Chuyện tình trên đảo Réunion của vị Hoàng tử triều Nguyễn

Chuyện tình trên đảo Réunion của vị Hoàng tử triều Nguyễn
TP - Hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái Vĩnh Giu có 2 con trên đảo Réunion. Người yêu của ông là cô gái gốc Pakistan, nhân viên kế toán của một Cty xuất nhập khẩu có trụ sở đối diện với nhà của ông.
Chuyện tình trên đảo Réunion của vị Hoàng tử triều Nguyễn ảnh 1
Ông Vĩnh Giu cùng Bảo Bời (phải) và 2 chắt ngoại, tháng 2/2006. Ảnh: SN

Sau bài “Gặp Hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái” kể về ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu đang sống ở Cần Thơ, Nhiều bạn đọc muốn biết thêm cuộc sống của ông trong thời gian theo vua Thành Thái sang đảo Réunion của Pháp. Tiền Phong sẽ cố gắng phác họa thêm những nét đời của vị Hoàng tử triều Nguyễn.

Một buổi sáng giữa tháng 2/2006, tôi trở lại nhà ông. Quãng 10 giờ ông đi tập thể dục, uống cà phê với bạn già trong xóm mới về. Quần âu, áo sơ mi nịt gọn ghẽ, ông thay dép bằng đôi giày đen rồi mới trịnh trọng ngồi tiếp khách.

Tôi nhắc lại sự gần gũi, thương dân của vua Thành Thái. Năm 1904 còn trên ngai vàng, vua Thành Thái đi thăm đồng bào bị mất mùa ở Thanh Hóa, thương dân vô hạn đã làm bài thơ chữ Hán, tạm dịch:

Văn võ xênh xang áo cẩm bào/Riêng phần trẫm nặng gánh gian lao/Ba ly rượu ngọt dân hòa máu/Một chén trà thơm nước đúc cao/Giọt lệ trời sa người sướt mướt/Khúc ca vang lẫn tiếng kêu gào/Thương nòi xót giống trông ai đó/Thời buổi can qua biết nói sao.

Vì thương dân, bài Pháp mà năm 1916 vua Thành Thái bị đày sang đảo Réunion. Tôi hỏi ông Vĩnh Giu: “Vợ con vua Thành Thái có những ai đi theo?”.

Ông Vĩnh Giu trả lời: “Có 2 người vợ là chị em ruột, bà Gia Triệu, bà Chí Lạc cùng 3 người con của 2 bà. Lên đảo, 2 bà sinh thêm 9 người con nữa. Tôi được sinh ra ở đảo năm 1922. Ở đây chưa kể đoàn của vua Duy Tân là anh tôi, cũng bị đày sang đảo Réunion”.

Tìm hiểu vấn đề những ai theo vua Thành Thái về nước năm 1947? Ông Vĩnh Giu cho biết: “Những người con sinh ở Việt Nam thì ở lại đảo còn những người sinh ở đảo đều theo vua cha Thành Thái về nước”.

Ông Vĩnh Giu cho tôi xem mấy tấm ảnh về những người cháu gọi ông bằng chú hiện đang sống trên đảo: Con gái của ông Vĩnh Chương (ông Vĩnh Chương ở lại đảo).

Lúc đầu tôi hiểu, những người ở lại đảo do có vợ, chồng, con cái đề huề, thế nhưng gợi chuyện ông Vĩnh Giu thì lại biết nhiều người về nước theo vua Thành Thái cũng đã có vợ, chồng, con trên đảo. Tôi hỏi ông Vĩnh Giu, ông cười: “Tôi cũng có 2 con trên đảo”.

Người yêu của ông Vĩnh Giu là cô gái gốc Pakistan, tên Magaritte Morugama, nhân viên kế toán của một Cty xuất nhập khẩu có trụ sở đối diện với nhà của ông.

Họ yêu nhau say đắm và sinh được 2 con trai vào năm 1944, 1946. Nhưng tình duyên của họ không được vua Thành Thái chấp nhận (vua Thành Thái ghét Tây) nên khi về Việt Nam, ông Vĩnh Giu không được đưa theo.

Vua Thành Thái rất nghiêm khắc. Ở đảo xa lạ song con cái sinh ra đều được dạy tiếng Việt chu đáo và trong nhà chỉ nói tiếng Việt. Khi mới sang đảo, chính quyền Pháp bố trí cho vua Thành Thái và vua Duy Tân mỗi người một ngôi biệt thự, chu cấp chi phí sinh hoạt đầy đủ.

Tuy nhiên, có 2 điều kiện: Không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và vật dụng trong nhà hư hỏng phải giữ lại báo cáo để đổi thứ mới. Vua Thành Thái không chấp nhận nên ở được 2 năm, ông mướn một trang trại có căn nhà gỗ rộng lớn, đưa gia đình ra ở.

Chuyện tình trên đảo Réunion của vị Hoàng tử triều Nguyễn ảnh 2
Vua Thành Thái bế Nguyễn Phước Bảo Bời, con trai của ông Vĩnh Giu, lúc mới sinh năm 1951 (chụp lại ảnh tư liệu gia đình)

Ông Vĩnh Giu sinh ra trong căn nhà gỗ này, tình yêu với cô kế toán diễn ra trước cổng căn nhà gỗ. Lúc nhỏ, ông theo anh trai đi học chữ ở trường dòng (con cháu hoàng tộc nhưng từ đời ông Vĩnh Giu về sau lại theo đạo Thiên Chúa), lớn lên sang cơ quan công chánh học nghề và đã hành nghề cầu đường trên đảo.

Anh em ông là những trang công tử khỏe mạnh, gan góc, từng lập chuồng nuôi ngựa và tham gia đua ngựa có bận cả 3 anh em cùng thắng giòn giã. 21 tuổi các ông mới được vua Thành Thái cho phép tự do ra ngoài và viết thư hẹn hò yêu đương và các ông đã làm nhiều cô gái trên đảo say mê.

Tình yêu trên đảo Réunion của ông Vĩnh Giu phải vượt qua nhiều khó khăn. Trong nhà không được vua cha chấp thuận, ngoài xã hội bị nhiều kẻ cản ngăn. Nhất là ở Cty lại có anh kế toán trưởng đang theo đuổi cô Magaritte Morugama. Anh này người Trung Quốc và có lần đã mướn một tay dao búa tính trừ khử ông. Ông Vĩnh Giu nhớ lại nói: “Nhờ cái kìm lò rèn mà tôi thoát chết”.

Kẻ được thuê giết ông Vĩnh Giu, không úp mở gì, nhắn đến ông: Buổi sáng ấy, nếu đi làm qua ngã tư quen thuộc ấy sẽ không còn đường trở về! Ông Vĩnh Giu rất lo song lại không thể tránh bởi tránh một buổi chứ đâu tránh được quanh năm.

Lòng tự trọng cũng thôi thúc, ông kiếm một cái kìm của thợ rèn dùng gắp sắt trong lò có cán dài làm vũ khí tự vệ và giắt vào lưng. Chuẩn bị ra đi thì trời đổ mưa, ông khoác ni lông lên người, trùm cả cây kìm.

Từ xa, ông đã thấy tay dao búa đứng đợi. Ông trấn tĩnh bước tới rồi đi qua ngã tư…êm ru. Tay dao búa không động thủ. Về sau, ông mới biết là cái kìm lò rèn đội áo mưa sau lưng khiến tên kia ngỡ ông có súng nên không dám ra tay.

Chuyện tình trên đảo Réunion của vị Hoàng tử triều Nguyễn ảnh 3
Con gái út của ông Vĩnh Chương, cô Gisèle (trái) cùng 2 con gái là Evelyne và Nagali hiện sống trên đảo Réunion (chụp lại ảnh tư liệu gia đình)

Ông về nước, năm 1958 nhận được thư của con trai đầu Augrustin báo tin mẹ và em trai cậu đã qua đời. Lúc đó, ông còn khá giả, muốn gửi ít tiền sang cho con nhưng chế độ Diệm không cho, bảo là chưa thiết lập bang giao. Cũng từ đó, ông bặt tin con.

Trong câu chuyện, mỗi lần nhắc đến 2 chữ “lưu đày”, ông Vĩnh Giu lại giải thích: “Lưu đày nhà vua, để cắt đứt liên hệ giữa vua Thành Thái với dân, còn điều kiện sinh sống vẫn được bảo đảm đầy đủ.

Đảo Réunion là nơi lưu đày nhiều nhà yêu nước trong khối thuộc địa của Pháp, đảo chỉ  có nửa triệu dân mà còn có vua Ma Rốc và vua một số nước khác.

Năm 1947, gia đình chúng tôi về nước bằng tàu thủy, mười mấy người ở phòng thượng hạng có bác sỹ chăm sóc, ăn uống dùng ly chén bằng bạc. Chuyến đi đúng một tháng”.

Về nước, từ tháng 6/1948 đến tháng 7/1949, ông Vĩnh Giu được Pháp bố trí làm phó giám thị một nhà tù giam chính trị phạm ở Vũng Tàu. Ông làm nhiều việc nới lỏng chế độ hà khắc giúp cho tù nhân đỡ khổ.

Với tù nhân nữ, ông cho tắm ngày 2 lần và mở cửa thông gió phòng giam. Với tù nhân biết tiếng Pháp, ông đưa lên làm việc ở văn phòng và những người này đã tổ chức liên lạc, tiếp tế rất tốt cho cả trại tù.

Chỉ một năm, thực dân Pháp phát hiện việc làm của ông, lập tức đưa ông xuống Cần Thơ. Năm 1950 ông cưới vợ ở Cần Thơ, từ đó ít nhắc đến đảo Réunion, cho đến nay nếu không có báo chí gợi lại.

Nguyễn Phước Bảo Bời cho biết: Không phải ai hỏi chuyện ông cũng kể. Có người hỏi ông có cần giúp đỡ gì không, ông vẫn im lặng. Ai thương ông già cả, bệnh tật, giúp đỡ thì ông nhận còn ông không xin xỏ, “đề xuất, kiến nghị”.

Trong câu chuyện với tôi, ông Vĩnh Giu đặc biệt tỏ lòng kính trọng, biết ơn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi nghe tin “Hoàng tử ở xóm nghèo”, nguyên Thủ tướng đến thăm ngay, đến sáng sớm và chờ ông Vĩnh Giu đi tập thể dục về.

Ông Vĩnh Giu kể: “Có người không hiểu tại sao ông Kiệt đến thăm tôi? Họ không biết lãnh đạo là chăn dân, mà chăn dân thì trước hết phải lo ăn lo ở cho dân.

Ông Kiệt trò chuyện, biết hoàn cảnh của tôi liền bảo phải lo thêm chỗ ở để đưa bớt con cháu ra khỏi nơi chật chội và tôi mới được mua rẻ một căn nhà”.

Tôi hỏi: “Khi gặp ông, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói câu gì đầu tiên?”. Ông Vĩnh Giu vui vẻ: “Bắt tay tôi, ông Kiệt nói ngay: Chuyện cũ bỏ qua hết đi!”. 

Cần Thơ tháng 2/2006.

Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu tha thiết nói: Họ của ông chính xác là Nguyễn Phước, nhưng trong nhiều sách báo, kể cả sách lịch sử lại viết Nguyễn Phúc.

Tuy Phước và Phúc có một nghĩa, song viết không đúng như thế đã gây cho ông nhiều khó khăn trong quan hệ, nhất là những việc liên quan đến giấy tờ đòi hỏi tính pháp lý chặt chẽ. Gia đình ông có số điện thọai: 071. 812430.

MỚI - NÓNG