'Có một Chợ Rẫy' ở Phnom Penh

 Mặt tiền bệnh viện. Ảnh: Xuân Ba
Mặt tiền bệnh viện. Ảnh: Xuân Ba
TP - Đúng 8 giờ ngày 13/1/2014, hệ thống y tế của Vương quốc Campuchia có thêm một địa danh mới tại Thủ đô với cái tên Bệnh viện Đa khoa Chợ Rẫy- Phnom Penh. Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp cắt băng khánh thành.

...Tôi thoáng nghe Thủ tướng Hun Sen trước thời điểm cắt băng đã ngoái sang phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Chợ Rẫy cái tên này đã không lạ với người dân Campuchia và cả với tôi. Những năm xa, tôi đã mấy lần vào Chợ Rẫy điều trị…

Bệnh viện Chợ Rẫy mà Thủ tướng Hunsen vừa nhắc là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên dân dã xuất xứ từ Chợ Rau có từ thời thành Gia Định được thành lập vào năm 1900. Người Pháp đặt cho nó cái tên Hopital Municipal de Cholon (Bệnh viện thị xã Chợ Lớn).

Mãi sau này, Bệnh viện Chợ Rẫy nhỏ bé xập xệ được lên đời bằng nghĩa cử của Chính phủ Nhật Bản với gói viện trợ không hoàn lại. Bệnh viện được xây cất lại với tòa nhà 11 tầng vào năm 1971 - 1974 trên một diện tích 53.000m2 với trang thiết bị hiện đại để trở thành một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á. Chính phủ Nhật Bản tiếp tục viện trợ vào năm 1993 -1995 để nâng cấp cơ sở bệnh viện ngày một khang trang như hiện nay.

Không văn bản, Thủ tướng Hunsen vốn sở trường hùng biện như thường lệ, trước hàng ngàn người dân Campuchia và đông đảo quan khách, chất giọng ông thao thiết về quãng thời gian suốt hơn 10 năm, ông ao ước có một bệnh viện như Chợ Rẫy- Phnom Penh này. Ông từng bộc bạch trao đổi với các vị tiền nhiệm như Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều vị lãnh đạo Việt Nam dự định và mong ước đó nhưng do nhiều nguyên nhân chưa thành hiện thực. Ông nói cụ thể những lần ông phải vào chữa trị ở BV Chợ Rẫy của Việt Nam với tư cách một con bệnh do vết thương tái phát của một cựu binh. Những lần ấy đã để lại cho ông những ấn tượng sâu đậm… Mà ấn tượng cùng niềm tin ấy của ông truyền cho cả người giàu lẫn người nghèo của Campuchia bởi có bệnh viện Chợ Rẫy- Phnom Penh này rồi, giàu nghèo không may bị bệnh không phải vất vả sang tận Chợ Rẫy Việt Nam nữa. Có được Chợ Rẫy - Phnom Penh này nhờ sự xúc tiến của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Campuchia.

Nhân nói đến một Chợ Rẫy của Việt Nam cùng với kỷ niệm những lần chữa trị, Thủ tướng Hun Sen chất giọng như da diết khi nhắc đến họa diệt chủng bằng câu chuyện vợ chồng ông phải ly tán thời PolPot. Khi được gặp lại nhau, con ông dứt khoát không gọi ba, gọi bố mà kêu bằng chú vì lạ. Mãi mấy tháng sau mới quen hơi. Ông khơi dậy truyền thống bằng việc đặt địa vị những ông bố bà mẹ có con năm nay ở độ tuổi 35 (tròn 35 năm thoát họa diệt chủng) khi con mình hỏi khi con ra đời, 35 năm trước quê mình, đất Campuchia mình thế nào hả bố (mẹ)? Nếu Quân tình nguyện Việt Nam đến chậm, chẳng hạn 7/1/1985 hay 1986 thì người Campuchia khó thoát tuyệt chủng.

'Có một Chợ Rẫy' ở Phnom Penh ảnh 1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái)

Bài nói vo sinh động của ông khiến nhiều tràng pháo tay xen ngang. Hai từ Việt Nam, âm hưởng Việt Nam vang lên ở một không khí đô hội ngàn ngạt người như thế này như một minh chứng sinh sắc của một bản lĩnh nguyên thủ. Những cuộc biểu tình của phe đối lập hình như mới tạm lắng và rình rập đâu đây. Bảo vệ cuộc vui dựng xây và tình nghĩa này có hàng tiểu đoàn quân cơ động sắc phục rằn ri. Chẳng phải bày đặt ra những thứ ấy là yếu thế. Hun Sen không ngán. Ông đàng hoàng đĩnh đạc đi Việt Nam mặc cho những la ó đe dọa này khác với chuyến thăm mới rồi tự tin và lịch duyệt trong buổi khai trương hôm nay!

Lúc cùng tản bộ thăm một số công trình của Bệnh viện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chừng như nối tiếp cái mạch hồi nãy của Thủ tướng Campuchia. Ông bộc bạch cùng Thủ tướng Hun Sen rằng bà Tổng giám đốc (TGĐ) Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh hiện tại Phan Thị Danh vốn là PGS, Tiến sĩ Y khoa. Năm 1994, bà là Trưởng khoa xét nghiệm Bệnh Viện Chợ Rẫy đã thực hiện các thủ tục cho cuộc đại phẫu của bệnh nhân Nguyễn Tấn Dũng.

Chợt nhớ, trong cuộc làm việc với các doanh nhân hàng đầu đang đầu tư ở Campuchia, khi nghe ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam ở Campuchia, bộc bạch nỗi lo chất lượng phục vụ của bệnh viện khi vận hành để giữ chữ tín với bạn thì Thủ tướng đã trấn an ông Hà bằng câu chuyện của việc chữa trị 20 năm trước… Tuy vậy hồi nãy khi phát biểu trong lễ khánh thành, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cái ý mong muốn đội ngũ y, bác sỹ từ Việt Nam sang công tác tại đây sẽ trở thành cầu nối của tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia; ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn khám chữa bệnh, sẽ hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sỹ người Campuchia.

'Có một Chợ Rẫy' ở Phnom Penh ảnh 2

Nhân viên bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh

Trước lễ khánh thành, tôi đã có cuộc gặp nhanh với BS Sim Somoth, Tổng GĐ Bệnh viện có cả PGS. TS Phan Thị Danh. Hỏi ra mới biết bà Danh trong ban lãnh đạo bệnh viện phụ trách điều trị. BS Sim Somoth từng tu nghiệp ở Đại học Y Hà Nội, chuyên khoa tim mạch. BS khoảng tuổi 40. Ông tâm sự rằng, BV Chợ Rẫy- Phnom Penh được tiếp nhận kinh nghiệm cùng bề dày truyền thống của một bệnh viện hàng đầu Việt Nam như Chợ Rẫy là niềm vinh dự. Ông kể vanh vách những thế mạnh như Chợ Rẫy TPHCM có tới hơn 500 bác sĩ, dược sĩ và hơn ngàn điều dưỡng viên; 35 khoa lâm sàng, 11 khoa cận lâm sàng và 8 phòng chức năng chuyên điều trị cho bệnh nhân các tỉnh phía Nam, đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Bệnh viện Chợ Rẫy còn là cơ sở thực hành đại học và sau đại học của trường Đại học Y Dược TPHCM…

Bà TGĐ Phan Thị Danh chừng như không muốn khoe thêm bề dày truyền thống của một cơ sở y tế mà mình đã phục vụ nhiều năm, bà chỉ nhũn nhặn đại ý, phát huy được những kinh nghiệm tốt ở bệnh viện mới này là một thử thách lớn. Qua câu chuyện, tôi được biết thêm, hiện BV Chợ Rẫy- Phnom Penh có hơn 70 BS người Campuchia và 25 BS Việt Nam. Để chuẩn bị cho BV hoạt động, bà Danh cùng nhiều cán bộ của Chợ Rẫy đã làm việc với Bộ Y tế Campuchia cụ thể là phải xuống nhiều cơ sở để tuyển lựa đội ngũ BS cán bộ Y tế. Đối tượng là các cán bộ y tế từng được đào tạo ở Việt Nam. Mà thế mạnh đầu tiên là họ biết tiếng Việt (nhưng tôi để ý, mỗi lúc trả lời cán bộ đến hỏi việc gì đó, bà Danh lại dùng tiếng Anh để trao đổi với vài BS người Campuchia). Số cán bộ trẻ ấy được sang đào tạo thêm nghiệp vụ ở BV Chợ Rẫy. Ngay cả cơ sở Y tế hiện đại như Chợ Rẫy cũng chưa có chuyên khoa Nhi và Sản. BV lại cử một số cán bộ Campuchia đào tạo ở BV Nhi Đồng và BV Từ Dũ thành phố. Năng động, tích cực cùng là chăm chút, hơn một năm qua đào tạo, hiện BV Chợ Rẫy - Phnom Penh đã có đội ngũ hơn 70 BS tương đối thạo nghề có thể cùng với 25 BS Việt Nam đảm nhận những ca bệnh khó, sử dụng thành thạo các thiết bị phương tiện chữa trị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Thế mạnh của BS Campuchia có thể là họ thạo lý thuyết nhưng chưa qua thực hành nhiều, bệnh viện đang chú trọng khâu này để khắc phục, TGĐ Danh thẳng thắn…

Hỏi thêm chút về thu nhập, tôi cũng được biết, BS người Việt Nam làm việc ở BV này theo chế độ chuyên gia có mức lương khoảng 2.000- 2.500 USD/ tháng. Còn BS người Campuchia bình quân khoảng 8-900 USD/ tháng.

Lượn một vòng quanh bệnh viện chợt thấy hai thứ choáng. Đầu tiên là phòng ốc cùng các thiết bị chẩn đoán chữa trị sang quá. Tất nhiên là thứ chi mới xây mới gây dựng mà chả bắt mắt? Nhưng BV theo tiêu chuẩn quốc tế này những buồng bệnh khu thì hai, khu ba bốn giường ngay ngắn trong một diện tích sáng sủa, ấm cúng như nơi điều dưỡng thư giãn chứ tịnh chưa gợi cảm giác lạnh lẽo bất an của một buồng bệnh? Tất nhiên mai kia BV nhận bệnh nhân, ở xứ nào mà chả ùa vào theo những nhếch nhác này khác? Quên chưa hỏi giá viện phí ở đây thế nào để tương xứng với các thang trật bệnh tật, phương thức phác đồ điều trị cùng nội thất thiết bị buồng bệnh?

Choáng nữa, thú thực hiếm khi có dịp ngắm ngó người đẹp xứ Chùa Tháp nên mới lượn một vòng thấy các nữ nhân viên (không rõ có nhiều BS, y tá trong số này không nhỉ) trong sắc phục màu hồng xanh trắng được huy động để phục vụ cho lễ khai trương bệnh viện, thoáng có cảm giác hình như một phần, một góc người đẹp xứ Chùa Tháp đã hội tụ ở đây thì phải? Ngắm ngó đội hình sàn sàn xêm xêm đèm đẹp ấy, thầm cầu mong cho các em y tế ở bệnh viện Chợ Rẫy- Phnom Penh này cứ giữ mãi cái động thái chắp tay duyên dáng kính cẩn. Động thái ấy như một trợ lực để sản sinh ra thứ vắcxin tuyệt vời để mà miễn dịch, để mà đề kháng với bệnh vòi vĩnh phong bì, vô cảm mà ngành y tế xứ tôi đang gồng mình để chống!

Phnom Penh đêm 13/1/2014

Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh công trình đầu tiên về hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia trong lĩnh vực y tế. Campuchia góp 30%, Việt Nam 70% vốn. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 5/2010, có tổng mức đầu tư khoảng 40 triệu USD (Giai đoạn I) với quy mô 200 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn hiện đại, được đầu tư đầy đủ các chuyên khoa: khoa nội, khoa ngoại, khoa nhi, khoa sản, khu cấp cứu, khu khám đa khoa và điều trị ngoại trú, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm... Trong giai đoạn II, Dự án sẽ đầu tư mở rộng thêm 300 giường bệnh.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.