Chuyện chưa kịp kể về Đại tướng

Chuyện chưa kịp kể về Đại tướng
TP - Tôi là cựu binh, lại là đồng hương của Đại tướng nhưng chưa bao giờ dám mơ được gặp bác dù chỉ là đứng xa. Nhưng số phận run rủi, không ngờ khi chuyển ngành, chỉ làm việc ở huyện lại được nhiều lần gặp và tiếp kiến “Anh cả của Quân đội” - Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, lại còn được bác gửi thiếp CHÚC TẾT và thư trao đổi công việc. Đây là những kỷ niệm đáng nhớ và những kỷ vật vô giá mà tôi may mắn có được.

> Xuất bản tuyển tập thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
> Chuyện may quân phục ‘thần tốc’ cuối cùng cho Đại tướng

Về ngôi nhà của Đại tướng

Du khách đến Lệ Thủy hầu hết đều dành thời gian đến thăm ngôi nhà của Đại tướng. Ngôi nhà 3 gian 2 chái lợp ngói cùng nhà ngang tọa lạc trong khu vườn khá rộng ở làng An Xá. Đây là “nhà rường”, một mẫu nhà phổ biến của Lệ Thủy. Tuy nhiên, du khách và cả không ít người dân Lệ Thủy biết được đây là ngôi nhà phục chế. Ngôi nhà cũ gắn với một giai đoạn bi hùng của mảnh đất Lệ Thủy và gia đình Đại tướng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 3 năm 1947, giặc Pháp tiến công và chiếm đóng Lệ Thủy. Thời kỳ đó, ông Võ Thuần Nho, em ruột Đại tướng đang là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện. Ngay từ những ngày đầu, bọn giặc đã về An Xá bắt cụ Võ Quang Nghiêm, thân phụ của Đại tướng đưa vào Huế. Chúng tra tấn, dụ dỗ buộc Cụ gọi hai con về “quy thuận” nhưng Cụ kiên quyết khước từ. Chúng ra tay sát hại Cụ và cho lính về thiêu rụi ngôi nhà.

Chiếc giường ở gian phía đông gắn với tuổi thơ của chị Hồng Anh nên chị rất chú ý. Nó đặc biệt ở chỗ ba bề được đóng các chấn song cao. Mặt trong được kê áp vào vách trở thành chiếc cũi. Chị Hồng Anh, sau khi bà Quang Thái bị bắt (1942), được ông bà nội đón về nuôi cho đến năm 1946. Chiếc giường này, bà nội thường để chị ngồi vào cho an toàn mỗi khi cụ đi ra ngoài. Chúng tôi thuê người làm theo mẫu do chị nhớ lại. Nó giống đến mức kỹ tính như chị cũng phải ưng ý!

Năm 1977, lãnh đạo huyện Lệ Thủy nhận thấy sự cần thiết phải phục dựng lại nhà của Đại tướng. Ý tưởng đó được báo cáo lên Đại tướng và được bác đồng ý. Huyện đã chọn đội sơn tràng có kinh nghiệm khai thác liếp gỗ đủ làm một ngôi nhà 3 gian 2 chái theo sự mô tả của bác Võ Thuần Nho. Tổ thợ mộc Quảng Cư (một làng mộc nổi tiếng của huyện) do ông Đặng Đại Múng, một bậc thầy của làng được huyện tin tưởng giao phục dựng lại ngôi nhà. Với lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc Đại tướng, trong một thời gian ngắn, ngôi nhà chính và nhà ngang (nhà bếp) đã dựng xong ngay trên nền ngôi nhà cũ. Nhà ba gian hai chái, “thượng chua hạ gỏ” (phần trên làm bằng gỗ chua, cột bằng gỗ gụ), là loại gỗ ngày xưa các nhà trung lưu trở lên thường dùng làm nhà . Không đồ sộ, hoành tráng nhưng được xem là khang trang vào thời điểm đó. Ngoài trang thờ như hiện nay, vật dụng trong nhà rất đơn sơ: một bộ bàn chữ H, chiếc giường cá nhân, vài chiếc ghế… Nhà ngang hầu như không có gì.

Năm 1983, Đại tướng về thăm quê. Ông đứng ngắm ngôi nhà, đi quanh vườn… Khi gặp lãnh đạo huyện, Đại tướng nói:

- Cảm ơn lãnh đạo huyện đã quan tâm làm nhà cho tôi. Nhưng nhà tôi xưa không to và tốt bằng ngôi nhà này. Nó nhỏ và thấp hơn một chút, gỗ cũng không được tốt như hiện tại vì ngày xưa nhà mình cũng không phải giàu có gì lắm. Cửa ngọ (cổng vào) cũng không đúng vị trí ngày xưa.

Các anh lãnh đạo huyện thưa với bác rằng do quý mến Đại tướng nên thợ sơn tràng đã khai thác loại gỗ tốt và các bác thợ mộc cũng gia công theo quy mô mẫu nhà lớn.

Nghe báo cáo vậy, Đại tướng chuyển sang chuyện khác và không nhắc gì đến chuyện này nữa. Tuy nhiên, bác Võ Thuần Nho nêu ý kiến là đã phục chế thì phải thực giống nhà cũ và bác vẽ lại sơ đồ, quy mô, kích cỡ… để lại. Lãnh đạo huyện bàn bạc xử lý theo hai phương án: cử người tìm một ngôi nhà khác giống nhà cũ để mua lại hoặc chuẩn bị khai thác một liếp nhà để sẵn sàng thay ngôi nhà mới. Khi ra Hà Nội xin ý kiến Đại tướng, bác suy nghĩ một hồi rồi nhẹ nhàng nói:

- Ngôi nhà tuy không giống nhà cũ lắm nhưng đã trở thành nhà của mình. Thời gian qua, trong ý thức của nhân dân và du khách cũng xem đây là nhà của Đại tướng. Các bác thợ cũng đã đưa cả tâm huyết của họ vào ngôi nhà. Mà làm ngôi nhà nào bây giờ cũng là phục dựng cả. Hơn nữa, hiện tại huyện cũng đang nghèo, nhiều nhà dân còn tạm bợ. Vì vậy không nhất thiết phải tháo ra để thay nhà khác cho giống nhà cũ hoàn toàn.

Nghe Đại tướng nói vậy, lãnh đạo huyện thở phào nhẹ nhõm.

Chuyện khu vườn và trùng tu ngôi nhà của Đại tướng

Ngày 21 và 22/8/1999, vào dịp sinh nhật lần thứ 89, Đại tướng về thăm quê Lệ Thủy. Huyện tổ chức lễ hội bơi đua mừng Quốc khánh trước mấy ngày để bác dự và nhân dân có điều kiện đón bác. Ca nô chở bác đi dọc Kiến Giang trong sự chào đón nồng nhiệt của bà con đứng đông đặc hai bờ. Sau lễ hội và những nghi thức đón tiếp ở huyện, Đại tướng về An Xá và nghỉ lại nhà một đêm.

Lúc này, tôi đang là Phó Chủ tịch UBND huyện. Trong quá trình làm việc, lãnh đạo huyện đặt vấn đề với bác về việc tôn tạo, trùng tu ngôi nhà. Đại tướng nhất trí và nói thêm với chúng tôi:

- Nhà thì mình có rồi nhưng chưa có thẻ đỏ. Mình là công dân thì đất mình cũng phải có thẻ đỏ chứ!

Chúng tôi đều ngỡ ngàng vì một việc đơn giản: cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thẻ đỏ) cho bác theo Luật Đất đai như một công dân mà không ai nghĩ ra!

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện hứa với bác sẽ nhanh chóng giải quyết việc này. Bác nói với chúng tôi sẽ ủy quyền cho chị Võ Hồng Anh thay mặt gia đình làm việc với huyện trong những việc liên quan đến ngôi nhà, khu vườn, xây từ đường và xây lại mộ phần ông bà nội của Đại tướng.

Sau đó, tôi được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo tu sửa, trùng tu khu vực nhà Đại tướng (bao gồm nhà, vườn, cổng và từ đường).

Trong một lần ra Hà Nội gặp bác để xin ý kiến về việc trùng tu, khi đề cập đến hiện trạng ngôi nhà, bác nói:

- Nương nhà mình trước đây kéo dài ra tận ngoài mưng tề!

Tôi hiểu ngay, vườn nhà bác kéo dài từ ngôi nhà hiện tại ra sát bìa ruộng, nơi có hàng mưng (lộc vừng) làm ranh giới. Có nghĩa là so với thực trạng ngày xưa, nó chỉ còn hơn một phần ba diện tích.

Công việc đầu tiên là giải tỏa một nhà dân ở sát ngay nhà Đại tướng, trong khuôn viên cũ của gia đình. Sau khi được giải thích và đền bù thỏa đáng, gia đình vui vẻ di dời, mặt bằng khu vườn được trả lại như xưa.

Căn cứ vào sơ đồ do Đại tướng và bác Võ Thuần Nho để lại, tôi và chị Hồng Anh thống nhất bố trí trồng các loại cây trồng trong vườn và bài trí các vật dụng trong nhà chính và nhà bếp. Kỹ sư Võ Giáo Sư, chuyên viên phòng Hạ tầng Kinh tế huyện thể hiện ra bản vẽ.

Về cây cối trong vườn, đáng chú ý là cây khế hơn trăm tuổi nằm sát chái phía tây ngôi nhà vẫn còn xanh tốt, sum suê, trĩu quả và hai cây mít. Đây là hai cây mít gắn với kỷ niệm vui buồn của gia đình Đại tướng. Trong một trận lụt lớn của những năm đầu của thế kỷ trước, một người chị gái của Đại tướng (chị Châu) lúc đó còn nhỏ, bị nước lũ cuốn trôi và mắc vào cây mít sau nhà. Cây mít xế trước nhà lại gắn với sự ra đời của Đại tướng. Theo tục lệ ở Lệ Thủy, khi sinh con, người sản phụ được bố trí ở nhà ngang (nhà bếp) chứ không bao giờ được nằm ở nhà chính. Thời điểm đó, nhà ngang của Đại tướng bị hỏa hoạn. Cụ thân sinh phải che một cái chòi để vợ ở cữ. Và vị Đại tướng tương lai chào đời dưới gốc cây mít đó. Hai cây mít đã bị bão quật đổ từ lâu. Khi làm việc, bác nhắc tìm một cây mít để trồng phía trước nhà. Hàng rào phía trước bằng cây chè the (chè tàu) và hàng dâm bụt từ cổng vào nhà được trồng lại theo đúng con đường như ngày xưa. Cổng vào cũng được dựng lại theo sơ đồ bác vẽ.

Ngoài cây khế, một cây mai nằm sát chái phía tây nhà vẫn còn. Theo Đại tướng kể thì cây mai do Cụ thân sinh trồng. Đến thời điểm đó, gốc nó đã cằn cỗi, cành xơ xác vì bị sâu. Anh Võ Đại Hàm, người cháu của Đại tướng đã cố chăm sóc nhưng đáng tiếc là cây bị chết vài năm sau đó.

Vấn đề nan giải là nền và sân cùng hiên nhà giải quyết thế nào? Nguyên thủy thì sân và nền nhà bằng đất nện, hiên nhà lát bằng đá liếp, một loại đá có viên rộng cỡ 1,2 x 1,2 mét, dày khoảng 10 phân. Loại này trước kia ở Lệ Thủy rất phổ biến nhưng nay hầu như không còn. Đơn vị thi công phải đi mua gom từng nhà đưa về nhưng vẫn không đủ. Cuối cùng chúng tôi đành cho đúc các tấm đan bằng bê tông thay thế. Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định giữ nguyên nền đất trong nhà và láng xi măng mặt sân để tránh lầy lội khi mưa lụt (năm 2004, sân được lát bằng gạch như hiện nay). Ngôi nhà ngang (nhà bếp) được phục chế giống ngày xưa, các dụng cụ của một gia đình nông dân trung lưu được chúng tôi sưu tầm, phục chế trên cơ sở Đại tướng nhớ lại.

Về những vật dụng trong nhà, nhiều thứ đã bị giặc Pháp đốt cùng ngôi nhà cũ. Trừ gian ban thờ, Đại tướng đã thống nhất giữ nguyên như đã có từ năm 1977. Vật dụng còn lại, chúng tôi phải sưu tầm, phục chế. Trong số đó, đáng chú ý có mấy thứ: đó là tủ sách có từ thời Cụ thân sinh Đại tướng, hai tấm rèm đan bằng tre và tấm phản đặt giữa gian phía tây nơi Đại tướng thuở nhỏ thường nằm đọc sách và ngủ. Gian chính giữa là bộ tràng kỷ. Gian phía đông, phía trong là buồng ngủ của thân mẫu Đại tướng, phía ngoài là chiếc giường gỗ nhỏ.

Về tủ sách, hai bức rèm và bộ tràng kỷ, căn cứ vào mô tả của Đại tướng, chúng tôi phải vào Huế, về vùng nông thôn, tìm mua bằng được và đưa về. Riêng chiếc phản, chúng tôi đã dày công tìm được tấm gõ (gụ) vừa ý.

Ngày 11 và 12 tháng 4 năm 2002, bác cùng gia đình về thăm quê. Bác đi xem kỹ từng hiện vật trong nhà, đi vòng quanh vườn khá lâu. Bác trồng các cây mà chúng tôi đã chuẩn bị. Bác đặc biệt nâng niu cây mít và chỉnh sửa đúng chỗ ngày xưa. Khi vào nhà, bác chỉ vào các bộ khung cờ, sen nghẹc và các bức chạm trổ… rồi nói với tôi:

- Nhà mình ngày xưa không sang và đẹp như chừ. Tấm phản hơi hẹp và ngắn.

Tôi thưa với bác là sẽ xin tiếp thu và sửa chữa, bổ sung theo ý kiến của bác. Bác cười độ lượng và bảo, ta tạm thống nhất như thế rồi chuyển sang trò chuyện thân mật với dân làng. Ngôi nhà và khu vườn của bác sau khi trùng tu vẫn giữ nguyên cho đến ngày bác đi vào cõi vĩnh hằng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...