Chuyện người đi mua... đám cưới

Chuyện người đi mua... đám cưới
TP - Anh ta làm đủ nghề, từ đi mua ve chai đến buôn trâu, mua bán đá đỏ. Nhưng cái gì cũng thất bại, gia đình đứng trước bờ nghèo đói. Đó là một chiều mưa buồn cách đây ba bốn năm còn bây giờ anh ăn nên làm ra bởi tình cờ tìm thấy một cách làm ăn mới. Đó là... mua đám cưới.
Chuyện người đi mua... đám cưới ảnh 1

Mai quê ở vùng Chín Nam (Nam Đàn, Nghệ An). Lớn lên Mai rời quê đến huyện vùng biên Quế Phong lập nghiệp. Được ít năm anh lại vào Đắc Lắc làm rẫy cà phê. Nhưng mảnh đất nào cũng “không lành” nên sau đó anh lại trở về chốn cũ.

Cái chiều mưa cách đây bốn năm lúc anh đang rối như tơ vò chưa nghĩ ra cách làm ăn thì có người đến kể câu chuyện thật như bịa. Chuyện thế này: Ở dưới xuôi có hai anh em nhà nọ bề ngoài xem ra “như chân với tay”. Ông anh nghèo, người em khá giả.

Một hôm ông anh muốn làm đám cưới con, dự trù 30 mâm nhưng không đào đâu ra số tiền khá lớn. Bí quá ông anh đến trình bày với người em, có ý vay tiền.

Ông em trách: Anh nghèo thì làm vài mâm, rồi nước kẹo gì đó là được. Ông anh: Nhiều năm nay mình bán lúa, bán gà góp tiền “ăn cơm giá cao” của thiên hạ nhiều, nhiều rồi. Bây giờ “cờ đến tay” mình muốn làm to lên phần để dân làng, bạn bè khỏi chê trách, nhưng cái chính là đến lúc mình “thu hồi vốn”.

Người em nghe xong cười “Anh đầu tư vào đám cưới để tăng thu nhập là liều quá đây. Để anh vừa đẹp mặt lại có một số lời chắc chắn tôi giúp anh thế này, anh để đám cưới của cháu tôi lo liệu hết, lời ăn lỗ chịu, còn tôi gửi anh một triệu bỏ túi. Chuyện này phải hết sức bí mật”.

Về nhà hai ngày hai đêm liền ông anh suy nghĩ, sau đó thầm thì lại với vợ rồi cả hai vợ chồng đến nhà người em: “Thôi thì lực bất tòng tâm” chúng tôi... bán đám cưới cho chú”...

Người kể chuyện trên dừng lại nốc hết chén rượu rồi cười khà khà vỗ đánh bộp vào vai anh Mai “Chú biết không sau vụ em mua đám cưới của anh, hắn lời 4 triệu. Nhưng anh em từ đó cũng cạch mặt nhau vì em ăn lời nhiều quá mà không chia bớt cho anh. Sau vụ này dân làng biết chuyện họ thêu dệt thêm làm hai anh em đi không dám ngẩng mặt”.

Câu chuyện tưởng chỉ nghe mà cười trên, ai ngờ lại như một kiểu làm ăn đầy mới mẻ thúc giục Mai vào cuộc săn lùng mua đám cưới. Chộp được tin ở làng Phú Hậu có ông TN chuẩn bị làm đám cưới cho con, Mai lân la đến tìm hiểu.

Ông TN nhà nghèo nhưng quen biết rất rộng, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội CCB đến động viên làm cưới nếp sống mới nhưng TN không chịu. Ông TN đang lúng túng xoay xở tiền làm đám cưới cho to thì Mai tới. Vẫn bài bản như “anh em nhà nọ” Mai tán tỉnh, ra giá, cuối cùng hai bên cũng đi đến thống nhất. Sau đám cưới này Mai bỏ túi 3 triệu đồng.

Tôi hỏi “Nhà anh lúc đó còn nghèo lấy đâu ra 5 triệu để có 3 triệu tiền lời?”. Với cái cười của kẻ chiến thắng, Mai nói: “Mua nợ bây giờ rất dễ, mua nhiều lại càng dễ nợ.

Nhà tôi ở làng Tam Đốc cả chợ huyện ai mà chả biết. Thịt lợn, bò, gà, cá tôi mua nợ hết. Bây giờ tôi thanh toán hết nợ rồi. Tôi đã có ít vốn lại có uy tín, các đám cưới sau cứ thế tôi mặc sức mua nợ”. “Đã 4 năm làm nghề này anh có nhớ mua được bao nhiêu đám cưới?” - Nghe tôi hỏi anh ta im lặng một lúc rồi lắc đầu “Không thể nhớ chính xác được mấy trăm đám cưới, ở mấy tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh?”.

Tôi ngạc nhiên “Thị trường của anh đến mấy tỉnh cơ à?”, “Chả là mình đi chơi bạn bè, anh em, đến đó nghe tin, tìm hiểu thế là vào cuộc luôn. Nói thật với anh không phải đám cưới nào cũng mua được đâu. Khâu đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ quan hệ của gia đình đó có rộng rãi không, họ hàng, xóm làng có quý trọng không? Nếu không thì bỏ  đi”.

“Này, anh mua đám cưới đã có khi nào anh mua giỗ chạp, ma chay?”. Nghe hỏi, anh Mai hạ giọng buồn buồn:

“Thời buổi kinh tế thị trường nhiều  nhà năng động giàu lên, nhưng cũng có không ít hộ ở nông thôn vùng sâu vùng xa đang rất nghèo. Lợi dụng cái nghèo này ngoài mua đám cưới ra tôi cũng đã mua ma chay, còn giỗ thì chỉ mua 100 ngày trở lại.

Vì giỗ đầu (chẵn năm) trở lên mấy ai người ta đi phong bì. Nói thật mua các đám cưới thì vui, còn mua giỗ,  mua tang ma, người ta khóc lóc, mình lại tính toán lời lỗ, lo theo dõi để lấy phong bì, từ trong sâu thẳm mình thấy như là có lỗi vì lợi dụng người ta hoàn cảnh mà vun vén làm giàu. Chính vì thế nên ma chay, tang ma, giỗ chạp, tôi mới thử nghiệm mua 5-7 vụ gì đó thì thôi".

Tôi lại hỏi: “Bây giờ phong trào tiết kiệm, chống lãng phí đã lan rộng, anh đi mua đám cưới làm mâm cỗ to như thế có gặp phải phản ứng nào từ các đoàn thể địa phương?”.

Anh Mai nói: “Tôi đã lường trước mọi trường hợp xấu, đến mua đám cưới của hộ nào là tôi giao kèo phải giữ thật bí mật. Sau đó hỏi xem xóm, xã sở tại đã thật sự có phong trào tiết kiệm chưa, đã xử lý trường hợp nào chưa?

Nếu đã xử lý rồi thì bảo gia đình đến các ông xóm, xã làm “thủ tục” trước. Cẩn thận rào trước, đón sau thế mà có vụ tôi phải bỏ của chạy lấy người. Đó là trường hợp đám cưới nhà ông O. xóm Phú Tình. Thấy người đi mừng phong bì nhiều mà tôi lại thu, anh con trai ông ta đỏ mắt bảo với xã cho đám thanh niên đến bắt tôi lên trụ sở, tranh thủ sơ hở tôi chạy mất tang”.

Anh Mai thở dài “Chắc đến ngày nào đó tôi cũng phải giải nghệ mua đám cưới vì xét theo luật thì mình không sai. Thuận mua vừa bán nhưng nghĩ về chủ trương đúng đắn vận động tiết kiệm thì mình có lỗi”.

Tôi ngắm nhìn ngôi nhà ba gian, nền lát gạch hoa của anh. Trong nhà xe máy, ti vi, bàn ghế đắt tiền thầm nghĩ: Đây là kết quả của mấy năm anh ta năng động... mua đám cưới. Tôi muốn hỏi anh nay mai giải nghệ mua đám cưới sẽ làm gì nhưng lại thôi. Vì tôi tin con người chịu khó suy nghĩ, năng động như anh chắc chắn sẽ tìm đúng một hướng đi mới trong phát triển kinh tế tiến tới làm giàu mà không mang tiếng lợi dụng kẻ nghèo.

MỚI - NÓNG