Chuyện cảm động về một thầy giáo - liệt sỹ viết nhật ký vượt Trường Sơn

Chuyện cảm động về một thầy giáo - liệt sỹ viết nhật ký vượt Trường Sơn
TPCN - Đầu những năm 60, nhiều cái ở đỉnh cao (Chào 61 đỉnh cao muôn trượng – Tố Hữu), trong đó có chuyện học hành thi cử. Thi đỗ đại học không chỉ nhờ năng lực, mà còn nhờ lý lịch thành phần không có “vấn đề” gì.
Chuyện cảm động về một thầy giáo - liệt sỹ viết nhật ký vượt Trường Sơn ảnh 1
ảnh vợ chồng - con gái chụp trước khi thầy Võ Tề vào chiến trường miền Nam (1964)

Vào trường là học chí chết. Bọn học sinh phổ thông chúng tôi, nhà ở ngay Hà Nội mà nhiều anh vẫn ở nội trú. Chiều thứ bảy mới đi bộ ra Cầu Giấy, nhảy xe điện về nhà. Chiều chủ nhật đã vào học.

Anh Võ Tề là giáo viên cấp 2  được cử đi học. Cái gã thư ký lớp là tôi, kém 6 tuổi, rất nể, không phải vì anh là đảng viên mà vì tính cách ngang bằng, thẳng thắn trong quan hệ sống, đúng như tên anh.

Thời ấy, buổi tối không có bất kỳ thú vui chơi gì. Tối thứ 7 bãi chiếu bóng Cầu Giấy mới chiếu phim. Mà chúng tôi cũng không mất thì giờ vào việc ấy. Đến giờ ngủ, đèn trong phòng tắt. Nhiều người còn ngồi dưới cột điện học, hoặc đọc sách tham khảo.

Võ Tề tận dụng thời gian hết mức. Đến lượt tôi kỳ lưng cho anh, thì anh tranh thủ vò quần áo. Bạn đừng lạ, thời ấy không ai biết trên đời này có phòng tắm cho một người. Không có cả vòi nước để ai muốn mở cũng được.

Nước chảy nhỏ giọt vào bể, xây giữa nhà tắm tập thể và giữa hai khu nhà để đánh răng rửa mặt, giặt. Vì thế tắm phải đi hai người, để còn hỗ trợ nhau.

Người này cúi gập người xuống mới múc được gầu nước, dội cho người kia và ngược lại. Đọc nhật ký Võ Tề, mấy lần anh nhắc chuyện tắm giặt. Đấy là cái tính sạch sẽ của anh, mà cũng là phút thư giãn hiếm hoi trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt.

Năm 1962, ra trường, chúng tôi đều tam bất kỳ: đi bất kỳ đâu, làm bất kỳ việc  gì, nhận bất kỳ chế độ đãi ngộ nào. Tổ chức ném ai đi đâu thì ném, không có chuyện chạy tỉnh, càng không có chuyện chạy trường. Tôi về sư phạm trung cấp Hưng Yên.

Anh về làm phó hiệu trưởng, trường học sinh miền Nam số 27 ở Chương Mỹ – Hà Đông. Cuối năm 1964, anh xung phong đi B, để lại vợ trẻ – chị Vũ Phi Hồng – bạn cùng lớp và cháu Hà mới mấy tháng tuổi, và hy sinh sau đó chưa đầy một năm.

Bây giờ, đọc nhật ký của anh mới biết, cuộc đời anh, dù ngắn ngủi vẫn là một đỉnh cao của lẽ sống tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ hào hùng.

Sau mấy tháng tập huấn và đeo sọt rèn, trong ba lô anh có nhiều bài thơ Tố Hữu chép tay, dùng vào việc giảng dạy sau này như Phá đường, Việt Bắc, Mẹ Tơm…

Nhưng hóa ra, không để làm gì. Trước hết phải vượt được hơn ngàn cây số bằng đôi chân với “phương tiện”  duy nhất – chiếc gậy Trường Sơn. Lắm lúc sức khỏe như Võ Tề mà người cứ lả đi, ngỡ ốm, hóa ra tại đói quá. Tết Dương lịch 1965, mới được bữa canh rau má, lá môn rừng. Thức ăn chưa trôi tới dạ dày đã ngứa rách cổ.

Tết ta thì được bữa cơm nếp độn sắn. Có thịt chó mới oai! Nhưng cả huyện người với một con chó con, sủa chưa vỡ tiếng “thành ra mới chỉ xức chân răng”. Việc bồi dưỡng sức khỏe tốt nhất, đơn giản nhất và hiệu quả nhất là được ăn… no!

Trạm giao liên cấp phát mỗi người một cân sắn đã thấy đời tươi lên rồi… Một lần, có lẽ là duy nhất, được chia một nửa… quả chuối, Võ Tề sướng đến mức phải đưa sự kiện này vào thơ. Tôi cũng từng nếm đời bộ đội quen với gian lao thời chống Mỹ, nhưng so với anh, chả thấm vào đâu.

Bây giờ, khó ai tin được, đấy là sự thật, khi anh viết thư cho vợ kể, ngày nào cũng uống một bát nước… đái của chính mình để tăng… chất đạm. “Mà ngon như uống… bia vậy”.

Bạn đọc chớ cho là chuyện nhảm nhí. Đây là lời khuyên của chính Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, anh hùng lao động, người đã hy sinh trong chiến trường B vì viêm cấp túi mật.

Thế đấy, trước hết là hãy làm tất cả những gì để sống được, trong cảnh khốn khó ấy. Đồng thời phải chống giặc từ trên trời nã đạn bom xuống đầu, chống giặc càn quét. Thế là phải đào hầm, canh gác, sẵn sàng đánh địch.

Thế là phải làm nương, đào sắn, gọt, thái, phơi sắn, giã thóc (chứ không phải giã gạo), đi gùi lương thực, thực phẩm, tiêm thuốc (gắp bơm tiêm bằng đũa), băng bó cho đồng đội. Sau đó mới là công việc của người cán bộ tuyên huấn, đảng ủy viên, đội trưởng Võ Tề.

Anh cùng đồng đội luồn vào vùng tạm chiếm gây cơ sở, vận động đồng bào, giúp chính quyền và bộ đội giải phóng và tổ chức tập huấn. Võ Tề cứ tiếc là ở ngoài Bắc không chịu tập hát nên biết ít bài quá. Có lần gặp một nhạc sĩ, anh liền nài dạy một bài để dạy lại cho các lớp tập huấn.

Các khu dinh điền bị quân ta phá banh, các anh tiến vào thu vũ khí, tổ chức mít tinh, đọc thơ, hát cho đồng bào nghe, phổ biến đường lối chính sách mặt trận giải phóng. Anh rất thích làm thơ, dù đó chỉ là “nhật ký bằng văn vần để Hồng đọc cho vui”.

Bài “Anh trở về ngay” đã được giải thưởng văn nghệ của tỉnh Bình Phước. Trong mấy tháng đi thực tế ở huyện Bù Đăng, anh viết bài  thơ về dân làng Bom Bo giã gạo nuôi quân, đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo nổi tiếng (theo Đỗ Doãn Hoàng- An ninh thế giới, Tết ất Dậu 2005).

Còn công việc chuyên môn của phó hiệu trưởng cấp 3 Võ Tề là thế này: Soạn bài tập đọc cho lớp 1, lớp 2 bổ túc văn hóa; bồi dưỡng giáo viên bổ túc văn hóa, lên lớp đào tạo giáo viên vỡ lòng lớp 1, lớp 2; vắt óc nhớ lại bài giảng của thầy Phạm Cốc để soạn bài giảng giáo dục học lên lớp cho lớp sư phạm 20 ngày.

Đến mức phải nghĩ ra cả bài đồng diễn thể dục nhi đồng, cho lớp tập huấn thì bái phục thật. Đơn giản là, cách mạng cần việc gì, anh phải làm được việc ấy. Võ Tề đã biến thành viên đa giê năng dùng cho bách bệnh, như anh nói.

Công việc như thế, khó khăn như thế, nguy hiểm như thế, nhưng chàng Paven Coócxaghin – như đồng nghiệp và học sinh trường miền Nam vẫn gọi Võ Tề vẫn giành một góc yêu thương cho gia đình.

Trong kỷ vật của anh, đơn vị gửi cho quả phụ Vũ Thị Hồng có một cuốn lịch túi báo Nhân dân, trong đó đánh dấu, ngày nào con thêm một tháng tuổi, và thế nào anh cũng có thơ cho con, thư cho vợ. Trong cuốn sổ ấy còn có tấm ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi cắt từ báo ra.

Dưới đáy ba lô, có mấy chiếc lông công, nhặt được trong rừng, anh định bụng sẽ làm một chiếc quạt xinh xinh cho bé Hà. Nhưng mẹ con Hồng - Hà không nhận được.

Anh luôn động viên vợ trong công việc chuyên môn và chăm nuôi con, hỏi chuyện phấn đấu vào Đảng đến đâu rồi, lại còn đề nghị vợ tập làm thơ như mẹ vợ (nữ sĩ Hằng Phương) và mong có ngày được đọc những bài viết của vợ.

Dạo còn ở nhà, anh cũng xách nước cho vợ tắm, như anh Trỗi xách nước cho chị Quyên. Giờ hỏi thăm vợ, đã đóng thanh gỗ vào giường cho bé Hà bò khỏi ngã chưa? Anh có thư cho bố mẹ vợ, anh chị em họ hàng bên vợ. Mẹ đẻ anh ở vùng tạm chiếm Thừa Thiên Huế chịu thiệt thòi, không hề biết tin anh, suốt từ ngày anh tập kết ra Bắc.

15 tuổi đã tham gia thiếu sinh quân. Mấy trận càn, 7 trận bom không làm gì được anh. Đến trận thứ 8 anh mới ngã xuống. Đó là ngày 20/10/1965, mười lăm ngày, sau hai lá thư cuối cùng anh gửi bố mẹ vợ và vợ con.

Anh đi sớm quá, đúng tuổi 30, đang độ sung mãn của năng lực cống hiến. Võ Tề không kịp biết vợ anh chỉ không làm thơ, viết văn theo ước nguyện của anh thôi, chứ đã từng làm bí thư Đảng ủy, chủ nhiệm khoa Mác Lênin trường Đại học Văn hóa.

Như rất nhiều người phụ nữ miền Bắc mỏi mắt chờ chồng, rồi thờ chồng nuôi con. Ba năm sau ngày anh mất, chị mới được tin chồng hy sinh. Lại 5 năm sau mới nhận được giấy báo tử.

Gặp lại sau 46 năm ra trường, chỉ là tấm hình anh trên bìa sách đỏ màu máu. Nhưng mãi trong tôi, vẫn là hình ảnh anh chị ngồi cạnh nhau, chúi mũi vào những trang sách trong giờ tự học trên hội trường lợp lá cọ Đại học Sư phạm Hà Nội năm nào.

MỚI - NÓNG