Chuyện giữ rừng của 'đại ca' Hủng Trăn

Chuyện giữ rừng của 'đại ca' Hủng Trăn
TP - Một thời làm mưa làm gió vùng tây bắc huyện Yên Thành (Nghệ An), rồi anh trở về với rừng, quản lý 100 ha dẻ, làm chủ trang trại 800 ha mặt nước, trồng cây gây rừng bảo vệ đàn chim. Người quen gọi anh là “đại ca” Hủng Trăn.

> Giang hồ đất Mỏ và cuộc chiến 'vàng đen'
> Nữ quái đất Mỏ tranh đoạt 'bá vương'
> Cận cảnh vụ tống tiền rùng rợn của giang hồ đất mỏ

Kỳ thú Vệ Vừng

Chiếc thuyền nổ máy, xé nước lao vun vút vào lòng hồ. Bốn bề lồng lộng gió. Gió phả ra từ rừng cây, gió ào đến từ lòng thung, mát rượi. Vừa băng qua hẻm núi chợt nghe “ục” một tiếng. “Va phải đá ngầm?”, tôi hỏi người cầm lái. “Không! Cá húc vào thuyền đấy. Con này cỡ 5kg, mai nổi lềnh phềnh cho coi”.

Tiếng gió cuốn phía đuôi thuyền. “Dưới hồ, con to nhất nặng mấy cân?”. “Tháng trước quăng lưới xuống, một chú cá trắm đen độ 50kg bị dính lưới, nó nặng quá kéo không nổi, cá vùng chạy mất”.

“Vệ Vừng có bao nhiêu con trắm đen khủng như vậy?”. “Một đàn 3 con to bự, cá tự nhiên cả đấy. Cách đây không lâu, anh Nguyễn Xuân Bắc ở ven đập Vệ Vừng đi chặt củi về, phát hiện thấy 3 con trắm đen khủng vào gần bờ, lừ đừ như ba cái tàu ngầm mini. Anh này khiếp vía, chạy bán sống bán chết. Về làng mách đập Vê Vừng có cá ma”.

Tôi không tin lời chủ thuyền. Làm gì có con trắm đen nào nặng nửa tạ dưới lòng hồ sâu 20m này. Nhưng anh bảo, không tin thì cứ thỉnh thoảng qua đây, thế nào cũng gặp cá khủng.

“Đại ca” Hủng Trăn - Phan Trọng Lương và sản phẩm đánh bắt được từ lòng hồ
“Đại ca” Hủng Trăn - Phan Trọng Lương và sản phẩm đánh bắt được từ lòng hồ.

Đập Vệ Vừng rộng 800ha, mênh mông nước, cách thị trấn Yên Thành (Nghệ An) chừng 10km, cách TP Vinh khoảng 70 cây số. Nước bao vây núi, núi ôm lòng hồ, thành một vùng biệt lập hoang sơ và ẩn chứa bao huyền bí.

Đi giữa lòng hồ như lạc vào cõi tiên, sóng nước mênh mang, núi non trùng điệp, rừng xanh thẳm kéo dài ngút tầm mắt. Nghe tiếng động, bầy chim le le bừng tỉnh, vỗ cánh bay như tên bắn sát mặt nước.

Trong hoàng hôn, đàn cò trắng chấp chới tìm chỗ trú qua đêm sau chặng đường bay ngàn dặm. Từ lâu, Vệ Vừng đã thành một sân chim đông đúc, đàn chim di cư từ phương Bắc về đây quần tụ, với hàng chục loài: cò, vạc, diệc, le le, khướu, vịt trời, chào mào, chèo bẻo…

Có những con cò sải cánh hơn nửa mét, thân cao lớn gấp đôi, gấp ba cò trên đồng tôi thường bắt gặp. Bảo vệ hồ gọi đấy là “chúa cò”.

Khi mặt trời gác núi, cũng là lúc bầy chim cất tiếng gọi bạn tình tìm chỗ ngủ qua đêm. Lũ chào mào, lũ khiếu véo von, hòa trong âm thanh độc hành của chim cuốc. Nắng tắt, rừng cây bỗng nhiên rung động bởi tiếng vỗ cánh của bầy vạc.

Được bảo vệ, đàn chim quy tụ về Vệ Vừng ngày một đông Ảnh: Quang Long
Được bảo vệ, đàn chim quy tụ về Vệ Vừng ngày một đông Ảnh: Quang Long.

Cả ngày im lìm trên cây, trời tối là lúc bầy vạc tung cánh kéo nhau đi ăn đêm. “Bọn chim khôn lắm! Chúng không bao giờ làm tổ trên rừng cây tái sinh, chúng chọn nơi kín đáo ở những bụi cây nguyên sinh để xây tổ, đẻ trứng!”, chủ thuyền nói.

Dưới mặt nước phẳng lặng là nơi trú ngụ của hàng vạn con trai. Loài trai, trong những năm mất mùa đói kém, trai trở thành món ăn cứu sống bao người dân Quang Thành, Đồng Thành. Có ngày, thợ lặn mò được cả tấn trai. Ba ba tự nhiên ở Vệ Vừng có con nặng từ 3 đến 5kg, lưng đen trùi trũi.

Di huấn thức tỉnh...

Thuyền ghé vào thủy trại. Tối như bưng. Người đi cùng tôi bắc tay làm loa, hú lên mấy tiếng. Tiếng hú như hổ gầm. Chừng mươi phút sau, hai chiếc thuyền độc mộc lầm lũi tiến đến. Bốn thanh niên to khỏe nhảy phốc lên, trên tay cầm ba con cá trắm, một can rượu.

Một người đi đấu dây điện vào bình ắc qui. Đèn bật sáng. Lửa cháy bừng bừng. Chưa đầy ba mươi phút sau nồi cá đã sôi sùng sục. Mùi cá tươi thơm ngao ngán. “Châm tửu!”. Tiếng hô đanh gọn. Mấy anh em ngồi xếp bằng thành vòng tròn. Lúc này, tôi mới có dịp ngắm kỹ khuôn mặt người đối diện, một nhân vật khét tiếng ở Hủng Trăn.

To cao, đen đúa, sần sùi như gốc lim, Phan Trọng Lương một thời được mệnh danh là đại ca, từng làm mưa làm gió vùng tây bắc huyện Yên Thành, vào tù ra trại như cơm bữa. Bỏ học năm cấp 2, Lương theo cha vào trông giữ rừng dẻ.

Cha anh, ông Phan Trọng Thọ quê gốc ở Hưng Nguyên, phiêu dạt đến Đồng Thành khai khẩn đất đai, chinh phục sơn cước, gây dựng và bảo vệ 100 ha rừng dẻ. Một đời cặm cụi trong rừng, ông Thọ cần mẫn chăm chút từng gốc cây, bền bỉ chống đỡ bao phong ba bão tố, chỉ với một tâm niệm “phải giữ lấy màu xanh!”.

Lớn lên với rừng, thấm thía lời cha anh càng thêm yêu rừng. Nhưng để giữ cho được 100 ha rừng dẻ bạt ngàn, đâu dễ. Nhiều sáng mai thức dậy vác rạ đi quanh khu rừng, Lương xót xa trước cảnh những thân cao lớn bị đốn hạ.

Một nhóm thanh niên hung tợn làng bên tính chuyện “thanh toán” toàn bộ rừng dẻ Đồng Thành. Phan Trọng Lương gặp lâm tặc, câu trước câu sau, nhóm côn đồ cầm dao tấn công phủ đầu. Một mình Lương tả xung hữu đột đánh trả. Kết thúc trận kịch chiến, nhiều đối thủ bị trọng thương, đi viện. Lương bị bắt giam về tội “Cố ý gây thương tích”, lãnh án 9 tháng tù.

Một lần tù tội, chàng trai trẻ bồng bột nghĩ mình đã vào ngõ cụt, mờ mịt tương lai. Từ đó, anh bỗng thay tính đổi nết, máu đánh nhau. Đạp xe trên đường, ngồi trong quán nhậu, thấy gã thanh niên nào bụi bụi ngứa mắt, xông vào oánh liền.

Anh Phan Trọng Lương
Anh Phan Trọng Lương .

Án tích chưa xóa, lại bị còng tay vào trại giam. Lần này, Phan Trọng Lương đi tù 1 năm. Ra tù, lại đánh nhau chí tử. Lần thứ 3, Lương thụ án 3 tháng tù. Mãn hạn, anh bỏ bê rừng dẻ, lao vào cờ bạc. Bao nhiêu của nả cha mẹ tích góp được, bỗng nhiên không cánh mà bay.

“Trong một thời gian ngắn, tôi vào tù 3 lần, bị công an huyện bắt vì tội đánh bạc khoảng 5-6 lần chi đó, nhiều lắm nhớ không xuể!”, Lương kể. Từ chỗ là một thanh niên hiền lành, Phan Trọng Lương được tôn làm “đại ca”. Nhà anh ở ngay dốc Hủng Trăn, nên đám đệ tử gọi là “đại ca” Hủng Trăn.

Lần cuối cùng bị bắt giam về tội đánh bạc, ông Thọ lọ mọ đạp xe xuống Công an huyện Yên Thành viết giấy bảo lãnh, xin đón con về. Ngồi sau xe, nhìn tấm lưng gầy gò, mồ hôi túa ra dầm dề của người cha già, lòng anh bỗng xót xa. “Phải làm lại từ đầu!”, Lương tự nhủ. Không lâu sau, cha anh ngã bệnh.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Thọ gọi con đến bên giường, nắm chặt tay con, căn dặn: “Bằng bất cứ giá nào, con phải giữ lấy rừng dẻ!”. Di huấn của cha như đóng đinh vào lòng Phan Trọng Lương, thức tỉnh phần thiện trong con người anh.

Ông chủ thủy trại

Nhẫn nhịn, cam chịu, chị Đặng Thị Thu là chỗ dựa của “đại ca” Hủng Trăn, kéo anh từ vực sâu lầm lỗi về cuộc sống thực tại, trở về với với rừng dẻ mà cha anh đã mất bao mồ hôi, xương máu để tạo nên.

“Có người hỏi tôi, răng mi dám cả gan lấy một “đại ca”. Tôi im lặng! Nom anh có vẻ ngoài dữ dằn, mình mẩy đầy thương tích, nhưng anh là người nội tâm, bản tính hiền lành, chất phác!”, Thu nói. Hai đứa con lần lượt chào đời trên mảnh đất Hủng Trăn đầy nắng gió, như sợi dây ràng buộc Phan Trọng Lương với Đồng Thành.

Ngôi nhà mới dựng lên, đối diện với đập Vệ Vừng, là tổ ấm của vợ chồng anh và cũng là sơn trại để bảo vệ rừng. Từ giã kiếp giang hồ, cờ bạc, Lương bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp. Nuôi đàn bò vài chục con, xây hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, anh vay mượn khắp nơi đầu tư cho rừng dẻ.

“Tính ra, tôi đã rót vốn khoảng 800 triệu đồng vào rừng dẻ, nhưng chưa thu được một đồng lợi nhuận nào. Đồi núi dốc, đến mùa thu hoạch hạt dẻ rất khó khăn!”, Lương kể.

Rừng đầu nguồn, không thể khai thác gỗ, anh dành dụm tiền chăm sóc rừng dẻ mà không tính thiệt hơn. Khoảnh rừng ấy gắn với cuộc đời của cha, anh giữ rừng dẻ như giữ sự sống, hơi thở của chính mình.

Xã Đồng Thành và huyện Yên Thành thấy Lương hào phóng, chân chất, bèn giao cho quản lý đập Vệ Vừng. Hồ nước mênh mông, diện tích mặt nước trên 800 ha, trữ lượng gần 20 triệu m3 nước điều hòa thủy lợi cho 600ha ruộng thuộc 5 xã Đồng Thành, Phúc Thành, Văn Thành, Tăng Thành, Hậu Thành.

Vệ Vừng là hồ chứa nước lớn thứ 3 của tỉnh Nghệ An, sau hồ Sông Sào, Vực Mấu, có nguồn cá tự nhiên phong phú. Mỗi năm, Lương thả xuống 2 tạ cá giống, đánh bắt được gần 30 tấn cá.

Vợ chồng anh cũng đã đầu tư vào hồ cá gần nửa tỷ đồng, dựng thủy trại trên mặt hồ để nuôi cá lồng. Sơn trại, thủy trại của anh giải quyết lao động cho gần chục người, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.

“Đại ca” Hủng Trăn từng là nỗi ám ảnh miền sơn cước, lại là người yêu thiên nhiên đến lạ. Anh tâm sự: “Tôi muốn phủ xanh vùng đất này để bảo vệ đàn chim. Có giữ được rừng mới gọi được đàn chim đến cư trú!”.

Từ khi được giao quản lý hồ Vệ Vừng, Lương cấm người ngoài vào săn bắn, nhờ đó bầy chim quần tụ ngày một đông đúc. Nơi bạt ngàn hoa trắng rừng dẻ, anh ấp ủ biến Hủng Trăn, Vệ Vừng thành một sân chim…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG