Chuyện rước mười một vị Chúa Trịnh về quê Biện Thượng

Chuyện rước mười một vị Chúa Trịnh về quê Biện Thượng
Nhà ông Trịnh Doanh, trưởng tộc họ Trịnh thuộc dòng Chúa Trịnh Căn  ở làng Yên Lộ  Hà Đông có lắm thứ bắt mắt. Đầu tiên phải kể là cái cổng thâm thấp xây bằng gạch non hai trăm năm có ba chữ nhàn lai vãng nhưng ông đã cho khép lại làm cổng phụ mà đi theo lối cổng chính ngay cạnh có cụm chữ do chính ông viết quang minh chính đại môn.

Có cái cổng chính này vì nó hợp với ngôi nhà bề thế trên nền cũ lợp ngói mũi hài. Với lại thời mới mà cứ nhàn lai vãng e không hợp lắm, hình như theo gợi ý của ông Trường Chinh những lần về thăm cụ Trịnh Bổng, thân sinh ra ông. Cụ Trịnh Bổng tức Lê Hoài Mỹ, sinh năm 1901, đảng viên từ năm 1933. Nhà cụ là nơi ăn ở đi về bí mật của ông Hoàng Văn Thụ những năm 1938 đến năm 1940. Sau đó là các vị Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn trong những năm 1940- 1942. Tổng Bí thư Trường Chinh ở nhà cụ Trịnh Bổng lâu nhất... Thân gần với ông Doanh có nhiều người là lão thành cách mạng, là đảng viên cộng sản từ tiền khởi nghĩa như chị gái anh rể, cậu ruột...

Tôi lặng ngắm tấm chân dung áo the khăn xếp họa thân phụ cụ Trịnh Bổng là cụ Trịnh Bá Vững, Chủ tịch Hội Đông kinh Nghĩa thục vùng Hoài Đức. Rồi sau đó cụ có chân trong Việt Nam quốc dân Đảng mà người phụ trách trực tiếp là Nguyễn Thái Học. Rồi những tấm bằng có công với nước và nhỉnh hơn cả là tấm Huân chương kháng chiến hạng nhất. Những bức trướng nho nhỏ thêu tay của gia đình  các ông Trường Chinh Trần Quốc Hoàn... trong dịp mừng thọ cụ Bổng. Những tấm ảnh đồng chí Trường Chinh thân thiết ngồi bên cụ Bổng và ông Trịnh Doanh đây. Cụ Bổng mất trước cụ Trường Chinh hơn hai tháng. Tất thảy những thứ ấy được bày ở mé trên bàn nước gian bên mà gian chính giữa giành cho bộ thờ đồ sộ vị Chúa thứ 4 nhà Trịnh là Chiêu tổ Khang vương Trịnh Căn như thời các cụ tổ như thời ông nội ông Trịnh Doanh vẫn thờ ở đúng vị trí trang trọng ấy!

Ông trưởng tộc thành kính ngó lên linh vị giọng khẽ khàng các cụ tôi truyền lại là nhiều  Tổ mới có nước, có Tổ mới có mình! Cái tuổi bảy mươi lăm của ông chỉ là cái chớp mắt của vế đối mà ông tự tay viết kia Việt quốc đại trường tồn/ Trịnh gia lưu bất tận! Tổ ông xa xưa là vùng Sóc Sơn Biện Thượng nơi sinh vị Chúa tiên khởi Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Ông nói vanh vách về tổ mình như các sách ông đang có.

Tỷ như huân nghiệp giúp nước gây dựng cơ đồ nhà Lê của Trịnh Kiểm, bằng chất giọng sang sảng, ông trích hẳn điếu văn của vua Lê Anh Tông có in trong cuốn Việt nam khai quốc chí truyện một cuốn sử được viết dưới thời thịnh trị của các chúa Nguyễn, những triều đại được coi là đối địch với Đàng Ngoài, tác giả là nhà sử học Nguyễn Khoa Chiêm Tiểu tử là Lê mỗ xin kính cẩn dâng chén rượu trước linh cữu tôn nghiêm của Thái sư Thượng phụ tặng tước Minh Khang Thái vương khóc mà thưa rằng: Than ôi ngoài là thác nghĩa vua tôi trong là ơn sâu như phụ tử. Xưa tiểu tử hàn vi nhờ công của Thượng phụ kính được nhờ tiên đế qui mô lại khai sáng thêm bờ cõi của triều cũ. Hiểm nguy trăm trận trịnh trọng nỗi niềm. Trung nghĩa tỏ với thần minh, công nghiệp sánh tày vũ trụ. Mảng nghe tin xiết bao kinh hãi. Dang dở cuộc kinh dinh bốn biển một mình biết cậy vào ai. Mà ơn tư nuôi dưỡng một nhà vì đại nghĩa lòng sâu cảm mộ. Nay rót chén Dàng biệt nhân thiên cổ. Như tinh anh có thiêng xin giúp vì quốc tộ. Ô hô ! Đau thay cúi xin thượng hưởng... Vua đọc xong văn tế phục xuống khóc lớn. (Việt nam khai quốc chí truyện- NXB văn học, Trg. 38-39)

Nguyễn Hoàng nghe tin Trịnh Kiểm mất đã sai người đem lễ vật và dâng bài tán để tỏ bày tình anh em. Bài tán viết có đoạn  Minh Khang Thái vương có tài Y Doãn Chu Công hùng dũng đảm lược mưu trí, giữ chắc đánh thắng, ứng biến vô cùng vạch gai góc  phía Nam mở biên thuỳ phía Bắc. Khôi phục Triều Lê lập kỷ cương chế độ.  Than ôi, nghìn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Tiếc thay nửa đường đứt gánh chưa thoả ý xưa. Nhưng có Nguyên Công tiếp bước tài năng khả nối chí cha. Rạng tiếng Tổ tông thế là tốt đẹp...

Ông Doanh đã nhiều lần cất công về bái yết nơi thờ cúng Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm ở quê tổ là Phủ Trịnh nay là xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc Thanh Hoá. Chả biết xửa xưa nguy nga to đẹp thế nào nhưng bấy giờ, những năm đầu chín mươi, trước thời điểm Nhà nước công nhận Di tích Quốc gia đổ nát tiêu điều... Ông là người tích cực cùng Ban liên lạc của họ Trịnh ở Hà Nội, Hà Tây vận động bà con dòng tộc ông và mấy chi họ Trịnh ở vùng lân cận được một ít công đức để góp vào việc tu sửa sau này.

Việc độc đáo khi ấy là ông và Ban liên lạc cho vời mấy nhà sử học và các hoạ sĩ, nhà điêu khắc có tiếng để làm kỳ được bức tượng Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm! Bây giờ mỗi kỳ giỗ Ngài vào ngày 18 tháng Hai Âm lịch hàng năm, hậu duệ họ Trịnh ở khắp nơi trong nước (hiện tại đã nối mạng được các chi họ Trịnh ở hơn 400 làng xã ở Việt Nam) về bái yết vị Chúa tiên khởi ở Phủ Trịnh đều được chiêm bái bức tượng Ngài uy nghi rất hồn cốt ngự trên linh sàng gian chính của Phủ! Hơn mười năm đã qua đi từ khi có tượng vị Chúa tiên khởi ấy ở Phủ Trịnh nhưng ông Doanh vẫn chưa yên lòng mà đau đáu về một nỗi khác... Mười một vị Chúa, sau Minh Khang Thái vương phải có tượng chứ? Công huân hay là điều chi phải quấy của các ngài, lịch sử sẽ ghi nhận sẽ phán xét nhưng với hậu thế hậu duệ các Chúa Trịnh mỗi lần về chiêm bái Phủ Trịnh vắng đi các tượng Ngài sẽ vơi vợi đi rất nhiều ấn tượng ở nơi linh thiêng này?

Thế là ông Doanh và một số vị chức việc trong tộc họ bao năm nay đã lẳng lặng đi vận động công đức đi quyên góp cộng với tiền nhà bỏ ra đầu năm ngoái đã hòm hòm số tiền mà ông dự trù cho việc tạc tượng mười một vị Chúa còn lại! Cũng như công việc chuẩn bị lần tạc tượng Minh Khang Thái vương, ngoài những lần làm việc bàn soạn  cụ thể với các nhà sử học,  ông Doanh cho vời 5 hoạ sĩ ( có sự tham gia nhiệt tình của ông Lê Hải, họa sĩ Lê Quảng Hà, nhà sử học kiêm hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ là người có nhiều công trình nghiên cứu về họ Trịnh) để có cái nhìn tổng quát và tương đối chuẩn mực khoa học về đường nét khuôn mặt cũng như y phục thời Lê- Trịnh của mười một vị Chúa. Sau gần nửa năm lùng tìm mua thứ gỗ mít loại tốt chuyên dùng cho việc tạc tượng, ông Doanh cùng nhóm hoạ sĩ nhà sử học có lòng sốt mến và tâm huyết với tiền nhân đã phó thác công việc cho kíp thợ mộc ở làng nghề Vũ Lăng  thuộc huyện Thanh Oai chuyên chế tác các loại tượng nhất là tượng Phật, tượng danh nhân.

...Bữa tôi theo chân ông Doanh vào làng mộc Vũ Lăng thì tốp thợ đang hoàn tất bức tượng Thành tổ Nghị vương Trịnh Tùng. Như ông Doanh cho hay lẽ ra bức tượng vị Chúa này phải thực hiện đầu tiên nhưng phải để sau bởi nhiều nhẽ! Nghiệm đúng lời bài tán của Nguyễn Hoàng, sau vị Chúa tiên khởi Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm, có lẽ người làm vẻ vang huân nghiệp những năm tiếp theo là Nguyên Công tức Thành Tổ Nghị Vương Trịnh Tùng (1570-1623). Đánh bại được nhà Mạc với 20 năm cầm quyền khôi phục cơ đồ nhà Lê và bắt đầu từ đây tồn tại kiểu cai trị cả vua lẫn chúa. Chúa Trịnh Tùng ngự ở Thăng Long 33 năm tổng cộng cả chinh chiến lẫn hoà bình, cầm quyền 53 năm khi mất 74 tuổi. Một trong cái nhẽ khó ấy là phải lột tả phải thể hiện công huân và uy đức của vị Chúa thứ hai nhà Trịnh này.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tuất là rể họ Trịnh người phụ trách xưởng mộc phải cho vời nghệ nhân Nguyễn Văn Cảnh một tay thợ tài hoa. Việc vạc đẽo thô, thợ khác làm. Ông Cảnh chỉ chuyên về y, diện nghĩa là đường nét trên khuôn mặt và nếp áo. Công đoạn này khá lỉnh kỉnh và nhiêu khê. Không vội được. Chả biết nhà điêu khắc dân gian này có phải ăn chay hay tắm gội mỗi khi rờ vào đục vào chạm không nhưng không ít lần phải hương khói mỗi khi lựa chỉnh đường nét trên khuôn mặt các Ngài! Cẩn trọng như thế mà mỗi ngày ông Cảnh chỉ soi chừng vài chục nhát đục. Xong phần mộc là phần tắm sơn ta màu đen để làm nền cho sơn thếp. Mỗi một pho như thế tính từ gót chân lên đỉnh đầu trong tư thế ngồi chằn chặn mỗi vị đều 1,57m.

Tại sao có tỷ lệ thước tấc ấy? Ông Cảnh đáp vắn tắt đó là tỷ lệ chuẩn của người Việt ở tư thế ngồi cho dù là bậc quân vương. Một cô thợ dáng manh mảnh chặn chúng tôi lại trước một gian kho và nhã nhặn hỏi xem trong số các bác đây có vị nào hay bị sơn ăn? Thì ra họ đang sơn thếp. Thứ sơn sống cất từ Phú Thọ về được nấu kỹ với dầu và vài thứ hoá chất chi đó, người cơ địa không lành khi tiếp xúc thường bị sưng mặt lên gọi là dị ứng. Khi được biết chả sao thì cô cười vâng, sơn ăn tuỳ mặt. Ma bắt tuỳ người! Sau công đoạn sơn thếp là dùng sơn màu trang trí... Ông Doanh vẻ kính cẩn chỉ cho tôi bức tượng một vị râu tóc phơ phơ, vầng trán thanh tao và đường nhân trung rờ rỡ... Đó là Văn Tổ Nghị Vương Trịnh Tráng 1623-1657.

 Công lao lớn nhất là ngoại giao. Trước đây, nhà Minh chỉ phong tước An Nam đô thống sứ cho các vua Lê Trung Hưng nhưng đến thời Trịnh Tráng, nhà Minh đã phong cho vua Lê Thần Tông làm An nam Quốc Vương và phong Trịnh Tráng làm Phó Vương. Chúa Trịnh còn có mối thâm giao với Alecxăng đơ Rôt, làm nhà cho ở trong 3 năm để ông này hoàn thành cuốn từ điển Việt- Bồ Đào Nha. Con gái Trịnh Tráng theo đạo Thiên chúa có tên Thánh là Caterines. Bên cạnh tượng Trịnh Tráng là những nét quắc thước của Hoằng Tổ Nghị Vương Trịnh Tạc (1657-1682). Công lớn đã quét sạch dư đảng của Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, thủy quân giỏi. Dùng Phạm Công Trứ làm quan tham tụng là một cố vấn cừ.

Tháng 7 năm Giáp Dần xin Vua Lê tiến phong cho con là Trịnh Căn làm nguyên soái tước Định nam vương nắm quyền thay cha. Chúa mất năm Tân Dậu (1682) nắm quyền 25 năm trải 4 đời vua Lê Thần Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông, thọ 77 tuổi. Mé trong toát lên vẻ kiêm ái nhân từ của vị Chúa thứ 4  Chiêu Tổ Khang Vương Trịnh Căn 1682- 1709. Con trưởng Trịnh Tạc. Dùng nhiều người tài như Nguyễn Danh Nho. Nguyễn Quý Đức. Nguyễn Tông Quai. Đặng Đình Tướng... Tháng 9 năm Mậu Tý, nhà Thanh sai sứ sang ban cho bốn chữ Trung hiếu Thủ bang (có lòng trung hiếu kính để giữ nước) Thương yêu dân chúng là việc đầu tiên trong chính sự.

Dân chúng có người vì quan sở tại hà khắc bọn quyền quý ức hiếp có người bị oan ức phải phiêu tán tha hương họ cần được vỗ về thương yêu mới phải (Lời Chúa năm Giáp Tý 1684 trong khi ra lệnh cho quan lại đi thị sát dân tình). Bằng nhiều cố gắng ngoại giao buộc nhà Thanh trả lại nhiều thôn ấp bị xâm lấn trước đó. Chỉnh đốn lại thể văn thi ở các khoa trường và bắt đầu đặt chức quan quản lãnh công việc ở Quốc Tử Giám. Năm Kỷ Sửu 1709, Trịnh Căn mất, giữ phủ Chúa được 28 năm. Sử gia đương thời bình : Về chính trị thưởng phạt rõ ràng mối rường chỉnh đốn sửa sang nhiều việc nhiều danh sĩ người tài ở Bắc Hà được trọng dụng. Đời tư không có gì đáng chê. Mất lúc 77 tuổi. (Toàn thư). Ngay cạnh là sắc diện hồng hào thư thái của Huy Tổ Nhân Vương Trịnh Cương (1709-1729) con trưởng Tấn Quan Vương Trịnh Bính, chắt của Trịnh Căn được chọn để nối nghiệp Chúa. Sự lựa chọn này có tính nguyên tắc trực hệ vừa do công lao của hai quan đại thần có tiếng thời Lê Trịnh là Nguyễn Quý Đức và Đặng Đình Tướng tiến cử.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG