Chuyện một người xin đến sống ở trại bảo trợ xã hội

Chuyện một người xin đến sống ở trại bảo trợ xã hội
TP - Trung tâm bảo trợ xã hội thường được nhìn nhận như một nơi tận cùng xã hội, nơi mà người ta - do nhiều nguyên nhân - bị buộc phải vào sống trong đó. Nhưng có một thân phận rất đặc biệt, đã tự nguyện lấy Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) số 4 (Ba Vì, Hà Nội) làm nơi ở cuối đời của mình…
Chuyện một người xin đến sống ở trại bảo trợ xã hội ảnh 1

Mùa xuân này cụ Vũ Cương tròn 80 tuổi. Đã bảy năm cụ đón Tết ở TTBTXH 4. Bảy mùa xuân ấm áp sum vầy cùng những người thân thiết, được cảm nhận đầy đủ ý nghĩa cuộc sống sau hơn bảy mươi năm cuộc đời chìm nổi - với cụ - giờ đây là niềm hạnh phúc không gì so sánh được.

Mỗi buổi chiều xuống, trước giờ ăn cơm tối là những phút rảnh rỗi ít ỏi cụ dành riêng cho mình tản bộ quanh khuôn viên rợp bóng cây xanh, để suy ngẫm, chiêm nghiệm.

Đôi khi, ngược dòng ký ức, nhìn lại năm tháng đã qua mà ngậm ngùi xót xa cho cả những thành công hay thất bại, hạnh phúc và khổ đau…

Thời thanh niên sôi nổi

Nếu không biết, có thể lẫn cụ Cương với hàng chục người đang sống trong trung tâm bình lặng này. Nhưng nghe câu chuyện của cụ mới biết, con người này đã có một thời chinh chiến oanh liệt. Nhớ lại quá khứ, giọng cụ vẫn còn như sôi lên:

Sinh năm 1928 tại Hà Nội, khi trái tim mười sáu biết rộn lên những nhịp đập khát khao khẳng định sức trẻ và tài năng cũng là lúc cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cậu thiếu niên Vũ Cương lập tức tham gia đội quân quyết tử của thành phố (1946).

Đơn vị quyết tử được thành lập, tổ chức tại nhà hát Tố Như (rạp Chuông Vàng), hơn 1.000 người con Hà Nội cùng hô vang lời  thề quyết tâm bảo vệ thủ đô đến giọt máu cuối cùng.

Rồi 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thủ đô, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và được lệnh rút về Việt Bắc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đêm 17/2/1947, 1.000 chiến sĩ cảm tử - trong đó có chàng trai mới lớn Vũ Cương- bí mật vượt sông Hồng qua gầm cầu Long Biên, sau đó theo đường bộ lên Vĩnh Yên.

Họ là lực lượng nòng cốt để sau này  thành lập Đại đoàn quân tiên phong (1949). ”Ngày 17/2 hằng năm được chọn làm ngày họp mặt của những chiến sỹ cảm tử năm xưa, vẫn tại rạp Chuông Vàng.

Lần gần đây nhất, đầu năm 2009 này, hơn 1.000 người chỉ còn lại 300” - cụ Cương ngậm ngùi, lần trong bọc lấy ra vài thứ giấy tờ, ghi lại tên tuổi của những đồng đội cũ cho chúng tôi xem.

Trên chiếc giường tầng bằng sắt, chiếc áo comlê sờn cũ bạc màu có đeo chiếc huy hiệu kỷ niệm 60 năm đội Quyết tử bảo vệ Thủ đô vẫn ánh lên.

Năm 1951, Chính phủ ta quyết định chọn một số chiến sỹ đưa sang Quế Lâm, Trung Quốc học tập. Vũ Cương nằm trong số đó, khi tham gia kháng chiến, cậu chỉ tự học qua sách vở và đã có trình độ khoảng lớp 7.

Chỉ một năm sau, Vũ Cương học xong chương trình phổ thông và được đưa về trường Sư phạm cao cấp Nam Ninh học ban tự nhiên (bao gồm các môn toán, lý, hóa, sinh).

Chàng sinh viên Việt Nam thông minh nghị lực và giàu hoài bão đó để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bao thiếu nữ “bản địa”, nhưng chàng chỉ dành trọn tình yêu cho người con gái đến từ tỉnh Vân Nam, học khoa tiếng Việt cùng trường sư phạm.

Một đám cưới giản dị nhưng không kém phần trang trọng được tổ chức, tình yêu đôi lứa thắt chặt thêm tình đoàn kết, thân ái giữa hai dân tộc.

Ba năm sau về nước, Vũ Cương dạy các môn tự nhiên ở trường Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm,  Hà Nội) còn người vợ dạy môn Trung văn tại trường Lê Hồng Phong. Cuộc sống sau “chín năm làm một Điện Biên” thật vất vả nhưng trong lòng phơi phới niềm tin.

Năm 1959, Vũ Cương lại được cử quay lại Trung Quốc làm thực tập sinh, để lại quê nhà người vợ và đứa con gái đầu lòng chưa tròn cữ tuổi thôi nôi.

Dưới mái trường Đại học Bắc Kinh, được học những người thầy Việt Nam: Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Văn Phấn..., Vũ Cương  luôn rực cháy quyết tâm học nhiều, học tốt hơn nữa để nhanh chóng quay về góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, tươi đẹp như các nước anh em.

Lần về nước thứ hai, Vũ Cương được phân về Bộ Giáo dục. Nhưng chỉ hơn một năm ngồi ở đó, nhận thấy công việc giảng dạy trực tiếp mới là niềm say mê và là nơi được cống hiến thiết thực nhất, Vũ Cương lại xin trở lại trường Nguyễn Gia Thiều làm một giáo viên bình thường như bao đồng nghiệp khác.

Tháng ngày gian nan

Hai người con gái tiếp theo lần lượt ra đời, một gia đình đông đúc mà chỉ với đồng lương giáo viên của hai vợ chồng thì cuộc sống không còn đơn giản. Đời sống ngày một khó khăn.

Hòa bình thống nhất nhưng mối hòa hữu bấy nay với đất nước láng giềng lại có phần rạn nứt. Thầy giáo Vũ Cương ngày ngày lên bục giảng, vẫn những hằng đẳng thức, những phương trình, những hình học không gian gợi mở ra bao điều mới mẻ... mà trong lòng trĩu nặng suy tư.

Trước những ngổn ngang thời cuộc, bằng sự nhạy cảm của mình, ông dự cảm về những này sắp tới, gia đình mình có thể sẽ không còn yên ấm đủ đầy.

Ông xin chuyển cho vợ sang làm công tác phụ nữ khi môn Trung văn bị cắt bỏ trong chương trình trung học. Người con gái Vân Nam ngày nào đã “Việt hóa” toàn phần từ lời ăn tiếng nói đến sự hoà nhập về phong tục tập quán cũng không khỏi lo sợ.

Rồi xảy ra chuyện người Hoa về nước. Ngày 4/9/1978, ông Vũ Cương đưa ba con gái (người con cả lúc này đã là một thiếu nữ 17) xuống Hải Phòng tiễn biệt người vợ, người mẹ trở về cố quốc.

Chiều cuối thu xao xác những cơn heo may muộn, bầu trời sẫm lại màu chì báo hiệu một cơn mưa lớn bất thường. Những người cùng cảnh ngộ tay xách vai mang chút hành lý, lặng lẽ nuốt ngược nước mắt vào trong, chỉ có những ngón tay run rẩy xiết chặt lấy nhau.

Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 (TTBTXH 4) đóng tại địa bàn thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội nằm cách thủ đô 60km theo đường quốc lộ 32. Trung tâm được thành lập từ tháng 10/ 1984 với chức năng nhận chăm sóc, nuôi dưỡng những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, lang thang và người mất khả năng lao động…Nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành mái ấm tình thương của một “đại gia đình” ghép lại từ những mảnh đời bất hạnh.

Một cuộc chia ly không có ngày tái ngộ, sự bất trắc của người ra đi cứa vào lòng người ở lại nỗi khắc khoải, day dứt. Con tàu vội vã nhổ neo như trốn chạy nhưng nhịp sóng như vẫn dùng dằng níu lại. Trời tuôn mưa, con tàu xa dần. Trước khi khuất hẳn vào màn nước mờ đục, bất chợt phía đuôi tàu chấp chới một đốm trắng nhỏ nhoi.

Lòng Vũ Cương thắt lại, cái vệt trắng như cánh cò đang vẫy vùng tuyệt vọng kia chính là chiếc khăn tay trao nhau ngày đính ước, trên đó thêu một dòng chữ tên hai quốc gia màu đỏ thắm, như lời mong ước núi sông liền dải muôn đời gắn bó keo sơn.

“Wủ gang, wỏ ai nỉ” (Vũ Cương, em yêu anh) - tiếng nấc nghẹn bật lên những lời yêu thương cuối cùng.

Trở về Hà Nội thì cuộc sống ngày càng khó khăn. Quá mệt mỏi, ông viết đơn xin nghỉ công tác giảng dạy. Nghỉ việc, không lương lậu hàng tháng, các con đang tuổi ăn học, ông buộc phải ra đường kiếm kế sinh nhai.

Sắm một ấm nước chè xanh xách đi bán dạo ở các bến tàu, bến xe - không ăn thua. Xoay sang nghề làm bánh rán, tận dụng nước rửa cối, rửa nồi để nuôi lợn. Đạp xe rạc cẳng mang bánh rao suốt dọc đường Trần Nhật Duật đến Cầu Đất từ sáng sớm đến nửa buổi chiều mới hết một mẻ.

Có hôm ế hàng, mang về người ăn không hết thì cho lợn, người nhìn lợn nhai bánh rau ráu mà cười rơi nước mắt. Lần hồi mãi rồi cũng qua được những ngày gieo neo nhất.

Cô con gái lớn học xong trường sư phạm, đi dạy học ở Tuyên Quang, giúp ông bố được đôi phần nuôi hai em nhỏ. Năm 1981 ông lên thăm con, chuyến đi nảy ra trong ông một hướng làm ăn mới.

Ngày đó giao thông chưa thuận tiện, muốn đi đâu phải ra bến xa chờ chực cả buổi mới mua được tấm vé. Nếu không mua được vé nhà nước (4.000 đồng) sẽ phải mua lại vé của “phe” với giá gấp đôi.

Ông về gom góp số tiền dành dụm được, đến gặp giám đốc Nhà hát Lớn đặt vấn đề thuê xe những lúc không phải đưa đoàn đi biểu diễn. Hợp đồng được thảo và ký ngay tại chỗ. Có xe, ông thuê người lái còn mình bốc xếp hàng hóa cho khách và thu tiền.

Các con đều học hành xong và có công ăn việc làm ổn định, ông cũng muốn giã từ nghề chở khách nay đây mai đó. Ông mua một khu đất rộng ở Gia Lâm, xây dựng mô hình kinh tế vườn- ao - chuồng để thư giãn tuổi già.

Con gái lớn lên đều đi xây dựng gia đình riêng, ông không thể ở một mình giữa khu vườn mênh mông. Vườn được bán đi chia cho mỗi người con một khoản mua đất, làm nhà phù hợp với điều kiện của mình. Ông mua một căn nhà trên phố Đào Duy Từ, sống gần mấy người em gái ruột.

Nơi để sống bình yên

Năm tháng êm ả trôi đi. Ngày ngày hai bữa cơm canh, vài chén rượu, dăm ván cờ với những người bạn đồng niên không làm ông Cương vui lâu được. Vậy là sắm một chiếc cần câu ra ngồi ven hồ Gươm câu cá.

Con nhỏ đem cho hàng xóm, con to ai hỏi mua thì bán lấy tiền mua rượu. Uống rượu - câu cá - bán cá - mua rượu uống..., tuổi bảy mươi của ông ngày nào cũng khép kín trong chu trình đó.

Đến một đêm mùa đông năm 2002, đang ngồi gà gật đợi cá đớp mồi, bỗng có mấy anh công an đến thu cần câu. Không hỏi han gì nhiều, mấy anh trong đội trật tự thành phố xốc nách ông già nồng nặc mùi rượu lên ô tô đưa thẳng về trung tâm bảo trợ số 1 (thị trấn Đông Anh, Hà Nội).

Sáng hôm sau tỉnh rượu, thấy mình đang ở một nơi rất nhiều trẻ em, người già và cả những cô gái mắt xanh môi đỏ, ông thấy... ngồ ngộ, định bụng cứ để yên xem người ta làm gì.

15 ngày sau, ông tạm thời được xếp vào đối tượng người già cô đơn và đưa lên TTBTXH 4, dự tính trong vòng hai tháng rưỡi sẽ tìm người nhà để liên hệ lên đón ông về.

Lên đến Ba Vì, vừa đặt chân xuống cổng trung tâm, một cảm giác bình yên ùa vào lòng, mảnh đất này như có điều gì đó rất thân thuộc. Một cơ sở không quá khang trang nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, không khí trong lành, không xa quốc lộ lại rất gần đồng đất.

Ông chợt nhận ra một điều: con người cứ vật lộn bon chen để thỏa mãn những tham vọng không đáy, gần hết cuộc đời chỉ còn lại nỗi cô đơn, lạnh vắng. Tiền của, vật chất dẫu thừa mứa cũng không thể lấp đầy khoảng thiếu vắng hơi ấm tình người.

Ngay tại ngôi nhà còn nhiều thiếu thốn giữa vùng quê nghèo khổ này, lúc nào cũng dư dả tình yêu thương và sẻ chia của những người không phải máu mủ ruột rà mà gắn bó với nhau như anh em một nhà.

Trong lúc ngồi trò chuyện, chốc chốc lại có một đám em nhỏ chạy ào vào phòng, lễ phép chào chúng tôi rồi quây lấy cụ Cương: “Bố ơi, giảng cho con bài này với. Khó quá con làm mãi không ra”.

Bọn trẻ bày sách vở ra chiếc giường cá nhân của cụ, toán lớp 11, hoá lớp 8, vật lý lớp 10, có cả sách bài tập tiếng Anh... Bằng giọng nói trầm ấm, khúc chiết, cụ lần lượt hướng dẫn từng đứa cách giải bài tập. Đám trẻ chăm chú ghi chép, đứa nào chưa đến lượt thì ngồi im lặng chờ.

Một lúc lâu sau chúng mới rào rào đứng dậy, ôm cổ ôm vai cụ: “Con hiểu rồi. Chào bố nhá, con về làm bài tiếp đây”. Cụ Cương cười hiền lành: “Tôi đáng tuổi ông nhưng chúng nó xin phép gọi bố. Ừ thì bố.

Bọn trẻ ở đây đều được mang về từ bệnh viện hoặc bị bỏ rơi ngay trước cổng trung tâm, mình hiểu sự khát thèm tình cảm gia đình lắm chứ. Nghe chúng nó ríu rít bố bố con con nghe cũng thấy ấm lòng”. Tối nào cụ cũng sang khu A, dãy nhà dành cho trẻ em để kiểm tra tình hình học hành của từng đứa.

Cuối mỗi học kỳ, cụ lại lấy tiền tiết kiệm mua quà tặng cho những em có thành tích tốt, cả những em còn yếu cũng có quà động viên. Nói về bọn trẻ, cụ Cương vui hẳn nét mặt khi nhắc đến những em đã lớn lên ở trung tâm, nay trưởng thành và thành đạt trên đường đời.

Những Bình, Châu, Cường... đã học xong đại học, có người công tác ở Bộ Ngoại giao. Cụ kèm cặp Bình từ năm lớp 7, học rất khá các môn tự nhiên, thi đỗ Đại học Bách khoa. Có em học ban xã hội nhưng cũng rất yêu các môn tự nhiên khi được cụ giảng bài…

Nhìn lên móc áo trên tường, ngực chiếc áo comple cũ có gắn chiếc huy hiệu 60 năm thành lập đơn vị quyết tử thành phố Hà Nội, tôi muốn cụ khoác chiếc áo để chụp một tấm ảnh.

Cụ cười nhẹ, xua xua tay: “Thôi, tôi già rồi, lui về tận chân núi Ba Vì mới tìm được chốn yên tĩnh sống nốt quãng đời còn lại, có mong ai biết thêm gì về mình nữa đâu mà đưa ảnh lên báo”.

Khi đi dạo quanh khu vui chơi của trẻ em cùng cụ, tôi đặt một câu hỏi mà chính lòng mình đang thắc mắc (trong trường hợp nếu cha mẹ tôi cũng chọn cách sống ở đây, như cụ): “Thái độ của con cháu cụ ra sao khi biết cha mình lên đây sống?”.

Cụ tâm sự: “Mới đầu các con phản đối ghê lắm. Mình có nhà cửa, con cái đàng hoàng, sao lại phải sống trong trung tâm bảo trợ. Sau thấy mình sống trên này khỏe ra, thoải mái tư tưởng nên cũng có phần yên tâm.

Cả đời mình vất vả ngược xuôi, nay về già có được nơi yên tĩnh, tốt lành thế này, lại tiếp tục được làm thầy giáo dạy học...

Hỏi còn mong ước gì hơn? Hơn thua ở đời rồi cũng thành phù du hết, quan trọng là được sống thanh thản...”. Cụ vui vẻ khoát tay chỉ ra khu đồi phía sau đám đất trồng rau xanh: “Tôi có hai suất đất ở đây đấy nhé, xin với giám đốc Thắng rồi. Một suất lúc nằm xuống, một suất cải táng sau này”.

Chúng tôi được biết thêm, ngôi nhà ở phố Đào Duy Từ cụ đã chia cho các em gái, mọi người vẫn để đó làm nơi cụ về thắp hương mỗi dịp gần Tết. Thường là ngày 23 tháng Chạp, về cúng ông Táo xong hôm sau cụ bắt xe trở lại trung tâm chuẩn bị gói bánh, mổ lợn đón Tết.

Đêm giao thừa, cụ sắp một mâm cỗ cúng rất trang trọng, thành tâm cầu chúc cho “đại gia đình” của mình có thêm một năm mới bình an, may mắn và hạnh phúc.

Câu hỏi cuối cùng trước khi chia tay cụ, mà đáng lẽ không hỏi, tôi sẽ không phải kết thúc bài viết này với niềm day dứt gần như mắc một món nợ lớn: “Cụ có lần nào gặp lại người vợ của mình không?”.

Câu trả lời trĩu xuống, sâu hút như một tiếng thở dài cất kín gần nửa thế kỷ qua: “Không gặp lại. Không lần nào gặp lại được nữa. Khi thời cuộc đã khác đi, tôi về Vân Nam vài lần tìm kiếm nhưng người nhà bên đó cũng không có tin tức gì. Mấy cha con tôi từ đó lấy ngày bà ấy xuống tàu làm ngày giỗ hàng năm…”.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông lên gặp giám đốc trung tâm Nguyễn Quang Thắng, bày tỏ nguyện vọng muốn ở lại trung tâm đến…hết đời để được làm bạn với những người già, dạy bọn trẻ con học phụ đạo ngoài giờ lên lớp và tham gia lao động sản xuất (trồng rau xanh, nuôi lợn gà…). Nếu trung tâm khó khăn, ông sẵn sàng đóng góp tiền chi phí ăn ở hàng tháng. Giám đốc Thắng cười: “Cụ đã có lòng như vậy thì chúng tôi sẽ hoàn tất thủ tục để cụ ở đây suốt đời mà không phải đóng góp gì cả.” Những dịp gặp chúng tôi, ông Thắng luôn bày tỏ niềm cảm phục khi kể về cụ Cương: “Trung tâm thường xuyên phải tiếp nhận những đối tượng mới, họ chưa quen với nền nếp, kỷ luật nên lúc nào cũng tìm cách bỏ trốn, rất khó quản lý. Vậy mà chỉ cần cụ Cương ra tay sắp xếp, bảo ban là đâu lại vào đấy, rất quy củ”.

Hà Nội 28/12/2009

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).