Chuyện nhặt khi nằm viện

Chuyện nhặt khi nằm viện
TP - Chị có cái tên thật dung dị - Thảo. Theo chữ có nghĩa là “cỏ” - ai bị ví như cỏ rác là thấp hèn và bị rẻ rúng. Nhà chị ở Cẩm Khê, Phú Thọ, có rất ít đất canh tác.

Tính theo thước, chứ chẳng thành sào, thành mẫu như các nơi lân cận cùng trên vùng đất trung du rợp bóng cọ này. Tới khi thằng lớn đỗ đại học, không còn cách nào khác, chị bỏ làng ra Hà Nội.

Chuyện nhặt khi nằm viện ảnh 1
Chăm sóc bệnh nhân là việc khó (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Hồng Vĩnh

Chẳng vốn liếng, lại không  nghề ngỗng, chị đành nhắm mắt sung vào đội quân quẩn quanh bên cổng bệnh viện Hữu nghị, ngong ngóng ai thuê chăm sóc người bệnh liệt giường liệt chiếu.

Công việc này lắm khi nặng nhọc, và cũng có người bệnh nam giới, nên không ít đàn ông cũng được săn đón làm công việc cứ tưởng như chỉ đàn bà con gái nhẹ nhàng, tỉ mẩn, nhẫn nại, chăm chút... mới đảm đương được. Ở khoa thần kinh, bệnh viện Hữu nghị, số nam giới làm nghề này không dưới 2/5. 

Qua đi sáu cái giao thừa trong bệnh viện, một mình bên người bệnh thập tử nhất sinh chị đành tủi phận hy sinh sum họp gia đình lúc giao thời năm cũ năm mới để lấy tiền công gấp rưỡi, gấp đôi thường nhật.

Nhờ những đồng tiền chị Thảo lần hồi kiếm được, bất chấp vất vả sớm khuya và nguy cơ lây bệnh hiểm nghèo, chị đã chống chèo để con trai đầu lòng chị đã thành kỹ sư tất tả trên công trường.

Chị Thảo vẫn tiếp tục nhẫn nại với những công việc không thành tên của một hộ lý không biên chế. Chị nhủ lòng thôi thì gắng chịu khó, chịu thương cho đến khi đứa con gái út - hiện mới là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Luật Hà Nội, ổn định việc làm, lúc đó chị sẽ trở về thâm canh trên mảnh đất nhỏ xíu quê nhà.

Chị trông nom, chăm chút nhạc sỹ Ngô Nam mắc chứng nhũn não mà gia đình hoàn toàn tin cậy phó thác, vì con trai nhạc sỹ đang dự liên hoan âm nhạc ở Berlin, con dâu tranh thủ dạy thêm đàn dương cầm để chữa bệnh cho bố chồng. Còn bà vợ chợ búa hằng ngày, chăm chút cho chồng. Chị Thảo tự giác với ý thức trách nhiệm, tình thương như người thân ruột thịt.

Qua đi sáu cái giao thừa trong bệnh viện, một mình bên người bệnh thập tử nhất sinh, chị Thảo đành tủi phận hy sinh sum họp gia đình lúc giao thời năm cũ năm mới để lấy tiền công gấp rưỡi, gấp đôi thường nhật.

Với tôi, chữ Thảo tên chị là thơm thảo, là hiền thảo là tình thương.  

Khác với chị Thảo, chị Hạnh ra Hà Nội làm hộ lý bất đắc dĩ vì lẽ khác. Quê chị ở Vũ Thư, Thái Bình, vốn đất chật người đông, đời sống thiếu thốn, khốn khó đủ bề. Con trai đã được đào tạo nghề cơ khí bậc cao hẳn hoi, nhưng vẫn phải chạy cả trăm triệu đồng mới được một suất xuất khẩu lao động hy vọng đổi đời.

Đổi đời chẳng thấy đâu, chỉ thấy cái nợ thúc ép dữ dằn. Chị Hạnh buộc phải rời quê lúa Thái Bình lên thị thành Hà Nội. Trời phật độ trì, chị được   những người đồng cảnh ngộ đưa tay đón nhận, cấp tốc truyền khẩu nghề cơ bản, và nhường luôn, ngay khi có người nhà bệnh nhân ướm hỏi. 

Giờ, chị Hạnh đã tươi tắn, xởi lởi với mọi người trong phòng bệnh 210, khoa thần kinh này. Quá nửa khoản nợ nặng lãi chị đã lo được, lại có tin mừng con trai tha phương ở Đài Bắc đã chắc công việc có thu nhập kha khá, đúng nghề cơ khí.

Chị vẫn tiếp tục công việc vất vả đã thành nghiệp để cắt hẳn cảnh nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, và lo nốt cho thằng áp chót và thằng út nên người lương thiện, có ích cho đời.

Hôm tôi nhập viện, chị Hạnh đỏ mặt quay đi chỗ khác, vì ngượng ngùng thay cho người bệnh chị chăm chút cứ ngang nhiên tụt quần ra tè vào bô ngay trên giường mà không thèm quay người vào tường.

Cô Bình lại khác. Cứ sau mỗi lần chăm sóc người bệnh mươi mười lăm hôm, lại tất tả về nhà bên sông Kinh Thầy trên đất Hải Dương, dứt khoát chối bỏ mọi khoản trả công 120 nghìn đồng cho một ngày đêm trông coi người bệnh.

Cô mới ngoài ba mươi, đâu có dễ dàng nguôi ngoai nỗi nhớ da diết hai đứa con nhỏ kháu khỉnh và cả người chồng lực điền. Hơn nữa, cũng là để tránh những điều tiếng không hay về nhân phẩm của mình.

Cũng phải nói Bệnh viện Hữu nghị hết sức tạo mọi điều kiện, coi họ là trợ thủ đắc lực không thể thiếu trong điều trị, nhất là với những bệnh nhân nặng.

Không quá máy móc, nặng thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân, khai báo đăng ký, mà chỉ đặt cọc 100 nghìn đồng để được trang bị một chiếc áo choàng tươi màu vàng chanh, cứ ba ngày lại đổi một lần miễn phí áo được giặt ủi cẩn thận để đảm bảo vệ sinh. Hết việc, trả áo choàng nhận lại đủ trăm nghìn đồng đặt cọc.

Bệnh viện còn để họ có chỗ ngồi trên ghế đá dưới tán cây trong sân chờ người nhà bệnh nhân tới mướn. Nhờ thế, họ tự lo công việc cho mình, liên hệ với gia chủ, mách mối cho nhau bằng điện thoại di động, tránh hẳn được tệ nạn  cò mồi hớt công của những đầu nậu “chợ người”.

Người nằm viện dù đã được chữa trị khỏi bệnh, nhưng vẫn cứ phải lưu lại mấy hôm để kiểm tra lần cuối. Cứ sau giờ nghỉ trưa, các ông lại ra hành lang chuyện trò.

Ông Tự - một kỹ sư năng lượng có thâm niên tự bạch, hồi trước luôn ép buộc con trai lớn sau này dứt khoát phải làm bác sỹ. Ông người Tĩnh Gia, mảnh đất hẹp nhất tỉnh Thanh, mỗi khi người trong nhà có người trọng bệnh, gia đình lại không một ai làm bác sỹ thế là cứ rối như canh hẹ.

Con ông giỏi giang đỗ một lúc cả trường Y lẫn trường Bách khoa. Theo gen bố, nó học thành kỹ sư điện. Nó lập luận học xong trường Y lại bị điều về nhà thương điên, trại cùi, hoặc bệnh viện lao… thì sao. Ông chịu, nhưng ấm ức hoài.

Giờ, không có khoa thần kinh, liệu ông có cơ lành lặn, sau cơn bất tỉnh nhân sự gần tiếng đồng hồ vì xuất huyết não. Liệu con trai ông có tinh thông y học lại nhuần y đức thương yêu, lo toan hết mực cho người bệnh như nữ bác sỹ thần kinh Khanh hiền dịu, song lại vô cùng nghiêm ra y lệnh dứt khoát, chính xác. Ấy vậy lại thu nhập hằng tháng chỉ bằng một phần nhỏ lương một kỹ sư ở tập đoàn điện lực con ông.

Qua những gì được nghe, được thấy trong những ngày nằm viện, tôi xốn xang ý nghĩ có một thời người ta gọi bệnh viện bây giờ là nhà thương. Nhà thương Hữu nghị, Nhà thương Bạch Mai, Nhà thương Trẻ em trung ương… Tấm lòng thơm thảo, thương người như thể thương thân của những y bác sỹ nơi đây khiến tôi thấm cái lý do gọi bệnh viện là nhà thương một thuở.

MỚI - NÓNG