Chuyện tình tướng Thước

Chuyện tình tướng Thước
Mười lăm ngày sau lần gặp đầu tiên là tổ chức cưới. Ở bên vợ được một đêm thì đã phải trở lại đơn vị. Biệt tích 10 năm liền không có tin tức gì. Sum họp được năm năm thì vợ bị tai biến.

Chuyện tình tướng Thước

> Hé lộ chuyện tình tướng Thước
> Tướng Thước nói về tâm và tầm đại biểu Quốc hội
 

Mười lăm ngày sau lần gặp đầu tiên là tổ chức cưới. Ở bên vợ được một đêm thì đã phải trở lại đơn vị. Biệt tích 10 năm liền không có tin tức gì. Sum họp được năm năm thì vợ bị tai biến.

Tướng Thước đang chia sẻ với phóng viên về chuyện tình son sắt
Tướng Thước đang chia sẻ với phóng viên về chuyện tình son sắt.

Có thể khái quát mối tình của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X với người vợ hiền của mình qua những con số như vậy. Cuộc tình của ông có thể đại diện cho một lứa thế hệ thanh niên Việt Nam những năm kháng chiến.

Năm nay 88 tuổi, tóc bạc da mồi song Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn rất minh mẫn, tinh anh. Khi biết mục đích thăm viếng của chúng tôi là muốn tìm hiểu về mối tình "sét đánh" mà lại thật cảm động, son sắt của ông với bà Phan Thị Thủy - người bạn đời xinh đẹp, thủy chung suốt hơn 55 năm qua - ông khẽ quay lại nắm bàn tay khô gầy của bà đang ngồi trên xe lăn rồi nói: "Cả đời tôi biết ơn bà ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho tôi, cho các con. Đến khi gia đình được sum họp thì lại lâm trọng bệnh. Các anh có viết thì không nên kể về tôi quá nhiều mà quên mất bà ấy…".

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất "Xô viết Nghệ tĩnh" (Hưng Nguyên, Nghệ An) chàng thanh niên Nguyễn Quốc Thước đã sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia Việt Minh cướp chính quyền năm 1945. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đến đế quốc Mỹ, ông được phân công chiến đấu trực tiếp tại nhiều điểm nóng, trong đó có chiến trường Bình - Trị - Thiên nổi tiếng khốc liệt.

Ngày đó, chuyện "Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu/ Xếp bút nghiên coi thường công danh" là lý tưởng chung của hầu hết thanh niên. Cũng chính vì lý tưởng đó, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Thước chỉ biết phấn đấu hết mình cho cách mạng, chuyện tình duyên được gác lại để tập trung cho chiến đấu. Cho đến năm Nguyễn Quốc Thước ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa có nửa mối tình vắt vai.

Ông kể, sở dĩ ông bị muộn vợ một phần vì cuộc chiến khốc liệt, không có thời gian để gặp gỡ, tìm hiểu. Song còn một phần do tính chất địa bàn là ở khu vực giáp ranh, nên không thể "yêu bừa", vì rất dễ sa vào bẫy của đối phương. Địch thường sử dụng những cô gái đẹp để mồi chài cán bộ ngả theo phe chúng, hoặc lấy cắp thông tin nội bộ của ta.

Cho đến năm 1958, trong một lần đi công tác ở khu IV ông Thước được người chú là Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc hỏi về chuyện riêng tư. Ông Thước nói với chú rằng vẫn chưa tìm được người nâng khăn sửa túi. Người chú liền ướm lời: "Tao có đứa cháu cũng ngoan ngoãn, dễ coi. Nếu mày ưng thì tao làm mối cho". Mới chỉ nghe đến đấy mà tim ông đã đập loạn nhịp.

Tối hôm đó, sau khi cơm nước xong, cô gái Phan Thị Thủy (khi ấy vừa tròn 18 tuổi) bẽn lẽn ra chào anh lính Cụ Hồ. Dù chỉ mới chạm mắt nhau, cũng chả nói được câu nào song một lần nữa trái tim ông đã run rẩy mách bảo rằng, đây chính là người đàn bà của cuộc đời mình. Và chỉ 15 ngày sau, một đám cưới giản dị nhưng trang trọng, ấm cúng được tổ chức tại quê hương Hưng Nguyên.

"Thời buổi đất nước đang khó khăn, chú có món quà cưới dành cho cô không" - tôi hỏi. "Kể ra đây chắc bọn trẻ bây giờ chúng nó mà nghe thấy chả cười bò ra cho là chuyện bịa. Nhưng đúng là sau khi được người chú tác thành với cô Thủy, thì tôi vội ra sắm quà cưới là một… đôi dép cao su. So với thời ấy cũng là "oách" lắm rồi. Vì cả làng, cả xã chỉ mỗi vợ tôi là có dép cao su đi thôi đấy" - Tướng Thước hóm hỉnh kể.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cùng người vợ thân yêu của mình. Ảnh: Trung Tuyến
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cùng người vợ thân yêu của mình. Ảnh: Trung Tuyến.

Cũng như bao người mẹ, người vợ thời chiến, cô gái Phan Thị Thủy chỉ được gần gũi chồng một ngày sau lễ cưới. Từ đó cho đến vài chục năm sau cô chỉ biết một mình nuôi con chờ chồng. Cho đến mãi năm 1997, khi tướng Thước về nghỉ hưu thì gia đình mới được thực sự đoàn tụ.

Lấy nhau năm 1958, song phải mãi đến năm 1962 ông Thước mới được tranh thủ về thăm nhà. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi song cũng kịp để lại giọt máu cho người vợ. Năm 1963, cô con gái đầu lòng của hai ông bà ra đời. Ông Thước vui lắm, nhưng niềm vui vừa nhen nhóm thì ông được lệnh tăng cường cho chiến trường miền Nam (còn gọi là đi B).

Thời gian ấy, Mỹ đang leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Và những quân nhân được lệnh đi B thì đều phải xác định trước rằng khả năng sống sót trở về là rất ít. Cũng chính vì thế, mặc dù không muốn vợ đẻ dày vì ảnh hưởng đến sức khỏe, song ông vẫn tìm cách động viên vợ sinh thêm một em bé nữa để "ông bà hai bên vui lòng". Bé trai vừa sinh được khoảng một giờ thì ông được cấp trên ưu tiên cho về thăm gia đình lần cuối trước khi lên đường vào Nam. Bà Thủy cũng không hề được ông cho biết là đi B, mà chỉ thông báo ngắn gọn là được điều động vào nơi rất khốc liệt.

Nguyễn Quốc Thước được đưa vào đơn vị chiến đấu tại vùng biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Kon Tum. Suốt từ đó cho tới năm 1974 (tức là 10 năm ròng rã) bà Thủy không hề nhận được một tin tức gì về chồng. Bà cùng hai con được sơ tán lên một huyện vùng cao của Nghệ An. Bà được ưu tiên đi học nghề may, và chỉ biết dốc hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao đồng thời toàn tâm toàn ý nuôi nấng, dạy bảo hai con.

Nhắc đến giai đoạn này, tướng Thước quay sang nhìn vợ, đôi mắt ông rưng rưng: "Mãi sau này, khi gia đình được đoàn tụ tôi mới được nghe bạn bè, đồng nghiệp kể lại quãng thời gian đầy thử thách đối với chúng tôi. Thời bấy giờ cuộc sống vô cùng khó khăn vất vả. Thủy lại một nách hai con, bình thường đã bở hơi tai rồi, nhưng đến lúc đứa ốm đứa đau thì thật là khốn khổ. Nhiều đồng nghiệp của Thủy có chồng cũng đi bộ đội, song cứ sáu tháng một năm lại thấy người ta biên thư về, hỏi thăm, kể chuyện rồi gửi quà cho. Đằng này tôi cứ biền biệt suốt 10 năm trời không lấy một dòng thư".

"Nhiều người vì thương, vì lo cho Thủy mà khuyên cô không nên chờ đợi một cách vô vọng mà nên "tự cứu" lấy cuộc sống của mình, rằng "kiếm đại" một anh nào đó. Vì do hoàn cảnh chiến tranh mà phải như thế, "anh nhà" nếu sau này có về thì chắc cũng thông cảm. Rồi còn có người đặt nghi ngờ, "nhỡ đâu ông ấy đã có người khác thì sao"… Nhưng Thủy đều bỏ ngoài tai những lời ấy. Bà vẫn một mực vò võ chờ chồng nuôi con mà không một phút giây nào ngã lòng. Bà luôn tin rằng sớm hay muộn chồng bà cũng trở về. Và Thủy đã bước qua những thời khắc khó khăn nhất bằng một nghị lực phi thường".

Có một sự kiện mà tướng Thước nhớ mãi, đó là buổi gặp gỡ của hai vợ chồng sau 10 năm bặt tin. Cuộc gặp đầy bất ngờ mà có lẽ chỉ có trong mơ. Cuối năm 1974, bà Thủy theo đoàn giáo viên của em trai giao lưu trong Quảng Bình, Quảng Trị. Nhân tiện, bà tìm mọi cách hỏi thăm về người chồng "mất tích" cả chục năm của mình. Sau nhiều ngày hỏi khắp mọi nơi mà không thấy, hy vọng dần tắt bà đành theo xe của đoàn trở ra Nghệ An. Duyên trời run rủi thế nào mà đúng vào ngày ấy, ông Thước cũng trên đường ra Hà Nội nhận mệnh lệnh chuẩn bị Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khi ở bến xe, ông Thước cùng một cậu cần vụ đứng cách nhau một quãng (để bảo đảm an toàn), ông có nghe thấy phía trước có người nói: "Thủy ơi, lên xe đi". Khi ấy, tim ông đập rộn ràng - giống như cái ngày đầu tiên ông gặp bà. Tuy nhiên, ông không dám vượt lên để "nhận mặt" vì nếu không phải thì thật xấu hổ. Vậy là xe bà đi trước, xe ông đi sau.

Cho mãi đến khi dừng đợi phà Bến Thủy thì người em trông thấy ông "quen quen" vội hỏi: "Anh có phải là anh Thước?". Ông Thước cũng thấy người đối diện quen quen nên đáp: "Vâng, tôi Thước đây". Thế là người em vội vàng chạy ra chỗ Thủy, gọi : "Chị Thủy ơi, ra đây mà xem. Anh Thước bằng xương bằng thịt của chị đây này".

Sau 10 năm bặt tin, hai vợ chồng gặp nhau trong một hoàn cảnh chẳng ai ngờ trước được. Khi ấy, ông Thước chỉ nói được đúng một câu: "Em có khỏe không, các con có khỏe không?". Còn bà Thủy thì không cất nên lời, chỉ ôm chặt lấy ông mà khóc...

Mặc dù đang phải điều trị tại bệnh viện, song tướng Nguyễn Quốc Thước chỉ mong nhanh chóng được ra viện để về với người vợ thân yêu
Mặc dù đang phải điều trị tại bệnh viện, song tướng Nguyễn Quốc Thước chỉ mong nhanh chóng được ra viện để về với người vợ thân yêu.

Sau khi đất nước được giải phóng, tướng Thước chỉ được về thăm nhà ít bữa rồi lại lên đường nhận nhiệm vụ mới. Ông tiếp tục chỉ huy chiến đấu ở chiến trường Campuchia, rồi ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng chống giặc phương Bắc. Những năm 80, các con ông học ở Hà Nội nên vợ ông cũng chuyển ra để mong được gần con, gần chồng. Nhưng chỉ được một năm, tướng Thước lại được điều về Quân khu IV (đóng tại Nghệ An). Mãi cho đến năm 1997, khi ông rời quân ngũ thì gia đình mới được đoàn tụ. Năm năm sau, một cơn tai biến khiến cho bà Thủy liệt toàn thân. Tướng Thước lúc này trở về vị trí một người chồng tận tụy, không nề hà bất cứ việc gì để săn sóc người vợ.

Ngước sang người vợ hiền với ánh mắt trìu mến, tướng Thước kể. Hồi năm 75, khi mà đất nước hoàn toàn giải phóng non sông thu về một mối, bà Thủy thấy nhiều người bạn của mình được đón chồng về sum họp thì sốt ruột lắm. Bà một mình lặn lội từ Nghệ An vào tận trong Thủ Dầu Một (Bình Dương) để tìm tôi. Khi ấy ông vẫn phải tiếp tục làm nhiệm vụ gìn giữ an ninh trật tự, vì vẫn còn nhiều nhóm ngụy quân chưa chịu đầu hàng.

"Đây là một trong số ít lần hiếm hoi bà Thủy giận tôi. Mặc dù tôi đã tìm mọi cách giải thích, thậm chí có cán bộ cấp trên đến động viên góp ý nhưng bà ấy vẫn khăng khăng giữ cái lý: "Hết chiến tranh rồi còn làm gì ở đây mãi". Bà ở với ông một tháng rồi bỏ về Bắc. Tướng Thước khi ấy đã lo sợ về một sự đổ vỡ. Song thật may là nó đã không bao giờ xảy ra.

"Nếu đặt mình vào trường hợp bà ấy thì chắc tôi cũng sẽ phản ứng như thế. Nhưng tôi biết tình cảm bà ấy dành cho tôi còn sâu đậm lắm. Còn cả đạo nghĩa vợ chồng đã được thử thách trui rèn qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, đâu dễ gì mai một" - Ông lý giải.

Ngừng một lát, ông lấy khăn mặt dấp nước lau cho bà, rồi lấy nước cam, lấy sữa cho bà uống. Trước mắt chúng tôi giờ đây không còn là tướng Thước với những mệnh lệnh như dao chém đá ngoài trận tiền, mà là một người chồng thiết tha yêu vợ hết mực.

Ông tâm sự: "Nhiều người bảo tôi là có oshin rồi sao ông vẫn mó tay vào làm gì. Họ không hiểu được chăm sóc bà Thủy là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của tôi lúc tuổi già. Thời trẻ, bà ấy đã hy sinh tất cả để cho chồng yên tâm công tác, để cho con yên tâm học hành. Nay đến khi được nghỉ ngơi thì lại ngã bệnh. Tôi có cố gắng bao nhiêu cũng chỉ bù đắp được phần nào những hy sinh của bà ấy. Nếu mà bà ấy còn khỏe, thì tôi thậm chí có thể nhong nhong làm ngựa cho bà ấy cưỡi, miễn sao bà ấy vui là tôi mãn nguyện".

Có một dạo chúng tôi gặp tướng Thước đang điều trị tại Bệnh viện Hòe Nhai (vì bị ho kéo dài), tôi thấy ông liên tục gọi điện thoại "chỉ đạo" các con ở nhà phải chăm sóc bà thế nào cho đúng cách. Ông bảo, bất đắc dĩ ông mới phải vào bệnh viện như thế này thôi, chứ đi đâu một ngày là ông sốt ruột vì lo bà ở nhà thiếu bàn tay của ông.

Một người con của ông kể: "Thường đối với những người bị liệt như mẹ tôi thì để giảm bớt nỗi vất vả cho người chăm sóc người ta thường đóng bỉm. Vì mỗi ngày năm bảy lần "bưng" bà đi vệ sinh là việc không hề đơn giản. Nhưng bố tôi kiên quyết không đồng ý. Ông tự tay chăm sóc bà mọi việc từ nhỏ đến lớn với một sự tận tụy hiếm thấy".

Chúng tôi trộm nghĩ rằng, nếu không có một tình yêu lớn lao thì thật khó để một người chồng có thể tận tụy với vợ như tướng Thước với người bạn đời của mình

Theo Minh Tiến
An ninh thế giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.