Chuyện về người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 4

Chuyện về người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 4
TPCN  - Nhà văn Bùi Ngọc Tấn là người cắm rễ lâu với Hải Phòng, với Đất Cảng. Những trang viết của ông về Hải Phòng mang một phong vị riêng khó lẫn với người khác. Một lần ông tâm sự với tôi, có một chuyện mà ông chưa viết. Hơn thế, lại là chuyện không dễ viết. Nhưng ông nói ông sẽ cố.
Chuyện về người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - Kỳ 4 ảnh 1
Ba mẹ con bà Nga chụp ảnh tại Hà Nội gửi vào Nam cho ông Ba Duẩn

... Ông kể với tôi chuyện một nữ biên ủy của báo Hải Phòng kiến thiết, tờ báo ông về làm việc đầu những năm sáu mươi. Hồi đó Ban biên tập không riêng của Hải Phòng kiến thiết là tờ báo địa phương mà nhiều BBT của những tờ báo Trung ương nữa, có cái lệ bất thành văn là không khuyến khích thậm chí cấm các phóng viên viết văn nghệ.

Viết báo là viết báo. Không có chuyện thơ văn tiểu thuyết chi khác! Viết văn coi như hành động “ngoại tình” đáng lên án. Thực ra với những anh máu mê thơ ca truyện ngắn tiểu thuyết, cũng chả cấm họ được nhưng họ bị nhìn nhận bằng những ánh mắt thiếu thiện cảm?

Mà Bùi Ngọc Tấn khi đó còn trẻ lắm. Lại ham say việc viết lách. Trong cơ quan Bùi Ngọc Tấn thường ấm lòng bởi tìm được niềm an ủi ở một vài đồng nghiệp đặc biệt là thiện cảm của đồng chí nữ biên ủy, thủ trưởng của mình.

Người đó là chị Thụy Nga. Anh em trong cơ quan thường gọi thân thiết và kính trọng là bà Nga. Chị Thụy Nga quí Tấn, coi như em út. Ủy viên biên tập thời đó không nhiều lắm những người viết, thường biên tập chỉ đạo...

Nhưng chị Thụy Nga, nói như Tấn là người có tâm hồn văn nghệ. Nhiều bài bút ký của chị trên báo tươi mát và truyền cảm. Chị thường đưa  bản thảo loại đó cho Tấn đọc trước  nói là để góp ý.

Phụ trách tuyên truyền khối thương nghiệp, quen biết ngành này nhiều, chị thường hỏi Tấn có cần sổ ưu tiên mua hàng gì không thì để chị giúp. Mặc dù rất túng và muốn nhưng Tấn sợ phiền chị, không dám...

Hai vợ chồng Tấn khi ấy mới cưới chỉ có cái xe đạp công của báo Hải Phòng kiến thiết, hàng ngày Bùi Ngọc Tấn chở vợ đi làm rồi lại đạp xe đi đón, mỗi ngày bốn lần như vậy.

Lần nào hai vợ chồng Tấn cũng gặp chị Nga trên đường từ Văn phòng Thành ủy (chị và ba cháu nhỏ ở khu tập thể của Văn phòng Thành ủy) tới tòa soạn báo hoặc đi ngược lại.

Chị cười rất tươi chào vợ chồng Tấn khi Tấn đang gò lưng đèo vợ ngược chiều với chị trên đường Hồng Bàng. Một lần hai chị em ngồi với nhau, chị Nga nói với Tấn giọng thân tình trong một cái thở dài Các em hạnh phúc quá... Tấn ngạc nhiên hạnh phúc?

Hai vợ chồng chòm chõm trông vào đồng lương còm, tất tả bao thứ bì sao được với đời sống vợ đồng chí Bí thư Thứ nhất? Khi ấy Tấn hăng hái, vô tình và vô tâm nữa...

Cho mãi đến sau này, mãi khi đã bầm dập bao nhiêu thứ, Tấn mới biết nhưng là phong thanh chuyện riêng của chị Nga. Chừng như cái thở dài của chị Nga hồi nào đã lây sang nhà văn Bùi Ngọc Tấn bây giờ...

Thì ra khi ấy chị ao ước cuộc sống của một người bình thường, vợ chồng đèo nhau đi làm sớm tối có nhau. Cuộc sống ấy có những thi vị mà chính Tấn đâu có nhận thấy mà chỉ chăm chắm vào khía cạnh tất tả của nó!

Rồi một lần, tôi được ngồi với một người bạn của nhà thơ Hồng Thanh Quang. Đó là Lê Kiên Thành, cậu bé cất tiếng khóc chào đời ở Bệnh viện Việt Xô cái năm hai mẹ con có cuộc tập kết bằng đường biển vất vả nọ.

Rồi cậu theo mẹ khi đó mới tốt nghiệp Trường Đại học nhân dân Bắc Kinh về Hải Phòng công tác. Những đường phố đất Cảng và mảnh sân con trong khu tập thể  Văn phòng Thành ủy đã để lại cho ba chị em cậu biết bao kỷ niệm.

Những chuyện hái me trèo sấu và cả bao trò ngỗ nghịch khác khiến mẹ cậu khá phiền lòng. Sau này Lê Kiên Thành vô bộ đội, được chọn theo học trường Đại học Kỹ thuật không quân Xô viết mang tên Jukobsky rồi đỗ bằng kỹ sư chế tạo máy.

Rồi sau nữa lại sang Liên Xô  học tiếp để lấy bằng Phó tiến sĩ về vật lý hạt nhân ở Đupna. Bây giờ chững chạc ở vị thế một thương gia và chắc từ lâu, Lê Kiên Thành cũng đủ tự tin lẫn tỉnh táo xem xét nhìn nhận những điều mà trước đây còn bị mờ nhòe?

Trong câu chuyện với tôi hôm ấy, Thành nói ngày càng thấm hơn hiểu hơn những giọt nước mắt của mẹ. Giọt nước mắt những ngày Hải Phòng! Thành hay nghịch phá nhưng rất thương mẹ.

Thành thương nhưng hoang mang. Cái đầu óc bấy bớt hồi ấy khiến Thành hoang mang là phải! Bởi thương mẹ thương ba nhưng lần nào cũng vậy, những chủ nhật hiếm hoi, mà mỗi tháng mới có một hai chủ nhật như thế, ba từ Hà Nội xuống Hải Phòng thăm bốn mẹ con mà lần nào ba ghé, mẹ cũng khóc cả.

Khóc giấu ba chị em, nhưng Thành biết. Thường lần nào ba ghé cũng không chỉ có một mình… Mà không bữa cơm nào mẹ lại không khóc. Mỗi lần như thế Thành lại thấy người cha khuôn mặt rầu rĩ buồn hiu ra về.

Tội nghiệp em Trung, hồi ấy còn bé xíu,  từ bé ở với ba đã quen hơi, khi xuống Hải Phòng thường bắt mẹ đưa về Hà Nội thăm ba. Mỗi lần Trung đòi vậy và mỗi khi ba ghé rồi vội vội vàng vàng về, Trung lăn ra khóc đòi theo, mẹ lại trốn vào góc mà khóc mùi...

Một lần mẹ đi Hà Nội họp. Khi mẹ về, anh em Thành bộp chộp, háo hức hỏi mẹ rằng có gặp ba không? Ba có gởi quà cho tụi con không thì lần ấy, sau khi hỏi vậy Thành thấy mẹ khóc quá trời. Hình như mẹ đã khóc đâu đó rồi, trên Hà Nội, dọc đường đi chẳng hạn?

Hai mắt mẹ sưng húp... Chị em Thành không dám hỏi nữa. Mãi sau này (lại sau này) Thành mới biết lần lên Hà Nội họp ấy, mẹ đã khóc nhiều sau khi ghé thăm ba, thăm má cả, người ấy đã hỗn với mẹ như thế nào...

Thành nói cùng tôi rằng có lẽ đoạn kết của những giọt nước mắt mẹ, đoạn kết của những chuyện buồn ấy hình như là có hậu?

Sau hai năm ở Hải Phòng, những giọt nước mắt ấy đã kiệt hay tạm khô đi khi người mẹ ấy đã ghi vào nhật ký những dòng như thế này.

... Tôi nghĩ đã chín. Một lần gặp, tôi nói với anh:

- Hay là để em trở vào miền Nam chiến đấu. Tuy xa nhau nhưng chúng ta vẫn chung một sự nghiệp, coi như chúng ta vẫn gần nhau.

Anh suy nghĩ giờ lâu và đồng ý.

VII. Con tàu không số và gian nan miền Tây

Bà kể:

Lúc đầu, trên bố trí cho bà đi cùng với đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng tàu Trung Quốc cập cảng Sihanoukville. Khi làm thủ tục giấy tờ, bà giả làm vợ thuyền trưởng Trung Quốc.

Nhưng kế hoạch đó đã không thành do nhiều nguyên nhân. Chỉ có cách đi tàu không số. Cách này nguy hiểm nhưng đành phải mạo hiểm vậy thôi.

...

Trước khi đi, tôi về số 4 Bà Huyện Thanh Quan. Các con tôi lui tới chơi ít ngày. Đến bữa chuẩn bị đi, Văn phòng Trung ương tổ chức bữa cơm tiễn đưa.

Có mặt các chú theo anh Ba, các đồng chí Văn phòng Trung ương và anh Khai Phó ban tổ chức Trung ương. Độ 12 giờ cơm nước xong. Anh Ba nằm trên giường có con gái Vũ Anh ngồi bên.

Tôi thấy anh buồn quá. Tôi nói: “Thôi cuộc đời chúng mình đã như vậy rồi. Chúng mình lấy lý tưởng sự nghiệp làm chính, như vậy chúng ta vẫn gần nhau”.

Anh nằm nước mắt chảy dài. Anh nói: “Anh mong em phấn đấu trở thành anh hùng”. Thành và Trung còn nhỏ. Tôi chuẩn bị đi không cho chúng nó biết. Hai anh em nó dắt tay nhau đến nhà tôi đang ở là Bà Huyện Thanh Quan thay nhau dòm qua cái lỗ khóa nói với nhau “Thử coi mẹ mình còn ở đây không?”.

Ai cản cũng không được. Tôi đứng khuất một mé bên trong biết thằng út đang sốt 39 độ, tôi thương con đứt ruột mà không dám mở cửa. Nếu cửa mở òa ra khó bề mà tôi đi nổi!

... Khi xe đến đón, tôi cúi xuống hôn anh và Vũ Anh. Hai tay con gái run bần bật trong tay tôi. Trời ơi chắc nó có biết bao điều cần nói với mẹ nhưng không kịp. 

Thấy anh nằm nhắm mắt tự kiềm chế nhưng nước mắt cứ giàn ra. Tôi dặn anh Khai: “Khi nào anh Ba về thì anh hãy về. Đừng để anh ấy một mình...”.

Anh Khai ôm tôi hôn và anh cũng khóc. Bỏ 3 đứa con lại ra đi, tôi như cầm dao cắt rời 3 khúc ruột của mình.

Chuyến tàu không số ấy đi cùng bà còn có 4 đại tá quân đội và nhiều tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Lịch trình là 7 ngày. Nhưng lệnh Trung ương là nếu Hạm đội 7 chặn đường thì phải quay lại. Đã 3 lần Trung ương gọi lại. Nhưng may chỉ phải dừng ở Hải Nam đảo của Trung Quốc.

Có lần đụng máy bay và tàu địch anh em thủy thủ khôn khéo dùng cờ dùng tín hiệu qua được. Có lần họ hối bà xem có tài liệu thư từ  hình ảnh gì giao cho họ để thủ tiêu khi cần. Nhưng may thoát được cả.

Bà biết mình đang ngồi trên một khối thuốc nổ đủ sức xé con tàu ra từng mảnh nhỏ nếu chẳng may có bề gì... Nhưng ngọn hải đăng Hòn Khoai đã chớp phía kia. Anh em lấy đó làm chuẩn cho tàu vào bến.

Theo ám hiệu anh em đáp đèn pin lại. May mắn con tàu không số đã cập bến an toàn.

Hai ngày tàu nằm tạm nghỉ ở bến. Anh em bảo bà có viết thư gì để đem ra Bắc. Viết gì đây cho chồng cho con cho kịp cho đủ đây?

Cuối cùng bà cũng ghi ít lời mà như bà cho hay rằng chỉ mấy lời tâm sự  ngắn ngủi của một người mẹ xa con một người vợ xa chồng...

Nhưng có hai bài thơ gởi kèm. Một bài bà họa lại bài thơ của chồng đọc trong ngày cưới. Và một bài tứ tuyệt. Được phép của bà, xin ghi ra đây bài thơ tứ tuyệt:

Trót đã yêu nhau trót dãi dầu
Vì đâu duyên nợ? Bởi vì đâu?
Trăm năm gìn giữ ân tình cũ
Một kiếp thôi đành hẹn kiếp sau!

Viết đến đây, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi, người phụ nữ đất nước mình, những người vợ, người mẹ xứ mình, trước thì khỏi nói, nhưng sau này có bao người phải làm thơ, làm được thơ trong khung cảnh éo le lẫn trớ trêu như của bà?

Trong câu chuyện bà cũng nói thêm, khi anh em hải quân mang trực tiếp thư ra, Anh Ba đã bóc và đọc ngay trước mặt anh em. Họ cũng trực tiếp chứng kiến nước mắt ông rớt xuống thư và thơ ấy...

Cũng từ thời điểm này, bà mang một cái tên mật khác là Bảy Vân. Cái tên Bảy Vân ấy theo bà đến tận bây giờ...

Bà được phân công về địa bàn miền Tây. Kể sao xiết gian khổ, hiểm nguy của những ngày gian nan ấy. Có lần địch đổ quân trúng cơ quan, khi đó bà bị kẹt vì khớp gối bà có gai sưng tấy không đi nổi.

Bà cùng mấy anh em bám trụ lại hầm bí mật. Có hôm bà tận mắt nhìn thấy tụi lính ngụy ăn cơm ngay trước mắt... Có lần về sáng, mải mê cho một câu kết trong bài báo, bà bị B.52 thổi văng khỏi hầm may mà thoát chết.

Khu ủy cử bà làm Phó ban biên tập báo Giải phóng miền Tây sau đó làm Phó ban Tuyên huấn Khu. Rồi sau này đầu những năm bảy mươi làm Phó ban Phụ vận Khu và Khu ủy viên.

Như thời gian ở Trung Quốc, những lá thư của chồng gởi vô là niềm động viên bà rất lớn. Và không chỉ có bà. Khi những lá thư ấy đến được tay chủ nhân, tới được tay người nhận thì đã nhàu nát vì qua tay không ít người đọc.

Bà chẳng hề phiền lòng vì bí mật thơ tín này khác bởi trong những lá thư ấy, một phần nhỏ là tình cảm, còn phần nhiều là công việc chung.

Như việc anh Ba phân tách cần tấn công để làm chủ, làm chủ để tấn công ra sao, những đặc thù của cách mạng miền Tây vv... và vv... Biết bao tấm gương đánh giặc hy sinh của phụ nữ miền Tây, khiến bà cảm phục vô kể.

Bà gặp gỡ chuyện trò với họ. Bà trực tiếp viết các tấm gương điển hình, viết xã luận và nhiều mục khác trên tờ Giải phóng miền Tây. Lăn lộn với công việc, sống giữa những tấm gương hy sinh cao đẹp của đồng chí đồng bào, những u uất trầm cảm trước kia dường như nguôi ngoai tan biến...

Em cố gắng phấn đấu thành anh hùng! Nhớ lời chồng dặn nhưng bà thấy mình sao so được với những tấm gương tuyệt vời quanh mình. Bà viết thư cho Anh Ba như vậy...

Khu ủy không dám để bà đi công tác xa sợ địch bắt. Các anh dặn bà tụi nó dám đổi cả tiểu đoàn để lấy chị đó! Thời gian đầu bà ngạc nhiên, không hiểu sao địch biết được bà đang có mặt ở Khu 9, một địa bàn ác liệt này.

Nhưng khi nghe anh chị em về nói lại hình bà chúng giăng khắp nơi! Nhiều cỡ hình chụp bà trong những thời kỳ khác nhau lèn trong khung cao chừng 1,5m, rộng 1,2m.

Nguy hiểm thật nhưng bà nghĩ làm báo mà chỉ ngồi nghe chuyện không chi bằng thực tế. Mà đi thực tế thì rất nguy hiểm. Nhưng bà kiên quyết xin đi hợp pháp.

Đề nghị riết rồi các anh trên Khu cũng ưng thuận. Nhiều bận bà đi với cơ sở trót lọt kiểu đi vào tận vùng địch kiểm soát nguy hiểm như thế. Một lần bà cùng cơ sở xuống Bắc Cần Thơ.

Trên bờ bà loáng thoáng nhìn thấy những bức hình của chính mình giăng bự tổ chảng với dòng chữ bên trên lẫn bên dưới ... Tên thật  Nguyễn Thụy Nga. Tên mới: Nguyễn Thị Vân. Vợ của lãnh tụ số I Cộng sản Bắc Việt về nằm vùng. Ai bắt được hoặc chỉ chỗ thì thưởng... Bà không dám đọc và nhớ hết những dòng trên bức hình.

Xuống phà Cần Thơ. Bà rụng rời đổ đốt khi phát hiện ra đứng không xa mình bao nhiêu là thằng Sáu Khẩn mang kiếng đen ngồi trên xe thứ 2. Với thằng này cực kỳ nguy hiểm vì nó quá rành bà từ hồi còn kháng chiến chống Pháp sau này lại cùng hoạt động miền Tây với bà.

Sáu Khẩn từng là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban An ninh tỉnh Cần Thơ. Sáu Khẩn đầu hàng địch sau Mậu Thân. Nước đổ nên chiếc phà chạy chậm rì. 

Bà đứng quay mặt ra sông, kéo nón lá lên che bớt đầu và lưng mồ hôi ra như tắm! May mắn chiếc phà cũng cập bến và bà thoát.

Nhân vật phản phúc nguy hiểm này đã từng đánh tan tác cơ sở và bắt khá nhiều cán bộ của ta. Ngày 14/10/1974 đã bị đặc công ta xử tội.

Những gian nan hiểm nguy đó đâu có vợi bớt nỗi nhớ con! Bà từng ghi trong nhật ký rằng, nếu bây giờ được gặp Anh Ba và sắp nhỏ hay gặp mỗi thằng Thành chỉ một chốc thôi thì bà cũng có dư sức để chiến đấu thêm 10 năm nữa!

(Còn nữa)
Ghi chép của Xuân Ba

Kỳ I: Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Kỳ II: Tập kết - Nỗi ngày Bắc đêm Nam và Không có gì cũ hơn gia đình. Và cũng không gì mới hơn gia đình

Kỳ III: “Vợ chồng cô chú phải như chim liền cánh cây liền cành”

MỚI - NÓNG
Trào dâng niềm tự hào, xúc động tại Lễ Thượng cờ Tiền Phong Marathon 2024
Trào dâng niềm tự hào, xúc động tại Lễ Thượng cờ Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Sáng 30/3, Lễ Thượng cờ Tổ quốc - nghi thức thiêng liêng, trang trọng và giàu cảm xúc - sự kiện đặc biệt quan trọng của Giải Vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) đã diễn ra tại Bãi Môn - Mũi Điện, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
TPHCM 24/7: Tin sốc vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy; Khuyến cáo người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe
TPHCM 24/7: Tin sốc vụ 4 tiếp viên hàng không xách ma túy; Khuyến cáo người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe
TPO - Tăng chuyến bay tại Tân Sơn Nhất dịp 30/4-1/5; Người vi phạm nồng độ cồn bỏ xe vì không có tiền đóng phạt; Chặt hạ, di chuyển hơn 200 cây xanh để thi công nút giao An Phú; Vụ nữ tiếp viên hàng không vận chuyển ma túy: Số tiền giao dịch hơn 25.000 tỷ; Hóa đơn tiền điện trong tháng 3 sẽ tăng mạnh... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.