Cô bé viết bằng chân và ước mơ làm giám đốc

Cô bé viết bằng chân và ước mơ làm giám đốc
TP - Nguyễn Thị Thu không có đôi cánh tay từ ngày lọt lòng mẹ, đôi chân bị “so le” queo quắp tưởng chừng mãi mãi sẽ không nhấc nổi một bước đi.
Cô bé viết bằng chân và ước mơ làm giám đốc ảnh 1
Thu đang dùng chân làm bài tập tại lớp học

Ngày em chào đời, “bà mụ vườn” phải đưa hình hài dị dạng ấy lánh mặt vì sợ người mẹ không chịu đựng nổi khi nhìn thấy con mình.

Nhưng với nghị lực đáng nể phục, Thu đã là học sinh giỏi lớp 4 và có thể làm được mọi việc như bao người bình thường khác.

“Bà mụ vườn” ngày xưa đỡ sinh linh bé bỏng ấy chào đời giờ đã già nhưng vẫn còn nhớ  câu chuyện cô bé tật nguyền không có 2 cánh tay, 2 chân queo quắp cách đây gần 10 năm.

Cô bé tật nguyền ấy là Nguyễn Thị Thu - bây giờ  đang là học sinh giỏi lớp 4 của trường tiểu học Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. “Ngày ấy nhìn thấy con bé đỏ hỏn, hai cánh tay cụt đến nách, tôi đã khóc rất nhiều pha lẫn khiếp sợ.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ tôi chứng kiến một sinh linh bé bỏng tội nghiệp đến như vậy” – Bà đỡ của Thu kể lại. Và rồi như hiểu được nỗi đau của những người làm mẹ, “bà mụ vườn” đã quấn tã đưa Thu cho người bố để lánh xa người mẹ hơn 10 ngày vì sợ “người mẹ sẽ không đủ can đảm nhìn thấy mặt con”.

Chân ướt chân ráo từ Thái Bình vào Bình Dương lập nghiệp, anh Oai gặp chị Lại Thị Liên là đồng hương. Họ gặp nhau sau những ngày cùng chung cày thuê cuốc mướn trên khu đất chiến khu D ngày xưa và rồi nên vợ thành chồng.

Sống nơi đất khách quê người, 2 vợ chồng ngày ngày đi làm thuê mà vẫn túng thiếu mọi bề. Năm 1993 họ đã có với nhau 2 mặt con, nhưng cứ ao ước có được một mụn con trai. Thế nhưng khát khao ấy đã biến thành nỗi bất hạnh.

“Năm 1998, bé Thu chào đời nhưng “bà mụ vườn” đã không cho tôi nhìn mặt con. Họ sợ tôi sẽ không sống được khi thấy đứa con ao ước của mình không có 2 cánh tay và đôi chân dị tật. Mãi đến hơn 10 ngày sau tôi mới được nhìn thấy con mình. Khi ấy tôi đã ngất đi. Thương con quặn lòng”.

Thu càng lớn lên càng ốm yếu, không đi được và đến năm 4 tuổi em nặng chưa được 10kg. “Cứ tưởng từ đó và cho đến mãi sau, Thu sẽ không bao giờ đi được, sẽ không bao giờ biết đến trường học, thầy cô…”- Chị Liên buồn bã nói.

“Cho nên người ta xúi tôi đem bé Thu đi cho người khác vì sợ miệng lưỡi người đời. Nếu không thì gửi cho ai đó nuôi giùm đến lớn thì đem về vì bé Thu là một điềm gở chẳng lành. Hai vợ chồng tôi đau khổ lắm. Dù sao đó cũng là giọt máu của mình, sao ai lại nỡ đem cho. Tôi quyết nuôi nấng chăm sóc chu đáo cho cháu hơn cả 2 chị của nó”.

“Nguyễn Ngọc Ký” ở xóm Bưng

Cô bé viết bằng chân và ước mơ làm giám đốc ảnh 2
Chị Liên: “bé Thu thích có đôi tay nên khi chụp hình nhờ bác “phó nháy” gắn thêm đôi tay”

Vậy mà giờ đây, trên con đường cái Xóm Bưng ở ấp 7, xã Tân Long, huyện Phú Giáo, Nguyễn Thị Thu thoăn thoắt đi học về. “Hôm nay bố mẹ bận ra đồng sớm không đưa đón em được nên em phải vượt hơn một cây số đường sỏi đá để đi và về” - Thu nói.

Nhà của Thu trong Xóm Bưng - lọt thỏm giữa bạt ngàn cao su - nơi cách đây 10 năm Thu đã chào đời trong nỗi buồn và khiếp sợ của mọi người. Giờ đây, bố mẹ em đều tự hào nói rằng Thu là “báu vật”, là “niềm tin” cho cả gia đình.

Chị Liên kể, ngày Thu còn bé, mỗi khi chị ôm con vào lòng, cô bé cứ nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Mỗi lần như vậy chị vuốt tóc con rồi an ủi: “Con không có tay làm sao viết được. Để mẹ nhờ 2 chị dạy ở nhà”.

“Con sẽ viết bằng chân” – Thu dứt khoát. Lúc ấy, chị Liên có cảm giác như con mình già hơn hàng chục tuổi. Và rồi em đã làm mọi người giật mình bằng khả năng phi thường và kiên nhẫn của mình.

Ban đầu, khi mới đến trường, em lấy ngón chân cái và ngón kế kẹp chặt cây viết và cứ thế tập luyện chữ. Những đường nét ngoằn ngoèo đầu tiên hiện ra đã khiến anh chị Liên vui sướng đến rơi nước mắt. Trang giấy trắng đã trở thành đen nhẻm với nhiều đất, nhăn nheo vì chân người.

Vậy mà đôi chân nhỏ bé dị tật vẫn dùng 2 ngón kẹp viết và luyện từ ngày sang đêm. Thu kể nhiều lần do tập viết quá lâu, hai ngón chân mỏi nhừ, có khi cây viết rơi ra. Cũng có khi em bị chuột rút, ngã lăn ra.

Nhưng Thu không nản, em ngồi dậy dùng chân lượm cây viết lên và tiếp tục luyện chữ. Ngày qua ngày, sự miệt mài của em đã được đền bù, những con chữ đã bắt đầu thành hình, tuy không đẹp nhưng đọc được. Đến cuối năm lớp 1, chữ Thu viết bằng chân đẹp lên hơn cả chữ viết của một số bạn dùng tay để viết.

Cho đến khi lên lớp 2 bé Thu được nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để em học kịp với các bạn trong lớp. Người hàng xóm là một thợ mộc tốt bụng, thấy hoàn cảnh của em nên đóng cho em một bộ bàn ghế đặc biệt để ngồi học.

Hai năm trôi qua, chiếc bàn đã quá nhỏ so với Thu bây giờ. Bàn chân của em giờ đã có thể làm được hầu hết mọi việc gần như đôi tay của người bình thường.

Em có thể quét nhà, dọn dẹp nhà cửa phụ bố mẹ, thậm chí Thu có thể dùng đôi chân của mình để cắt đồ cho em bé (sinh sau em) và may vá, thêu thùa thủ công. Em còn tự chải đầu, tự đánh răng vào mỗi buổi sáng mà không cần mẹ giúp như những ngày đầu.

“Diễn viên nhí” và ước mơ làm giám đốc

Trong căn phòng rộng chừng  40m2 của lớp học 4A/4 trường Tiểu học Tân Long ở ấp 7 (Phú Giáo, Bình Dương), cô bé tật nguyền Nguyễn Thị Thu vẫn đang thoăn thoắt viết những dòng chữ bằng chân.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương- phụ trách Đội của trường tiểu học Tân Long nói rằng, bây giờ đôi chân của Thu đã trở nên điêu luyện rồi, viết chữ thoăn thoắt và làm được nhiều công việc khác mà không cần có người giúp đỡ.

Cô Hương, người rất gần gũi với Thu, cho biết Thu là “diễn viên nhí” đã từng đoạt giải nhất cấp tỉnh về Hội thi văn nghệ cấp tiểu học. “Năm 2005 khi trường muốn xây dựng một vở kịch nói về vở sạch chữ đẹp để đưa đi hội thi cấp huyện, nhưng chọn kịch bản không được.

Cuối cùng mình chọn kịch bản nói về em Thu” - Cô Hương kể. Thuyết phục mãi bé Thu mới đồng ý trở thành một diễn viên của vở kịch.

Hơn 2 tuần ròng rã cô trò vật lộn với từng cảnh với kịch bản cuối cùng cũng thành công. Nội dung của vở kịch nói về một cậu bé gia đình khá giả nhưng thích chơi hơn học, không ai có thể khuyên răn. Thấy vậy, một người bạn dẫn cậu ta đến nhà một cô bé tật nguyền, không có hai cánh tay  và dùng chân để viết, để học.

Cậu bé ham chơi ấy mới vỡ lẽ và nghĩ rằng, mình đã quá may mắn hơn so với cô bé tật nguyền kia và từ đó chú tâm vào  học. Bé Nguyễn Thị Thu vào vai cô bé nhà nghèo học giỏi hát hay. Vở kịch được sự tán thưởng nhiệt tình của những người có mặt, cuối cùng đoạt giải nhất của tỉnh.

Vậy nhưng theo chị Liên, “diễn viên nhí” này vẫn khát khao sau này lớn lên trở thành một nữ giám đốc.

Nhiều đêm ngủ với mẹ, bé Thu hỏi: Phụ nữ có làm được giám đốc không hả mẹ, rồi nói con sẽ học thật giỏi để sau này lớn lên làm giám đốc, có cuộc sống sung túc hơn ba mẹ bây giờ và giúp ích nhiều cho xã hội.

MỚI - NÓNG