Hành động anh hùng

Chuyện của người bắt cóc xe tăng địch

Chuyện của người bắt cóc xe tăng địch
TP - Ở thôn Khuổi Dủm, xã Huyền Tụng, thị xã Bắc Kạn không ai không biết ông Cao Sinh Học, người có nhiều huân chương và thuộc nhiều lịch sử nhất vùng.
Chuyện của người bắt cóc xe tăng địch ảnh 1
Ông Cao Sinh Học (phải) và tác giả bài viết

Cứ mỗi dịp lễ tết, các trường học lại đón người cựu chiến binh tới kể chuyện.

Tháng rồi năm, nhiều năm trôi qua, lũ trẻ con bé tí tẹo đầu căn nhà gỗ của bản lớn lên như chim bay đi lớp này lớp khác ai cũng mang trong mình những mẩu chuyện của ông.

Có đứa đã thành kỹ sư, bác sĩ, thành cán bộ trên tỉnh, trên huyện, thành sĩ quan, bộ đội, công an vẫn nhớ như in những câu chuyện ly kỳ trong chiến tranh do ông kể, những chuyện lịch sử, những bài hát cổ của người Tày ở Khuổi Dủm, ở Huyền Tụng, ở Tây Bắc, Việt Bắc.

Ông là người đi xa, đi nhiều nhất ở Khuổi Dủm. Cuộc đời ông lắm khúc, lắm ghềnh, khó khăn, cơ cực, thương tật và tù đày khó bút nào kể hết.

“Bắt cóc” xe tăng

Chiến công vang dội của Cao Sinh Học và đồng đội là “bắt cóc” xe tăng địch tại Trường tăng Thủ Đức, Đồng Nai năm 1966. Ngày đó, chủ trương của Bộ tư lệnh (BTL) Miền và BTL Tăng thiết giáp là bắt cóc xe tăng địch đưa ra rừng học sử dụng để dùng trong chiến đấu.

Tổ công tác đặc biệt do Đại úy Phạm Hiệp chỉ huy gồm ba kíp xe với đầy đủ thành viên được điều tới(!). Bộ đội xe tăng đưa từ miền Bắc vào được học các kỹ thuật, chiến thuật đặc công và bộ đội đặc công của BTL Miền được học kỹ năng sử dụng xe tăng.

Để đảm bảo chắc thắng, BTL Tăng thiết giáp đã cử những kíp xe giỏi nhất vào tổ công tác đặc biệt. Ngay trận đầu ra quân tháng 1/1966, đội công tác đặc biệt đã lấy được ba xe tăng, vừa chiến đấu vừa nhằm hướng rừng Đồng Nai rút về căn cứ.

Vô cùng tức tối, địch ở Trường tăng Thủ Đức đuổi theo quyết bắt sống ta. Ba xe chiến đấu rất dũng cảm. Cuối cùng, do không cân sức, lại không thạo địa hình, đạn dược trên xe hết, các anh phải phá hủy xe bảo toàn lực lượng.

Người lính già trầm ngâm nhìn ra ngoài. Trời chiều, sương xuống phảng phất triền đồi, nơi dãy núi Khau Mổ, Phia Bioóc. Xa xa là sông Cầu, con sông như một dải lụa bạch khổng lồ uốn lượn hiền hòa giữa đôi bờ ngô, lúa, sắn, chè, sơn, keo xanh mướt.

Người lính ngồi im, chòm râu thưa lặng phắc. Đã hơn bốn mươi năm từ ngày bị bắt, bị tù và cũng hơn ba mươi năm sau ngày ra tù, trở về với vòng tay đồng đội thì những gì mà người lính trên tuyến đầu trải qua ông cũng đã trải qua.

Đánh đập dã man. Khủng bố tinh thần. Mọi người tưởng ông hy sinh. Truy điệu và truy tặng danh hiệu Đảng viên cho ông. Báo tử về quê. Người mẹ vừa chịu tang chồng vừa nhận giấy báo tử con. Chết đi sống lại. Mái tóc bạc dày dạn phong sương của người cựu chiến binh rung rung. Những giọt nước mắt rơi xuống chiếc áo lính đã cũ sờn.

Hành động anh hùng

Tổ công tác quyết tập kích, rinh bằng được xe tăng địch ra căn cứ. Đêm 16/1/1966, tổ công tác do Đại úy Phạm Hiệp (sau đó anh hy sinh tại chiến trường) chỉ huy gồm ba kíp xe với mười hai đồng chí đột kích vào khu xe. Khi ấy, các xe trực chiến của địch luôn có người trực 24 trên 24. Trời tối. Đêm lạnh.

Gió từ cánh rừng, trảng cỏ, sình sạp Đồng Nai thổi ù ù qua các hàng kẽm gai dày đặc. Thành thạo và khéo léo, tổ công tác vượt qua hàng loạt rào kẽm gai, mìn lá, mìn định hướng, mắt thần điện tử… giữ vững đội hình tiến về phía những chiếc tăng đen sì.

Áp sát bọn lính trực, nhanh như chớp, tổ công tác ra tay với những thế võ hiểm. Nhưng lúc đó, tiếng súng từ nhiều phía rộ lên. Mất đi yếu tố bất ngờ, có chiến sĩ ngã xuống, máu thấm vào xích sắt xe tăng. Tổ công tác vừa chiến đấu vừa rút dần ra ngoài.

Đêm tối. Kẽm gai dày đặc. Bọn địch cũng không dám nổ súng bừa bãi. Chúng thận trọng lùng sục. Cao Sinh Học, bị thương vào bụng, vẫy các đồng chí của mình lại gần, nói nhỏ: “Các đồng chí mau thoát ra ngoài. Tôi sẽ nằm vắt qua hàng rào, anh em đạp lên vượt qua là thoát”. Mọi người sững lại trước câu nói bất ngờ ấy.

“Không. Sống cùng sống, chết cùng chết, anh Học, chúng tôi không để anh ở lại một mình đâu”. “Tôi bị thương rồi. Nào, đưa nốt lựu đạn cho tôi. Đem súng đi. Đi đi các đồng chí”. Vừa nói, Cao Sinh Học vừa bò vắt mình lên hàng kẽm gai. Khổ người anh vạm vỡ trùm lên đống sắt thép bùng nhùng. Các chiến sĩ còn lại là Thiện, Long, Tình, Chuyên… hôm ấy đã giẫm lên thang vượt làm bằng thịt da đồng đội, vọt ra ngoài.

Ngoài trời hoàng hôn ửng lên một màu vàng sáng rực. Khói bếp phảng phất thanh bình bay lên hòa cùng mây trắng. Một thanh niên khỏe mạnh, chắc nịch, đôi mắt sáng bước vào chào khách và chào bố. Cao Sinh Công, con trai thứ hai của ông vừa hết hạn nghĩa vụ quân sự. Căn nhà giản dị của cha con người lính trong hoàng hôn chiều dưới chân núi Phia Bioóc dội vào tôi những tâm tư, ngẫm ngợi.

Lúc dùng tấm thân thương tích của mình, vắt qua hàng rào kẽm gai để đồng đội thoát ra ngoài, Cao Sinh Học đã nghĩ đến cái chết. Ông thầm gửi lời chào đến cha, đến mẹ. Máu rịn ra từ vết thương ở bụng, ở chân. Tảng sáng, khi ông lịm đi thì bỗng hai cổ chân như có dùi thép xuyên buốt lộng óc.

Đèn pha rọi thốc vào mắt. Trên hàng rào kẽm gai, ông không nhúc nhắc được nữa. Hai con béc giê đen sì, hung tợn như hai con beo rừng ngoạm lút hàm răng nhọn vào hai cổ chân ông. Mắt chúng lóe lên man dại. Ông giơ tay lần tìm chốt quả lựu đạn nhưng bàn tay tê buốt không còn cử động theo suy nghĩ.

Ông căm hờn nhìn hai con chó và lũ da đen da trắng vằn vện lồng lộn bên ngoài. Tiếng tên cố vấn Mỹ lơ lớ - “Vi ci. Vi ci”. Những cặp mắt đảo điên, đùn đẩy. Những tiếng xì xồ, chỉ trỏ không ngớt vang lên. Một tên lính da đen đầu trọc, móc trong người ra cuộn dây đặc biệt khom người tiến về bãi thép gai.

Có lẽ hắn đã nghĩ đến món tiền bốn ngàn đô la (tiền thưởng bắt sống một Việt cộng lúc đó) sắp được hưởng. Hắn tiến sát đến hai con chó và người lính phía bên kia, tròng dây vào cổ chân tơ tướp vết chó cắn rồi lăn nhanh ra ngoài, tay nắm chắc một đầu dây.

Kiên cường trong tù ngục

Ngay khi bắt được ông, bọn chúng thẩm vấn và tra tấn dã man, tàn bạo. Ông chỉ ậm ừ, nhận là du kích đi theo phục vụ và giấu nhẹm mình là kíp trưởng xe tăng.

Sau hàng tháng trời ở nhà lao thẩm vấn hỗn hợp Việt - Mỹ không khai thác được gì, chúng chuyển ông qua trại giam Bạch Đằng, tiếp đó là trại giam Trần Hiệp (Biên Hòa) và đến ngày 6/11/1967, bọn chúng đưa ông đi giam tại Phú Quốc.

Hơn bảy năm qua các trại giam ông không hề biết mình là Đảng viên, vì sau trận đánh mọi người đinh ninh là ông đã chết nên tổ chức truy điệu đồng thời truy tặng Huân chương Chiến công và kết nạp Đảng cho ông. Giấy kết nạp Đảng đề ngày 17/1/1966 tức là ngay một ngày sau trận đánh đó.

Những khúc quanh của cuộc đời

Mười bảy tuổi tình nguyện vào bộ đội, nhập ngũ tháng 3/1959 vào Đoàn Pháo binh Đông Khê. Do ham học hỏi, thông minh và rất sáng tạo trong tiếp thu kiến thức kỹ thuật, ông được chuyển sang Binh chủng Tăng thiết giáp và là trưởng xe tăng T34-112, tiếp đó là xe T34-101, một trong những xe tăng đầu tiên của ta.

Bốn năm lăn lộn thao trường, trưởng xe Cao Sinh Học luôn là tấm gương sáng của kíp xe cũng là lúc hết hạn nghĩa vụ quân sự, thực hiện chủ trương của Đảng, con em dân tộc được trở về địa phương lao động sản xuất tại quê hương.

Những ngày đó, ông không sao ngủ được. Sắp có đoàn công tác của Tăng thiết giáp vào Nam chiến đấu, tại sao mình không được đi? Tại sao lại giải ngũ về? Phải nghĩ cách gì, miễn là ở lại. Miễn là được vào Nam chiến đấu. Đêm ấy, người chiến sĩ trẻ dân tộc Tày đã cắn máu, viết đơn tình nguyện xin ở lại và được vào chiến trường.

Không thể tưởng tượng được phải nằm trong các trại giam của địch hơn bảy năm trời. Cứ nghĩ được chiến đấu, cùng lắm là hy sinh chứ không nghĩ lại nằm khoèo ở các trại giam tít tận Phú Quốc.

Cao Sinh Học càng không nghĩ tổ chức đã báo tử về địa phương. Khi ấy, ông cụ thân sinh đang ốm, sắp mất, tổ chức phải giấu. Mấy năm sau, khi bố mất cũng là lúc chính quyền xã quyết định báo tử ông với cái lý nỗi đau thì để đau một thể, buồn một thể.

Ôi một thời có những việc chúng ta đã suy nghĩ đơn giản thế đấy. Người mẹ sau hai cái tang chồng, tang con đang héo hắt thì Cao Sinh Học đột ngột trở về sau Hiệp định Paris theo điều khoản trao trả tù binh. Người mẹ không tin vào sự thật hiện ra trước mắt hốt hoảng ốm lên ốm xuống hàng tháng trời. Cả thôn Khuổi Dủm kéo đến mừng gia đình họ Cao.

Ngoài trời đã bắt đầu tối, sương giăng mờ mịt khắp các lối đi, cây cỏ, đất trời. Ngọn núi dòng sông đều chìm trong sương trắng. Căn nhà nhỏ đầy chật tiếng nói, tiếng cười.

Bà Hoàng Thị Xuân, người phụ nữ Tày gắn bó với ông hơn ba mươi năm vẫn đậm nét xuân sắc một thời. Bà ngồi bên ông, lặng lẽ, khiêm nhường như đã từng lặng lẽ vượt qua bao nhiêu sóng gió, gian nan, cơ cực nuôi dạy bốn con nên người.

Buổi tối trong căn nhà nhỏ, đồ đạc đơn sơ. Mấy đứa trẻ khụt khịt ngủ ngon trong vòng tay của bà, của mẹ. Cây đàn tính cán dài, một đặc trưng văn hóa của người Tày vút lên như một đường kiếm treo trên vách. Người lính già lặng lẽ nhìn vợ con, nhìn khách và thi thoảng nhìn rất lâu vào cây đàn...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.