Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng
TP - Trước mắt chúng tôi là người bạn đời của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đã bước vào tuổi 85, nhưng trên gương mặt cụ vẫn còn phảng phất nét xuân sắc, đài các của thiếu nữ Hà thành một thời làm xiêu đổ bao chàng trai si tình.

>> Kỳ 3: Mối tình đầu của hai người “nương nhờ cửa Phật”
>> Kỳ 2: Tình láng giềng giữa gia đình các vị tướng
>> Kỳ 1: “Cô tiên xứ Quảng” và món quà trị giá hàng chục biệt thự

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Kỳ - cán bộ lão thành cách mạng, phu nhân cố Đại tướng Văn Tiến Dũng

Kỳ 4: “Bắc cô nương” và lá “thư tỏ tình” thời chiến

Cũng chính bởi duyên sắc trời cho nên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, thiếu nữ Hà thành này bao phen suýt bị lộ vì những cái “đuôi” bám chặt hơn cả mật thám, mặc dù nhiều lúc bí quá, đã phải tự “làm xấu” bằng quần áo dơ rách, mặt bôi nhọ nhem.

Lại có chuyện kể, một vị khách nước ngoài làm việc tại Hà Nội, hễ cứ nghe tin buổi lễ, khánh tiết nào đó có mặt phu nhân Đại tướng Văn Tiến Dũng, thì bằng mọi cách, vị đó phải tới dự...

Đời cách mạng và tình duyên của vị nữ lão thành cách mạng này có thể ghi lại thành một thiên truyện dài. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin kể lại đôi điều chưa mấy người biết đến.

Tên cha mẹ đặt cho bà là Cái Thị Tám, sinh ra và lớn lên ở làng Đồng Nhân (Hà Nội) nghèo khó, trong một gia đình 8 chị em. Cha làm chân quét dọn công sở, vừa chạy vặt trong phòng giấy của sở Lục Bộ nên đồng lương cũng chẳng đáng là bao, may nhờ có mẹ tần tảo, tằn tiện ăn một dành mười, lại thêm gian hàng bán quà bánh nên cũng mua được một ngôi nhà gạch ở đầu phố Lò Lợn (nay là Lê Quý Đôn).

Nhưng khi Tám mới 7 tuổi thì mẹ qua đời. Vì giống mẹ lại chịu thương, chịu khó, khéo chân khéo tay nên cha thương yêu Tám nhất nhà. Cha vốn người khẳng khái, thường giao du với các nhà nho và cử võ.

Ngày hai buổi đi làm, tối về ông lại dạy võ cho hơn chục môn sinh; trong số 8 chị em, cha chỉ truyền dạy võ duy nhất cho Tám. Từ cuối những năm 30 (thế kỷ trước), có một người thường hay qua lại, nhiều hôm ăn nghỉ lại nhà Tám.

Người ấy dong dỏng cao, gày gò, có vầng trán rộng nhà Tám, thường đóng vai người bán thuốc nam. Sau này Tám được biết, người đó chính là lãnh tụ Hoàng Văn Thụ. Khi Tám tròn 18 tuổi (1940), cha qua đời sau một trận ốm nặng. Gia cảnh sa sút, mấy chị em phải bán ngôi nhà gạch trên phố chuyển về xóm nghèo Lương Yên sinh sống...

Đầu năm 1943, để lại gánh nặng gia đình lên vai người chị gái tên là Thất, Tám thoát ly tham gia cách mạng dưới cái tên mới là Nguyễn Thị Kỳ. Trước đó, Tám đã nhiều lần hoàn thành xuất sắc những công việc mà các anh Hoàng Văn Thụ, Bạch Thành Phong, Lê Tất Đắc... giao cho.

Đã từ lâu, Tám đã mơ ước được thoát ly và thường mường tượng ra cảnh được cưỡi ngựa, bắn súng nơi chiến trận. Thế nhưng công việc đầu tiên khi thoát ly cô được giao là làm công tác binh vận ở căng Bá Vân (Thái Nguyên).

Hoạt động chưa được bao lâu thì một sự cố xảy ra khiến cho Tám phải bước chân vào cửa Phật. Số là, trong số cán bộ lãnh đạo hồi đó, có người vừa ở tù ra, lần đầu gặp cô gái xóm nghèo Lương Yên, đã say như điếu đổ cứ nhất mực đòi cưới Tám làm vợ. Mặc cho Tám bằng mọi cách từ chối khéo, song vị cán bộ nọ vẫn một mực “trồng cây si”. Cuối cùng, sau 6 tháng trời, tổ chức đành phải để Tám chuyển công tác.

Một cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ đã đưa Tám đến chùa Đề Trụ (Gia Lâm, Hà Nội). Sư thầy chùa này vốn là người yêu nước. Đây là một chùa nghèo, phong cảnh tiêu điều. Sư thầy vui vẻ đón tiếp “ni cô” rồi hỏi ngay:

“Làm tín nữ ở đây khổ hạnh lắm. Liệu người tỉnh thành có chịu được không?”.

Nói xong, sư thầy liền đưa cho Tám một chiếc thúng bảo sang chùa Khoai (ở Văn Lâm, Hưng Yên ngày nay) cách Đề Trụ 5-6 km, để vay thóc về xay, nấu bữa cơm tối. Tám lên đường ngay.

Đội được thúng thóc về tới chùa Đề Trụ, bụng đói, thân mệt rã rời, chân tay mỏi nhừ, nhưng nhớ lời sư thầy dặn, Tám liền đổ thóc vào cối, loay hoay mãi cối cứ nhũng nhẵng chẳng chịu đều vòng mà lại đổ kềnh ra. Mãi rồi mới xay xong thúng thóc nhưng Tám lại không biết sàng, đành phải lấy nia sảy lấy sảy để mà thóc gạo với trấu cứ lẫn vào nhau.

Quá nửa đêm “đánh vật” xong, Tám mới đi ngủ, trời lạnh giá, gió lùa qua giát tre, chùa nghèo không có chăn màn, hết rét lại đến muỗi hành hạ...

Sáng hôm sau, “ni cô” Tám vừa mới ra đường, dù quần áo nâu sồng, lại cố làm ra vẻ xuề xòa lem nhem, nhưng đã có đám con trai cứ lẵng nhẵng đằng sau: “Lại cắc cớ làm sao mới đi tu đây!”, “Tội gì mà ở chùa, nhà mình đang neo người đây!”...

Tám lại phải căng đầu vắt óc tìm cách thoát khỏi “vòng vây”. Công việc “tu hành” của Tám cũng dần ổn định. Cứ đều đặn hàng tháng dăm bảy lần, có người đưa “hàng” tới cho Tám để Tám chuyển trực tiếp tới chỗ đồng chí Trường Chinh rồi lại nhận “hàng” về. “Hàng” gồm báo Cứu Quốc, Cờ giải phóng, tài liệu, tin tức của Đảng.

Ngoài việc “tụng kinh, gõ mõ”, Tám còn cuốc đất, trồng rau tăng gia không lúc nào ngơi tay. Vào chùa, Tám lấy bí danh là “Bắc”. Sư thầy hài lòng lắm, thường khen: “Cô Bắc được cả người lẫn nết, có cô chùa bớt vắng vẻ, nhìn vườn rau, luống cà cũng bớt buồn”...

Chẳng bao lâu sau, nhan sắc của “ni cô” chùa Đề Trụ đã lọt vào mắt viên lý trưởng trong làng. Mặc dù sư thầy viện ra nhiều lý do chống đỡ cho Tám, song tay lý trưởng đó vẫn kiếm cớ ra vào chùa, nằng nặc đòi cưới cô Bắc làm vợ lẽ. Nếu cứ dùng dằng, tất sẽ có ngày bại lộ, cuối cùng cán bộ trong đội công tác của Xứ ủy đành phải chuyển Tám sang chùa Ghênh (thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên) nơi sư cụ Quỳnh đang trụ trì.

Sư Quỳnh cũng là người rất có cảm tình với cách mạng, đã trụ trì chùa này lâu năm và có uy tín đối với làng xóm, chính quyền bản địa... Từ đó, chùa Ghênh có thêm một cô gái, áo nâu sồng mang một cái tên mới là Bình đến ở, ngày ngày cuốc đất trồng rau, đèn nhang thỉnh chuông gõ mõ hầu sư cụ.

Sư cụ rất tốt, mặc dù mắt gần như đã lòa, nhưng hàng ngày vẫn dạy các kinh nhà Phật cho Bình. Được độ vài tháng thì lại xảy ra chuyện. Chả là, sư cụ Quỳnh có một người thân đang tu tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Đó là một người con trai còn rất trẻ.

Một bữa, về thăm mẹ, nhà sư trẻ ghé qua chùa, thấy “ni cô” Bình xinh đẹp quá, anh ta liền ở tịt lại chùa, suốt ngày xoắn xuýt quanh Bình đòi... “hoàn tục”. Sư cụ thì mù lòa, chùa lại nằm giữa đồng không mông quạnh. Thế là Tám lại phải chuyển cơ sở hoạt động tới làm con nuôi một bà cụ bán quán nước trên đê gần chợ Bỏi (Đông Anh).

Ở chỗ mới chưa được bao lâu, hương sắc của “cô hàng chè xanh” đã lại thu hút đám trai làng, trong đó có em trai tên lý trưởng. Suốt ngày hắn lân la, ra vào nhà bà cụ hàng nước van xin cụ gả con nuôi cho hắn.

Một lần, hắn còn mò vào tận giường Tám, lúc đó Tám đang tắm giặt dưới ao. Hắn lục lọi đồ đạc và thấy trong quang gánh chè có đôi ru rô (con lăn bàn đá in), tưởng là bom, hắn thất thanh kêu ầm lên rồi bỏ chạy.

Tám liền cất giấu tài liệu ra sau vườn. Khi bọn tuần phiên tới khám chẳng phát hiện ra gì cả, quát mấy câu rồi bỏ đi. Tuy thế, đề phòng bất trắc, ngay hôm sau, Tám lại phải chuyển địa bàn hoạt động...

Dẫu thường xuyên phải hoạt động một mình và liên tục đổi địa bàn, song, Tám luôn vững tâm không chỉ vì niềm tin vào cách mạng, mà bên cạnh đó, còn hình bóng một người luôn bên cạnh che chở, động viên, an ủi. Đó là Hoài - Cấp trên trực tiếp của Tám.

Lần đầu tiên hai người gặp nhau dưới gốc cây đa trên đường chợ Bỏi đi xuống. Lần gặp đó, đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh đã giao nhiệm vụ cho Tám làm giao thông liên lạc giữa anh Hoài (tức đồng chí Văn Tiến Dũng-lúc đó làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) với đồng chí Trường Chinh.

Qua những lần gặp gỡ vì công việc, tình cảm giữa hai người ngày càng thắm thiết. Song “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, suốt cả một thời gian dài, cả hai đều chưa ai một lần ngỏ lời. Mãi đến một hôm, Tám nhận được một mảnh giấy, vỏn vẹn có một câu “Bắc cô nương! Ngày mai hẹn gặp tại phiên chợ Táo” phía dưới đề chữ “Hoài”.

Tám cứ suy tư trăn trở mãi không hiểu vì sao anh ấy lại gọi mình là “Bắc cô nương”? Rõ ràng có điều gì đó khác thường! Suy nghĩ “miên man”, Tám nhai nát mảnh giấy và nuốt đi lúc nào không hay.

Hôm sau, Tám cắp thúng một mình ra chợ Táo. Hoài cũng xuất hiện đúng lúc. Hai người, sau khi tìm được nơi an toàn, bí mật, thì thầm trò chuyện. Giọng anh Hoài hôm nay có điều gì khang khác ngày thường. Hết chuyện công việc cụ thể, anh nói về tương lai tươi sáng của đất nước, rồi bóng gió xa xôi về một “tổ ấm”, khi nước nhà tự do…

Rồi anh dẫn Tám đi đến một nơi quen biết, “đãi” Tám một bát phở... cua có cả thịt... chuột đồng! Sợ anh chê là “yếu bóng vía”, Tám cũng mạnh dạn ăn hết bánh còn chừa lại thịt...

Đã xế chiều mà trời vẫn còn nắng gắt. Bước chân đưa hai người tới một dốc đê vắng vẻ không hàng quán, không một bóng người. Khát quá, Tám lấy nón vục nước dưới đầm lên, cả hai cùng uống rồi trò chuyện đợi đò.

Đợi mãi chẳng thấy, trời đã về khuya bỗng đâu một cơn dông ập tới, mưa tầm tã. Hoài lấy ô ra, còn Tám cũng lấy áo tơi từ trong thúng. Hai người che chung một ô, mặc chung một chiếc áo tơi giữa trời mưa tầm tã...

Ít lâu sau, một bữa, đồng chí Hoàng Quốc Việt cho gọi Tám tới và báo tin mừng là “tổ chức” đã đồng tâm “tác thành” cho đám cưới của anh Hoàng Quốc Việt với chị Vĩnh cùng với lễ thành hôn của Hoài và Tám.

Liền sau đó, lễ cưới của hai đôi được tổ chức hết sức giản dị nhưng vui vẻ, đầm ấm. Chi bộ tặng một con vịt, mấy người còn xúc được mớ tép, cá đòng đong để nấu canh chua dọc mùng, cộng thêm mấy cân bánh đa, vậy mà “cỗ” diễn ra rôm rả lắm...

Kỳ 5: Trả biệt thự rộng 3.000m2 không hề suy tính

MỚI - NÓNG