Chuyện ở nơi phát tích một vương triều

Chuyện ở nơi phát tích một vương triều
TP - Lần này về Gia Miêu Hà Long, cùng đi với tôi có cựu Bí thư Huyện ủy Trịnh Quốc Tuệ. Ông Tuệ gắn bó với Hà Trung từ những năm cuối 1990 đến năm 2006 mới nghỉ.

Câu chuyện trên xe cứ dài mãi ra về những ngày gian khó nhưng không kém hứng khởi của việc bươn chải đôn đáo cùng anh em tìm cách xoá đói thoát nghèo ở một huyện được coi là nghèo nhất xứ Thanh.

Chuyện gần rồi chuyện xa... Tôi cứ phân vân mãi trước việc khẳng định chắc nịch của ông Tuệ rằng câu thành ngữ phép vua thua lệ làng là có xuất xứ từ làng Gia Miêu đây? Chừng như để thêm chứng cứ, ông dẫn tôi rẽ vào nhà ông tộc trưởng họ Nguyễn Gia Miêu Nguyễn Hữu Thoại.

Ông Thoại là dậu duệ của viễn tổ Nguyễn Kim, thân phụ  chúa Nguyễn Hoàng. Tuổi chưa phải cao lắm nhưng ông có phong thái đủng đỉnh thậm chí hơi có phần quan cách của những vị đứng đầu một chi phái một dòng tộc có máu mặt vẫn thường thấy ở các vùng quê.

Vừa đủng đỉnh dẫn chúng tôi đi coi và thắp hương nhà thờ tổ ông vừa thư thả kể cho nghe chuyện trưởng các chi phái các mệ từ trong Huế, những hậu duệ của các chúa các vua Nguyễn này khác những năm gần đây kéo về bái yết hương khói cho quê tổ ra sao nhất nhất gặp ông đều kính cẩn!

Ông chỉ cho chúng tôi mấy bụi chuối sau nhà thờ tổ, nơi có cái tăng xê (hầm trú ẩn) đào những năm kháng Pháp. Năm 1953, mấy quả moocchê từ bốt Ninh Bình câu về Gia Miêu là vùng tự do gây nên cái chết thê thảm của bà mẹ và em trai ông trú trong đó. Cụ thân sinh ông tham gia Việt Minh từ năm 1945, từng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã…

Ông Thoại cho hay, nhà ông có một thứ gia bảo nói đúng hơn một tộc bảo. Dáng vẻ kính cẩn, ông dẫn chúng tôi vào ngách trong như là hậu cung của nhà thờ tổ để coi đôi câu đối của vua Bảo Đại tặng bố ông, trưởng họ Nguyễn Gia Miêu năm 1936.

Ông có vẻ tâm đắc, thuộc lòng với những ngữ nghĩa của đôi câu đối được cẩn khắc theo lối chữ thảo trên hai khẩu gỗ tạo hình rất bắt mắt Toà phúc chi lan hương công khoát. Nhất lâm tùng trúc thái sinh quang. 

Như lời ông, vua Bảo Đại từng ngồi trong ngôi nhà kia mà khi ấy ông hẵng còn bé chuyện trò nước nôi với bố ông. Ngôi nhà ngói 5 gian cổ kính đã bị tháo ra bán tống bán tháo trong những năm khốn khó loạn lạc. Cái nhà mái bằng bây giờ trên nền gia cựu ngó cứ kỳ kỳ thế nào...

Trong câu chuyện, các chúa thì không biết, nhưng ông Thoại nói hình như có cuốn sổ ghi chép khá chi tiết những lần các vua về bái yết tiên tổ ở Gia Miêu được lưu ở Miếu Triệu tổ kia nhưng sau đó biến đâu mất! Đầu tiên là vua Gia Long về Gia Miêu  lưu lại khá lâu để thân coi sóc việc xây Lăng Trường Nguyên lẫn Miếu Triệu Tường.

Rồi vua Minh Mệnh cũng thân về Gia Miêu đề bài thơ ở Lăng Trường Nguyên. Rồi vua Thiệu Trị cũng về đề thơ trên Lăng. Gần thì có Thành Thái, Bảo Đại. Vua Thành Thái về Gia Miêu không chỉ một lần. Lần rầm rộ nhất là khi nhà vua tuần du Bắc Hà dự lễ cắt băng khánh thành cầu Paul Doumer (cầu Long Biên bây giờ).

Không biết là lần nào, chừng như không muốn kinh động các quan hàng tỉnh lẫn dân làng Gia Miêu phải phục dịch đón rước khổ sở, vua Thành Thái đã cho đoàn tuỳ tùng từ đường thiên lý ngoặt vào lối rẽ chỗ ngã ba Bỉm Sơn Hà Long bây giờ để vào Gia Miêu bái yết tiên lăng lẫn Miếu Triệu Tường.

Thấy một đoàn người mũ mão xênh xang cứ nghênh ngang tiến thẳng vào chốn thâm nghiêm vượt qua cả biển đề hạ mã, trương tuần làng Gia Miêu nổi giận thét tuần đinh ngăn lại. Ai đó trong đoàn tuỳ tùng cười nhạt buông giọng khinh khi: “A quân này láo, dám cản đường vua à?”.

Viên trương tuần thấy một việc bất kính chưa từng xảy ra ở đất quý hương này đồng thời còn bị cản trở khi thi hành công vụ (có lẽ quyền hạn của chức sắc đất quý hương Gia Miêu theo quy định thời ấy chắc cũng khá oách, nhất lại là đám tuần đinh quen thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, lại thấy bọn người sang trọng kia xấc xược mạo xưng vua, nếu là vua về thì quan đầu tỉnh phải có sức từ nhiều ngày trước đó) bèn nổi trận lôi đình thúc tuần đinh làm dữ hơn.

Về sau này có người kể vụ đó vua bị xúc phạm ra sao, thậm chí người còn khẳng định đám tuỳ tùng còn bị trói đánh nữa. Nhưng may phúc, vua Thành Thái không những tha mà còn khen cho sự mẫn cán của tuần đinh làng Gia Miêu.  Tiếng lành, tiếng dữ đồn xa...

Không ít nơi dậy lên cái chuyện vua về quê cũng bị cản! Chuyện của người làng Gia Miêu của ông trưởng tộc Nguyễn rồi cả ông cựu Bí thư kia không biết là xác thực đến đâu và câu thành ngữ phép vua thua lệ làng ấy chắc có từ lẩu lâu rồi ở một đất nước thuần nông vốn lấy hương ước làm trọng nhưng thiển nghĩ, chưa khi nào nó được vận vào trường hợp của vua Thành Thái về quê Gia Miêu lần ấy lại sinh sắc như vậy.

Nhân chuyện của ông trưởng tộc, tôi lại nghĩ đến bữa đã lâu được ngồi với anh em làm sử xứ Thanh mà có người khẳng định chuyện này đã được chép trong quốc sử quán triều Nguyễn (!?). Vào dịp ngũ tuần đại khánh của mình, vua Minh Mạng nghĩ ra một việc.

Nhà vua ra chiếu cho Thanh Hoa sức tiếp cho  đất Quý huyện Tống Sơn phải tìm được 50 cụ ông bất kỳ, tuổi tròn 50 ở vùng Gia Miêu, cho vời vào Huế để nhà vua thết tiệc riêng coi như cái tình thân cố quận.

Các cụ làm nghề gì thì làm nhưng dứt khoát hộ khẩu thường trú phải là đất quý hương Gia Miêu chứ không thể là người của vùng khác! Lệnh vua ban ai mà dám đơn sai nên các nhà chức việc địa phương đều nghiêm ngặt tuân thủ.

Đúng hẹn các cụ bô lão có mặt ở đất Thần Kinh. Khi tiếp cận, trong bữa tiệc, vua lấy làm ngạc nhiên sao mà nhiều cụ đất Quý Hương trông thần sắc ai cũng ngó võ vàng lại kém hoạt bát như thế?

Có thể trên đường trẩy kinh, các cụ tuổi cao sức yếu những sự mệt nhọc này khác chưa thuyên giảm? Trong tiệc vua thân hỏi thăm nhiều người và kinh ngạc làm sao khi phát hiện trong các cụ có tới một phần ba là... ăn xin! Số còn lại thì hầu hết cũng gieo neo tất tả lắm, tay vo miệng lốm chẳng ai gọi là dư dật giàu có gì.

Khi đã rõ mọi sự tình, nhà vua lấy làm ngậm ngùi cho cái đất quê nhà bao năm rồi vẫn còn khốn khó! Câu chuyện trên đây dù là sự thật hay giai thoại thì cũng nói lên cái khó khăn của vùng đất cố hương của các chúa Nguyễn này.

Khốn khó triền miên cho mãi về sau này, Gia Miêu nói riêng và cả huyện Hà Trung vốn vùng đồng trũng triền miên lụt lội. Tức tưởi bao năm rồi mà vẫn chưa gột được câu ca đeo bám Muốn ăn cua rốc ốc nhồi/ Có con thì gả cho người Hà Trung.

Hằng bao năm như thế, chưa có công trình thuỷ lợi nào ra hồn để tưới tiêu thau chua nên đời sống dân vẫn cứ bấp bênh. Mãi cho đến thời đổi mới hơn mươi năm trở lại đây chứ mấy, thuỷ lợi cùng với nhiều biện pháp ráo riết khác để xoá đói giảm nghèo, 24 xã của Hà Trung trong đó có Gia Miêu đời sống mới tạm ổn.

 Ngồi với chủ tịch xã Hà Long của đất Quý hương Gia Miêu họ Nguyễn, Nguyễn Hải thấy tỷ lệ nghèo theo chuẩn mới 15 % toàn xã thấy cũng hơi cao nhưng mà mừng, Hà Long đã không còn hộ đói.

Trước lúc rời Gia Miêu, vùng đất thang mộc xứ Thanh từng tiềm ẩn biết bao sự sinh sắc độc đáo và sự phiền toái nữa, tôi bỗng nhớ thêm câu chuyện đại loại, chỉ vì con dâu của một ông vua mà Thanh Hoa phải thành Thanh Hoá của anh em làm sử Xứ Thanh bữa đó...

Số là vua Minh Mạng có người con dâu là Hồ Thị Hoa. Hồ Thị Hoa xinh đẹp, thông minh không may chết sớm. Minh Mạng thương nhớ con dâu bèn đặt là lệ kỵ huý, hoa phải gọi chệch đi là huê.

Theo đó chợ Đông Hoa ở Huế mang tên là chợ Đông Ba. Người xứ Huế và nhiều vùng phía Nam gọi huê thay cho hoa bao đời nay. Ngay cả một xứ khổng lồ như Thanh Hoa (gồm cả Thanh Hoa nội lẫn Thanh Hoa ngoại) từ thời điểm kỵ huý ấy đã trở thành Thanh Hoá!

Nhân chuyện về một loạt kiêng huý từ đời chúa đến các đời vua Nguyễn, một vị cứ khăng khăng  rằng, các vị chúa lẫn vua Nguyễn ấy đã từng góp cho vốn từ vựng tiếng Việt nhiều đời nay thêm sinh sắc phong phú. Tôi thấy đó là điều khá là thú vị. 

Thử gẫm mà coi, tỷ như tên chúa Tiên là Hoàng nên đổi họ Hoàng thành Huỳnh, chữ “hoàng” cũng đọc là “huỳnh” (lưu huỳnh) Nguyễn Phúc Khoát là “Vũ Vương”, nên người họ Vũ ở Đàng Trong đổi thành họ Võ. Chữ “Phúc” đọc thành “Phước” để tránh chữ “Phúc” trong họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.

Chữ “Cảnh” là tên Nguyễn Phúc Cảnh (con cả Nguyễn Ánh, người được Ánh đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh Tây Sơn) đọc là “kiểng”, nên “cây cảnh” gọi là “cây kiểng” Chữ “Kính” là tên Nguyễn Hữu Kính người khai lập Sài Gòn phải đọc chệch là “kiếng” nên “tấm kính” gọi là “tấm kiếng” Chữ “Tông” là tên Nguyễn Phúc Miên Tông  tức vua  Thiệu Trị (cháu nội Nguyễn Ánh), phải đọc là “tôn”.

Do đó một loạt sử sách chép miếu hiệu các vua như Lý Thánh Tông, Lê Thánh Tông, Trần Thái Tông... đều ghi là Lý Thánh Tôn, Lê Thánh Tôn, Trần Thái Tôn... Đến tận sau này một số sách sử thời hiện đại vẫn bị ảnh hưởng này và chép miếu hiệu các vua từ “Tông” thành “Tôn”.

Các tên đường phố tại miền Nam Việt Nam, mà tên gọi là miếu hiệu các vị vua, hiện nay cũng đa phần ghi Tông thành Tôn. Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc, cũng vốn phải đọc là Tông Thất, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên phải đọc thành Tôn Thất.

Chuyện quanh làng Gia Miêu, nơi phát tích một vương triều độc đáo có lẽ cũng đã dài dài.  Một bận, nhà thơ Nguyễn Duy cứ hối tôi nên bỏ công để làm một sêri bài về tên các đường phố lẫn các trường học nhất là ở một số tỉnh phía Nam từng mang tên một số vị chúa, vua nhà Nguyễn nay đã bị đổi khác đi như thế nào...

Hy vọng từ cuộc hội thảo khoa học quy mô Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn... với phương châm công minh chính xác, các nhà khoa học, các cơ quan hữu trách sẽ có dịp trả lại cho lịch sử cho dân tộc như những gì nó vốn có. Vậy xin khất bạn đọc một dịp khác vậy.

>> Kỳ 1: Ở Gia Miêu Ngoại trang, nghe kể về Chúa Nguyễn Hoàng
>> Kỳ 2: Một thời vang bóng
>> Kỳ 3: Dâu bể đi qua
>> Kỳ 4: Huyền bí lòng đất Gia Miêu hay là ngôi mộ của người chị gái Chúa Nguyễn Hoàng

Trọng thu năm Tý
Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.