Có một lò bát quái ở chốn trần gian

Có một lò bát quái ở chốn trần gian
Lâu rồi, tôi nghe xôn xao một huyền thoại: Thị xã Cẩm Phả có Thái thượng Lão quân. Lão quân có cái lò bát quái không phải để luyện đan mà chỉ để luyện người.

Có những kẻ coi đời như canh bạc, mười năm tù như một giấc mơ… những người lầm lỗi, mang đến án đại hình… nếu được cải tạo rồi, lại qua lò bát quái của vị “Lão quân”, nhất định sẽ thành người lương thiện?

Tò mò và hưng phấn, tôi làm ngay một chuyến du hành đến gặp vị “Lão quân”. Tên thật của “Lão quân” là Từ Khải Thoong, người dân tộc Sán Dìu. Ông Thoong đã cặp kè ở tuổi “xưa nay hiếm”. Nói chuyện với tôi, ông cười hiền khô, nhưng lại hóm hỉnh đùa:

- Tôi không phải Thái thượng Lão quân. Bà con, có người trêu, gọi tôi là Lão quẩn. Vì không “quẩn”, sao lại đi nhận cả người nghiện, người nhiễm HIV, người từng vào tù, ra tội… vào xí nghiệp của mình. Xí nghiệp đá Phú Cường cũng không phải lò bát quái. Nó chỉ là nơi nổ mìn, phá núi, sản xuất đá xây dựng. Nếu có lò bát quái, luyện được thuốc trường sinh, tôi đã chẳng mang trên mình cả “Tứ chứng nan y” thời hiện đại!

Ông Từ Khải Thoong kể: Năm 1998, ông bị bệnh gut, một chứng bệnh chưa có thuốc nào chữa khỏi. Năm 2001, ông bị tai biến mạch máu não, điều trị mấy tháng ở Bệnh viện Bạch Mai. Ông ra viện với di chứng bán thân bất toại, nhưng ông vẫn làm việc và do kiên trì luyện tập, chứng liệt nửa người, mười phần đã đỡ chín. Hai năm sau, ông lại mắc chứng thiên đầu thống, phải mổ cả hai mắt. Tháng 9 và tháng 10 năm 2004, ông đi siêu âm, Bệnh viện K và Bệnh viện Việt – Pháp đều kết luận ông bị nhiều khối u ở cả hai thùy gan, có khối u, đường kính lớn 6cm.

Tôi ngạc nhiên hỏi ông:

- Bị cả tứ chứng nan y, làm thế nào bác vẫn điều hành được xí nghiệp?

- Tôi sợ nhất là không được làm việc - ông Thoong trả lời – Còn, “có bệnh vái tứ phương”. Tôi đang uống thuốc Nam, thấy dễ chịu, bụng đỡ chướng, giấc ngủ dài hơn, ăn cũng thấy ngon miệng - ông Thoong tâm đắc kể tiếp – Tôi nghiệm ra, đánh vật  với bệnh hiểm, phải lạc quan, “cứng đầu”, đừng để bệnh trọng nó “úm” mình. Tôi nghe kể: Nhà văn Tào Mạt bị ung thư cơ thời kỳ bội phát, nhưng ông vẫn say sưa sáng tác nhiều tác phẩm quý cho hậu thế. Ông có vở chèo “Bài ca giữ nước”, diễn ba đêm mới hết. Trong những năm bạo bệnh, có đêm giáp tết, ông Tào Mạt còn đem bánh chưng, giò lụa, đến hội tụ với những người vô gia cư, lang thang ở Hà Nội để cùng họ đón giao thừa... lạc quan và nhân hậu, ông Tào Mạt đã sống thêm gần mười năm, kể từ ngày mắc chứng nan y… Tôi học ông Tào Mạt, làm việc để quên mình bạo bệnh, còn sống ngày nào, cố có ích cho đời ngày ấy.

- Các anh công an bên thị xã Cẩm Phả nói, ngày bác mới ra lập nghiệp cũng gian nan lắm?

- Đúng thế - ông Thoong nhẩn nha kể – tôi nguyên là công nhân lái xe của Lâm trường Cẩm Phả, về hưu năm 1987. Bà vợ tôi về hưu năm 1983. Tôi có 6 người con, một trai, năm gái. Thời bao cấp, hạt gạo, thước vải… đều do Nhà nước “cung ứng” cả, tuy số lượng có hạn. Sáu đứa con tôi, đang tuổi ăn, tuổi lớn, như thuồng luồng xổng núi. Nồi cơm thổi hơn ba cân gạo, vào bữa, chỉ một loáng là nhẵn quẹn đáy nồi. Không có việc làm thêm, chỉ trông vào lương hưu và tiêu chuẩn bao cấp, bức bách lắm. ấy là chưa kể đến may sắm, tu  tạo lại nhà cửa… vì các cháu đã lớn… Tôi quyết định làm đơn xin thị xã cho lập xí nghiệp, lấy tên là Hợp tác xã sản xuất đá Phú Cường. Ngày ấy, xí nghiệp tư nhân còn ít lắm.

Làm doanh nghiệp Nhà nước, được bao cấp từ sợi chỉ, lá rau, đến tuổi nghỉ lao động còn được hưởng lương hưu. Làm thuê cho xí nghiệp tư nhân, ngoài đồng lương hàng tháng, công nhân không còn chế độ ưu tiên gì khác… Đang lúc xí nghiệp gặp khó khăn về tuyển dụng nhân công thì công an thị xã cho người đến gợi ý: Có một số can phạm mãn hạn tù hàng năm. ở trại, họ được cải tạo lao động tốt. Ra tù, nếu không có việc làm, sống lang thang, họ rất dễ tái phạm tội. Nếu xí nghiệp nhận họ vào làm việc, bên công an sẽ giúp làm thủ tục nhân sự và giám sát hành vi của họ? Tôi nhận lời ngay vì tôi rất tin các anh công an.

- Nhận những người mới ở tù ra, bác không ngại?

- Ngại chứ - ông Thoong thận trọng trả lời – Vì họ đã phạm đủ các tội: trộm cắp, tham ô, nghiện hút, hiếp dâm, giết người, cướp của…

- Nhận họ, bác phải chọn lọc chứ?

Ông Thoong cười tinh tế:

- Phần hồ sơ, lý lịch từng người đã có các anh công an kiểm tra, bảo lãnh. Tôi chỉ xem diện mạo con người. Ông cha ta dạy “trông mặt đặt hình dong”. Người môi thâm sì, mắt trắng dã, gò má cao, căng bóng, tai nhỏ như tai dơi, khi nói hai hàm răng nghiến rít, nụ cười chưa ánh lên đã vụt tắt, mặt lầm lỳ, vô cảm… Hắn có thể phạm án đại hình ngay cả khi không đủ sức trói gà. Những anh môi mỏng dính, mũi nhòm miệng, mắt đảo nhanh như chớp, nói như khiếu hót… Chớ có tin, giết mười voi không được bát nước xáo.  Anh nào, mắt nhỏ như mắt lươn, hay nhìn trộm, thích dỏng tai nghe lén chuyện người khác… là chúa gian giảo, ăn cắp như ranh, chối xoen xoét… Người có khuôn mặt sáng, gò má phẳng, nhân trung sâu, lông mày thanh nhưng dài là người trung hậu, có phạm tội cũng chỉ nhất thời…

- Người ở cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, nếu bị phát hiện nghiện ma túy, sẽ bị buộc thôi việc, sao ở xí nghiệp đá Phú Cường, bác lại nhận họ? Tôi phân vân hỏi.

- Không còn đường họ phải đến với mình. Trước khi nhận họ làm công nhân, tôi nói thẳng: “Anh nghiện – thậm chí đã nhiễm HIV – nhưng anh còn sức khỏe. Làm việc với tôi, nếu chăm chỉ, anh sẽ có thu nhập gần một triệu đồng mỗi tháng. Anh chịu khó làm thêm giờ, lương còn cao hơn. Anh biết lái xe công nông, chở đá, hay chịu học để thành thợ kỹ thuật… lương mỗi tháng có thể vài triệu đồng. Không đi làm, ở nhà lang thang, ăn trộm hết của nhà rồi, sắp đến cơn vã thuốc, không kìm được, ăn trộm của xóm phố, không bị đánh thành tật cũng bị người ta khinh, kiềng mặt, nhục lắm!

Làm với tôi, có thu nhập ổn định, rồi tôi và các anh công an sẽ giúp anh cai nghiện với điều kiện: Anh phải có quyết tâm vượt qua chính mình, tin rằng cố gắng chịu đựng qua mấy cơn vã thuốc, anh sẽ cắt được cơn. Cắt cơn rồi, lấy công việc làm vui, không tiếp xúc với bạn nghiện nữa, anh sẽ cai được ma túy. Có đoạn tuyệt hẳn ma túy, con gái nó mới dám yêu anh. Rồi anh “cưa” được cô nào, tôi và Đoàn Thanh niên ở đây sẽ giúp anh cưới luôn.

Khu tập thể có nhiều  phòng, anh cần gian nào, Công đoàn sẽ sắp xếp để anh mua một gian. Vợ chồng chịu khó lao động, chắt chiu, có chút vốn rồi, muốn làm nhà riêng, tôi sẽ giúp. Đá xây móng, đá đổ mái bằng, cả ôtô vận chuyển vật liệu nữa “cây nhà lá vườn” đấy, tôi hỗ trợ cho anh. Nếu thiếu chút ít vốn, anh làm đơn vay, xí nghiệp sẽ thu tiền trả nợ góp năm sau. ở xí nghiệp có hơn ba chục cặp vợ chồng, nhiều cặp được xí nghiệp cưới vợ, làm nhà cho như anh Cường, anh Bình, anh Hoàn… Anh đi tìm hiểu kỹ rồi hãy ký hợp đồng, chưa muộn!

Nghe ông Thoong thủ thỉ, tôi xúc động hỏi:

- Có dạo, xí nghiệp chỉ có hơn một trăm công nhân, mà bác nhận đến 27 người mãn hạn tù, 23 người nghiện ma túy, sao nhiều thế?

Ông Thoong cười ý nhị:

- Những người hoàn lương làm với tôi, thủ tục rất đơn giản. Các anh công an lo cho từ A đến Z, lại chẳng phải quà cáp, hối lộ ai. Nhiều nơi, ngay một số đơn vị quốc doanh còn quỵt mua các loại bảo hiểm cho công nhân là vi phạm Luật Lao động nghiêm trọng. Tôi không nỡ “ăn chạ” như thế. Công nhân của tôi được mua tất cả các loại bảo hiểm: xã hội, y tế, tai nạn rủi ro… Người nằm viện được hỗ trợ 15.000đ/ngày. Người chết được trợ giúp 10 triệu đồng, xí nghiệp đứng ra lo tang lễ. Ngày lễ, ngày tết, công nhân đều có thưởng, có trợ cấp ngoài lương. Khi nghỉ hưu, họ cũng được hưởng các chế độ như công nhân viên chức Nhà nước.

- Xin hỏi thực bác: Một xí nghiệp tư nhân, nhận nhiều người hoàn lương, lại chăm lo chu đáo người lao động như thế, có năm nào bị lỗ không?

Ông Thoong cười hồn nhiên:

- Lỗ thì sao xí nghiệp tồn tại được. Năm 2003, tôi làm ra hơn một trăm ngàn mét khối đá xây dựng các loại, doanh thu 4,5 tỷ đồng, nộp thuế 222 triệu đồng… Năm 2004, chắc chắn sẽ hơn năm 2003. Tính lãi suất, đúng là có thấp hơn so với mấy đơn vị khác, nhưng tôi nghĩ “Bớt bát thì mát mặt”. Mình hưởng lợi ít đi chút xíu để người lao động, nhất là những người đang hoàn lương có thu nhập khá hơn, tạo điều kiện cho họ mau hoà nhập với cộng đồng cũng là việc làm từ thiện.

Suy cho cùng, mình có mất gì đâu? Lợi nhuận của xí nghiệp cũng chính từ công sức người lao động làm ra. Cái cây được chăm sóc tốt mới cho mình sai hoa trĩu quả. Phương ngôn cũng dạy: “Người ăn thì còn, con ăn thì mất…”. Người lao động không phụ mình đâu. Nhiều gia đình, cả vợ, chồng, con trai, con rể… đã sống, làm việc chung thủy với tôi từ ngày xí nghiệp còn nghèo xơ nghèo xác đến giờ…

- Như bác giới thiệu, Xí nghiệp cũng có các đoàn thể? Tôi hỏi.

- Chúng tôi có Công đoàn, có Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Chi bộ Đảng, mấy năm qua kết nạp được hơn 10 đảng viên.

- Bác đánh giá thế nào về hiệu quả những người vào lao động để hoàn lương ở đây?

Ông Thoong khẳng định ngay:

- Những người cai nghiện đều cắt được cơn. Một số đang làm việc tại đây, có người ba, bốn năm không tái nghiện. Số khác, bỏ nghiện được một, hai năm thì về quê hay chuyển đến đơn vị khác. Họ có tái nghiện không, tôi chưa rõ. Còn người mãn hạn tù, vào làm với tôi, có thể nói, 100% không tái phạm tội. Nhiều người hiện là tổ trưởng tổ sản xuất. Có người còn được công an và các đoàn thể của thị xã khen thưởng…

- Bác có bí quyết gì để cắt cơn với người cai nghiện?

Ông Thoong thản nhiên:

- Giúp người cắt cơn nghiện, nếu có kinh nghiệm, không đến nỗi khó quá… Lúc lên cơn vã thuốc, anh nào cũng dữ như hùm cái bị cướp con. Chớ thấy họ vật vã, quần quại mà dùng ma tuý để cắt cơn, cơn vã thuốc sau sẽ dữ dằn hơn nhiều. Chỉ nên dùng thuốc an thần để làm dịu cơn nghiện. Hết cơn vã thuốc rồi, cho họ bồi dưỡng tốt để lấy lại sức.

Động viên họ đi làm, càng sớm càng tốt. Ai có năng suất cao, biểu dương ngay. Nếu họ chịu làm thêm, giờ làm thêm trả công cao hơn giờ hành chính. Thu nhập cao cũng là niềm vui, giúp họ “mê” lao động. Các cơn vã thuốc sau sẽ nhẹ dần rồi hết hẳn. Xí nghiệp tôi luôn phối hợp với công an, gia đình người nghiện… động viên, giám sát các con nghiện đã và đang cai. Ngày nào họ nghỉ việc không có lý do, tôi cử người cùng Công an phường đến tận nhà tìm hiểu, động viên họ đi làm, không để họ có thời gian tiếp xúc với bạn bè đang nghiện.

- Bác có thể kể về một người hoàn lương tốt điển hình ở xí nghiệp? Tôi gợi ý.

Ông Thoong ngập ngừng:

- Nhiều đấy… nhưng ông nên gặp họ, nghe họ kể, hay hơn. Họ đang ở xí nghiệp hay ở nhà riêng, cũng quanh đấy cả thôi.

Theo giới thiệu của ông Từ Khải Thoong, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn H. Ông H. đã 63 tuổi, dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn, khuôn mặt phảng phất nhiều nét của một người có học.

Ông không kể về mình ngay mà kể về những người cùng hoàn lương như ông trong đó có anh Vũ Quang Bình:

- Anh Bình mang án tù từ trong quân đội. Ra tù, anh vào làm việc cho Xí nghiệp đá Phú Cường. Xí nghiệp giúp anh Bình đăng ký hộ khẩu, làm chứng minh thư, cho anh vay vốn mua máy khoan đá rồi mua lại sản phẩm. Năm sau, xí nghiệp lại lo cưới vợ cho anh Bình “từ A đến Z”… Hiện giờ, con gái lớn của Bình, cháu Vũ Thị Kim Quý, 12 tuổi, là học sinh giỏi, đang học trường chuyên Toán. Cháu trai 7 tuổi, cũng đang học trường Tiểu học. Anh Bình vừa được xí nghiệp hỗ trợ, xây nhà hai tầng khá đẹp. Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng bốn triệu đồng…

- Còn ông… Năm ngoái, ông cũng cưới bà hai? - Tôi vui vẻ hỏi.

Ông H. cười ngượng, nhưng vẻ mặt rất vui:

- Năm 2002 và 2003, ba bố con tôi tổ chức ba đám cưới - Ông chỉ vào đứa cháu đang ẵm trên tay - Đây là con thằng cả, lấy vợ năm 2002. Em gái út nó cũng lấy chồng năm ngoái…

- Còn ông? - Tôi hỏi đùa.

- Tôi “bắt chước” chúng, cũng làm lễ tân hôn năm ngoái - ông cười, mặt  đỏ như say rượu – Bà nhà tôi 43 tuổi, là công nhân mỏ than Dương Huy. Ba bố con tôi đều được ông Thoong giúp làm nhà, tổ chức đám cưới…

- Nghe nói, ông cũng có một quá khứ nhiều kỷ niệm sâu sắc?

Đang vui, vẻ mặt ông H. trở nên trầm tĩnh. Giọng ông hơi buồn:

- Tôi nguyên là một cán bộ kỹ thuật của Lâm trường Cẩm Phả. Năm 1969, tôi được Ty Lâm nghiệp cho đi học Đại học… Tôi trở về lâm trường năm 1974 với tấm bằng đỏ (Thủ khoa). Năm 1979, tôi được thăng Trưởng phòng Kỹ thuật. Năm 1980, tôi lên Phó Giám đốc lâm trường. Năm 1982, tôi giữ quyền Giám đốc Lâm trường Cẩm Phả… Thông minh, học giỏi, thăng tiến nhanh, lại  “đẹp trai, tài tán róc”, nhiều cô gái ở lâm trường mến tôi lắm.

Tôi say một cô, cô ta cũng say tôi (mặc dù biết tôi đã có vợ và ba con trong quê), nhưng cô ấy, lúc xoắn xuýt, lúc ỡm ờ, càng khiến tôi như ăn phải bùa mê, tưởng không lấy được nhau, đời chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Đúng là sắc bất ba đào dị nịch nhân, tôi như kẻ mộng du, mỗi khi ngỏ lời, cô ấy cứ ngúng nguỷnh: “Anh có vợ rồi, lấy nhau có  mà điên. Vợ anh lại không lồng lên như con hổ cái”.

Tôi càng mê nàng đến ngơ ngẩn, khi nàng càng làm ra vẻ lẩn tránh, nhưng vẫn có tín hiệu là rất thương tôi. Cái thứ phải lòng mặt, một ngày không gặp nhau cũng thấp thỏm, bồn chồn, huống hồ giữa lúc ấy, tôi mong manh nghe người ta đánh tiếng: Có một chàng trai khác, đàn giỏi, hát hay, chưa có vợ, cũng mê cô nàng của tôi như điếu đổ. Có lẽ vì thế mà nàng lẩn tránh tôi chăng? Tôi lén gặp em và háo hức hứa: “Hãy chờ anh, nhanh thôi, anh sẽ ly dị mụ sề, rồi chúng ta cưới nhau!”. Nàng không nói gì, chỉ ôm lấy cổ tôi, im lặng…

Tôi lấy vợ, quê Hà Tĩnh, theo phong tục “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Vợ tôi làm giáo viên tiểu học, ở nhà, vừa dạy học vừa làm ruộng, người không đẹp nhưng rất chăm chỉ. Mọi việc nhà, từ chăm sóc bố mẹ đến các con tôi, cô ấy đều đảm đang chu đáo. Bố mẹ, họ tộc nhà tôi quý cô ấy lắm… Nhưng tôi lấy vợ như một thứ nghĩa vụ, không có tình yêu. Vợ tôi lam lũ, vất vả, lại hơi quê mùa… Còn cô gái tôi đang yêu đắm đuối cứ như nụ tầm xuân mới nở, rất biết làm duyên. Mỗi lần gặp tôi, nàng rất gần mà lại rất xa, cứ ngúng nguỷnh như buộc phải lảng tránh khiến tôi như kẻ đi giữa sa mạc, khát bỏng họng, nhìn thấy ảo ảnh một ốc đảo đầy ắp nước trước mặt, nhưng càng đuổi, ốc đảo càng lùi xa. Không còn cách nào khác để có được nàng, một lần về thăm nhà, tôi định ngỏ ý với bố mẹ, xin ly dị vợ. Nhưng về đến nhà, các con tôi ríu rít quây quanh bố. Vợ tôi vừa mừng, vừa xăm xắn làm cơm thết chồng và cả chú lái xe. Bố mẹ tôi vào bữa, cứ khen vợ tôi chăm chỉ, chu đáo, ra điều tâm đắc lắm… Tôi không có lý do gì để nói ra điều muốn ly dị vợ nữa. Gia đình tôi  sống rất gia giáo. Bố tôi nghiêm khắc lắm… Mấy đêm nằm cạnh vợ, tôi thấp thỏm, choài choạc không chợp mắt nhưng vẫn giấu kín ý nghĩ ấy trong đầu…

Hôm lên xe trở về lâm trường, tôi cố làm ra vẻ bình thản chia tay mọi người… Ngồi trong xe, tôi day dứt nghĩ: Tôi sẽ nói với nàng ở ngoài ấy thế nào đây? Lần này, không ly dị được vợ tôi sẽ mất nàng. Tôi nghĩ đến hình ảnh thằng cha đàn giỏi, hát hay kia sẽ dang rộng cánh tay ra ôm lấy nàng của tôi. Nàng sẽ ấp má vào ngực hắn, choàng đôi tay mũm mĩm như ngó cần, quấn lấy vai, lấy cổ hắn như từng đối với tôi… Ôi… Tôi không thể mất nàng. Mất nàng, đời tôi chẳng còn gì ý nghĩa… Một ý nghĩ quỷ quái xuất hiện trong đầu tôi. Ra đến Nghệ An, tôi bảo anh lái xe: “Mình quên cặp tài liệu và quên đến thăm một anh bạn cùng học, như đã hẹn. Cậu cứ ra lâm trường trước đi, xong việc mình về ngay”. Anh lái xe ngoan ngoãn tuân lệnh.

Như một kẻ “bán linh hồn cho quỷ”, tôi trở lại Hà Tĩnh và đã phạm một tội ác không thể tha thứ là giết vợ!… Đến giờ, lương tâm tôi còn day dứt…

Tôi ra lâm trường được hai ngày thì Công an Hà Tĩnh ra tận nơi áp tải tôi về quê…

Tôi bị Tòa án nhân dân Hà Tĩnh kết án tử hình, nhưng vì tôi còn bố mẹ già, ba con nhỏ nên được giảm án xuống tù chung thân. Ông giám thị trại cải tạo số 3, tỉnh Hà Tĩnh, nơi tôi cải tạo là Trung tá Tô Văn Đức, một người nghiêm khắc, nhưng khoan dung, nhân hậu. Thấy tôi, một kỹ sư lâm nghiệp, sức vóc thư sinh, ông giao cho tôi làm việc tiếp các gia đình phạm nhân. Tôi ở trại được mấy năm, tỏ ra siêng năng, cần mẫn… Một lần ông Đức nói với tôi: “Đất nước đang điện khí hóa nông thôn và thủy lợi hóa đồng ruộng, nhưng chưa ai nghĩ đến lục hóa (làm xanh) các đồi trọc. Trại cải tạo này đóng trên ngọn đồi cao, bốn bề toàn đất đỏ, đá sỏi. Những ngày hè nóng bỏng, những hôm gần gió Lào, cả trại như lò lửa… Anh là một kỹ sư lâm nghiệp, anh có thể lục hóa các ngọn đồi này không?”.

Nghe ông giám thị nhắc đến nghề trồng rừng, tôi hào hứng: “Thưa ông giám thị, tôi sẽ cố gắng, xin ông cho tôi giấy và bút để lập dự án”. Sau gần một tuần đi khảo sát địa hình, thổ nhưỡng… tôi trình lên giám thị tập dự án, phủ xanh đồi K1 của trại số 3. Hai hôm sau, ông Đức bảo: “Dự án của anh rất tốt. Tôi sẽ cho lập một đội trồng cây, do một cán bộ của trại phụ trách, anh làm chuyên gia”…

Tôi nhắn tin về quê, bảo con trai cả của tôi ra Lâm trường Cẩm Phả xin các loại hạt giống. Mặt khác, tôi cùng  đội trồng cây, chuẩn bị vườn ươm, phân bón, bể nước tưới… Mùa xuân năm sau, cây giống lên rất đẹp. Hàng chục nghìn hố trồng cây đã được ủ phân qua mùa đông, ải tơi. Cây giống đặt xuống, gặp mưa xuân, lại được chăm sóc thường ngày, phát triển rất nhanh. Vui với công việc, tôi quên cả thời gian. Năm năm qua đi  như một giấc mơ, Năm 1995, cả trại cải tạo và những ngọn đồi khu K1, cây khép tán xanh ngắt. Nhiều cây, đường kính gốc đến 20 cm. Những ngày hè, nắng lửa, bóng cây rợp lối đi. Sân trại, mái nhà ở cũng được bóng cây trùm mát rượi.

 Khu K1 được phủ xanh rồi, giám thị Tô Văn Đức điều cả đội trồng cây, phủ xanh tiếp những ngọn đồi trọc khu K2, cách khu K1 9 km. Có kinh nghiệm lục hóa khu K1 rồi nên chỉ 3 năm sau, chúng tôi đã trồng và chăm sóc cho các đồi cây khu K2 phát triển nhanh như có phép lạ. Bạch đàn, Xà cừ, Mỡ… vượt qua tầm với khá xa. Còn khu K1 bây giờ, cây đã lớn, tán đã rộng, bóng cây trùm kín cả mấy dãy nhà dành cho phạm nhân ở. Khu bếp, khu nhà ăn, câu lạc bộ, hội trường, sân chơi cũng rợp bóng cây. Trồng hàng chục vạn cây thân gỗ, xanh tốt rồi, chúng tôi tiếp tục sưu tầm các giống hoa phong lan về, đặt dọc các lối đi quanh hội trường, phòng khách, và làm riêng một vườn cây cảnh… Trại cải tạo dạo ấy giống một khu an dưỡng, chim về làm tổ rất đông, sáng chiều ríu rít hót… rất vui.

Một lần họp phạm nhân, giám thị Tô Văn Đức biểu dương: Trại ta đã lục hóa các đồi cây, tạo ra các thảm thực vật xanh ngút tầm mắt như hôm nay, tôi ghi nhận công của cả đội trồng cây, đặc biệt là của kỹ sư Nguyễn Văn H. Người ta ai cũng có lúc lỗi lầm, nhưng anh H đã thực tâm hối cải, lấy công chuộc tội, làm nhiều việc có ích. Tôi mong các anh, ai cũng làm được như anh H để sớm về hòa nhập với cộng đồng, thành người lương thiện…

Những năm làm “chuyên gia” cho đội trồng cây, năm nào tôi cũng được trại đề nghị cấp trên cho giảm án. Tôi cải tạo 12 năm thì được ân xá.

Đêm trước ngày ra tù, tôi thao thức không ngủ, nhớ anh em trong đội trồng rừng, nhớ tiếng chim ríu rít, lảnh lót trên những lùm cây quanh trại buổi sáng và nôn nao nhớ người giám thị nhân hậu, những đêm cùng tôi đi soi đèn, bắt sâu cho những khu vườn ươm cây giống…

Nhờ có bản nhận xét về quá trình cải tạo của tôi ở trại nên ra Quảng Ninh, tôi được ông Thoong nhận vào xí nghiệp làm bảo vệ ngay. Con cái tôi cũng lần lượt ra Cẩm Phả lập nghiệp. Các anh công an phường Cẩm Thạch đã giúp cha con tôi hoàn tất phần hồ sơ: hộ khẩu, lý lịch, chứng minh thư… để ông Thoong nhận chúng tôi vào đây làm việc, lại giúp chúng tôi xây dựng nhà cửa và tác thành cho cha con tôi có vợ, có chồng, có gia đình hạnh phúc. Chúng tôi coi Xí nghiệp như một gia đình lớn thân thiết và đầm ấm. Như tiếng lành đồn xa, Xí nghiệp đá Phú Cường đúng là một cái lò bát quái để luyện những người có quá khứ lỗi lầm như tôi, thành những người lương thiện!

Vĩ thanh

Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì ông Từ Khải Thoong đã về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trước giờ lâm chung mấy ngày, nằm, gắng đọc xong bài viết (còn ở dạng bản thảo), ông xúc động thều thào: “Người mắc lỗi lầm, nếu giác ngộ rồi… ai chẳng muốn hoàn lương… để đi tìm hạnh phúc? Tôi tiếc, mình chưa giúp họ được bao nhiêu… Hôm trước, giao xí nghiệp lại cho con trai Từ Văn Lâm cai quản… tôi dặn cháu, tục ngữ Sán Dìu dạy: Có tâm có đức chỉ sợ không có sức mà hưởng lộc trời. Có ý hại người, trả tội ba đời chưa hết… Chào ông ở lại mạnh khỏe, viết nhiều bài báo hay, giúp những người lầm lỡ chóng được hoàn lương…”. Đôi mắt hiền lành của ông hơi nhíu lại, ứa ra hai giọt lệ, nhưng khuôn mặt ông thanh thản như đã sẵn sàng bước vào cõi vĩnh hằng.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.