Chuyện hai nữ thạc sỹ đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn

Chuyện hai nữ thạc sỹ đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn
Họ không nói nhiều về mình, nhưng việc họ bảo vệ xuất sắc hai tấm bằng Thạc sỹ đã minh chứng một điều, người Pa Kô, Vân Kiều giữa ngút ngàn Trường Sơn có thể làm được tất cả để thay đổi cuộc đời.

Cuối năm 2004, chúng tôi hay tin, ở mãi tận huyện miền núi Hướng Hoá (Quảng Trị) có hai cô gái là người Pa Kô, Vân Kiều vừa bảo vệ xuất sắc tấm bằng Thạc sỹ. Mãi đến năm nay, theo vụ cháy rừng ở Hướng Hóa, chúng tôi nảy ra ý định tìm đến xem “khí chất, dung mạo” hai bà Thạc sỹ đầu tiên của người Pa Kô, Vân Kiều như thế nào. . .

Ông Hồ Xuân Phúc, Trưởng Phòng Giáo dục của huyện cười: “Các anh coi chừng, sau khi gặp mặt rồi không khéo lại quên đường về xuôi”!

Giờ thì, đang ngồi trước mặt chúng tôi là Hồ Thị Lệ Hằng và Hồ Thị Minh, hai Thạc sỹ mà chúng tôi từng “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Hằng sinh năm 1976. Còn Minh sinh năm 1977. Cả hai đều chưa ai lập gia đình. Hiện Hằng đang dạy ở trường THPT Hướng Hóa, còn Minh thì dạy ở trường THCS thị trấn Khe Sanh. Minh bảo với chúng tôi, công việc cuối năm ở trường bận lắm và cô chỉ có thể ngồi lại đây chừng mươi phút. Hằng thêm, chuyện của chúng em có gì đâu, người dân tộc nào nếu cố gắng đều có thể làm được mà!...

Chúng tôi không nghĩ như vậy.

Chuyện của Minh.

Bố em là người Vân Kiều. Bố vào bộ đội chính quy, đã từng tham gia đánh trận làng Vây nổi tiếng. Trong trận đó, bố em bị thương và phải ra Hà Tĩnh điều dưỡng.

Suốt cả 10 năm trời ai cũng nghĩ bố đã hy sinh và sự thực là bác của em đã hưởng tiền tuất bố em 10 năm trời. Có bằng Tổ quốc ghi công hẳn hoi. Bố lấy mẹ ở ngoài Hà Tĩnh (cũng người dân tộc) và sinh được chị đầu. Sau đó cả gia đình trở về quê. Bà con xóm bản ai cũng ngạc nhiên, bởi 10 năm trời họ cứ đinh ninh bố em là liệt sỹ.

Bố em trở về xã vùng sâu Ba Nang và sinh em ra ở đó. Đời sống của người dân tộc ở giữa ngút ngàn Trường Sơn ngày đó, không nói chắc các anh cũng hiểu, khổ cực và thiếu thốn trăm bề. Cả xã chỉ có 3chị em của em là chịu khó vượt đồi, vượt suối đi học. Giờ nghĩ lại, không thể tin nổi vì sao mình vượt qua được...

Học hết cấp 2, em được về học ở trường Dân tộc nội trú của tỉnh tại thị xã Quảng Trị và ở đây em gặp Hằng và hai đứa kết thân với nhau từ đó... Học hết lớp 12, em và Hằng rủ nhau thi vào trường ĐH SP Huế. Thi ngang ngửa và sòng phẳng đấy! Minh cười...

Chuyện hai nữ thạc sỹ đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn ảnh 1
Chị Hồ Thị Lệ Hằng

Chuyện của Hằng.

Em là người Pa Kô. Trong gia đình là con thứ 2. Trước em là chị, sau em thêm 1 em trai và một em gái nữa. Điều kiện nhà em thuận lợi hơn Minh rất nhiều. Bố em từng làm Bí thư Huyện ủy huyện này đến 3 nhiệm kỳ. Mẹ em là Dược sỹ, vì bệnh tim phải nghỉ hưu sớm. Chị em bây giờ là Giám đốc Ngân hàng Chính sách của huyện.

Nói ra điều ấy để các anh thấy việc học của em có điều kiện hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa. Em biết Minh và phục ý chí vượt khó của Minh nhiều lắm. Chúng em cùng đỗ vào ĐHSP Huế. Em học khoa Ngoại ngữ, còn Minh thì vào khoa Ngữ văn. Bốn năm trong trường, hai đứa sống cùng nhau, chia sẻ cùng nhau những vui buồn, đói no, sướng khổ. Đời sinh viên ai mà chả thế !Hằng cười...

Chuyện của hai người.

Tốt nghiệp ĐHSP năm1998 và hai người về dạy ở 2 trường gần nhau. Công việc của người gieo chữ vùng cao luôn bận rộn, vất vả và đầy nhọc nhằn. Như trường của Minh, phải đỡ đầu thêm 2 trường nữa, nên Minh phải thường xuyên xuống bản.

Hàng trăm bản rải rác trên đỉnh Trường Sơn, cái chữ Cụ Hồ cũng phải qua bao mùa mưa nắng mới đâm chồi, kết hạt. Trải qua 4 năm như thế, rồi đến một ngày Sở GD-ĐT có chỉ tiêu tuyển giáo viên thi đầu vào làm thạc sỹ. Minh và Hằng cùng nộp hồ sơ. Chuyện của Hằng có vẻ “xuôi chèo, mát mái “ hơn, còn chuyện của Minh thì gặp sự cố. Vẫn là việc của tổ chức, chèn người, thay người. Nhưng cuối cùng cả hai đều có mặt ở giảng đường Đại học Huế.

2 năm trở lại đi học, họ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức. Minh tiếp tục theo chuyên ngành Ngữ văn của mình, còn Hằng đi theo chuyên ngành quản lý giáo dục. Minh tâm sự: Bọn em có đơn xin được vào ở nội trú nhưng không được chấp nhận. Thế là đành phải thuê nhà trọ. Như lương của em nếu đứng lớp thì được 850 ngàn đồng. Đi học, họ cắt khoản đứng lớp nên chỉ còn 550 ngàn thôi. Vừa thuê nhà, vừa tiền ăn, vừa tiền tài liệu, tiền học, tiền đi lại... Phải tiết kiệm đến tối đa mới cầm cự được.

Hằng thêm: Trong thời gian học ở Huế, có những lúc em nghĩ chắc Minh không thể vượt qua được. Đó là đầu năm 2004, khi chúng em đã học được nửa chương trình, bố của Minh, leo cây để hái tiêu bị ngã gãy xương sống và từ đó nằm liệt giường. Mẹ Minh ốm yếu chẳng làm được gì. Chị và em gái đều ở xa. Thế là công việc đổ lên vai Minh. Minh vào ra Khe Sanh-Huế như con thoi.

Xác xơ và rộc cả người. Có lúc Minh tâm sự, chắc phải bỏ dở nửa chừng... Tháng 5 năm ấy, bố Minh qua đời. Đây là thời gian viết luận văn. Đối mặt với nỗi buồn đau và những khốn khó của đời sống, tưởng chừng Minh ngã quỵ. Nhưng không, sức sống của người Vân Kiều luôn tiềm tàng trong Minh và Minh đã chiến thắng. Minh đã bảo vệ thạc sỹ thành công với điểm 9,5. Minh nhìn chúng tôi với đôi mắt đen nhức, đầy nghị lực, khiêm tốn: Nếu em không có Hằng thường xuyên bên cạnh, nói thật, nhiều khi em nghĩ mình khó gượng dậy nổi. Với Hằng, còn xuất sắc hơn em. Điểm tốt nghiệp của Hằng là 9,8, ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ.

Chuyện riêng của Minh:

Minh bảo, em chưa tìm được nửa riêng của mình. Chưa ai yêu và chưa yêu ai. Lo học quá chăng?Không phải, chắc “cái số” của em thế. Chị gái của Minh cũng đang sống độc thân. Ước muốn của Minh: Nếu được tiếp tục học lên thì thật tuyệt vời. Trước mắt em phải phấn đấu vào Đảng, và nếu có thể, học thêm một lớp chính trị nào đó.

Chuyện riêng của Hằng:

Hằng bảo, khi học năm thứ 2 đại học, em vẫn chưa đủ tuổi đi bầu cử, thế mà bây giờ, nhoằng cái đã săp “băm”... Em có người yêu, anh ấy ở xa lắm, tận Phú Thọ. Chúng em biết nhau khi anh ấy học ĐH Biên phòng vào thực tập ở cửa khẩu Lao Bảo. 5 năm rồi, mà chúng em chỉ gặp nhau được vài ngày. Anh ấy ra “tối hậu thư” phải ra Phú Thọ, còn em ra “tối hậu thư” phải vào Quảng Trị. Chưa ai chịu ai, em không biết như thế nào cho phải bây giờ ?...

Chuyện của hai người.

Tâm nguyện của Minh và Hằng bây giờ là những gì mà mình tích luỹ được mang ra truyền dạy cho những thế hệ con em người Pa Kô, Vân Kiều, để chính họ làm nên những sự đổi thay kỳ diệu trên quê hương mình. Họ yêu mảnh đất này và khát khao, những người mang họ Hồ trên đỉnh Trường Sơn sẽ không “thua chị kém em” trong đại gia đình 54 dân tộc đất Việt.              

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.