Chuyện nơi phát tích một vương triều

Chuyện nơi phát tích một vương triều
TP - Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX là nội dung cuộc hội thảo khoa học sẽ diễn ra trong 2 ngày (18,19/10/2008) tại Thanh Hóa của Hội Sử học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức.
Chuyện nơi phát tích một vương triều ảnh 1
Đình Gia Miêu ở quê chúa Nguyễn Hoàng thời còn hoang phế. Ảnh: Nguyễn Duy

Hội thảo nhằm mục đích: Làm rõ quê hương, nguồn gốc dòng họ và chân dung một số vị chúa Nguyễn; vua Nguyễn. Quá trình xây dụng, mở mang lãnh thổ Việt Nam; Đóng góp và những mặt hạn chế của một vương triều phong kiến độc lập...

Trên cơ sở đó sẽ xác định phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Nguyễn...

Nhận được cái giấy mời dự hội thảo mà tâm trí cứ vấn vít những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long/ Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng/ Mà ta con cháu mấy đời hoang/ Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ/ Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương...

Kỳ 1: Ở Gia Miêu Ngoại trang, nghe kể về Chúa Nguyễn Hoàng

Huế chứ răng lại ở đất Thanh? 9 Chúa 13 Vua của nhà Nguyễn dằng dặc hơn 300 năm, từng châu tuần ở đất Quảng Trị rồi đất thần kinh Sông Hương núi Ngự thì hội thảo phải mần ở Huế?

Nhớ buổi họp báo về cuộc hội thảo, một o ký giả quê ở miền Trung đã băn khoăn như thế và GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cười mà rằng, chứ cô quên Gia Miêu ngoại trang của đất Thanh là nơi phát tích nhà Nguyễn?

... Tiết hàn lộ trời lành, một mình tôi tha thẩn tìm về quê Thanh, đất thang mộc! Vâng, thang mộc nghĩa là tắm gội. Đất thang mộc là đất thiên tử phong cho các chư hầu để làm nơi cung đốn việc tắm gội hoặc nơi ăn ngủ trước khi vào chầu. Do đó, từ “thang mộc” cũng dùng để trỏ chung đất quê hương của vua chúa. 

Thanh Hóa là đất thang mộc, quê hương của vua chúa, những Tiền Lê, Lê sơ, Lê Trung Hưng của Lê Hoàn, Lê  Thái Tổ... Vĩnh Lộc xứ Thanh còn là quê Chúa tiên khởi Trịnh Kiểm khởi đầu cho vương triều 12 đời chúa Trịnh dằng dặc 249 năm.

Từ Lèn rẽ vào đường 217 một chút là Đại Lại, Kim Âu - nơi chôn nhau cắt rốn của Hồ Quý Ly. Cũng cách Lèn mấy cây số, chỗ ngã ba quá Bỉm Sơn một chút thuộc đất Hà Trung bắt vào xã Hà Long tên cũ là Gia Miêu Ngoại trang nơi phát tích của Nguyễn Hoàng, chúa tiên khởi  mở đầu cho 9 chúa, 13 vua Nguyễn sau này...

Nhớ cái năm đã lẩu lâu, tôi theo nhà thơ Nguyễn Duy và nhà văn Nguyễn Khải về Thanh. Chặng đầu của chuyến ấy, chúng tôi dừng lại ở một ngã ba này theo lời dặn trước của nhà thơ Nguyễn Duy.

Tại ngã ba Bỉm Sơn Hà Long, tháng 9 năm 1945, công dân Vĩnh Thụy trong chặng từ Huế ra Bắc làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dừng lại ở cái ngã ba này để làm cái việc bái vọng về quê tổ Gia Miêu Ngoại trang.

Tôi cứ phân vân không biết cơn cớ ra làm sao mà công dân Vĩnh Thụy, nguyên là vua Bảo Đại lại không cất thêm tí công, rốn thêm năm cột số nữa về hẳn đất tổ Gia Miêu để mà bái yết tiên tổ? Hay là thời thế đổi thay, ông  cựu hoàng thấy hành xử như vậy nó hơi ngang lẫn chuế?

Sau khi nhảo một lượt khu Lăng miếu Triệu Tường nay đã thành phế tích lẫn đình Gia Miêu lúc đó cũng hoang phế, cữ mùa khô tiết hanh hao, chúng tôi bệt xuống đám cỏ may trước đình Gia Miêu khi ấy không có tường trống huơ trống hoác.

Tôi dỏng tai lên nghe chuyện của hai đấng, một ông văn, một ông thơ, cả hai đều lắm chữ lẫn lắm chuyện. Chuyện của hai ông họ Nguyễn. Nguyễn Duy, quê ngoại Hà Trung đây. Thơ ông viết bà ngoại tôi đi bán trứng ở ga Lèn...

Tôi níu váy bà đi chợ Bình Lâm/Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi... Bình Lâm nay là xã Hà Lâm của Hà Trung. Nhà văn Nguyễn Khải thì đời cố kỵ chi đó (đến Nguyễn Khải là đời thứ 34) cụ tổ quê ở làng Bồng tức xã Vĩnh Tân của Vĩnh Lộc bây chừ, quê của Tống Duy Tân.

Tôi thầm nghĩ, có lẽ nhà văn Nguyễn Khải thi thoảng vẫn thôi miên được bạn đọc là bởi  một phần thông kim bác cổ? Chất giọng rủ rỉ của nhà văn trở về những tít tắp, xửa xưa...

Theo phả hệ họ Nguyễn thì Nguyễn Công Duẩn, anh hùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là hậu duệ của anh hùng dân tộc Nguyễn Bặc. Ông được Bình Định Vương Lê Lợi giao trách nhiệm lo hậu cần vận lương cho cuộc kháng chiến. Các trận đánh ác liệt như Ninh Kiều Tốt Động Xương Giang..., Nguyễn Công Duẩn đã năng nổ chu đáo hoàn thành phận sự.

Ông được phong tước Thái Bảo Hoành công, con cháu được đời đời làm công thần nhà Lê. Rồi hậu duệ của Nguyễn Công Duẩn cuối đời Hậu Lê là Nguyễn Kim. Nguyễn Kim là một tướng giỏi, có nhiều công lao được phong tước An Thành Hầu. Khi nhà Hậu Lê bị nhà Mạc cướp ngôi, năm 1527, con cháu nhà Lê chạy trốn sang Lào.

Lúc bấy giờ, hầu hết các cựu thần nhà Lê ngả về họ Mạc hoặc bỏ đi nơi khác, chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu vùng Thanh Hoá giáp Lào  lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó ông đã tìm được con vua Lê là  Lê Duy Ninh ở Lào và đưa về tôn lên ngôi vua là Lê Trang Tông (1533-1548).

Ông giúp vua xây dựng hành điện ở xã Vạn Lại, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nguyễn Kim về sau được vua Lê phong làm Thái Sư, Hưng Quốc Công, nắm giữ tất cả binh quyền.

Năm 1545, nếu không vì miếng dưa trong của viên hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc thì có lẽ sự nghiệp phò trợ nhà Lê của Nguyễn Kim còn là lương đống nữa dẫu rằng khi mất ông đã 78 tuổi. Vua Lê đã truy tặng cho Nguyễn Kim tước Chiêu Huân Tĩnh Vương.

Ông có hai con trai đều là tướng giỏi được phong chức Quận công. Trong đó có Nguyễn Hoàng trở thành người mở đầu cho sự nghiệp của các chúa Nguyễn ở phía Nam.

Nguyễn Hoàng được vua Lê phong tước Thái úy Đoan Quốc Công. Năm 1558, người ta bảo do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý những là Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân, ông xin vào trấn thủ Thuận Hoá! Quanh cái câu này cũng lắm lắm lời tham góp bàn cãi. Rằng Trạng Trình khi đó đang phục vụ cho nhà Mạc đánh Lê Trịnh. Mà Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lại là tướng giỏi của tập đoàn Lê Trịnh. Hay Trạng Trình đã đọc được ý đồ ly khai của Nguyễn Hoàng?

Trong câu chuyện, tôi mang máng nhớ nhà văn Nguyễn Khải có nhắc đến một cuốn sử nào đấy mới được dịch, viết về cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, tác giả lại cùng thời với giai đoạn ấy và nghe đâu lại là  viễn tổ của ông Nguyễn Khoa Điềm? Nhà văn Nguyễn Khải có lấy ra hai chi tiết thể hiện cái tài (hoặc cái khôn) cái khéo của Nguyễn Hoàng trong đám tang của ông anh rể Trịnh Kiểm.

Ở vào cái thế kẹt, thế hiểm bằng mặt chả bằng lòng thậm chí là đối địch mà ứng xử được vậy khéo lắm thay! (Lâu rồi tôi quên gần hết chỉ mang máng. Bồi hồi nhớ đến Nguyễn Khải nay đã ra người thiên cổ lẫn bâng khuâng nhớ lại chuyến đi về Gia Miêu lần ấy, tôi tới NXB mượn cuốn sách nọ đang lưu. Đó là cuốn Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm.

Có thể biên ra đây cái khôn lẫn cái khéo của Nguyễn Hoàng mà nhà văn Nguyễn Khải nhắc đến. Đó là lời bài tán trong tang lễ Trịnh Kiểm “Minh Khang Thái Vương (Trịnh Kiểm- NV) có tài Y Doãn, Chu Công hùng dũng đảm lược mưu trí giữa chắc đánh thắng ứng biến vô cùng. Vạch gai góc lập quy mô phía Nam mở biên thùy, phía bắc chăm đất ruộng. Khôi phục triều Lê, lập kỷ cương chế độ. Từ Hán Đường Triệu Tống đến Đinh Lý Trần Lê đời không sánh kịp. Than ôi nghìn quân dễ có một tướng khó tìm! Khi vua mới lên ngôi tôn làm thượng phụ. Vu thân đến làm lễ quả là hết đạo quân thần. Tiếc thay nửa đường đứt gánh, chưa thỏa ý xưa. Nhưng có Nguyên Công (Trịnh Tùng- NV) tiếp bước tài năng khá nối chí cha. Rạng tiếng tổ tông. Thế là tốt đẹp” -VNKQCT, NXB Hội nhà văn năm 1994 tr.40).

Tiện việc tra sách, cũng lẩy ra đây một đoạn của tác giả Lại nói chúa xứ Nam là thái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng từ ngày thống nhất hai xứ Quảng Nam, Thuận Hóa rộng ơn ban đức, thương yêu dân chúng, chậm bữa ăn để đón người hiền, xuống xe tiếp quân sĩ. Anh hùng quy phục hào kiệt đến theo. Luôn năm mưa thuận gió hòa, khắp nơi được mùa no đủ. Các nước lân bang tìm đến chầu phục. VNKQCT Sdd. tr.63)

Lúc đầu ông vừa lo xây dựng củng cố Thuận Hóa để dung thân, vừa lo chống quân nhà Mạc đang đánh phá khắp nơi, nhưng vẫn một lòng giữ nghĩa khí phò Lê. Ông vẫn thường ra chầu vua Lê ở Thăng Long.

Năm 1593, ông đưa quân ra Bắc Hà giúp Trịnh Tùng  (là cháu ruột gọi ông bằng cậu) đánh dẹp họ Mạc trong 8 năm trời, tình cậu cháu khi ấy không rõ có việc bằng mặt không bằng lòng không nhưng khá là mật thiết. Cuốn Toàn thư của sử thần Ngô Sĩ Liên còn chép việc ông cậu ruột Nguyễn Hoàng cặm cụi vẽ kiểu rồi kỳ cạch cất công đóng cho ông cháu Trịnh Tùng khi đó cơ bản vừa đuổi xong giặc Mạc sắp ca khúc khải hoàn về tiếp quản Thăng Long một cái xe độc đáo ai nom thấy cũng phải khen! Mãi năm 1599 nhân có vụ quân binh chống họ Trịnh, ông mới có cớ đưa quân sĩ trở về Thuận Hoá.

Rồi lịch sử công bằng sòng phẳng sẽ khơi lại khung cảnh hàng ngàn vạn quân sĩ lẫn gia đình họ từ đất Bắc từ Tống Sơn, Thanh Hoá tự nguyện theo Nguyễn Hoàng vào Nam như là để phù trợ ý đồ của chúa lo phát triển cơ sở, mở mang bờ cõi.

Năm 1601, Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ. Năm 1611, có thể nói Nguyễn Hoàng đã thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên sau khi trấn giữ Thuận Quảng, tiến vào vùng đất từ đèo Cù Mông (Bắc Phú Yên) đến Đèo Cả (Khánh Hòa) lập Phủ Phú Yên. Cho đến khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613, thọ 89 tuổi), cơ đồ của họ Nguyễn đã kéo dài từ Hoành Sơn Đèo Ngang của Hà Tĩnh qua Đèo Hải Vân tới đèo Cả bây giờ!

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.