Chút duyên Ba Đình

Chút duyên Ba Đình
TP - ... Buổi hầu chuyện nhà văn Tô Hoài lần ấy cứ dài mãi ra về chuyện tên đường Hà Nội. Nhà văn Tô Hoài cho hay, hầu hết tên đường hiện nay ở nội thành đều do một tay bác sĩ Trần Văn Lai đặt cả.
Chút duyên Ba Đình ảnh 1
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) được đặt để kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Ba Đình Ảnh: Phạm Yên

Điều hy hữu là ông chỉ giữ chức Thị trưởng từ 20/7  đến 19/8/1945, mốc son của cuộc khởi nghĩa vĩ đại giành chính quyền của nhân dân Hà Nội. Ngài Thị trưởng Hà Nội của Chính phủ Trần Trọng Kim về sau đã trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội rồi Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh.

Một nhiệm kỳ Thị trưởng ngắn ngủi có lẽ nhất hành tinh nhưng ông đã làm thay đổi bộ mặt thành phố bằng nhiều tên phố mới. Bác sĩ Trần Văn Lai đã dự đoán, đã tiên liệu được cuộc bão táp đang âm ỉ trong lòng Hà Nội ?

Hay là ý thức tự cường tự tôn của dòng máu Lạc Hồng cùng nỗi nhục của cái họa ngoại bang xâm lược đã khiến ông quyết định ngay một việc làm từ những ngày đầu tiên của chức Thị trưởng thành phố?

Đầu tiên là việc cho kéo đổ nhiều bức tượng thực dân, tượng đầm xòe ở vườn hoa Cửa Nam. Tượng sĩ, nông, công, thương ở vườn hoa Canh nông (là bức tượng thực dân Pháp dựng để kỷ niệm cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914-1918.

Dưới 4 mặt của bức tượng là hình ảnh một thầy đồ cắp tráp mà họ bảo tượng trưng cho tầng lớp sĩ của người An Nam. Một anh kéo xe cút kít, tượng trưng cho tầng lớp công. Một phụ nữ te tái quang gánh, được bảo đấy là tầng lớp thương.

Và cuối cùng là anh thợ cày lực lưỡng bước sau con trâu tượng trưng cho “giai cấp” nông dân An Nam. Tượng Toàn quyền Văng Hôven. Phù điêu Giăng Đuypuy chỗ gần bến sông Hồng... tất tật đều bị kéo đổ, bị phá tan tành.

Cả bức tượng đồng to nhất Hà thành khi ấy có lẽ là Toàn quyền Paul Bert tay cầm cờ  tay xòe trên đầu ông thầy đồ An Nam cắp tráp dựng ở vườn hoa bên tòa Đốc lý (nay là vườn hoa I.Gandhi).

Đồng thời với việc hạ bệ các bức tượng thực dân, ông còn đổi một loạt tên đường mang tên thực dân hay có hơi hướng thực dân. Những đại lộ đẹp nhất Hà thành như Briére de L’isle đã trở thành Hùng Vương, Carnot đã trở thành Phan Đình Phùng, Henri D’Orleans là đường Phùng Hưng. Gambetta trở thành Trần Hưng Đạo. F. Garnier, mang tên viên quan ba chết trận ở Cầu Giấy trở thành đường Đinh Tiên Hoàng v.v...

Không chỉ những tên võ tướng với chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc như  Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Yết Kiêu, Dã Tượng, Bùi Thị Xuân, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học... mà nhiều con đường Hà Nội còn được mang tên các danh sĩ nổi tiếng đến tận bây giờ mà ta vẫn gọi, người Hà Nội vẫn dùng như Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Lý Văn Phức, Trần Tế Xương, Tản Đa... cũng ông Thị trưởng này đặt ra cả.

Có lẽ tên hai người Pháp duy nhất mà ông Thị trưởng cho giữ nguyên mà bây giờ ta vẫn quen gọi là phố Yersin cũng như bức tượng nhà khoa học nổi tiếng này cùng với tượng nhà khoa học Pasteur được lớp hậu sinh của ông Thị trưởng bảo tồn đến bây giờ.

Độc đáo nhất là thời điểm ấy cuối con đường mang tên vị linh mục Paul Puginier (nay là đường Điện Biên Phủ) ở mạn bắc có một bãi đất trống cỏ dại mọc có tên là poanh (Point: điểm bắt đầu phố).

Bác sĩ Trần Văn Lai đã đặt tên cho bãi đất trống ấy là Quảng trường Ba Đình lấy tên căn cứ nghĩa quân Đinh Công Tráng chống Pháp rất anh dũng ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (chứ chẳng phải hồi trước ở đây có ba cái đình như một số người lầm tưởng!).

Và chỉ hơn một tháng sau khi có tên ấy, cùng với vận hội mới của đất nước, các phương tiện thông tin thế giới đã đồng loạt loan ra cái tin Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Sau thời điểm đó, quảng trường Ba Đình có tên mới là Quảng trường Độc lập. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại đặt tên là Quảng trường Hồng Bàng.

Sau năm 1954, đề nghị lấy tên cũ là Quảng trường Độc lập đã “bị’’ Bác Hồ “bác’’ đi và giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình  đến bây giờ mặc dầu mãi về sau này có mấy kỳ họp của Hội đồng Nhân dân thành phố, có người đề nghị tên mới là Quảng trường mồng 2 tháng 9?

Theo gợi ý của nhà văn Tô Hoài, tôi đến gặp bà Dương Lan Hải - TS Sử học, con dâu trưởng của bác sĩ Trần Văn Lai. Từ tư liệu của bà Hải và nhà văn Tô Hoài, tôi đã viết bài Về người đặt tên cho Quảng trường Ba Đình. Báo ra được ít ngày thì tôi nhận được một bức thư dài của nhà văn Thái Vũ từ thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25 tháng 8 năm 2003. Gởi nhà báo Xuân Ba.

Tôi là nhà văn Thái Vũ (Bùi Quang Đoài). Cuộc khởi nghĩa Ba Đình của nghĩa quân Đinh Công Tráng không hiểu sao luôn ám ảnh tôi? Năm 1958, hồi còn học ở đại học, tôi dự tính sẽ viết tiểu thuyết lịch sử về Ba Đình.

Viện trưởng Viện Sử học Trần Huy Liệu rất đồng tình. Thầy giáo tôi, cụ Đặng Thai Mai cũng như cụ Lê Thước đều khuyến khích và ai cũng nghĩ tên Quảng trường Ba Đình là do Bác Hồ đặt (có cả ý kiến của đồng chí Trường Chinh nữa).

Sau 2 lần vào Thanh Hóa (năm 1958 và năm 1963) tôi tạm ứng Hội Nhà văn  100 đồng để đi tìm hiểu và viết về đề tài Ba Đình. Số tiền ấy khi ấy là khá to vì ăn cơm tháng khá sang cũng chỉ hết 22 đồng, bình thường là 15 đồng. Thầy Đặng Thai Mai và cụ Liệu còn biên thơ khuyến khích tôi cố tìm hiểu và viết về đề tài này.

... Viết mà vẫn áy náy về tên Quảng trường Ba Đình do ai đặt. Nói chung các thầy, các bậc cha chú như Hoa Bằng Trần Thúc Trâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc khi đó, nhất là các bạn bên Viện Sử học (có Lê Văn Lan) đều ủng hộ cung cấp thêm tư liệu.

Trong sự quan tâm động viên nhiệt tình ấy, tôi đã cố gắng  hoàn thành cuốn sách. Từ năm 1976 đến năm 1981 NXB Quân đội Nhân dân đã cho in với số lượng 30.000 cuốn trọn bộ 2 tập Cờ nghĩa Ba Đình của tôi.

Sau đó NXB Thanh Hóa in lại (1986-2000) nhưng mãi đến bây giờ khi đọc báo Tiền phong Chủ nhật số 34 ra ngày 24/8/2003) tôi rất mừng khi biết được người đặt tên Quảng trường Ba Đình là bác sĩ Trần Văn Lai.

Cảm ơn anh Xuân Ba, tôi trân trọng gởi ra tặng anh bộ Cờ nghĩa Ba Đình. Tôi cũng nhờ anh cho biết địa chỉ của bà Dương Lan Hải, con dâu cụ Trần Văn Lai để tôi gởi biếu bà bộ sách nầy...

Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, nhưng kiến văn như kiến nhân...

Tuy chưa được hân hạnh lần nào gặp cây viết chững chạc tin cậy, chuyên về đề tài lịch sử, nhà văn Thái Vũ, hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957) nhưng tôi có cảm giác như đã quen biết ông khá lâu rồi ngoài cuốn Cờ nghĩa Ba Đình và nhiều cuốn khá hấp dẫn của nhà văn như: Giặc Chày Vôi, Huế 1885, Những ngày Cần Vương, Thành Thái người điên đầu thế kỷ...

Mặc dầu tuổi đã cao (hơn bát tuần) nhưng ông hẳn còn viết rất khỏe. Chao ôi, đề tài lịch sử! Đã tốn không biết bao giấy mực về mảng này? Một sử gia tiếng tăm nước ngoài từng phàn nàn rằng lịch sử là cái mắc áo, người viết muốn khoác thứ chi lên đó cũng được!

Thầy học của tôi, nhà phê bình GS Phan Cự Đệ, người đã từng chia các nhà viết tiểu thuyết lịch sử ra làm hai nhóm mà cỡ Chu Thiên (từng viết Bóng nước Hồ Gươm), Thái Vũ thuộc nhóm tái hiện chính xác sự kiện. Họ coi lịch sử cứu cánh, khác với nhóm coi lịch sử là phương tiện để sáng tác!

Theo GS, cuốn Cờ nghĩa Ba Đình ( hai tập) của Thái Vũ không phải là lịch sử được tiểu thuyết hóa. Âm hưởng chủ đạo của tác giả là sự chính xác về lịch sử. Đó là cuốn sách rất công phu và nghiêm túc.

Tác giả có kiến thức uyên bác về nhiều mặt kèm một hệ thống tư liệu lịch sử rất đáng tin cậy. Nhà văn đặt lại vấn đề lịch sử cuộc khởi nghĩa Ba Đình và cuộc rút lui của Đinh Công Tráng thắng hay bại và phản bác lại những cuốn Ba Đình của Phan Trần Chúc, dựa trên những tài liệu của Pháp... Tác giả ghi cả ngày giờ năm tháng của trận đánh, vẽ bản đồ Ba Đình và đường hành binh của nghĩa quân Tĩnh Gia, Nông Cống Nga Sơn...

Chính nhờ những tư liệu lịch sử phong phú mà tác giả có thể miêu tả toàn cảnh từ hai phía, từ những chiến sĩ Cần vương cho đến các sĩ phu yêu nước như Trần Xuân Soạn, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Phan Cư, Hoàng Bật Đạt... đến Trung tá Alfred Amédée Dodds - Phụ trách hữu ngạn sông Hồng đến Đại tá Léonard Brissaud - Tư lệnh Mặt trận Ba Đình, từ Cố Sáu Trần Chiêm ở Phát Diệm đến Cố Phước (Linh mục Paul Puginier), từ Thống sứ Paul Bert đến Thống sứ Constan vv... và vv...

Thậm chí tác giả nắm vững tiểu sử của từng người lính quèn như Cessaire Joffre (1852-1931) đánh Ba Đình bị thương rồi sau đó được phong thiếu tá. Năm 1889 chỉ huy thôn tính Madagascar, tiếp đó dự trận Sudan ở Bắc Phi.

Trong đại chiến I (1914-1918) được phong Thống chế Pháp có chân trong Viện hàn lâm Pháp. Năm 1922 đúng 35 năm sau sự kiện Ba Đình, ông ta  trở lại Đông Dương, trở lại Ba Đình bởi vẫn không hiểu nổi cách phòng ngự của nghĩa quân Đinh Công Tráng ở Ba Đình  để mong tự mình nghiên cứu lại sự kiện đó! Vị Thống chế này trở lại Thanh Hóa bắt các quan Tây và Nam Triều huy động dân huyện Tống Sơn và Nga Sơn dựng lại toàn cảnh Ba Đình.

Chưa hết, ông  còn cho khắc một bia đá một bên chữ Tây một bên chữ Nho. Bia ấy nay ở Ba Đình hiện còn (Xem thêm Tạp chí Nhà văn, số 1 năm 2003).

Sự công phu và nghiêm túc của tác giả đã mang nhiều sắc thái thẩm mỹ phong phú cho nhiều trang viết. Về tấm bản đồ Ba Đình do nhà văn Thái Vũ trực tiếp công phu vẽ, được in trong cuốn xuất bản lần đầu của NXBQĐND, nhà viết sử người Mỹ, David Mar trong cuốn Vietnam Anticolonialisme (Việt Nam chống thực dân) đã sử dụng bản đồ này của Thái Vũ mà không sử dụng các bản đồ của Gosselin,  của J.Chansson, của Chagrol là những sĩ quan viễn chinh Pháp trực tiếp bao vây Ba Đình vẽ trong những cuốn sách họ đã viết về Ba Đình.

... Có không ít lần tôi về Nga Sơn và tìm lại Ba Đình... Được nghe dân viết xứ Thanh và không ít người dân xã Ba Đình, huyện Nga Sơn nhắc nhiều nhà văn Thái Vũ và không ít chuyện những ngày nhà văn cắm chốt ở xứ này để viết Cờ nghĩa Ba Đình.

Được vô trụ sở huyện coi cả tấm ảnh năm 2000, nhà văn Thái Vũ về thăm lại Ba Đình chụp tại núi Thúc (một cứ điểm trước của nghĩa quân Đinh Công Tráng) với cán bộ biên tập NXB Thanh Hóa, Huyện ủy Nga Sơn cùng Bí thư Chủ tịch xã, Hiệu trưởng trường PTCS  Ba Đình.

Nhớ cái chép miệng của một nhà văn xứ Thanh rằng, có những người viết vốn ngay sát sạt ngay cạnh một sự kiện một chứng tích rất, rất nhiều năm nhưng đành phải nhường cho những người có tài lẫn có tình.

Tôi muốn nói thêm rằng cả một chút duyên của nhà văn Thái Vũ với Ba Đình nữa chứ? Ông vốn tít quê tận Huế và đang sống ở TPHCM. Gần đây lại có chút duyên được trao đổi với ông trên điện thoại, thư từ khi thực hiện một loạt bài viết về nhà văn hóa Phạm Quỳnh nhưng đến tận giờ người viết bài này vẫn chưa một lần được gặp nhà văn cao niên Thái Vũ.

Đầu đông năm Tuất

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.