Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 2

Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 2
TP - Trong thời kỳ công tác và chiến đấu tại chiến khu 5, Tướng Nguyễn Sơn có hai người bạn chí cốt là Phạm Kiệt và Nguyễn Chánh – cũng là hai vị tướng mà tên tuổi gắn liền với khởi nghĩa Ba Tơ nổi tiếng.
Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 2 ảnh 1 Chuyện ít biết về các bậc lão thành cách mạng - Kỳ 2 ảnh 2

Tượng Tướng Nguyễn Sơn tại Viện Bảo tàng lịch sử Quân sự VN

Tượng Tướng Nguyễn Chánh tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN Ảnh: Phạm Yên

Kỳ 2: Tình láng giềng giữa gia đình các vị tướng

Tháng 9/1956, tại Bắc Kinh, biết bệnh tình của mình khó qua khỏi, Tướng Nguyễn Sơn đã viết bức thư cuối cùng gửi cho Tướng Nguyễn Chánh. Ông Nguyễn Cương - Con trai út của Tướng Nguyễn Sơn - kể lại:

Trước khi qua đời, cha tôi hết sức lo lắng cho cuộc sống của những người vợ và các con, nên cha tôi đã viết thư gửi gắm vợ con mình nhờ bạn là bác Nguyễn Chánh chăm nom giúp.

Nhận được thư của cha tôi bác Nguyễn Chánh cùng bác Phạm Thị Trinh (em gái Tướng Phạm Kiệt) - đã hết lòng thương yêu chúng tôi,  lúc đó còn là những đứa trẻ thơ dại.

Hai bác thường xuyên tới thăm gia đình, là chỗ dựa vững chãi cho mẹ Hằng Huân. Nhưng, tiếc thay, chưa đầy một năm sau, ngày 24/9/1957, bác Nguyễn Chánh cũng đột ngột qua đời.

Sau khi bác Chánh mất, bác Phạm Thị Trinh đã tìm bức thư và trao lại cho mẹ Hằng Huân. Hai người chinh phụ góa chồng ôm nhau khóc mãi...

Ngoài tình cảm thân thiết với gia đình, vợ con Tướng Nguyễn Sơn, gia đình Tướng Nguyễn Chánh còn có những mối quan hệ rất chân tình với hàng xóm, anh em đồng chí khác, đặc biệt là với gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng.

Có lẽ, “phố nhà binh” đầu tiên ở Hà Nội không phải là Lý Nam Đế mà là Hoàng Diệu. Phố này một dạo không được thông giao. Sau khi hòa bình lập lại, rất nhiều vị tướng, quan chức quân đội cư ngụ tại đây. Cũng chính nơi đây, đã có rất nhiều kỷ niệm cảm động về tình làng, nghĩa xóm giữa các gia đình tướng lĩnh.

Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc nhớ lại rằng, thuở ông còn là cậu bé 13-14 tuổi, mỗi lần được cha là nhà trí thức lão thành Tạ Quang Đạm, cho theo đến thăm bác ruột (Tạ Quang Bửu – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), đều rất háo hức. Các vị tướng đều coi chú bé Ngọc như con cháu trong nhà. Nhiều lần, Quang Ngọc còn được “giao lưu” bóng bàn với các chú, nhất là Tướng Hoàng Văn Thái...

Trở lại chuyện tình cảm giữa hai gia đình Tướng Nguyễn Chánh và Văn Tiến Dũng, cụ bà Phạm Thị Trinh trong hồi ức của mình còn nhớ như in ngày đầu mới đặt chân lên đất Hà Nội:

Khoảng cuối năm 1954, con tàu nước bạn Ba Lan đưa chúng tôi cập bến Sầm Sơn thì có xe của quân đội ra đón và đưa chúng tôi về nhà số 6 đường Hoàng Diệu.

Anh Dũng (Đại tướng Văn Tiến Dũng – PV) từ trong nhà chạy ra đón. Anh và anh Chánh ôm nhau nghẹn ngào xúc động. Anh bảo các đồng chí cùng đi: “Các anh đưa chị và các cháu vào nhà xếp chỗ nghỉ ngơi”, rồi quay lại nói với tôi: “Tối nay anh chị và các cháu dùng cơm với gia đình tôi. Cứ tạm nghỉ ở đây đã”.

Chúng tôi được bố trí nghỉ ở tầng dưới, còn gia đình anh ở tầng trên. Anh ân cần hỏi thăm sức khỏe của anh Chánh và mọi người trong gia đình. Chợt anh thấy cháu Dũng (mới 5 tuổi, bị mắc bệnh khiếm thính – PV) đang đứng ngơ ngác nhìn xung quanh, anh liền ôm cháu vào lòng và nói: “Thằng bé xinh thế này mà bị bệnh tật, tội quá”.

Anh gọi các con Trình, Mai, Huấn trên gác xuống bảo: “Đây là các bạn Sương, Tường, Dũng, con bác Chánh ở miền Nam mới ra. Các con chơi với nhau nhé...”.

Tôi và chị Kỳ - (vợ anh) - chuyện trò với nhau thân thiết, các cháu cũng nhanh chóng trở thành bạn bè quấn quýt bên nhau, nhất là cháu Tường và cháu Trình, hai đứa suốt ngày quanh quẩn bên nhau, bày trò đuổi bắt, nghịch ngợm. Những ngày thơ ấu đẹp đẽ ấy đã làm cho các cháu trở thành đôi bạn thân thiết sau này…

Khi anh Chánh trở lại Liên khu 5, tôi đang trở dạ sắp sinh cháu út Chí Hòa thì hôm sau, anh Dũng và chị Kỳ vào ngay bệnh viện thăm tôi. Anh nói: “Anh Chánh vào miền Nam lần này tuy tình hình trong đó còn phức tạp, nhưng chị đừng lo, cứ tĩnh dưỡng cho khỏe…, các cháu ở nhà đã có chúng tôi lo liệu thay chị”.

Nói xong, anh đi gặp bác sĩ Tuấn - Trưởng khoa gửi gắm nhờ bệnh viện chăm sóc chu đáo mẹ con tôi. Đầu tháng 9/1957, tôi được cử đi học lớp lý luận ở trường Nguyễn Ái Quốc. Nội quy nhà trường chỉ cho phép học viên về nhà từ chiều thứ Bảy đến chiều Chủ nhật, không ngờ đến tuần thứ ba tôi chia tay anh Chánh vào trường là lần vĩnh biệt, anh Chánh đã đột ngột ra đi lúc 5 giờ sáng ngày 24/9/1957.

Trong lúc tôi đang nghe giảng bài thì có một xe ôtô quân đội lên đón tôi về. Dọc đường, tôi gạn hỏi đồng chí sĩ quan: “Đồng chí có biết việc gì mà đón tôi gấp thế không?”.

Đồng chí ấy trả lời: “Anh Văn Tiến Dũng gọi điện bảo tôi đi đón chị thì tôi đi chứ không biết cụ thể”. Xe về gần tới nhà thì tôi thấy có nhiều xe con đậu trước nhà. Xe vừa dừng, anh Dũng chạy ra đỡ tôi xuống rồi nắm tay dắt tôi lên nhà. Đưa mắt nhìn sang phòng khách, thấy các anh trong Bộ Chính trị và bạn bè anh Chánh đều có mặt.

Tôi vào phòng thì thấy anh Võ Nguyên Giáp đứng ở cửa phòng bảo tôi: “Chị bình tĩnh để bác sĩ chữa bệnh cho anh”. Nhưng thực ra tim anh Chánh đã ngừng đập từ 5 giờ sáng rồi, các bác sĩ đang cố truyền máu vào ven nhưng không được.

Anh Phạm Kiệt  - anh ruột tôi - đưa tôi sang phòng bên, chị Kỳ và các chị đỡ tôi ngồi và cho tôi uống nước. Tôi ngã gục vào tường không biết gì. Một lúc sau bỗng nghe có tiếng người đi vào, tôi mở mắt ngước lên hỏi: “Anh Chánh mất rồi phải không các anh?”.

Lúc đó, anh Phạm Văn Đồng gục trán lên đầu tôi. Anh Dũng nắm chặt tay tôi, rồi hai anh khóc òa lên... Nhờ có sự quan tâm của tổ chức, anh Dũng, chị Kỳ và bạn bè, tôi đã bình tĩnh lại, gạt nước mắt để chuẩn bị đón nhận trách nhiệm của người cán bộ cách mạng và người mẹ của 6 đứa con mồ côi cha…

Sau này, có thời gian tôi nhiều bệnh và yếu nên Ban Tổ chức T.Ư tạo điều kiện cho đi chữa bệnh ở Quảng Bá (Hà Nội). Lúc này, các cháu đều đang trong quân ngũ và học ở nước ngoài, chỉ còn cháu Tường đang chờ công tác, phải ở nhà tự nấu ăn một mình.

Biết chuyện, anh Dũng - chị Kỳ đến Quảng Bá thăm tôi và bảo: “Chị đi viện, Tường ở nhà một mình, chị cho cháu lên ở với gia đình tôi để sinh hoạt cho tiện, chị đừng ngại gì cả, cứ an tâm chữa bệnh chứ chúng tôi thấy chị xanh quá”.

Sau đấy, cháu Tường lên ở với anh chị Dũng hàng tháng. Lúc lên thăm tôi, cháu khoe: “Chú hai và cô luôn động viên con đừng ngại gì, con và Trình có bàn bóng tha hồ đánh, cô Kỳ thì đưa chiếc xe đạp vừa mua cho em Mai, cô bảo con cứ giữ lấy đi chơi và vào thăm mẹ. Con, Trình và các em cùng ăn cơm một mâm với cô chú, chú coi con như con trong nhà không hề phân biệt gì, mẹ cứ an tâm chữa bệnh đừng lo gì cho con cả”.

Cuộc đời của hai người “chinh phụ” góa chồng Lê Hằng Huân  - Vợ tướng Nguyễn Sơn và Phạm Thị Trinh  - Vợ tướng Nguyễn Chánh sao lại có những nét giống nhau đến vậy: Sau khi chồng qua đời, hai người đều vừa phải công tác, vừa phải một nách chăm sóc, nuôi dạy 5 – 6 đứa con mồ côi.

Sau này, các con của họ đều trưởng thành hầu hết trong quân ngũ và có lẽ, đây cũng là những người đầu tiên tự nguyện trả lại biệt thự cho Nhà nước.

Còn nhớ, sau khi Tướng Nguyễn Chánh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng), gia đình ông đã giao lại nhà ở Hoàng Diệu để chuyển về ở 34 Lý Nam Đế.

Một thời gian ngắn sau khi Tướng Nguyễn Chánh qua đời, người vợ liền bày tỏ ý nguyện trả lại nhà 34 Lý Nam Đế, chuyển về khu tập thể ở chung với mọi người.

Nhiều người khuyên ngăn: “Chị và các cháu cứ ở đây, anh Chánh vừa mới mất, chị đừng làm thế các cháu nó lo lắng!”. Có người còn bảo: “Chị lúc nào cũng nguyên tắc cứng nhắc, khi anh còn sống để đảm bảo tiêu chuẩn của anh nên không chịu ăn cơm chung, khi cùng đi họp ở Trung ương, chị không chịu đi xe ô tô chung với anh Chánh, bây giờ chị có muốn chung cũng không được nữa rồi!”.

Mặc dầu vậy, bà Phạm Thị Trinh vẫn tìm mọi cách đề đạt nguyện vọng của mình nên sau đó, tổ chức đã bố trí cho gia đình về ở khu tập thể 38A Trần Phú.

Trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, các con đều đã lớn tham gia bộ đội hoặc công tác, đi học xa, một mình bà ở lại Hà Nội công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà lại xin trả lại nhà 38A Trần Phú và dọn đến ở ngay tại nơi làm việc…

Giờ đây, tuy nghèo khó, nhưng bà vẫn sống rất thanh thản, lạc quan. Ngoài những “cố nhân”, thi thoảng, bà còn làm bạn với thi ca…

(Còn nữa)

Kỳ 3: Chuyện tình giữa hai người “nương nhờ cửa Phật”

MỚI - NÓNG