Chuyện cảm động về những đứa trẻ lạc rừng Tây Nguyên tháng 3/1975

Chuyện cảm động về những đứa trẻ lạc rừng Tây Nguyên tháng 3/1975
30 năm trước, hàng nghìn gia đình bị lôi cuốn vào cuộc tháo chạy cùng lính ngụy Sài Gòn ra khỏi Tây Nguyên, hàng trăm đứa trẻ đã thất lạc gia đình. Bây giờ nhiều người trong số đó thành con của buôn làng.

Ngày 10/3/1975, ta giải phóng Buôn Ma Thuột trận chiến mở màn cho cuộc hành trình giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà. Ngay sau khi Buôn Ma Thuột về tay cách mạng, quốc lộ 14 và 26 cắt đứt, quân ta chặn luôn đường tiếp viện của địch trên quốc lộ 19 nối Bình Định với Tây Nguyên.

3 tỉnh còn lại của địch là: Plei Ku, Phú Bổn, Kon Tum và một phần Đăk Lăk chỉ duy nhất một đường bộ rút về xuôi là đường 7 (nay là quốc lộ 25 nối quốc lộ 14 ở Chư Sê-Gia Lai với quốc lộ 1 ở Tuy Hòa-Phú Yên).

Quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên tuyên truyền nhiều người dân: “Phải nhanh chóng tản cư ở lại cộng sản tới sẽ giết chết hết!”. Hàng nghìn gia đình nhẹ dạ nghe theo cùng lính ngụy tháo chạy tán loạn trên đường số 7.

Rồi con đường độc đạo này bị quân ta chốt chặt “nút cổ chai” đèo Tô Na, dòng người di tản băng  vào rừng sâu núi thẳm tứ tán bỏ lại hàng trăm đứa trẻ. Rất may hầu hết số trẻ này đã được bà  con dân tộc JRai nhận về buôn nuôi dưỡng.

Cho đến bây giờ vẫn chưa có con số thống kê cụ thể những đứa trẻ thất lạc gia đình tháng 3/1975 được bà con các dân tộc JRai ở Phú Bổn, Phú Túc (nay là huyện A Yun Pa và Krông Pa) nhận nuôi là bao nhiêu. Chỉ riêng buôn Bang xã Ia RSây- Krông Pa chúng tôi được biết có đến 4 trường hợp là: Ksor Phi Ly, Ksor Hoa, Ksor Miên và Kpă H’Đuối. Hầu hết các xã ở Krông Pa đều có những đứa trẻ bị thất lạc gia đình được dân làng nhặt về nuôi như xã Ia Mlá, Chư Gu, Ia Sươm...

Rơ Lan Sớp, con rể bà Ksor HNú ở buôn Bang-Ia Mlá kể: Mặt trời lên khỏi ngọn núi, Sớp vào rừng gùi lúa. Đi ngang qua cánh rừng H’Mui anh nghe tiếng trẻ khóc. Lần theo tiếng khóc đứa trẻ tìm đến Sớp gặp một đứa bé chừng 5 tuổi chỉ mặc cộc đồ lót da thịt tím tái.

Thấy anh, đứa trẻ vô cùng mừng rỡ chạy đến. Nó thất lạc mẹ từ lúc nào không rõ. Rơ Lan Sớp dẫn đứa bé về cho mẹ vợ là Ksor H’Nú nuôi dưỡng. Theo phong tục của người JRai đứa trẻ mang họ mẹ và được đặt tên là Ksor Minh.

Bà H’Nú kể: Có lẽ không quen với tập tục ăn uống của người JRai nên Minh vừa về nhà bà đã đau thập tử nhất sinh suốt 2 tháng liền, bụng chướng lên, tóc rụng hết. Gia đình bà thay nhau chăm nom chạy chữa hết thầy hết thuốc mới cứu sống được Minh. Bà vợ liệt sĩ này thương Minh như con ruột, cho nó ăn học rồi dựng vợ cho nó như bao đứa con khác của mình.

Ksor Phi Ly cho biết ba mẹ chị có đến 10 người con, Phi Ly là con thứ 8 trong gia đình. Năm 1975 những anh chị lớn trong nhà đều được ba mẹ gửi hết, khi tháo chạy khỏi Plei Ku bà Nguyễn Thị Bộ cõng Hằng (tên khai sinh của Phi Ly) tay ẵm đứa em kế chạy đến vùng này thì bà bị thương ở chân.

Bà Bộ giữ lại đứa con nhỏ, gửi Hằng cho một người lính cõng đi. Người lính  tử trận, Hằng bơ vơ giữa rừng. Đói khát và hoảng sợ đứa bé 3 tuổi tìm xuống bến sông uống nước và nằm lại đấy. Ksor Cách ở buôn Bang xã Ia R Sây đi đánh lưới phát hiện được liền mang đứa trẻ về cho người chị là Ksor H’Rớp nuôi.

Cùng đánh lưới trên đoạn sông Pa này A Ma Suốt phát hiện một đứa bé gái 7 tuổi đang nằm chôn mình dưới cát. Sờ tay lên mũi thấy nó còn thở nhưng người đã lạnh cứng. Ma Suốt mang nó về làng dùng kiềm cạy răng đứa trẻ ra nhỏ nước vào và sưởi ấm cho nó. Dần dần đứa trẻ tỉnh lại. Bà Ksor Kớp mẹ nuôi đặt cho đứa trẻ này tên là Ksor Hoa.

Khi chúng tôi gặp Ksor Hoa gợi lại chuyện xưa, không kìm được nước mắt, chị kể: 30 năm rồi mà tâm trí Hoa vẫn còn nhớ như in những ngày khủng khiếp ấy. Bị lạc gia đình Hoa đói và sợ quá. Đêm ở giữa rừng một mình làm sao đứa bé gái 7 tuổi không hốt hoảng được.

Khi tìm được bờ sông thấy bãi cát trắng, Hoa quyết định chôn mình xuống đây chờ chết, còn hơn là ngồi trên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ông trời vẫn còn thương Hoa nên khiến Ma Suốt nhìn thấy để lần thứ 2 Hoa sinh ra trong đời!

Tự nguyện làm người của buôn làng

Chuyện cảm động về những đứa trẻ lạc rừng Tây Nguyên tháng 3/1975 ảnh 1
Ksor Minh (người đứng giữa)

Ksor Phi Ly bây giờ là y sĩ bệnh viện khu vực Ia Syem, có chồng là anh Nguyễn Hữu Hiển và cậu con trai kháu khỉnh 9 tuổi lấy họ mẹ theo tập quán người JRai: Ksor Duy. Phi Ly bảo mẹ nuôi rất thương chị, bà H’Rớp lúc nhận nuôi Phi Ly đã có 3 cô con gái, Ly là con út.

Năm 1976 mẹ Phi Ly có đến khu vực này tìm con, người ta chỉ gia đình HRớp nhặt được một đứa bé tầm ấy song bà Bộ đến hỏi gia đình mẹ nuôi Phi Ly do quá quyến luyến đã giấu con, không trả lại. Bà H’Rớp thường bỏ con nuôi vào thùng phi giấu nên gọi bé là Phi (khi lớn lên bạn bè trêu chọc xấu hổ quá cô bé về bảo mẹ thêm chữ Ly thành Phi Ly).

Đến năm 1987 khi Phi Ly đã được mẹ nuôi cho học đến lớp 9, nhờ người có uy tín khuyên giải, mẹ nuôi mới đồng ý cho mẹ ruột nhận con.

Bà Bộ đưa con gái bị thất lạc hơn 12 năm ròng về quận Thủ Đức-TP Hồ Chí Minh đoàn tụ với gia đình. Sống với ba mẹ anh chị em ruột ở thành phố mà lòng dạ Phi Ly nằm ở buôn Bang-Ia RSây. 

Ở cùng ba mẹ ruột chưa đầy một năm Phi Ly quyết định trở lại Tây Nguyên sống với mẹ nuôi. Phi Ly được mẹ động viên đi học Trung cấp Y tế ở Gia Lai để về phục vụ người dân buôn làng.

Ksor Minh ở buôn Bron, xã Ia Mlá cũng được ba mẹ ruột ở Kon Tum tìm ra năm 1978. Khi ấy có thầy giáo người Kon Tum dạy học ở đây biết chuyện về kể lại với ba mẹ ruột của Minh. Gia đình Minh tìm được con liền mổ một con bò và 4 ghè rượu đãi cả buôn ăn mừng.

Gia đình năn nỉ Minh về Kon Tum với ba mẹ ruột nhưng Minh không đi. Minh vẫn về thăm cha mẹ anh em ở thị xã Kon Tum nhưng anh quyết định chọn mảnh đất tái sinh ra mình làm quê hương.

Năm 1990, anh kết hôn với Kpah é - cô bé mồ côi ba mẹ từ nhỏ, chỉ có 2 chị em sống với dì nhưng nết na xinh đẹp. Vợ chồng học sinh được 3 người con, 2 gái 1 trai. Ksor Tlang - anh nuôi của Minh cho biết gia đình Minh rất hạnh phúc, làm ăn giỏi nhất làng này.

2 vợ chồng có 3 cái rẫy gần 10 ha, hơn 20 con bò và một cơ ngơi khang trang. Hơn 15 năm họ chung sống với nhau chưa bao giờ họ cãi vã to tiếng với nhau, dù vất vả thế nào Kpah é vẫn luôn tươi cười. Ksor Hoa cũng đã được ba mẹ ruột hiện nay sống sống ở Trà Bá-Plei Ku tìm được nhưng chị vẫn ở lại lấy chồng, sinh con làm người buôn làng.

Số người may mắn được cha mẹ ruột tìm được như Ksor Hoa, Ksor Minh, Phi Ly... không nhiều. Chúng tôi được biết có đến mấy chục người như Ksor Miên, Kpah H’Đuối (buôn Bang), Ksor H’Lum buôn Nu... cho đến nay vẫn không biết gốc gác dòng họ.

Dù có tìm được cha mẹ ruột hay không họ cũng đã là những đứa con của buôn làng, hầu hết đều đã có vợ có chồng, có một cuộc sống bình yên dưới những mái nhà sàn.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.