Chuyện cổ tích ghi ở Chư Păh

Chuyện cổ tích ghi ở Chư Păh
Nằm cách trung tâm thị trấn Phú Hoà (Chư Păh, Gia Lai) 17 km, là Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật huyện Chư Păh. Được thành lập từ tháng 7/2003 từ nguồn kinh phí tài trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, với khả năng khiêm tốn là thu nhận 100 trẻ em khuyết tật của huyện Chư Păh, nơi đây đã trở thành điểm đến, là nơi nuôi dưỡng những niềm hy vọng của những đứa trẻ bất hạnh.
Chuyện cổ tích ghi ở Chư Păh ảnh 1
Anh Thắng, anh Bir đang châm cứu cho cháu Toa tại nhà cháu

Phạm Hồng Thái, GĐ Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật huyện Chư Păh (Gia Lai) quê ở Thái Nguyên. năm 1993, Thái trở lại với vùng đất Tây Nguyên, nơi những năm tuổi trẻ anh đã từng sống và chiến đấu, tích cóp số tiền vốn dành dụm, anh mua được gần 2 sào đất để trồng cà phê, vốn tính cần cù, dần dà anh mua thêm được vài con bò… thế là tạm ổn định cuộc sống gia đình, từ một y tế thôn bản, anh được ký hợp đồng làm cán bộ chuyên trách Dân số – Gia đình và Trẻ em  xã Ia Nhin (Chư Păh).

Rồi như một sự xếp đặt của số phận, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật Chư Păh. Những ngày đầu mới thành lập, tiếng là Trung tâm nhưng chỉ có một căn nhà 50 mét vuông chia làm 2 phòng, một phòng lớn hơn dành cho tập luyện, còn một phòng dành để làm văn phòng, ngoài ra chẳng có một vật dụng nào ngoài những trang thiết bị tập luyện của các cháu.

Đi nhiều, chứng kiến nhiều nỗi đau của những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam,  máu “lính” nổi lên, anh tự thấy mình phải làm một điều gì đó cho các cháu. Sẵn có nghiệp vụ về châm cứu, anh bàn với Rơ Châm Bir, cũng là y sĩ của Trung tâm và người đàn ông Ja rai này là chiếc cầu nối ngôn ngữ quan trọng để anh đến với những người cha, người mẹ Ja rai này là chiếc cầu nối ngôn ngữ quan trọng để anh đến với những người cha, người mẹ Ja rai có con bị khuyết tật.

Hai anh quyết định trích mỗi người một tháng lương, được 600.000 đồng để mua 2 chiếc máy điện châm, mua máy rồi nhưng không có kim châm thì cũng vô ích nên từ ngày có máy, anh và Bir phải thay nhau bỏ tiền túi ra mua kim châm, lâu dần rồi cả những người lớn cũng truyền tin cho nhau biết về tài châm cứu của anh, và rồi những người già bị tê chân, đau nhức hoặc tai biến cũng nhờ anh đến châm cứu, mỗi lần châm cứu, anh lấy 5000 đồng tiền công để lấy tiền mua cho mỗi cháu một bộ kim châm cứu riêng.

Ngày sinh Rơ Châm Toa, vợ chồng Rơ Châm Vêu,  ở làng Pới (xã Hoà Phú - Chư Păh) buồn lắm, thằng bé cứ khóc hoài, tay chân nhỏ xíu. hơn 10 mùa rẫy đã qua mà Toa chẳng đi được, chỉ khi cán bộ Thắng đến châm cứu, nó mới biết đứng và sắp tự đi được rồi.

Tôi hỏi chuyện Vêu, Vêu xúc động  kể: “Lúc đầu, nghe Bir nói lại, mình cũng không tin là Thắng chữa được cho con mình, nghe nó la khóc khi châm cứu, rồi nhìn những cây kim dài ngoẵng châm trên da thịt con, mình sợ lắm. Rồi 2 tháng, 3 tháng, thấy sức khoẻ con tốt lên, mình đã mang được nó theo ra ruộng, từ chỗ chẳng đứng được, nay dẫu là còn run rẩy, nhưng nó đã tự vịn chiếc xe tập đi của Trung tâm mà bước đi.

Không chỉ vậy mà nó còn nói được nữa, hôm Thắng châm cứu, đau quá, nó bật ra tiếng “lui, lui…” nghĩa là “đừng châm”, vợ chồng mình mừng lắm, từ nhỏ đến giờ nó có nói được đâu. Thế là bây giờ, Thắng cứ châm kim, nó cũng cười mà không đòi lấy ra như trước nữa. Thắng tốt lắm, nó giúp con mình và nhiều đứa trẻ cũng bị như con mình nữa”.

Anh Trần Hữu Hùng (ở xã Ia Nhin - Chư Păh) có con gái là cháu Trần Thị Tuyết Trinh bị bại não từ nhỏ, khi chưa có Trung  tâm anh đã đưa con đi chạy chữa ở nhiều nơi, nay có Trung tâm được thành lập ở huyện, anh thường xuyên đưa con đến tập luyện. Hiện nay sức khoẻ cháu Trinh tiến triển tốt, 2 tay đã cầm nắm được, đầu ngẩng cao chứ không còn cúi gục như trước và trong tương lai không xa, cháu sẽ phục hồi.

Với sự luyện tập đúng kỹ thuật, các cháu bị bại liệt, viêm não hay những cháu dị tật bẩm sinh được phục hồi rất tốt. Hiện Trung tâm có 16 cộng tác viên  tại cộng đồng, trong số này có các bậc cha mẹ của trẻ khuyết tật. Mỗi cộng tác viên phụ trách từ 4 đến 5 trẻ khuyết tật, hàng tháng đến nhà của trẻ từ 4 đến 6 lần để  tư vấn, hướng dẫn cho gia đình các kỹ thuật phục hồi, cập nhật hồ sơ để báo cáo.

Đến nay, qua gần 2 năm hoạt động, ngoài những cháu di chứng quá nặng chưa thể phục hồi, 12 cháu đã được đưa đi thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật dị tật vận động và hiện đang tập luyện, phục hồi tại Trung tâm đạt kết quả tốt, 5 cháu bị bại não trong quá trình tập luyện đã có khả năng phục hồi cao.

Tôi đã đến Làng Yut (Ia Phí-  Chư Păh) thăm bé Rơ châm Hoài Thương, đứa trẻ đã được anh Thắng cứu sống khi vừa sinh ra thì người mẹ qua đời vì băng huyết. Theo phong tục người Ja rai, khi sinh con mà người mẹ chết thì con cũng đi theo mẹ.

Ngẫu nhiên biết được sự việc này khi anh đến Làng Bàng – xã Ia Nhin,  anh lập tức báo với Chính quyền xã, nhờ già làng, trưởng thôn can thiệp để cứu đứa trẻ rồi xin bồng cháu về nhà chăm sóc. về nhà anh, cháu bé bị đi ngoài liên tục 1 ngày 1 đêm, chị Bơn vợ anh sợ lắm, lỡ rủi nó chết thì vợ chồng anh chị biết thanh minh sao được với dân làng. Thế nhưng thật kỳ diệu, đứa trẻ vẫn sống và sống rất khoẻ sau đợt đi ngoài ấy.

Anh ra ủy ban nhân dân xã làm giấy khai sinh cho cháu và đặt tên là Hoài Thương, vẫn lấy họ Rơ Châm đặt cho cháu để cháu giữ họ của mẹ ruột. Cứ thế nuôi bộ bằng sữa ngoài được hơn 2 tháng thì vợ chồng Ben ở làng Yut hay tin đến xin vợ chồng anh Thắng cho bé Hoài Thương về làm con nuôi. Hôm đến nhà Ben, nhìn đứa trẻ 3 tuổi hồng hào, khoẻ mạnh đang chạy chơi tung tăng trước sân, nhìn niềm hạnh phúc rạng ngời trong mắt vợ chồng Ben, lòng tôi ấm áp lạ.

Với mức lương 290.000 đồng một tháng, chỉ cần xách xe máy chạy xuống làng khoảng chục lần/ tháng thì chắc gì anh đã đủ tiền để mua xăng. “Thậm chí  về xin tiền vợ đổ xăng là chuyện bình thường”, Thắng tâm sự. Đến thăm Trung tâm, nhìn cảnh những đứa trẻ với ánh mắt ngơ ngác, ngờ nghệch bá cổ, bá vai anh thật là xúc động. Tôi hiểu, tuy trong nhận thức chúng chưa hiểu nhưng về mặt tình cảm thì chúng cảm nhận được những ai là người yêu thương chúng nhất.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.