Cô gái Ý ở thung lũng thần linh

Cô gái Ý ở thung lũng thần linh
TP - Đằng đẵng 7 năm trời miệt mài nghiên cứu trùng tu đền tháp Mỹ Sơn, trầm tích ngàn năm của vương quốc Champa huy hoàng một thủa, KTS Mara Landoni quên cả tuổi thanh xuân, quên chuyện gia đình, dồn tâm trí cho một tình yêu kỳ lạ: tình yêu di sản

Viết lại chuyện ngàn năm
> Dùng thảo mộc phục hồi tháp Mỹ Sơn

Quên… lấy chồng vì tháp cổ

Mỹ Sơn ngàn năm, trải qua bao thăng trầm dâu bể vẫn sừng sững những ngọn tháp uy nghiêm, như thách thức thời gian, thách thức tất thảy khám phá của người đời. Sự cuốn hút bí ẩn đến tận hôm nay, vẫn chưa ai đủ can đảm đưa ra câu trả lời cho quá khứ.

Chiều nắng hắt xuống thung lũng thần linh càng làm cho khung cảnh thần bí liêu trai, Mara Landoni ngồi bệt xuống phiến đá cạnh tháp G1, quần áo lấm lem bụi gạch, xoa tay thông báo kết quả khả quan của giai đoạn 1 trùng tu tháp nhóm tháp G, cụ thể là G1. Những giọt mồ lấm tấm trên khuôn mặt nom già trước cái tuổi 35 khiến tôi thắc mắc, Mara chắc đã gia đình yên ấm, sao đằng đẵng 7 năm trời đi lại như thoi giữa Italia và Việt Nam, mà trong đó đa phần thời gian dành cho Mỹ Sơn ? Mara cười: Mình chưa có gia đình, đơn giản là không có thời gian cho chuyện chồng con, một phần duyên số, một phần mình dành hết tình yêu cho di sản Mỹ Sơn.

Năm 1995, cô gái đến từ thành phố Vergiate (cách Milan khoảng 45km phía Tây Bắc) vào làm ở viện nghiên cứu Lerici (Milan) và bắt đầu bén duyên với di sản. Năm 2002, một lần tình cờ đọc được tài liệu về tháp Chăm Mỹ Sơn, Mara Landoni quyết định xin được làm cho dự án trùng tu tháp Chăm Mỹ Sơn do UNESCO khởi xướng. Phải mất 2 năm nghiên cứu, đến 2004, Mara mới sang Việt Nam và gắn bó với Mỹ Sơn đến tận bây giờ. “Khi đặt chân vào thung lũng di sản này, tôi như chết lặng bởi không khí thâm nghiêm u tịch bao phủ. Miết tay vào những phiến đá, những viên gạch đã ngả màu rong rêu, cảm thấy như tiếng vọng của ngàn năm vẫn còn âm hưởng đâu đây. Rồi đến khu tháp G, lòng tôi quặn thắt, chẳng lẽ dấu xưa giờ phải chịu thảm cảnh thế này” - Mara tâm sự.

Hồi đó, tháp G1 chỉ là những bức tường gạch đã đổ sụp, được giới hạn bởi cỏ cây. Ngay cả người đàn ông Ba Lan sống chết với Mỹ Sơn là KTS Kazik (Karzimer Kawiatkowsky) với riêng ngọn tháp này cũng chỉ dừng ngang công việc dọn dẹp phong quang, chứ chưa nghĩ đến việc phục dựng nó như thế nào. Kể từ giây phút đặt chân đến Mỹ Sơn, Mara Landoni đã quyết định, tuổi trẻ của cô sẽ dành cho nơi này. Và cho đến nay, sau 7 năm trời, tình yêu đó vẫn không hề thay đổi.

KTS Mara Landoni hiện là trưởng nhóm kỹ thuật phục dựng khu tháp G, và thỉnh thoảng, cô cũng tham gia công việc bảo tồn, phục dựng Wat Fou ở Lào. “Có thể sang năm, cũng có thể nhiều năm nữa tôi không còn ở Mỹ Sơn, nhưng với tôi, Việt Nam và Mỹ Sơn đã là quê hương thứ hai, tôi sẽ không bao giờ quên”. Rồi Mara mỉm cười: biết đâu tính chất công việc dự án sẽ kéo dài, và có thể, tôi sẽ sống hết đời ở đất nước các bạn, nguyện chết vì Mỹ Sơn. Nụ cười mỉm được thay thế bằng ánh mắt vui vẻ và rực lửa đam mê: Có lẽ, đến lúc đó tôi sẽ phải nhờ anh giới thiệu cho tôi một chàng trai Việt Nam.

Và đây là gạch mới kết dính vững chắc ở tháp G1
Và đây là gạch mới kết dính vững chắc ở tháp G1.

Mỹ Sơn - câu đố ngàn năm không lời giải

Sự nghiệp của KTS Kazik còn dở dang, để lại câu hỏi lớn cho đời sau tiếp tục kiếm tìm đáp án. Nhiều lần nói chuyện với ông Nguyễn Công Hường - Trưởng BQL khu di tích Mỹ Sơn, tôi thường mang câu hỏi từ xa xưa chất vấn người quản gia đền tháp đã gần 20 năm sống chết với Mỹ Sơn. Lần nào cũng vậy, câu trả lời của ông Hường vẫn là: Chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác nhất về tháp Chăm, về nguyên liệu gạch và sự kết dính của gạch Chăm đó là gì. Có kẻ bảo người Chăm sắp gạch, tạc hình trên từng viên gạch thành đền tháp rồi mới chất rơm đốt, giống như lò ngói ngày nay. Người lại lắc đầu không phải và cho rằng, người Chăm cổ có cách nung gạch, xây tháp cao siêu.

Theo ông Hường: Với Mỹ Sơn bí ẩn, mấy chục năm nay, hễ bất cứ ai bắt tay nghiên cứu, đụng vào Mỹ Sơn nói riêng và văn hoá Chăm, tháp Chăm nói chung là cứ như húc đầu vào đá, dội ra ngay. Người quyết tâm và có niềm đam mê thì như lạc vào ma trận không biết lối ra. Trong bóng tối u tịch, dưới đền đài thâm nghiêm của thánh thần, ông Hường lẩm bẩm: “Người Chăm cổ phải là kiến trúc sư hạng nhất, bằng này bằng nọ gì không? Có lẽ không, họ chắc chắn chỉ là những người lao động, không uyên bác cao siêu gì. Vậy tại sao những chất họ làm ra, những cách mà họ dựng lên đền tháp lại khiến chúng ta sau này như u mê vậy”. Có thể nói, Mỹ Sơn giờ đây là độc nhất vô nhị, là nơi tái hiện đầy đủ nhất, chân thực nhất về ký ức xa xưa của người Chăm, một ký ức vàng son về một nền văn hoá mà cho tới nay, dường như đó vẫn là một cái ngưỡng mà khó có thể chạm tới. Dù nhân loại đang bước vào thế kỷ 21, thế kỷ mà người ta có thể tìm được sự sống ngoài Trái Đất, thế kỷ mà có thể cho phép chúng ta giao lưu với người ngoài hành tinh.

Và mơ ước của Mara Landoni

Trò chuyện với tôi, Mara không nhắc nhiều đến thành công, chỉ kể lại câu chuyện về tháp nghiêng Pisa, rằng mấy năm trời dằng dặc, để cứu ngọn tháp kỳ quan thế giới khỏi đổ sụp bởi nó đã quá nghiêng, cô cùng đồng nghiệp chỉ làm một việc duy nhất là cần mẫn lau phân chim, bụi bặm đã bám lấy tháp nghiêng trong hàng thế kỷ qua. Thời gian để lau bụi, phân chim là 8 năm.

Mara Landoni diễn giải: Đối với nhóm tháp Chăm chưa sụp đổ này, nguyên tắc làm việc bất di bất dịch của chúng tôi là tránh đụng vào nó càng nhiều càng tốt. Đó là sự uy nghiêm, là cái gốc tích của người Chăm xưa còn giữ lại. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khu tường bao và nhóm tháp G3 + G5. Công việc chủ yếu là tìm ra được kỹ thuật xây dựng, vật liệu gốc và chất kết dính của gạch Chăm như thế nào.

Trong hành trình bắt tay vào khảo cổ và phục dựng tháp G1, Mara cùng đồng nghiệp qua phân tích mẫu gạch, chất kết dính ở Đại học Milan, đã phát hiện ra mẫu chất Lamar có nhiều giữa hai viên gạch Chăm cổ. Và công thức hóa học đó cũng được tìm thấy nhiều trong nhựa dầu rái – một loại tinh dầu được chiết xuất từ cây dầu rái ở vùng núi Quảng Nam. “Chúng tôi đã thử phục dựng tháp Chăm trên màn hình 3D, trong phòng thì nghiệm với chất dầu rái. Kết quả rất khả quan. Và thật tuyệt vời hơn khi đưa ra ứng dụng tại tháp Mỹ Sơn. Nó gần như là chính xác với loại chất kết dính gạch của người Chăm cổ” - Mara Landoni hồ hởi. Thực tế thì cô gái đến từ nước Italia không quên thòng thêm một đại ý, rằng đó mới chỉ là kết quả ban đầu, rằng chất kết dính hay loại gạch mà nhóm chuyên gia của ĐH Milan tìm ra và khôi phục cũng chỉ là loại tương thích. Không thể ngày một ngày hai trả lời ngay được.

Tôi hỏi thẳng: Tháp Chăm Mỹ Sơn đã là câu chuyện của ngàn năm và mãi đến tận hôm nay vẫn chưa giải mã. Vậy thì nhóm tháp được các chuyên gia người Ý phục dựng, hy vọng tồn tại sẽ là bao lâu ? Cả Mara Landoni và bà Katherine Mulller Marin, trưởng đại diện UNESCO Hà Nội, cùng mơ ước: Hy vọng sẽ là mãi mãi. “Người xưa làm được, không lý gì chúng ta hôm nay khoanh tay đứng nhìn. Dẫu biết rằng đó là cả một chuyện dài đằng đẵng, nhưng khi chúng ta có thời gian, có tiền và có trí tuệ. Chúng ta sẽ làm được. Tôi ước ao thế” – Mara Landoni quả quyết.

Cô gái Ý ở thung lũng thần linh ảnh 2
Năm 2003, UNESCO cùng tỉnh Quảng Nam đã triển khai dự án trùng tu tháp nhóm tháp G ở Mỹ Sơn, nhằm cứu vãn những gì có thể trước khi thiên nhiên xoá sổ kỳ quan của con người Đã đụng đến nghiên cứu Mỹ Sơn tức là khảo cổ học rồi mới có thể tính đến câu chuyện phục dựng, nên lần này, UNESCO, Viện Bảo tồn di tích Việt Nam, tỉnh Quảng Nam cùng các Ban ngành có liên quan mời hẳn nhóm chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Lerici ở Đại học Bách khoa thành phố Milan sang đảm trách - Ông Đinh Hài - GĐ Sở VH - TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.