Cô giáo dạy Văn và bệnh nhân đặc biệt

Cô giáo dạy Văn và bệnh nhân đặc biệt
TP - Như Tiền phong đã thông tin cách đây gần 10 năm, cô giáo dạy Văn Lê Thị Lam Hà ở trường PTTH Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) đang sống những tháng ngày tươi đẹp, thì phát hiện mình bị bệnh thận giai đoạn 4 khiến chị phải “chung thân” với máy chạy thận.

Nhưng chính những năm tháng “ngụp lặn” trong tận cùng của nỗi đau ấy, Lam Hà đã tìm thấy một “cuộc sống kỳ diệu” mà chị đã viết trong cuốn tự truyện cùng tên! Thể theo yêu cầu độc giả, Tiền phong xin trích đăng một phần nội dung của cuốn tự truyện kể trên.

Cô giáo dạy Văn và bệnh nhân đặc biệt ảnh 1
Lam Hà kể lại quãng đời sóng gió…

Ước mơ tan vỡ

Sinh ra trong một gia đình rất coi trọng chuyện học hành, cha mẹ đều là giáo viên đã định hướng cho các con từ rất sớm. Anh chị tôi đã thực hiện tốt mong muốn của cha mẹ: Chị gái đầu được đi học ở Liên Xô sáu năm, anh thứ hai là một trong ba học sinh của trường THPT Thanh Chương I, đậu Đại học Tổng hợp ngay trong năm đầu tiên thi.

Tôi được sống trong không khí học hành từ nhỏ. Bởi vậy, tôi ôm ấp nhiều ước mơ về sau... Hàng ngày tôi được cha mẹ kể cho nghe nhiều câu chuyện của đời dạy học và ông bà đã định hướng cho tôi thi vào sư phạm. Tôi đã có giấy gọi của Đại học Tổng hợp nhưng cuối cùng đã chọn học Sư phạm Vinh, theo gợi ý của cha mẹ vì: Gần nhà, không phải xa cha mẹ đi trọ học.

Lúc thi và đậu tôi cũng chưa ý thức rõ lắm về nghề nghiệp (dù tôi đã biết khá nhiều chuyện do cha mẹ kể) nhưng với thời gian tôi thấy gần gũi và yêu thích hơn.

Tôi muốn trở thành một giáo viên tốt và nhất là rất yêu thích công tác chủ nhiệm, một nhiệm vụ mà không phải giáo viên nào cũng thích. Mẹ tôi từng là giáo viên chủ nhiệm giỏi, có nhiều kinh nghiệm và tôi chịu ảnh hưởng chăng? Nên tôi đã bộc lộ thiên hướng này rất sớm.

Khi thực tập sư phạm, thầy hướng dẫn đã phê vào phiếu của tôi: Khả năng giáo dục cá biệt tốt. Và có thể còn sớm hơn nữa, từ thời thiếu niên tôi luôn “lãnh đạo” một lô một lốc trẻ con của khu tập thể.

Tôi chỉ chủ nhiệm có mấy khóa học sinh ở THPT Lê Viết Thuật và tự thấy rằng, mình cũng có một số thành tích nhất định, tuy có lúc tôi còn hay bao biện, làm hộ nhiều chuyện mà đáng lẽ phải phát huy tính sáng tạo của học sinh hơn. Sau mấy năm hoạt động Đoàn tích cực, tôi được cử đi học đối tượng Đảng và có bài thu hoạch xuất sắc. Về chuyên môn cũng không ai chê trách tôi điều gì. Tôi biết mình có nhiều học sinh yêu mến.

Ước mơ của tôi đã nhìn thấy rất gần, đã có cơ sở vững chắc để đi lên. Vậy mà căn bệnh quái ác đã cướp đi của tôi tất cả.

Hôm ở bệnh viện về, soạn lại tủ sách thấy tập tài liệu mà mình đã sưu tầm định viết Sáng kiến kinh nghiệm (về lý luận, về điều tra qua học sinh) và một bộ hồ sơ thi cao học, tự nhiên nước mắt cứ chảy ra. Vậy là hết, tiếc làm sao những tháng năm đẹp đẽ, tiếc công cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn.

Ngày mới ở bệnh viện về tôi không ngủ được, thường nằm nhìn ra ngoài cửa sổ, đêm tối nhưng ngoài cửa bao giờ cũng sáng: Sáng trăng, sáng sao và sáng ánh đèn của thành phố. Nằm nhìn và nghĩ ngợi.

Tôi thấy có một luồng ánh sáng chói lòa bao phủ căn phòng, tôi tràn ngập trong luồng hào quang ấy và khi nó tan cũng là lúc bao bệnh tật bay hết. Tôi tưởng tượng ở một nơi xa xôi nào đó có một sức mạnh diệu kỳ chữa được căn bệnh suy thận mãn, chỉ có điều mình chưa gặp mà thôi.

Đôi lúc tôi thấy người ta gửi cho một món quà - hộp thuốc có thể uống khỏi bệnh. Tôi không dùng hết có thể dành cho người khác. Tôi sẽ dành cho ai, nghĩ tới điều này tôi vui như được chắp cánh.

Tôi sẽ cho Thư, một người tốt, ngoan, nhiều mơ ước. Em rất muốn lập gia đình và có con. Cho chị Thế, người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi một mái nhà riêng; cho ông Trực để ông khỏi hồn vía lên mây, tụt huyết áp mỗi khi chọc kim... và cho nhiều người nữa mà tôi yêu mến, gắn bó với tôi trong những năm tháng chạy thận - những bệnh nhân khổ sở đến cùng cực. Nhưng...

Tôi chỉ là người mơ ước thôi/ Là người mơ ước hão than ôi/ Bình minh chói lói đâu đâu ấy/ Còn ở trong tôi bóng tối hoài.

Tôi không bao giờ có tiền trong túi nên hay nghĩ: Nếu có một món tiền tôi sẽ mua gì? Sẽ mua cho chồng tôi một cái đồng hồ. Anh cũng có một cái nhưng dùng lâu đã hỏng, có đồng hồ nhưng chạy không chính xác.

Bao năm tôi thấy anh vẫn chỉ có một cái áo khoác mỏng đã cũ. Vậy mà không khi nào tôi thấy anh để ý đến điều đó. Hoặc là có nghĩ mà không để tôi biết.

Mua cho con gái tôi chiếc xe đạp ba bánh cháu rất thích, phải sang bạn hàng xóm để đi nhờ.

Còn chiếc ti vi của mẹ tôi thì cứ nháy lên, nháy xuống rất khó xem, đôi khi còn mất cả chương trình. Nó đã được mua từ hồi tôi còn học đại học, khá lâu rồi. Có thể đã phải thay.

…Dù là những món đồ không phải là quá nhiều tiền nhưng chúng tôi bây giờ rất khó khăn. Tất cả phải ưu tiên cho chữa bệnh. Hàng tháng ngoài những thứ được hưởng của bệnh viện tôi phải mua thêm khá nhiều loại thuốc khác, vả lại còn phải dành một ít để đề phòng, phải đi hồi sức cấp cứu bất thình lình.

Hôm vừa rồi một học sinh của tôi gọi điện hỏi thăm, hồi em còn đi học hai cô trò khá thân, em là lớp trưởng của lớp C3 tôi chủ nhiệm. Lúc đó em kể cho tôi nghe nhiều ước mơ rất đẹp đẽ. Vậy mà ra trường do hoàn cảnh gia đình em đã đi xuất khẩu lao động. Em hỏi:

- Cô còn nhớ hai câu thơ cô đọc cho em ngày trước không?

Tôi nói:

- Thơ ngày trước đọc thì nhiều, mà cô bây giờ đầu óc lung tung, lại gần chục năm rồi, sao mà nhớ nổi.

- Vậy em đọc cho cô nghe nhé.

Ôi kiêu hãnh chẳng thể nào khác được/ Dẫu biết mọi điều ao ước chỉ là mơ. Cô ạ, cô hãy cứ ước mơ, hãy sống kiêu hãnh, chúng em luôn ở bên cô. Em cũng như tôi, em chẳng thực hiện được ước mơ của mình, nhưng cuộc sống vẫn cứ chảy trôi, con người ta vẫn phải sống. Sống thật tích cực và không bao giờ bi quan.

Cô giáo dạy Văn và bệnh nhân đặc biệt ảnh 2
Dù gặp bệnh hiểm nghèo, nụ cười vẫn thường trực trên môi cô giáo Lam Hà

Bệnh nhân đặc biệt của khoa Thận nhân tạo

Trước hết tôi muốn nói về bệnh suy thận. Suy thận có 4 giai đoạn, giai đoạn 1-2-3-4. Độ 1-3 được cầm cự bằng thuốc, đến độ 4 - giai đoạn cuối thì phải lọc máu bằng máy. Bởi vì lúc đó thận không còn làm việc nữa, nhiệm vụ của lọc máu và nước tiểu là phải nhờ máy làm hộ.

Những người chạy thận đi siêu âm bao giờ cũng có câu: bàng quang không có nước tiểu bởi họ không phải đi tiểu nữa hoặc có đi cũng rất ít. Vì vậy phải luôn hạn chế uống nước để không ứ nước mà tăng cân và phù.

Vì nước uống vào nó cứ chạy vòng quanh trong cơ thể không ra được, tràn lên tim phổi gây tràn dịch rất dễ tử vong, nước ứ làm cân tăng nhiều phải lọc nhiều sẽ rất mệt có thể bị trụy tim. Có thể nói nước là kẻ thù số một của người chạy thận.

Khi chưa chạy thì kiêng mặn, bây giờ được ăn mặn lại không được uống nước. Thật khổ quá. Tuy nhiên, không phải tuyệt đối như khi ăn nhạt. Kiêng cái gì thì thèm cái đó. Ai cũng thèm nước.

Uống càng lạnh càng thích. Người chạy thận lạnh ngoài mà nóng trong, uống nước đá và nhai đá ngon như ăn kẹo. Có người còn lấy đá ăn với cơm như là ăn thức ăn.

Nếu uống nóng thì càng nóng càng thích, vừa thổi phù phù vừa uống. Tuy vậy ai cũng biết là có hại nên phải dùng lý trí để ngăn lại, biết uống có chừng mực. Bác sĩ điều trị thường xuyên hỏi về chuyện này.

Trước giờ lọc máu ai cũng uống một cốc nước cho đã đời để rồi “lên thớt” và âm thanh quen thuộc hàng đêm trong nhà trọ là tiếng đập chai đá. Nước đổ vào chai cho vào ngăn đá cho thành đá, đợi đá tan ra từng ít một, vừa đập vừa uống, uống ít mà vẫn cảm thấy thỏa mãn.

Một điều kiêng nữa rất kỳ lạ của người chạy thận là kiêng ăn hoa quả. Có người chỉ vì một miếng dưa đỏ hay một miếng dứa mà phải đi cấp cứu.

Đó là điều đặc biệt của bệnh suy thận nói chung. Những điều mà về nhà nói lại ai cũng ngạc nhiên. Họ cứ bảo kiêng gì phi lý thế.

Bản thân tôi thế nào mà được gọi là bệnh nhân đặc biệt? Thông thường trước khi lắp máy y tá sẽ bơm một lượng thuốc chống đông (gọi là hêparin) vào quả lọc theo chỉ định của bác sĩ, để trong quá trình rút máu ra không bị đông.

Những người bị giảm tiểu cầu (một trong ba dòng: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) thì không dùng được loại này, máu sẽ loãng khi kết sẽ khó cầm. Tôi thuộc số rất ít ấy.

Vì vậy phải xả nước. Dùng 1 chai dịch 1.000ml treo lên giá, cứ 30 phút lại xả 100 ml vào máu để máu không đông và lưu thông qua máy được dễ dàng. Chính vì vậy nếu cần rút 2kg tôi phải đặt máy 3kg để trừ hao phần nước xả vào, tôi mệt hơn những người chạy có chống đông là vì thế.

Tôi chạy ở đâu y tá cũng yêu cầu có người nhà đi theo, ban đầu thì chồng, mẹ chồng và em chồng tôi. Khi mọi người về cả thì chị gái trông. Về sau quen nhiều thân thiết hơn thì người ở cùng trọ đưa tôi đi: đó là anh Hải, anh Quang, Thư, bà Luyến, chị Thế. Nhiều khi mọi người phải canh tôi đến 2 – 3giờ sáng mới về.

Trong cuộc đời bình thường làm một người đặc biệt thì rất hay nhưng làm bệnh nhân đặc biệt thì chẳng hay chút nào. Ở đâu cũng gây nhiều phiền phức cho người xung quanh. Nhưng tôi đã là một bệnh nhân đặc biệt, không muốn thì cũng đã thế rồi.

Người thân của tôi lúc trước thì phải tốn thời gian trực tôi chạy thận để xả nước, giờ đây lại tốn kém hơn nhiều để mua thuốc chống đông cho tôi. Cái bệnh của tôi là vậy, biết làm sao được…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG