền, có điều lá to và mập mạp hơn. Thiên nhiên thật khó hiểu. Tại sao và từ đâu, trên cát trắng và nước mặn lại có một loài cây đã trở thành món ăn quen thuộc với tất cả người Việt Nam từ lúc khốn khó cho tới khi no đủ, sống một cách kiên cường như vậy?

Tôi chợt nảy ra một ý: “Có thể đem muống biển ở đây ra trồng ngoài Trường Sa được không, biết đâu sẽ giúp bộ đội có thêm rau ăn?”. Trung tá Chiến gật gù: “Phải”.

Bỗng ai đó reo lên: “Đằng kia có cây!”. Chúng tôi ào lại. Chẳng biết từ bao giờ, giữa đám rau muống biển có một cây phi lao non, cái cây duy nhất còn sót lại trên cồn, cao quãng một mét. Nó hiện diện như một niềm tin và hy vọng, rằng nơi này những đồng loại tí hon của nó được mang từ đất liền ra sẽ bén rễ và có cơ may sống sót.

Chúng tôi thận trọng vùi những thân cây phi lao non xuống cát. Chúng xếp thành hình tròn xung quanh vị thủ lĩnh cô đơn bây giờ đã có một cộng đồng phi lao quần tụ.

Cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển có xu hướng ngày càng dâng cao. Người ta tính toán rằng, nếu nước biển dâng cao thêm một mét nữa thì cả đất nước Hà Lan sẽ biến mất. Đang có những dự án hàng trăm tỉ đô la để đối phó.

Còn với đất nước chúng ta, theo những thông tin gần đây dự báo, nếu mực nước biển tăng thêm một mét có thể làm mất 12,2% diện tích đất nơi 23% dân số sinh sống, tương đương với 17 triệu người, mức thiệt hại sẽ lên tới 17 tỉ USD/năm. Việc giữ từng tấc đất trước “giặc biển” không còn là chuyển đẩu đâu nữa rồi.

Chúng tôi giao cho những cây phi lao non bé nhỏ đang rạp mình trong gió một nhiệm vụ không hề dễ: phải sống. Sống mà giữ đất. Sống để ngăn biển lại, mở rộng bờ cõi của Tổ quốc. Và dành chỗ cho một thiên đường du lịch ngày mai.

Nếu được đầu tư, Đồng Châu, cồn Vành, cồn Thủ… sẽ trở thành những khu nghỉ mát, an dưỡng lý tưởng. Khi đó, những người dân xứ biển sẽ không còn lam lũ với những con ngao đỏ, ngao trắng nữa mà trở thành chủ nhân của một thiên đường xanh trên vịnh Bắc Bộ.

Việc đó đang bắt đầu từ hôm nay, mùa xuân, những cây non được trồng ngoài biển.

2/2008

MỚI - NÓNG