Chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời làm báo

Chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời làm báo
TP - Nhân Tháng Thanh niên, với sự kêu gọi của Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo, đại diện các báo và tạp chí: Tiền phong, Nhà báo Công luận, Hướng nghiệp, Công an Nhân dân, Vietnamnet, VNMedia, VTCNews, Thế giới Điện ảnh, Văn hóa, Phụ nữ thủ đô, Dân trí... đã lên đường từ thiện.
Chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời làm báo ảnh 1
Đường vào Cò Pạt

Nhà báo đi từ thiện chắc cũng phải khác người chút. Họ chọn nơi sâu xa khó đến nhất, nơi cảnh vật hoang sơ vào loại đẹp nhất, nơi có một tộc người vào loại thiểu số nhất - sống kham khổ cũng vào loại nhất. Và lần đến với người Đan Lai trong rừng Pù Mát (Nghệ An) đã trở thành chuyến đi đáng nhớ không chỉ đối với các phóng viên.

An ninh Thủ đô hỗ trợ cả một xe tải để chở nào là quần áo, giầy, thuốc men, sách, vở, đĩa nhạc... và một chiếc tivi to đùng. Tiền mặt thì riêng Truyền hình Hà Nội, Công an Nhân dân và Bóng đá- mỗi báo ủng hộ 5 triệu đồng, còn lại là Hà Nội mới, Tiền phong, Văn nghệ Công nhân, Đoàn Thanh niên Thể thao Văn hóa - cũng được hơn 20 triệu đồng. Taxi Mai Linh ủng hộ 2 chuyến xe 16 chỗ, Trapharco đóng góp 14 triệu đồng tiền thuốc... Văn hóa phẩm và quần áo do các nhà báo tự huy động.

Chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời làm báo ảnh 2
Lần đầu tiên đón thầy thuốc tới thăm

Theo giới thiệu của huyện Con Cuông, Nghệ An, chúng tôi chọn một xã là Môn Sơn để tập trung hỗ trợ. Mất một ngày và một buổi sáng, trưa 23/3, đoàn có mặt ở Môn Sơn. Sách vở được mang tới trường học, thuốc men tới trạm xá- các bác sĩ triển khai khám bệnh và phát thuốc cho một số hộ chính sách.

Số tiền từ thiện chia cho 42 gia đình khó khăn. Đoàn cũng đóng góp tại chỗ để an ủi thân nhân của 2 chiến sĩ biên phòng hy sinh ở bến Phà Lài mùa lũ vừa qua.

Đội văn nghệ Đồn Biên phòng 555 ráo riết tập dượt cho đêm lửa trại. Cả đội văn nghệ xã đang tập trung chuẩn bị lên huyện thi cũng sẽ tới góp vui. Phía nhà báo đêm trước cũng đã luyện giọng tại Cửa Lò (Nghệ An).

Đêm xuống, bỗng đâu trời lại mưa. Chương trình văn nghệ đành kết thúc sớm, chuyển sang múa lăm-vông quanh đống lửa, dưới mưa. Đến khi nào ướt không múa được thì thôi.

Thức dậy trong rừng Pù Mát, trời nặng nhưng may chỉ mưa nhẹ. Đoàn công tác chia hai. Nửa đến nơi định cư mới của người dân Đan Lai. Nửa kia dù được cảnh báo về sự vất vả dọc đường, vẫn quyết đến với Cò Pạt (thuộc xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) - “thủ phủ” của người dân Đan Lai.

Đây chính là nơi xa xưa những người họ Lê của làng Đan Nhiệm dừng lại trên đường chạy nạn ác bá. Họ Lê được đổi thành họ La, và sống lẫn với các dân tộc khác tạo thành tộc Đan Lai, đến nay chỉ còn lại chừng 3000 người. Muốn đến Cò Pạt chỉ có một là vạch rừng mà đi, không thì đò máy ngược dòng suối Giăng 15km.

Đoàn xuống đò từ bến Phà Lài- tạo thành từ con đập ngăn dòng Giăng. Riêng phóng viên báo chí đã chiếm 2 thuyền. Thuyền còn lại chở thuốc men, quần áo và 3 bác sĩ trẻ của nhà thương Phủ Diễn- bệnh viện tư nhân đầu tiên ở Nghệ An lập nên với mục đích từ thiện.

Mỗi thuyền có một người cầm lái ngồi đằng đuôi, một chống sào ngồi mũi. Càng đi, lòng suối càng nhiều chỗ thắt cổ chai, nước xiết. Những lúc ấy, người chống thuyền lại phải nhảy xuống kéo thuyền. Chỗ nào nước quá cạn, 2 chiến sĩ biên phòng rồi cả nhà báo cùng lội nước đẩy thuyền.

Chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời làm báo ảnh 3
Nhà báo mở “shop thời trang” miễn phí

Bên thuyền kia, để giảm tải, cánh nhà báo mấy lần được xuống đi bộ trên những triền đá cuội. Phóng viên Phụ nữ Thủ đô hứng quá giở sổ thơ ra đọc- bài Đôi mắt Đan Lai chị sáng tác ngay trên thuyền.

Cập bến Cò Pạt. Nắng lên từ bao giờ. Dần 80 nóc nhà trên một quả đồi bát úp. Phía chân đồi là những mảnh ruộng đang vào vụ cày cấy. Người Đan Lai trồng lúa nước từ 3 năm nay, sau 3 tháng người Kinh về hướng dẫn. Về cảnh quan, đây quả xứng đáng là nơi lưu trú của du khách trong tuyến du lịch suối Giăng - Pù Mát.

Theo thói quen, các nhà báo lập tức tỏa đi chụp ảnh. Sợ người lạ, một bé gái khóc nức lên khi phóng viên VTCNews xoa đầu. Làm quen một hồi bằng kẹo và bim bim, bé trở nên tự tin hơn nhiều trước “rừng” ống kính. Anh trưởng trạm biên phòng đeo kính đen ra tiếp. Các nữ nhà báo đòi anh cho xem mắt, một vầng tím bao quanh con ngươi đỏ lừ. Anh bị mấy đối tượng dùng thuốc nổ bắt cá hành hung mấy hôm trước.

Ở Cò Pạt, nhà đất hay nhà sàn- nguyên liệu chính vẫn là nứa. Chúng tôi rón rén, chỉ sợ lọt chân làm thủng nhà. Nhiều nhà sàn dưới gầm đầy phân trâu. Nhưng cũng nhiều nhà treo ăng-ten chảo ở đầu hồi. Tạt “bừa” vào một nhà bên đường, thấy trong nhà một bên là vuông nứa quây lại làm chỗ cho hai vợ chồng, một bên là bếp lửa, phía trên gác nong sắn khô đen đúa - khi nào ăn sẽ bỏ vào chõ đồ.

Thấy đời sống của người dân ở đây khổ, mọi người thống nhất đóng tiền giúp những gia đình cực nhất. Tại một trong 8 nhà được Đoàn hỗ trợ 200 nghìn đồng, chúng tôi chứng kiến cảnh bà cụ 90 bị lòa ngồi bên bếp lửa cho cháu... bú.

Đứa bé vừa đầy tháng rõ ràng suy dinh dưỡng - là con thứ 2 (đứa đầu 1 tuổi) của người mẹ 20 tuổi. Hỏi có sữa cho con bú không, chị chỉ cười, giấu mặt vào cánh tay. Ba nhà hoàn cảnh nhất - gồm 2 gà trống nuôi con (một vợ chết, một vợ bỏ theo người khác đến khu định cư mới) và một bà cụ sống một mình- được phóng viên Dân trí hỗ trợ trọn gói 500 nghìn đồng/suất.

Sắp tới, phóng viên ảnh Dân trí sẽ được gọi là Tuấn “Đan Lai” chỉ vì độc quyền bộ ảnh về tộc người này. Ngoài ra bề ngoài anh cũng “khá Đan Lai” với nước da đen giòn. Theo sáng kiến của phóng viên Nhà báo Công luận, triển lãm ảnh về chuyến đi với “cây đinh” Lê Anh Tuấn sẽ tổ chức ở Hà Nội nay mai - tiếp tục quyên tiền ủng hộ người dân Đan Lai.

Sau bữa trưa quây quần bốc xôi và giò, theo tiếng trống ngũ liên, mọi người thẳng tiến trường tiểu học 3 Môn Sơn - nơi tập kết và phân phối hàng. Ngoài thềm đất, các bác sĩ kê bàn bày thuốc, đóng bộ blouse trắng, sẵn sàng đón bệnh nhân.

Xem ra phụ nữ đúng là phái yếu, hoặc biết lo cho sức khỏe của mình và con mình hơn. Nào là ho, đau đầu, đau lưng... có người tới kêu bị “bại liệt”. Đơn thuốc ghi ra giấy hẳn hoi, chắc bọn trẻ sẽ đánh vần cho người lớn.

Ngơi tay phát thuốc, cô Đức- nguyên điều dưỡng viên Bệnh viện Saint Paul - hồ hởi nói với chúng tôi: “Bao giờ đi đâu lại gọi cô nhé! Cô sẽ rủ cả bạn bè đều về hưu như cô...”. Cô Đức là cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện Phủ Diễn, nhiều lần đi khám bệnh từ thiện nhưng chưa từng đến vùng sâu xa như thế này. Đây cũng là lần đầu tiên Cò Pạt đón một đoàn cán bộ y tế đến thăm khám.

Phòng hiệu bộ có không khí của shop thời trang. Phóng viên Vietnamnet- lưỡi trai đội ngược, rất có phong độ đứng quầy. Anh tận tình tư vấn ai nên chọn trang phục nào.

Nhìn những gương mặt bừng sáng, những nụ cười ngượng nghịu của dân bản, chúng tôi dấy lên một cảm xúc lạ. Cứ bảo sao có những người suốt đời đi làm từ thiện - hẳn họ phần nào nghiện cảm xúc này. Những người đến trước còn tiêu chuẩn 1 quần 1 áo.

Về sau, mỗi người chỉ được hoặc quần hoặc áo, mà chỉ ai có mặt mới được lấy. Các chiến sĩ biên phòng kiểm soát việc này. Mọi người tiếc là đã không mang đến đây nhiều đồ “viện trợ” hơn.

Trong lịch trình, Cò Pạt không phải điểm cố định từ trước, nhưng rút cuộc lại trở thành nơi bõ công tới nhất. Nhiều phóng viên trong đoàn khẳng định, đây là chuyến công tác đáng nhớ nhất trong đời làm báo. Phóng viên Thế giới Điện ảnh- thường ngày toàn chạy theo các minh tinh - nhắc đi nhắc lại rằng lần đi này làm anh thấy yêu nghề hơn.

Không ngờ tuyến đường gần 30km đến khu định cư mới của người Đan Lai mới thực gian truân. Đường đất, trời mưa, xe thường xuyên sa xuống những ổ voi sâu hoắm mà vẫn phải đi - chỉ cần dừng lại rất có thể sẽ trôi xuống vực.

Được độ 15 cây, bánh xe phụ cài đằng sau cùng thanh chắn hậu rụng cả ra. Đến một nông trường mía, xe lớn ở lại, mọi người chia ra làm 3 chuyến tăng bo trên xe con vào bản mới. Người dân khẳng định đây là lần đầu tiên có xe to như thế đến được nơi này. Còn chuyến đi lập tức trở thành chuyến khiếp đảm nhất của tài xế.

Tuy nhiên, người cầm lái vẫn đề nghị lúc nào cần đi cứ gọi thẳng cho anh... Đâu cứ phải tỷ phú hay minh tinh, nhường cơm sẻ áo là nhu cầu của mọi người, mọi giới.

MỚI - NÓNG