Chuyện chép giữa những ngày hạ cháy

Bà Trần Thị Ba xúc động khi kể về hoàn cảnh của mình
Bà Trần Thị Ba xúc động khi kể về hoàn cảnh của mình
TP - Hà Nội những ngày qua nắng đổ lửa. Trong các căn nhà chật chội, hàng trăm người dân nghèo xóm ngụ cư tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình (TP Hà Nội) đang tìm cách thích nghi với cái nóng như rang.

Hấp hơi trong những khu nhà tôn

Từ chợ Long Biên, chúng tôi lòng vòng sâu vào ngõ, qua con đường đất gập ghềnh tìm đến xóm ngụ cư ngoài bãi sông Hồng, sát chân cầu Long Biên. Những dãy nhà thấp lè tè, khuất sau các khóm cây dại cao quá đầu người.

Người dân sống ở xóm ngụ cư đều là lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, từ Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình… lên Hà Nội làm ăn sinh sống. Trong khoảng trống 200 m2 ngoài bãi, 4 dãy nhà tôn quây tạm bợ được dựng lên, là nơi trú ngụ của gần 100 con người tha phương tìm kế sinh nhai. Mỗi ngày họ vừa phải vất vả mưu sinh từ sáng sớm đến tối mịt, vừa phải chống chọi với cái nắng 39 - 40 độ C.

13 giờ trưa, màn hình điện thoại báo nhiệt độ là 39 độ C. Nhưng đó là nhiệt độ ngoài trời, còn trong những căn nhà tôn bị hấp hơi này, chắc không dưới 40 độ C. Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bà Nguyễn Thị Thìn (87 tuổi), một trong những cư dân lâu đời nhất của xóm ngụ cư ngồi thở dài, chờ đợi một cơn gió cứu vãn cái nắng nóng giữa tháng 6.

Nói là phòng cho sang, chứ thực ra đấy chỉ là những mảnh tôn được dựng nên trên nền xi măng, xập xệ và bừa bộn. Xung quanh chất đầy các thùng giấy, lon nước, những túi nilông dính đồ ăn bốc mùi thiu - kết quả của 1 tuần bà đi nhặt nhạnh, chờ ngày bán cho dân buôn đồng nát.

“Bao năm sống ở đây, cứ đến mùa nóng thực sự là một cơn ác mộng. Cả ngày lẫn đêm phòng lúc nào cũng như cái lò, ngủ không nổi, người cứ héo hon dần đi nhưng không biết làm sao cho đỡ cực. Thôi thì đành cố, ít ra còn có cái phòng làm nơi chui ra chui vào”, bà Thìn than thở.

Chuyện chép giữa những ngày hạ cháy ảnh 1 Ông Trần Thanh Hậu kể về cuộc đời mình với PV. Ảnh: Bùi Nguyệt

Bà Thìn cho biết, mình sống ở đây được hơn 20 năm, mùa nắng cảm giác như không thở nổi, mùa mưa nước ngập vào tận chân giường. Giờ già rồi, không làm được gì khác, cũng không có chỗ nào để đi, nên bà đành chấp nhận vậy. “Ở đây toàn người bán quê, bởi không có tiền, không dám về. Sống ở đây, chết cũng ở đây”, bà Thìn nói.

Hơn 15 năm sống trong xóm nhỏ, bà Trần Thị Ba (74 tuổi) vẫn đang chật vật từng ngày nuôi người con trai 36 tuổi bị mất trí nhớ. Phải cởi bỏ ba lô khỏi vai, chúng tôi mới lách được vào cánh cửa bé xíu của căn phòng tối om. Toàn bộ sinh hoạt của bà Ba và người con trai diễn ra trong căn phòng được quây kín bằng những tấm tôn, gỗ ép.

Với tay lấy mảnh bìa, quạt lấy quạt để về phía chúng tôi, bà Ba tâm sự. “Hằng ngày, tôi đi nhặt đồng nát vào khoảng 3 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Hai mẹ con cố gắng, mỗi ngày cũng làm được khoảng 60.000 đồng. Đợt này nắng quá phải về nghỉ sớm. Hoặc như hôm nay, say nắng nên về sớm hơn”.

Đi sâu hơn vào trong xóm nhỏ, căn phòng của bà Lê Thị Dung rộng hơn chút, là nơi trú ngụ của 4 mẹ con quê Văn Giang (Hưng Yên) lên Thủ đô kiếm sống. Chồng mất để lại 3 đứa con nhỏ, không nhà, không nghề nghiệp, bà Dung dắt díu, bồng bế những đứa con tìm đến Thủ đô, thuê căn chòi sống tạm. Ngày ngày mẹ con bà ra chợ Long Biên thu mua lại thùng xốp bán lấy tiền. Đêm đến, đợi con ngủ, bà lại lên chợ đêm đầu mối, đẩy xe kéo chuyển hàng để kiếm thêm. Mới đó đã 5 năm.

“Thời tiết này, mọi người ở đây không thể ở trong phòng. Từ giường chiếu cho đến tường nhà, sờ đâu cũng thấy nóng. Đi làm về chỉ mong được ngả lưng nghỉ ngơi, nhưng thời tiết này, chúng tôi ngủ không nổi. Một cái quạt nhưng cả nhà dùng chung. Để hạn chế cái nóng, tôi phải giặt khăn lau giường, mới chợp mắt được tí”, bà Dung tâm sự.

Càng quạt càng nóng

Đang ra sức phe phẩy quạt tre giúp đứa cháu ngoại đỡ nóng, bà Thanh (67 tuổi) cho biết, những đứa trẻ ở đây còn xuất hiện thêm mẩn đỏ, ngứa ngáy khắp cả người. “Trưa, đến người lớn còn nhao lên thì trẻ con làm sao mà nó chịu nổi. Mấy hôm nắng trưa nào nó cũng quấy khóc, tôi phải nghỉ bán ở nhà để trông cháu”, bà Thanh nói. Con gái của bà bị lao phổi đã gần 2 năm nay, mọi chi tiêu trong nhà đều do mình bà Thanh xoay xở. Trời nắng nóng, bé khó chịu nên con gái bà cũng chẳng đủ sức để tự trông con. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng trở nên lớn hơn bội phần với thời tiết khắc nghiệt trong căn phòng nhỏ.

Đang loay hoay tưới nước vào mái tôn, góc phòng, ông Nguyễn Hữu Thành, (60 tuổi) quê Nam Định phân trần, phòng có quạt điện, nhưng nóng quá đành tạt nước cho hạ nhiệt. Lao động vất vả, nhưng một giấc ngủ trọn vẹn là điều khó khăn. “Nóng giãy lên đành đạch ý chứ, càng quạt càng thổi ra hơi nóng. Người còn phát sốt cả lên, tắm vào thì nó lại gai gai, không thể nào chịu nổi. Mấy anh em trong phòng tính mua điều hòa, nhưng lại thôi, bởi phòng thủng lỗ chỗ, muốn sửa cũng không được phép. Hơn nữa, điều hòa mua được, nhưng tiền điện sợ không kham nổi”, ông Thành nói.

Trong căn phòng khoảng 15 m2, chị Lê Thị Hạnh cùng 4 người đồng hương quê Thái Bình đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Đông người ở, nhưng căn phòng chỉ duy nhất một chiếc quạt treo tường càng khiến không gian trở nên chật chội, bức bối.

Chị Hạnh cho biết, giá phòng trọ ở khu này không hề rẻ, mỗi phòng có giá tương đương từ 1.100.000 đồng đến 1.600.000 đồng. Chị sinh sống tại đây được 5 năm. Hằng ngày, chị nhập hoa quả từ chợ đầu mối, đi bán rong, với hy vọng tiết kiệm đủ tiền để nuôi hai đứa con ăn học. Nhiều hôm đi làm về muốn tranh thủ nghỉ ngơi một chút, nhưng vì thời tiết nóng quá cũng khó có thể nằm được.

Có mặt ở xóm ngụ cư vào thời điểm nóng nhất, mồ hôi của tôi vã ra như tắm, quần áo ướt sũng. Cô phóng viên tập sự đi cùng liên tục than “Nóng quá trời ơi, mong sao có đủ thông tin để ra chứ em nóng không chịu nổi”.

Ông Trần Thanh Hậu, quê Hải Dương, một thợ cửa vạn có thâm niên sinh sống gần 8 năm tại đây cho biết, năm 2012, ông đưa cô con gái đầu lên Hà Nội để theo học trường Đại học Điện lực Hà Nội và ở đây. Con gái đầu tốt nghiệp, cô thứ 2 lại đỗ cao đẳng Du lịch Hà Nội, ông tiếp tục ở lại, kiếm tiền nuôi con. “Con gái cứ bảo tôi về ở cùng để chăm sóc, nhưng tôi chỉ muốn ở đây. Dù chật chội, nóng nực, khổ cực, nhưng tôi thấy được lao động, vừa khỏe chân khỏe tay, vừa được xem xã hội biến chuyển nên cứ ở”, ông Hậu nói.

MỚI - NÓNG