Chuyện ghi ngày nhập bộ

Chuyện ghi ngày nhập bộ
TP - Tầm chiều mà tôi đến Bộ Thủy sản ở đường Nguyễn Công Hoan, Hà Nội thì trước đó, buổi sáng lúc 10 giờ kém, ngày 31/7/2007, 471 Đại biểu Quốc hội khóa XII (trong tổng số 476 đại biểu, đạt tỷ lệ 95,54%) trong phiên họp toàn thể của kỳ thứ nhất đã bỏ phiếu đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ hợp nhất Bộ Thủy sản sang Bộ NN&PTNT.
Chuyện ghi ngày nhập bộ ảnh 1
Nhập bộ, ông Tạ Quang Ngọc trở thành Bộ trưởng Bộ Thủy sản cuối cùng.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Chưa có quyết định thông báo cụ thể, nhưng có lẽ từ thời điểm ấy, cái tên Bộ Thủy sản đã không còn tồn tại...

Đường Nguyễn Công Hoan vắt từ Ngọc Khánh sang Nguyễn Chí Thanh bây giờ, những năm đầu bảy mươi của thế kỷ trước là một vệt đường mòn chưa có tên và chưa đi được xe đạp. Hai bên vệt mòn ấy mới chỉ loi thoi những mái nhà cấp bốn xập xệ chen lẫn với ao chuôm. Quãng giữa vệt mòn đó, sau năm 1975 bỗng nhô nhỉnh lên và mở ra một sự kiến tạo đáng kể của thời ấy.

Một vạn hai trăm ngàn mét vuông đất ruộng rau muống, đất giồng rau thơm lẫn ao chuôm được khoanh vùng, nói như ngôn ngữ thời nay là để làm cơ sở hạ tầng! Cơ sở ấy sau khi trừ chi phí đền bù hết 60 triệu cả thẩy,  không để dựng nhà máy hay khu công nghiệp nào mà để làm đất đứng chân cho đại bản doanh của một ngành kinh tế của Việt Nam thống nhất vừa ló dạng: Tổng cục Thủy sản!

Nhà thơ Nguyễn Hà tài hoa, CTV lâu năm của báo Tiền phong (anh đã mất mấy năm nay) hình như cuộc sống đỡ rát mặt đỡ khốn khó sau một thời gian dài tất tả là tự khi vào làm cho cái tờ tin của Tổng cục Thủy sản. Chả riêng chi anh Nguyễn Hà, bao nhiêu số phận khác cũng hanh thông cũng đổi đời từ khi Tổng cục ấy lên cấp lên đời thành Bộ Thủy sản.

Bộ trưởng đầu tiên là ông Võ Chí Công. Sau khi vị tư lệnh Khu V lừng danh ấy lên T.Ư đảm nhận trọng trách cao hơn, thì ông Tám Tú (Nguyễn Quang Lâm) giữ trọng trách đứng đầu ngành. Sau ông Tám Tú là ông Đỗ Chỉnh. Kế nữa là ông Nguyễn Tấn Trịnh đứng đầu Bộ lâu nhất tới 17 năm!

Đến Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc thì từ đại bản doanh ở đường Nguyễn Công Hoan đất Hà thành,  cơ ngơi của ngành Thủy sản đã giăng hoành tráng suốt Bắc chí Nam với nhiều cơ sở chế biến đánh bắt nuôi trồng cái giống thủy tộc lợ ngọt lẫn mặn, cách đây vài ba năm đã tròm trèm tỷ đô la năm hơn năm kém kim ngạch xuất khẩu. Chiều dọc của ngành được nối mạch lẫn nối mạng với 28 tỉnh thành bằng Sở Thủy sản hằng bao năm nay!

May ông Ngọc đang có nhà! Cánh báo chí vẫn coi ông Bộ trưởng này là người khá cởi mở, kể cả những việc khó nói hay nhạy cảm ông vẫn trao đổi với báo chí sòng phẳng, rốt ráo. Hình như ông quá rành rẽ với cái nghề này bởi ông đã có dư chục năm làm báo? Phu nhân Bộ trưởng lại là đồng nghiệp với anh em chúng tôi.

Ông Ngọc còn là mọt sách. Sách chuyên môn thì không nói làm chi. Nhưng đận mới đây nhất, tôi phát ghen khi ông thao thao nói về cuốn gì đó mới ra của ông chủ CNN, nghe đâu là chồng cũ của nữ diễn viên điện ảnh chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam Giên Phônđa... May mà lại không may! Ông Ngọc cười cười rằng để hôm khác ngồi với nhau lâu hơn, bây giờ ông đang sắp có một cuộc họp. Mà họp gì trong lúc này thì nhà báo tự biết lấy! Rồi ông lúi húi lục tìm chi đó “có quà cho ông đây...”.

Quà của ông Ngọc là một cuốn sách của cụ thân sinh. Những năm cuối bảy mươi, tôi có vài lần được thụ giáo tí ti kinh nghiệm viết lách của nhà báo nổi tiếng Tạ Quang Đạm, khi đó đang giữ trọng trách của một tờ báo lớn. Sau này mới biết thêm cụ còn khá rành chữ Hán. Cụ mất năm 1999 thọ 86 tuổi. Cụ bà thân sinh nhà báo Quang Đạm là nữ sĩ Sầm Phố, bạn khá tương giao với cụ Phan (Phan Châu Trinh) và cụ Huỳnh (Thúc Kháng). Cuốn sách của cụ nhà mới xuất bản mà ông Ngọc đưa tôi là cuốn Tư văn qua các triều đại.

Tôi chưa được đọc nhưng lướt qua thấy người biên tập là Đoàn Tử Huyến, cũng thuộc loại mọt sách mà tôi có quen thì chắc sách cũng khá! Tôi hy vọng rồi sẽ có những dịp ông rỗi rãi thư thả để nối thêm cái mạch về cụ thân sinh cùng bà nội ông Ngọc vốn là những nhà văn hóa có danh một thời. Hy vọng  như ông Ngọc vừa nói ban nãy rằng ông chỉ còn có một ngày để thu xếp mọi thứ (ngày 2/8/2007 là thời điểm QH bầu và ra mắt nội các mới của Chính phủ khóa XI). Rồi còn sau đấy là... nghỉ!

Khi tôi ngỏ cái ý, một số hiệp hội đang có lời mời ông tham gia thì ông cười, lúc có chức có quyền thì hẵng làm cái gì đó, còn không tránh làm phiền làm vướng chân người khác. Trừ cái hiệp hội điền kinh mà ông tham gia lâu nay!

Tôi vẩn vơ một lúc trên những lối đi sạch bong rợp mát bóng cây dẫn đến những Cục những Vụ những Phòng ban mà nền là những ao chuôm ruộng rau ngày trước. Quanh tôi cứ giăng lặng cái không khí công sở hành chính giờ làm việc tầm chiều. Hay là vẻ bình lặng ấy hàm chứa điều chi khác? Chợt nhớ lời vị đại diện cho QH đọc lời thẩm định rằng: Đề án cơ cấu của Chính phủ tuy không phải là đột phá nhưng là bước tiến trong quá trình dân chủ hóa và yêu cầu đổi mới hiện nay. Quá trình thực hiện đề án cơ cấu lại Chính phủ đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cán bộ công chức. Vì vậy yêu cầu Chính phủ nhanh chóng triển khai sắp xếp biên chế để ổn định nhân sự.

Phàm trước nay cái sự tách ra thì bao giờ cũng rộn rịp náo nhiệt của việc thêm chức thêm ghế thêm xe cộ này khác. Còn việc nhập thì là lặng lẽ nhưng mà xao xuyến của những trạng huống! Tên gọi Bộ Thủy sản từ nay không còn mà lặn vào một bộ khác! Mai kia vụ nào cục nào phòng ban nào sẽ rời đây để nhập vô số 1 Bách Thảo, đại bản doanh của Bộ NN&PTNT.

Rồi đơn vị nào vẫn sẽ trụ lại trên mảnh đất này? Cùng với những xáo trộn, những biến động của đời sống cán bộ công chức là hành trình của những thân phận?  Hàm cấp của ba Thứ trưởng và hơn chục vụ trưởng có hao hụt chút nào khi nhập vào và vận hành trong guồng máy mới? Rồi 28 ông Giám đốc Sở Thủy sản của 28 tỉnh thành kia bây giờ nhập vào Sở Nông nghiệp sẽ đóng hàm phó chăng?...

Chuyện ghi ngày nhập bộ ảnh 2
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng bộ NN&PTNT

Ông cựu Bộ trưởng (xin lỗi, còn một ngày nữa ông mới thành cựu) này nói thế nào ấy chứ, hồi sáng lúc giải lao khi đứng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, cánh báo chí chúng tôi nhận thấy người đứng đầu ngành Thủy sản nói riêng cũng như nhiều cán bộ chủ chốt nói chung có vai trò không nhỏ nếu không muốn nói là trọng yếu trong việc góp sức với Chính phủ cùng Bộ NN&PTNT xây dựng một lộ trình vận hành mới cho ngành thủy sản.

Đó là việc vạch thảo, việc xây dựng  một nghị định, một thứ luật để ngành thủy sản Việt Nam giữ vững, bảo tồn bề dày truyền thống cũng như phát triển sau này! Bộ trưởng Phát nhắc lại ý của Thủ tướng rằng hợp nhất Bộ Thủy sản với Bộ NN&PTNT trên cơ sở mối quan hệ giữa ngành Nông nghiệp và Thủy sản.

Phạm vi quản lý của Bộ Thủy sản lâu nay tương đối hẹp. Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT mới ngoài việc thực hiện tốt các chức năng như hiện nay cần phải phối hợp với Bộ Công thương trong các lĩnh vực như chế biến xuất khẩu thủy sản thực hiện tốt chính sách phát triển ở nông thôn. Bộ có thể thay đổi nhưng ngành thì phải ổn định. Câu chuyện của Bộ trưởng dẫn tôi về những thời điểm nhập Bộ.

Tôi chưa kịp nhẩm đếm nhưng ông Phát nói rằng bây giờ Bộ NN&PTNT chứa tới 6 bộ rưỡi. (Rưỡi ở đây là Tổng cục Cao su). Có hao hụt ở một mức độ nào đó chứ, chả hạn như Bộ trưởng Nguyễn Quang Hà (ngành Lâm nghiệp) khi về Bộ NN&PTNT chả đóng hàm Thứ trưởng là gì? Và có lẽ một số cán bộ chủ chốt của Bộ Thủy sản mai kia nhập Bộ, với sự phân công mới chắc cũng khó toại nguyện nhưng trên hết là sự hy sinh vì lợi ích, nói hẹp ra là ngành, rộng hơn là đất nước!

Việc nhập như thế chẳng phải để biến Bộ NN&PTNT thành con số cộng mà đã và đang đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với phương hướng nhất quán đa ngành đa lĩnh vực liên thông khắc phục tình trạng một việc do nhiều cơ quan nhiều tập thể cùng chịu trách nhiệm. Rồi việc theo hướng tinh giản sẽ liên quan đến việc thực thi nhiều Luật, nhiều Nghị định, Pháp lệnh đã ban hành trong thời gian qua. Vì vậy sắp tới Chính phủ và Bộ sẽ phải xem xét để kịp thời điều chỉnh... Có lẽ sắp qua cái thời mà Bộ trưởng còn như một ông Tổng Giám đốc.

Bộ NN&PTNT (lấy con số tròn) có đâu như 420 doanh nghiệp. Riêng việc thuộc mặt thuộc tên các ông chủ doanh nghiệp ấy cũng đã mệt. Nhưng với tốc độ cổ phần hóa như hiện nay cộng với việc phân cấp mạnh trong cung cách điều hành, Bộ trưởng và các Thứ trưởng từ lúc hàng năm phải ký bảy tám trăm văn bản nay giảm đi rất nhiều, cấp cục có thể đảm trách các văn bản ấy.

GS Nguyễn Lân Dũng góp vào cuộc trao đổi bằng đề nghị, bây giờ có Bộ Thủy sản nhập vào, Bộ NN&PTNT nên thay tên cũ bằng cụm từ Bộ Nông Lâm Ngư? Bộ trưởng Cao Đức Phát cười, hoan nghênh ý kiến của GS “nhưng trong Bộ tôi, sự có mặt và tham góp rất hiệu quả của ngành thủy nông lẫn cao su thì nên gọi như thế nào?”. 

Một câu hỏi đưa ra hơi gấp gáp rằng, trong lộ trình vận hành mới của ngành Thủy sản mà cụ thể là trong Nghị định sắp tới của Chính phủ, để bảo toàn truyền thống và bề dày đóng góp của ngành thủy sản cũng như tạo điều kiện chủ động trong quản lý kinh doanh nên thành lập Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ NN&PTNT. Hai mươi tám Sở Thủy sản của các địa phương sẽ thành Cục Thủy sản chả hạn? Chức danh Cục trưởng so với Giám đốc Sở Thủy sản như trước đây, hình như cũng đỡ hao hụt? Bộ trưởng Cao Đức Phát vẻ đăm chiêu cho biết chúng tôi đang nghiên cứu...

Chuông reo báo hết giờ giải lao. Tấm lưng đỡ đôi vai gầy mảnh của Bộ trưởng Cao Đức Phát đã khuất sau tấm phông màu kem. Anh bạn đồng nghiệp đứng bên tôi chép miệng rằng mới có non hai năm can dự vào nội các gánh mảng kinh tế quan trọng là nông nghiệp mà  vẻ thư sinh ngày nào của Bộ trưởng đã lặn đâu hết? Bằng cớ là hạn hán rầy nâu, H5N1 chưa hết lại heo “tai xanh” giờ lại ôm thêm dư lượng kháng sinh của ngành Thủy sản!

Các ông còn nhớ khi ông Nguyễn Quang Hà dẫn lính lâm nghiệp về đầu quân ở số 1 Bách Thảo, đã không ít ý kiến ầm lên rằng với cung cách quản lý này, lâm nghiệp rồi sẽ biến mất trong Bộ(?). Rằng rừng sẽ teo tóp dần đi ?! Nhưng từ hồi ấy đến nay thực tế không phải vậy! Cũng như vậy, số phận ngành Thủy sản trong Bộ NN&PTNT sẽ như thế nào, tất nhiên phải đợi thời gian trả lời. Nhưng không thể thiếu vắng  đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý giỏi và người đứng đầu, ngoài tài năng, ông Cao Đức Phát phải thao lược hơn nữa!

Nghe ông bạn phán vậy và tôi cũng chỉ biết biết vậy!

MỚI - NÓNG