450 năm Chúa Nguyễn Hoàng đi mở cõi:

Chuyện ở nơi phát tích một vương triều

Chuyện ở nơi phát tích một vương triều
TP- Rẽ vào đền thờ một vị quan không rõ tên chuyên coi sóc việc dựng Miếu Triệu Tường khi chết được lập đền thờ có tên là Quan Tường ngay gần đình Gia Miêu.

>> Kỳ 2: Một thời vang bóng
>> Kỳ 1: Ở Gia Miêu Ngoại trang, nghe kể về Chúa Nguyễn Hoàng

Chuyện của cụ từ coi đền có tên là Nguyễn Thị Soạn, 75 tuổi, trong sắc chiều nửa vàng nửa đỏ của tiết chiều sắp giông khiến tôi cứ rờn rờn.

Chuyện ở nơi phát tích một vương triều ảnh 1
Nền phương cơ xây mới dùng để tế lễ. Nơi được coi thay cho mộ của Nguyễn Kim  Ảnh: Xuân Ba

Cái năm cụ Soạn mười bảy mười tám, Miếu Triệu Tường đang còn nguy nga những toà ngang dãy dọc.

Khi tôi đưa cụ coi tấm khung ảnh chụp Miếu Triệu Tường trước năm 1945  (còn lưu ở Viễn Đông Bác cổ) thì chỉ nheo cặp mắt một tẹo cụ đã vồ vập suýt xoa rằng đúng là như rứa!

Cụ Soạn những năm xa ấy là con gái  của một cửu phẩm được đảm nhận việc trực ở điếm canh của Miếu Triệu Tường.

Cụ cửu phẩm lắm hôm bận đi đánh tổ tôm hay có việc chi đó thường nhờ con gái trông hộ. Việc cũng nhàn, có người vào lễ miếu thì mở cửa miếu cho họ. Tấp nập khách thập phương đến tế lễ là cữ sóc vọng (rằm hoặc mồng Một âm lịch).

Cụ Soạn lần trong cái đãy đeo bên hông ra cho tôi coi hai đồng tiền trinh đã mờ cả hai mặt. Cụ cho hay, đôi tiền trinh này cụ được người đến lễ cho. Cụ Soạn khư khư bên mình bất ly thân từ ngày ấy .

Để làm chi vậy? Cụ cười đi mô hay mần chi cụ cũng xin âm dương! Hèn chi nó bóng nhoáng lẫn mờ như vậy! Cụ Soạn nhớ lại: Chặp tối hôm Miếu bị dỡ bỏ, đợi lúc vắng người, cụ nhảo ra thắp hương phần hậu cung còn sót thì cụ Soạn kinh hãi đờ người khi thấy trên bức tường sót lại hàng đàn rùa cỡ như cái mủng cái mũ cứ lừ đừ nối nhau không biết bò đi đâu? Những con rùa này cụ Soạn từng coi Miếu đã quen lắm. Khách đến lễ Miếu cũng đã quen vì thi thoảng vẫn thấy các cụ vất vưởng bên lối đi trong Miếu. 

Chúng (cụ Soạn thì gọi bằng cụ) được thả về đây hàng đàn khi Miếu Triệu Tường đã xây xong. Nghe nói để trấn yểm chi chả biết. Kể từ năm một ngàn tám trăm linh mấy  chi đó khi hoàn tất việc xây Miếu Triệu Tường, đàn rùa này được cử tới coi Miếu, thì tới thời điểm đó có nhiều “cụ” cỡ tuổi trăm chứ chả bỡn?

Bàn tay lẩy bẩy của cụ Soạn khi miêu tả những chữ nghĩa này khác trên mai trên bụng lũ quy (mà tôi đoán là hoa văn vẫn thường có trên mai rùa)  cho biết là cụ thân sinh ra cụ Soạn từng đọc được những Hán tự chi chi đó hẳn hoi.

Cụ Soạn cũng cho biết thêm là thần tình làm sao, từ bấy đến nay tịnh không có ai ngó thấy bóng dáng của một cụ rùa nào cả! Ngày hai cây muỗm (gọi là cây quéo) cổ thụ  phải hai người ôm trước cổng đến Triệu Tường bị đốn ngã xẻ ván, cụ Soạn cũng đã bưng mặt khóc…

Tôi ngó ra khoảng lúa vàng chanh mà thuở trước là nền Miếu thiêng cố tưởng tượng ra những toà ngang dãy dọc của Miếu xưa rồi lại lan man về những ngày ngắn ngủi Bác Hồ bí mật thăm Thanh Hóa đầu năm 1947.

Trước khi có cuộc nói chuyện với nhân sĩ trí thức phú hào Thanh Hóa vào ngày 20 tháng 2 năm 1947, Bác Hồ đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thanh Hoá.

Chuyện ở nơi phát tích một vương triều ảnh 2
Nền cũ của Miếu Triệu Tường

Bác thẳng thắn phê bình hiện tượng mất đoàn kết, cách mạng chưa gì mà đã tranh công tranh phần! Đặc biệt một đêm trước đó, cùng bộ phận tuỳ tùng, Bác đã đến thắp hương tại ngôi Miếu thiêng Gia Miêu này.

Bác và những người đi theo đã khấn đã thề thế nào trước anh linh của tiền nhân thì chỉ có người trong cuộc biết được. Nhưng trăm họ vốn họp nên nhà nên nước, vậy khấn chi thì khấn thì cụ nhà mình dứt khoát là bạch với tiên tổ nhà Nguyễn phù trợ cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bớt xương bớt máu và mau đến thắng lợi!

Có nhiều ý kiến khẳng định, Cụ Hồ từ Việt Bắc bí mật theo đường Chi Nê, Hoà Bình qua phố Cát Kim Tân rồi rẽ ngay vào Gia Miêu ngoại trang này sau đó mới xuôi theo đường Vĩnh Lộc vào Rừng Thông sang Thọ Xuân , nơi có nhiều cơ quan kháng chiến đóng.

Sau này, tôi được tiếp cận với một tài liệu, trong cuộc nói chuyện với nhân sĩ trí thức phú hào xứ Thanh tại Rừng Thông hay Thọ Xuân ấy, Cụ Hồ đã gặp các bậc, các đấng như Cao Xuân Huy, Lê Thước, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Đào Duy Anh... Cụ Lê Thước thay mặt cho giới trí thức đứng dậy: “Thưa Bác...”, Bác nói ngay với Cụ Thước rằng, chúng ta đồng lứa, “Bác” là để cho thanh niên gọi. GS Lê Thước đồng tuổi, lại cùng quê với Cụ Hồ bèn nói, thưa Cụ, có anh em chúng tôi đây xin Cụ giải thích cho một điều, thế nào là chế độ cộng hoà dân chủ, dân chủ mới? vv...

Sải những bước chầm chậm trên mảnh đất từng cõng hai cụ muỗm cổ thụ để gẫm thêm bao việc bao chuyện... Cái năm 1883, với Hoà ước năm Quý Mùi và Hòa ước năm Giáp Thân ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp, toàn bộ nước mình rơi vào thống trị của Pháp.

Thanh Hóa chỉ là một tỉnh của Trung kỳ thuộc quyền quản lý của Nam Triều, mà khi ấy uy quyền của vương triều Nguyễn đã sút kém, đã bớt thiêng.

Rồi những ngày trời long đất lở của cuộc Cách mạng tháng Tám, hình ảnh ông vua cuối cùng của triều Nguyễn dâng ấn kiếm kèm câu nói chắc là bột phát khi ấy, làm công dân một nước độc lập hơn là vua một nước nô lệ.

Rồi những diễn tiến tiếp trong vài chục năm sau đó, khi các nhà làm sử nước nhà hẳn đã bị quá ám ảnh về một Nguyễn Ánh từng quyết liệt chống Tây Sơn, gửi Hoàng tử Cảnh sang Pháp, sống chết bám lấy Pigneau de Béhaime (Bá Đa Lộc) và các giáo sĩ phương Tây, dùng người Pháp làm cố vấn rồi ban rồi đặt tên Việt cho; Một Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm bị Nguyễn Huệ phá cho tanh bành ở Rạch Gầm - Xoài Mút; Rồi một một số ông vua Nguyễn sau này hoang mang lẫn chết khiếp trước sức mạnh xâm lăng nổi trội với kỹ thuật Tây phương tàu thép, tàu đồng, súng nổ...; Rồi những Phan, Lâm mãi quốc triều đình khi dân vv...

Các nhà làm sử tất nhiên đã không ngại ngần cái việc truyền những ám ảnh đó cho các thế hệ sau những là Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà, các vua Nguyễn đầu hàng bán nước cho thực dân Pháp!

Nhưng nếu như sử học là quá trình nhận thức lại lịch sử, thêm nữa, nhìn nhận lịch sử dưới lăng kính chiếu yêu công minh khoa học sòng phẳng của Đổi Mới, bằng việc chiêu tuyết cho Phan Thanh Giản mới đây, liệu đã thực khách quan sòng phẳng chưa khi mà riệt tội cho cả một triều đại?

Bây giờ nhìn lại, thử đặt câu hỏi vua quan triều Tự Đức liệu có giữ được nước không khi mà thời điểm ấy hầu hết các nước ở Đông Nam Á và Đông Á lần lượt lọt vào tay thực dân Tây phương?

Hình như có một thời không ít các nhà làm sử do duyên do nào đó đã quên đi công sức trong sự nghiệp thống nhất đất nước của vị vua đầu triều Nguyễn cũng như công trình kể xiết mấy mươi việc khai phá bờ cõi của Chúa tiên khởi Nguyễn Hoàng. Đến bây giờ những vội vã lẫn ấu trĩ ấy liệu đã có thể thanh thoát lẫn dứt khoát?

Ngày Lăng Miếu Triệu Tường được nhận Bằng xếp hạng di tích tháng 4 năm 2008 này, tôi bận không về được mặc dù nhà thơ Nguyễn Duy có rủ. Di tích hiện chủ yếu là 182 trượng đất... ruộng đang ken đặc lúa giống mới?  Nghĩ  mà phục thay, đáng nể thay cho một quyết định nói đúng hơn một quyết tâm của cấp trên mai kia sẽ phục dựng lại công trình Miếu Triệu Tường.

Một nén hương muộn, một nghĩa cử tạ lỗi, tri ân với tiền nhân? Tôi cũng được ngó qua những phối cảnh với bản khái toán này khác...  Cũng chả phải ít tiền, đâu những hơn trăm tám chục tỷ chi đó. Phương án tài chính có lẽ chả khó với sự đồng thuận xen lẫn sự hối tiếc của dòng họ Nguyễn đang xôm tu, đang là trụ cột là lương đống này khác dưới gầm trời Nam này? 

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".