Chuyện buồn kể muộn

Chuyện buồn kể muộn
TP - Năm 1989, trong không khí Đổi Mới, có một bài báo ngắn trên tờ Tiền Phong với tựa đề Nỗi đau xé ruột viết về nỗi oan ức, hoàn cảnh thuơng tâm và hành trình gõ cửa kêu oan của bà Nguyễn Thị Bích Lộc.

Bài báo là kết quả của quá trình điều tra công phu của nhóm phóng viên phối hợp với cộng tác viên Tòa soạn trên cơ sở lá đơn của bà Nguyễn Thị Bích Lộc.

Bà Nguyễn Thị Bích Lộc khoe những tấm hình tại nhà riêng. Ảnh: Xuân Tùng
Bà Nguyễn Thị Bích Lộc khoe những tấm hình tại nhà riêng. Ảnh: Xuân Tùng.

Còn đó nỗi đau sau 24 năm

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập tự do Hạnh Phúc. Đơn đề nghị bồi thường thiệt hại cho nguời chết oan. Kính gửi các ông Chủ tịch Quốc Hội, ông Tổng Bí thư, ông Thủ tướng Chính phủ, ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội.

Thưa ông, tên tôi là Nguyễn Thị Bích Lộc, 70 tuổi công nhân Nhà máy Đồ hộp xuất khẩu (cũ) nay là Công ty xuất nhập khẩu rau quả I Hà Nội đã nghỉ hưu ngụ tại 19 ngách 389/88 đường Trương Định Phường Tân Mai Quận Hoàng Mai Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc như sau.

Con trai duy nhất của tôi tên là Nguyễn Mạnh Hòa sinh năm 1959. Là quân nhân tại ngũ thuộc đơn vị C2, D7, E66, Sư đoàn 10 đã bị thương 1 lần tại Mặt trận phía Nam Tổ quốc.

Sáng ngày 09/8/1980, Trung Đội trưởng Bắc giao nhiệm vụ cho con tôi về Hà Nội mua thuốc ghẻ và thuốc hắc lào cho anh em trong đơn vị. Con tôi vừa ghé qua nhà được 15 phút thì công an Ba Đình ập vào nhà bắt con tôi. Lệnh bắt ghi Nguyễn Văn Hòa sinh năm 1960 can tội trấn lột có vũ khí trên tàu. Lệnh bắt ghi ngày 04/8/1980 do đại úy Quận phó công an Ba Đình Mai Văn Hẩy ký.

Thưa ông, ngay lúc ấy tôi đã kêu oan rằng, các ông bắt nhầm con tôi rồi. Bởi một chi tiết đơn giản là lệnh bắt sai cả ngày sinh lẫn tên đệm (Nguyễn Mạnh Hòa thành Nguyễn Văn Hòa. Sinh năm 1959 thành 1960). Nhưng họ vẫn cứ lập biên bản để bắt con tôi. Khám người không có chứng cứ, không có tang vật. Tiền bạc cũng không. Quá trình công an Ba Đình tạm giam không có thông báo cho đơn vị của cháu Hòa biết rồi lặng lẽ đưa đi Tập trung cải tạo với tội danh là đào ngũ, trộm cắp, án phạt 3 năm.

Thưa ông biết bao điều vô lý là con tôi đang tại ngũ mà buộc tội vô lý là đào ngũ. Đơn vị con tôi xác nhận sáng ngày 09/8/1980 chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hòa mới xuất phát khỏi doanh trại về Hà Nội. Vậy vụ án xảy ra ở bến xe Long Biên nào đó ngày 04/8/1980, chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hòa hoàn toàn không liên can. Viện KS Quân đoàn 3 cũng có công văn yêu cầu công an Hà Nội có trách nhiệm giải quyết đối với gia đình chiến sĩ Nguyễn Mạnh Hòa cho thỏa đáng!

Thưa ông nói sao hết nỗi khổ sở trần ai hàng bao nhiêu năm mà tôi đã nhiều lần đội đơn đi khắp nơi để kêu oan cho con tôi. Sau đó, vụ án con tôi đã được ban Giám đốc CA Hà Nội coi xét nhưng tiếc thay con tôi đã chết ở trại giam số 6 Nghệ Tĩnh. Ban GĐCA Hà Nội sau đó cũng chỉ thị cho CA Ba Đình trực tiếp đi sửa sai bốc mộ con tôi về quê tại thôn Phù Ninh xã Ninh Hiệp, Huyện Gia Lâm, Hà Nội vào ngày 28 tháng 10 năm 1983.

Cuối đơn bà Lộc cũng khẩn thiết.

Kính thưa ông, Nghị Quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (UBTVQH) về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai là ánh sáng công lý không những soi rọi chiêu tuyết cho nỗi oan của con tôi nói riêng mà còn cho rất nhiều trường hợp oan sai khác nói chung. Vậy tôi kính mong ông bằng uy tín và trách nhiệm của mình quan tâm giúp đỡ trước những thiệt hại tổn thất vật chất và tinh thần hằng bao nhiêu năm bản thân tôi và gia đình phải gánh chịu theo tinh thần NQ của UBTVQH đã ban hành.

Trong câu chuyện với phóng viên, bà Lộc cũng cho biết, trong mỗi tờ đơn gửi đến các cấp, bà cũng gửi kèm bản thanh minh chính trị. Nội dung như sau.

Bộ Nội vụ. Công an thành phố Hà Nội. Số 518/PX 16. Hà Nội ngày 7 tháng 6 năm 1984. Kính gửi ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận Hai Bà Trưng. Đồng kính gửi ông Giám đốc Nhà máy thực phẩm xuất khẩu, ông chủ tịch UBND Phường Giáp Bát. Công an Thành phố Hà Nội đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Bích Lộc, hiện trú ở số nhà 78, tổ 8 Phường Giáp Bát Quận Hai Bà Trưng khiếu nại với nội dung Công an Quận Ba Đình bắt con trai của bà tên là Nguyễn Mạnh Hòa là oan.

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã giao cho ban Thanh tra xác minh xem xét kiểm tra lại việc này và thấy rằng, việc bắt giữ và xử lý anh Nguyễn Mạnh Hòa là chưa đúng.

Vậy xin thông báo để UBND Quận và Nhà máy biết để thanh minh chính trị cho gia đình bà Nguyễn Thị Bích Lộc. KT/ Giám đốc công an TP Hà Nội. Vũ Đình Hoành.

Những lá đơn kèm bản thanh minh chính trị ấy bà Lộc cho biết đã gửi từ tháng 4 năm 2007 nhưng đến thời điểm đó (năm 2009) vẫn chưa hề có hồi âm!

Tôi vội quay đi để tránh nhìn thấy những giọt nước mắt trên khuôn mặt bệch bạc nhăn nheo khi bà sụt sùi rằng, khi gửi đi những lá đơn kèm bản thanh minh chính trị đó, người mẹ khốn khổ ấy không vợi vơi đi niềm tin vào sự công minh lẫn sòng phẳng của công lý.

Bà Nguyễn Thị Bích Lộc
Bà Nguyễn Thị Bích Lộc .

Có một câu chuyện như cổ tích với bà Lộc

Lại nói về bài báo thời điểm năm 1989.

Bài báo hiếm hoi trên tờ Tiền Phong khi ấy đã đến được nhóm học sinh PTTH của huyện Hải Hậu, Nam Định. Người thay mặt nhóm học sinh đang trong tâm trạng xúc động sau khi đọc bài báo đã tức thì viết thư thăm hỏi bà Lộc là đoàn viên Nguyễn Văn Thắng người xã Hải Anh, Hải Hậu. Liên tục sau đó, những lá thư thăm hỏi động viên của Thắng và nhiều ĐVTN của trường đã khiến bà Lộc xúc động và vơi vợi phần nào nỗi buồn.

Thời gian bà Lộc đang lao đao vất vưởng, một lần lên chùa coi bói cho khuây khỏa, có ông thầy nhìn bà nói ngay khi bà trăm tuổi (ý nói khi bà mất) sẽ có một cái gậy nữa...

Bà khóc òa thầy ơi con có mỗi đứa con trai thì đã chết oan chết ức rồi còn ai mà chống gậy nữa...

Năm 1990, có một người tên là Nguyễn Văn Thắng viết thư báo tin cho bà Lộc vừa nhập ngũ. Mặc dù đóng quân ở Sóc Sơn nhưng Thắng cứ dùng dắng mãi bởi tính khí cậu khá cẩn thận sợ bà Lộc hiểu nhầm hoặc làm phiền bà điều gì chăng nên mãi chưa đến thăm bà Lộc. Sau bao lần bà gửi thư giục Thắng đến thăm nhà... Năm 1992, được bà động viên, Thắng đã tìm đến nhà người mẹ có hoàn cảnh khốn khổ nọ.

Sau mấy lần đi lại, Thắng được bà Lộc nhận làm con nuôi. Năm 1993, Thắng đã đưa bà Lộc về quê Hải Anh Hải Hậu để bà gặp bố mẹ mình...

Về bản thanh minh chính trị ban hành đã hơn một phần tư thế kỷ mà bà Lộc đã từng thuộc lòng từng chữ ấy, như bà thở dài rằng, nó sơ sài đơn giản lẫn ráo hoảnh thế nào? Bởi không hề có câu chữ nào đề cập đến cái chết oan khuất của con trai bà. Dằng dặc hàng bao năm cũng chưa hề có một lời xin lỗi bà của cấp có thẩm quyền lẫn cá nhân nào cả?

Tôi đã có dịp nói chuyện với người sĩ quan nguyên là bạn đọc của tờ báo Đoàn hồi nào... Sau khi tốt nghiệp Trường đào tạo về nghiệp vụ Hậu cần không quân, Thắng chững chạc ở vị thế công việc hoá nghiệm xăng dầu của một đơn vị đặc biệt thuộc binh chủng Phòng không - Không quân. Tổ ấm của Thắng ở ngay trong đơn vị ở Sóc Sơn.

Ngân, vợ Thắng là giáo viên tiểu học. Mỗi dịp Tết hay nghỉ lễ hoặc ngày nghỉ, Thắng, Ngân đều đưa hai cháu, đầu là trai sinh năm 1999 và gái sinh năm 2007 về thăm bà nội ở khu tập thể đường Trương Định. Các con của Thắng và Ngân đặc biệt rất quấn bà Lộc. Tất nhiên chưa có giỗ nào của anh Hòa mà vợ chồng Thắng vắng mặt.

Thắng tâm sự với tôi, tình cảm của vợ chồng con cái anh với bà Lộc cứ như với bố mẹ của mình ở quê Hải Hậu. Bà Lộc cũng tự hào khoe với khách những tấm hình bà chụp chung với bố mẹ Thắng ở quê Hải Hậu.

Cũng một vòng tay ấm áp thân thương nữa, đúng ra là một vòng vây quây xung quanh số phận cô đơn của bà Lộc.

Đó là 16 anh em Hà Nội cùng nhập ngũ, cùng đơn vị với Nguyễn Mạnh Hòa ngày ấy gọi là Hội xóm Hà Thành. Hội trưởng là ông cựu binh Trần Hữu Duy từng dự nhiều trận ở chiến trường Campuchia với Nguyễn Mạnh Hòa. Anh Duy nhỉnh hơn Hòa mấy tuổi, hiện là chủ một hãng sơn gò hàn ô tô xe máy ở 281 đường Trần Khát Chân, Hà Nội. Mười mấy anh em mỗi khi có công to việc nhớn gì ở nhà người đồng đội cũ thì đều thu xếp được để có mặt...

Lần thăm mới đây nhất, ở tuổi gần 80, lại mang lắm chứng bệnh, bà Lộc yếu đi nhiều. Mặc dù hơi lẫn, nhưng khi bà nhắc đến chuyện cũ, đến người con trai chết oan, bà thoắt tỉnh táo, minh mẫn hẳn lên. Bà cho biết, những lá đơn đề nghị bồi thường thiệt hại cho người chết oan mà bà gửi liên tục từ năm 2006 và 2007 cho đến bây giờ vẫn không hề có hồi âm!

Những ngày này đang rộ lên chuyện án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, nghe qua tivi, bà Lộc cũng biết...

Rời đã xa căn nhà xập xệ ở khu TT Trương Định, vẫn hun hút sau tôi chất giọng nghẹn ngào của người mẹ đau khổ anh Nguyễn Sỹ Lý bị tù oan. Ông Chấn cũng bị bắt oan tù oan. Nhưng họ may mắn được trở về. Còn con tôi bị bắt oan, tù oan và đã chết oan...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.