Chuyện cảm động về người nữ tu được phong Anh hùng

Chuyện cảm động về người nữ tu được phong Anh hùng
TP - Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Trại phong Di Linh - làng phong lâu đời nhất Tây Nguyên tưng bừng như ngày hội, bởi người mẹ của làng - xơ Mai Thị Mậu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Chuyện cảm động về người nữ tu được phong Anh hùng ảnh 1
Xơ Mai Thị Mậu

Cuộc chiến không tên nơi “ốc đảo”

Xơ Mai Thị Mậu (sinh năm 1941) tại xã Hải An, Hải Hậu, Nam Định. Năm 27 tuổi, xơ tình nguyện lên Trại phong Di Linh và đã gắn bó cuộc sống của mình với người phong cho đến tận bây giờ.

22 năm làm y tá, suốt ngày đêm xơ tận tụy chăm sóc người bệnh. 14 năm đảm nhiệm chức vụ phó giám đốc rồi giám đốc Khu điều trị phong Di Linh, xơ vẫn dành nhiều thời gian để trực tiếp khám chữa bệnh cho người phong.

Hiện nay, dẫu đã nghỉ hưu vì  tuổi khá cao (65 tuổi) nhưng xơ vẫn tình nguyện tham gia điều trị cho người bệnh. Về phía những bệnh nhân phong (đa số là người K’Ho) suốt mấy chục năm qua luôn gọi xơ Mậu là mè (mẹ) hoặc mộ (bà) với tình yêu thương và kính trọng vô bờ.

Thuở xơ đặt chân đến Trại phong ( năm 1968) thì nơi ấy còn là chốn rừng thiêng nước độc. Tôn kính đức cha Cassaigne, người có công đầu lập làng phong Di Linh, xơ Mậu nguyện suốt đời tiếp tục con đường, lặng lẽ cứu chữa, chia sẻ nỗi bất hạnh, đau đớn của người bệnh.

Xơ thường xuyên thăm khám và hướng dẫn cho các y bác sĩ trẻ cách thức, kinh nghiệm  diệt loại vi khuẩn gây nên sự phong lở, biến dạng hình hài: Vi khuẩn  ăn mòn, kéo sụp mi mắt, gặm nhấm làm trơ hốc mũi, lở loét, thối thịt, rụng dần các chi…

Xơ Mậu không chút e ngại dùng tay cầm nắm, lật giở những đôi bàn tay phong cụt, bàn chân bị co rút, từng đốt xương đang bị viêm… cho “học trò” quan sát kỹ hơn. Trại phong đã điều trị nội trú cho hơn 2.100 người và hàng trăm bệnh nhân ngoại trú.

Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi cách đây hơn 10 năm, xơ Mậu từng tâm tư: Mấy mươi năm làm việc ở đây, chẳng mấy khi tôi thấy gia đình đến thăm và giúp đỡ họ.

Dường như họ bị bỏ rơi ngay từ khi mới được đưa đến. Không ít người  phong (xin được giấu tên) cũng cho biết đã khỏi bệnh mấy chục năm nay nhưng khi trở về cố hương vẫn bị gia đình ghẻ lạnh, bà con xóm giềng ngờ vực và tỏ ra ghê sợ nên đành quay về Trại. 

Day dứt với câu hỏi: “bao giờ và làm thế nào để bảo vệ nhân phẩm và xác lập quan hệ chan hòa, bình đẳng, thân ái  giữa người phong và cộng đồng?”, Trại phong tìm mọi cách hòa nhập trại viên vào cộng đồng.

Vạn sự khởi đầu nan, xơ Mậu cho biết : Năm 1996, chúng tôi đề ra giải pháp xóa bếp ăn tập thể, khuyến khích trại viên tự tổ chức bữa ăn để quen dần với cuộc sống tự lập nhưng khi người phong ra chợ, các chủ hàng giúi cho họ hoặc con cá, miếng thịt hoặc bó rau, củ khoai rồi đuổi đi.

Sau đó, lãnh đạo trại còn bị chất vấn: “Tại sao dám thả người phong ra đường?” dù đã được giải thích rằng đó là những người đã khỏi bệnh, sẽ không làm lây lan căn bệnh này nữa nhưng các chủ hàng vẫn không thông.

Một số người còn vặc lại: “Ai mà biết được ! Họ đi đến đâu thì ở đó hàng họ ế ẩm”(!). Tôi cũng từng nghe  nhiều câu chuyện về định kiến của người đời với những con người bất hạnh ấy: Tấm biển cơ sở sản xuất của trại phong liên tục bị “mất cắp” vì các hộ dân sợ người ta biết mình sống gần khu vực của người phong thì sản phẩm nông nghiệp sẽ bị tẩy chay.

Những đứa trẻ ở trại phong khi đi học bị bạn bè xa lánh. Những chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê phải lựa lúc không có người qua lại mới dám ra vào cổng trại vì sợ người  khác phát hiện mình là người của trại… 

Cách đây vài năm, được tin con em của người phong thi đỗ vào các trường đại học, tôi đến tìm hiểu để viết bài  nhưng xơ Mậu bảo không nên bởi các em còn mang nhiều mặc cảm về nỗi bất hạnh của gia đình nên dễ bị tổn thương.

Chắp cánh cho những hy vọng

Chuyện cảm động về người nữ tu được phong Anh hùng ảnh 2
Một góc của Trại phong Di Linh  
                                                 Ảnh: K.Anh

Thoát khỏi bệnh tật, người từng bị bệnh phong có thể lập gia đình và con cái mà họ sinh ra cũng lành lặn, bình thường như bao người khác. Dân số của trại tăng đều hàng năm: Nếu như năm 1993, trại có chừng 300 người thì nay đã lên đến hơn 370.

Thế nhưng chỉ khoảng 130 người được hưởng trợ cấp của nhà nước với số tiền 120 ngàn đồng/người/tháng, còn với trên 240 người còn lại, trại phải tự giải quyết lấy.

Tôi không khỏi thắc mắc 120 ngàn đồng cũng chỉ đủ lo cho cái ăn, còn cái mặc và bao nhiêu nhu cầu thiết yếu khác thì trông cậy vào đâu ?

Xơ Mậu giải thích: “Chúng tôi có 50 ha đất ở xã Liên Hiệp huyện Đức Trọng (cách trại gần 20km). Từ năm 1990,  bắt đầu xây dựng tại đó một làng phục hồi. Những người khỏi bệnh mà còn khả năng lao động hoặc con cháu người phong được đưa sang làng để trồng trọt, tạo sản phẩm nuôi sống bản thân và giúp đỡ bệnh nhân nặng, đồng thời làm quen dần với cuộc sống tự lập”.

Khi “ra riêng”, mỗi cặp vợ chồng được cấp một căn hộ nho nhỏ, 2 sào vườn để trồng cà phê và khoản trợ cấp vài trăm ngàn đồng và được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, cách thức tổ chức cuộc sống gia đình một số hộ đã  vươn lên thoát khỏi đói nghèo, hòa nhập cộng đồng.

“Thấy được hiệu quả của mô hình này, chính quyền địa phương và tổ chức AFRF (Pháp) đã hỗ trợ  kinh phí để xây thêm hàng chục ngôi nhà nữa, nâng tổng số căn hộ lên hơn 70” – xơ Mậu vui mừng cho biết thêm.

Còn các chị  Ka Hường, Ka Liên, Ka Ni... xúc động nghẹn ngào khi cầm chìa khóa nhà trong tay bởi sở hữu một căn nhà là điều mà người phong chưa bao giờ dám nghĩ đến, ngay cả trong giấc mơ.

Giờ đây, khi sự kỳ thị của xã hội đối với người phong không còn nặng nề như trước, xơ Mậu tự hào cho biết mặc dù đa số người phong vào trại đều nghèo khổ, ít học nhưng con cái của họ tỏ rõ chí hướng học hành.

Trại tìm mọi cách để xoay xở, giúp đỡ về tài chính động viên các em vượt qua  mặc cảm về bệnh tật , số phận, chú tâm học hành để trở thành những bác sĩ, kỹ sư, thợ lành nghề…

Đinh Quốc Quang từng tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế  và vừa được cử đi đào tạo sau đại học (cùng với  BS K’ Điểu). K’Brình cũng đã tốt nghiệp Đại học Y TPHCM và đang điều trị cho bệnh nhân trong trại. K’Tóch  tốt nghiệp Đại học sư phạm TP. HCM, K’ Biên học ngành sư phạm ĐH Đà lạt, K’Báu - SV Đại học Đông Phương…

Ngoài ra còn có y sĩ Ka Đui tận tụy, y tá Ka Hes xinh xắn, nữ hộ sinh kiêm điều dưỡng Ka-Siuh mát tay luôn nhiệt tình phục vụ người bệnh. Các “chiến sĩ áo trắng” của trại cùng có chung suy nghĩ rằng họ trưởng thành nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, sự cưu mang của những người mẹ giàu lòng nhân ái như xơ Mậu, xơ Lý, xơ Tiến…

Không ai hiểu cuộc sống nơi này bằng họ và họ sẽ làm hết sức mình để góp phần làm lành lại những vết thương tâm hồn và thể xác cho người phong.

Thành quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những nữ tu có tấm lòng nhân ái, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm như xơ Mai Thị Mậu. Danh hiệu Anh hùng lao động mà Nhà nước phong tặng cho xơ  cũng chính là sự tri ân của cộng đồng người phong đối với người mẹ của làng vậy. 

MỚI - NÓNG