Có một vụ “thảm sát Mỹ Lai” ở miền Bắc

Có một vụ “thảm sát Mỹ Lai” ở miền Bắc
TP- Làng Quán Trang thuộc xã Bát Trang, huyện An Lão nằm cách huyện lị An Lão, Hải Phòng chừng 5 km về hướng Tây Bắc, đã từng xảy ra vụ thảm sát khủng khiếp chẳng kém gì vụ “Mỹ Lai” sau này.

Lịch sử của làng này như một khúc ca bi tráng, hào hùng. Tại nơi đây có những câu chuyện đánh giặc giữ làng ly kỳ như một huyền thoại. Những chuyện đau thương ấy, những hy sinh thầm lặng, chiến công giữ nước ấy lại chưa hề được sử sách nhắc tới.

Có một vụ “thảm sát Mỹ Lai” ở miền Bắc ảnh 1

Bia khắc tên những người bị thảm sát

Kỳ 1: Vụ thảm sát kinh hoàng

Từ xưa Quán Trang đã là vị trí trọng yếu về kinh tế và quốc phòng an ninh của cả vùng vì ba mặt đều là sông bao bọc: Sông Văn Úc phía Tây, sông Lạch Tray vòng phía Bắc, sông Đa Độ uốn lượn phía Nam.

Ba con sông bao đời bồi đắp phù sa mầu mỡ cho làng và cũng tạo ra nhiều đầm lầy ô trũng, lau sậy rất thuận lợi cho việc phòng thủ trong chiến tranh du kích.

Đứng trên núi Voi phóng tầm mắt, làng như một cù lao lớn. Vì vậy suốt đời này qua đời khác quân xâm lược phía Bắc hễ cứ tràn vào Quán Trang là bị chặn lại.

Quán Trang được ví như một pháo đài nằm án ngữ ngay vị trí hiểm yếu nên ngay từ ngày đầu giặc Pháp chiếm đóng Hải Phòng chúng đã xây đồn bốt  hòng chia cắt làng và những địa phương khác để dễ bề cai trị. Nhưng người Quán Trang đâu dễ trị. Không trị được, chúng lập đồn bốt vây chặt làng, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Ấy vậy nhưng người Quán Trang vẫn không chịu khuất phục. Những người dân lam lũ, quanh năm chân lấm tay bùn ấy vẫn bám trụ, giữ làng.

Ngày ấy giặc hết nhảy dù vào làng cướp bóc lại dùng ca nô tấn công bằng đường thủy. Dân làng phải chặt cả ngàn cây tre  để rào sông lại không cho giặc lấn tới. Cứ đêm mang tre ra cắm ngày lại ngụy trang không cho giặc thấy.

Làng tự thành lập đội tự vệ “Sao Vuông” với hơn 30 đội viên, tự chế vũ khí trang bị cho mình chống lại kẻ thù đông gấp trăm lần với vũ khí được trang bị tới tận răng.

Với vũ khí chỉ là mã tấu, dao kiếm là chính nhưng đội tự vệ ấy đã bao lần làm cho giặc thất điên bát đảo. Chúng điên cuồng, lồng lộn trả thù. Và rồi trong cuộc chiến không cân sức ấy, kẻ thù đã tràn được vào làng, sau khi đẩy lùi được sự kháng cự quyết liệt của người dân Quán Trang.

Một cuộc trả thù dã man, thảm khốc đã xảy ra… Đó là ngày 29/4/1949. Đây là vụ thảm sát lớn nhất chưa từng có cho đến thời điểm đó (về mức độ dã man không kém gì vụ “Mỹ Lai” sau này). Người Bát Trang ghi xương khắc cốt không bao giờ quên mối thù mà bọn đế quốc xâm lược gây nên.

Để ghi lại cuộc thảm sát ấy chúng tôi đã tìm về Quán Trang. Cái làng quê đã đi vào lịch sử ấy giờ đây khang trang, đường nhựa láng bóng, hai bên đường cây cối xanh tốt, làng mạc trù phú sầm uất… Dường như vết thương xưa đã lành da. 

Nhân chứng sống

Theo chỉ dẫn của các cụ trong làng chúng tôi tìm đến nhà một nhân chứng của cuộc thảm sát kinh hoàng đó là bà  Nguyễn Thị Ngan, 77 tuổi, ở cuối làng. Thấy có người tìm hiểu về vụ thảm sát, bà Ngan  liền bỏ bát cơm đang ăn rồi  kể:

Có một vụ “thảm sát Mỹ Lai” ở miền Bắc ảnh 2
Nhân chứng sống của vụ thảm sát, bà Nguyễn Thị Ngan

Lúc ấy vào khoảng 10 giờ sáng, giặc huy động quân từ bốt Ruồn, đò Cựu, Liễu Dinh, Thượng Trang tràn vào Quán Trang. Chúng đi tới đâu đốt phá tới đấy, lửa khói mù mịt, súng nổ đùng đoàng. Chúng thực hiện “ba sạch”: cướp sạch, đốt sạch, phá sạch. Làng náo loạn chỗ nào cũng thấy tiếng người la khóc, tiếng con gọi mẹ, tiếng kêu van…

Chúng tôi đang không biết tính sao thì thấy ba lính tây xông vào nhà  lôi tôi cùng hai bà chị ra sân, rồi lùa  sang  nhà ông cụ Tường bên hàng xóm. Tới nơi tôi nhớ là tôi còn nói nhỏ vào tai cụ Tường: “Cụ ơi, chuyến này thì chết rồi cụ ạ. Cụ bảo không chết, đừng sợ”.

Vừa nói xong tôi chưa kịp định thần thì nghe tiếng “đoàng”, cụ  Tường lăn ra.. Thì ra thằng tây nó tưởng chúng tôi bàn tính gì nên đã dí súng vào mang tai cụ bóp cò. Cụ giãy giụa một lúc mới chết.

Tôi sợ quá không kêu nổi, nhìn vào chiếc chõng tre ọp ẹp thì thấy bà Biểu vợ ông cụ  nằm bẹp, bà lại đang bị ốm. Tôi liền nhìn sang chỗ khác để cho chúng không chú ý tới, nhưng một thằng tây đã thò cái tay đầy lông lá túm cổ áo cụ lôi ra. Tôi chỉ thấy cụ ú ớ cái gì đó không rõ... 

Ông Bùi Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng:

“Đây là sự kiện bi thương nhất mà nhân dân thôn Quán Trang phải gánh chịu trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Quán Trang luôn là một trong những lá cờ đầu trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập của người dân Hải Phòng.

Chúng tôi có quyền tự hào về điều đó và luôn mong muốn cái ngày được khắc trên bia đá ở đình làng Quán Trang sẽ là một ngày kỷ niệm lớn để cho thế hệ trẻ hiểu thấu đáo hơn về lịch sử đấu tranh anh dũng cuả dân tộc”.

Lôi bà cụ ra xong chúng dòm ngó khắp, lấy lưỡi lê gẩy chỗ này chỗ kia tìm kiếm, thấy không còn người nào chúng quay sang dí súng vào tai tôi, tôi sợ bụng bảo dạ chắc phen này phải chết nên tôi cứ ú ớ rồi lùi lùi cũng chẳng định thần được.

Bên tai tôi ù ù tiếng thằng quan Một “xì xồ” gì mấy tên lính rồi nó đá đít tôi một cái. Quay ra nó liền chĩa súng vào bà Biểu. Đùng! Bà cụ gục xuống, đầu vỡ toác! 

Chúng châm lửa đốt nhà rồi lùa ba chị em tôi ra “hố bom” đầu làng, đạp xuống, hai chị tôi thì gần 40 tuổi, bụng to vượt mặt, sợ đến mức mắt cứ nhắm  tịt lại. Chúng châm mìn để giết chúng tôi, rồi bước nhanh về phía đình làng. Tôi liền  vùng lên, kéo hai chị chạy tắt ra hướng bờ sông, chạy được vài bước thì mìn nổ, đất tung mù mịt. 

Lúc ấy mạnh ai nấy chạy, tôi thì lẻn về nhà, trốn ở bụi khoai nước được một lúc lại bị tốp lính khác tóm được lôi ra đình.

Bà Ngan ngừng câu chuyện, gọi người cháu rót tuần nước mới cho khách, rồi bà kể tiếp: “Cái lần ấy có đến chết tôi cũng không thể nào quên được.

Khi tôi ra tới gần đình thì thấy hai bên đường lính tây cứ khoảng 2m một thằng tay lăm lăm súng, mắt xanh đảo liên tục, vào sân thì thấy hàng trăm người trần truồng đang quỳ. Lính tây  thằng nào thằng ấy lăm lăm súng, thỉnh thoảng nó lại bắn một phát uy hiếp.

Nhìn vào cửa đình tôi hết hồn, khi thấy mấy thằng tây đang đè một người ở trên bàn  lấy lưỡi lê đâm vào cổ. Tôi thấy người kia  rống lên, quẫy đạp khiếp lắm nhưng bị chúng đè xuống đâm tiếp, máu phun ra kinh lắm.

Người làng quỳ ở sân kêu van thảm thiết”- Bà Ngan vừa kể vừa làm động tác bẻ tay, tì gối… của thằng giặc cho khách hình dung lại, rồi tiếp: “Sau khi trốn thoát tôi nằm ở ngoài đê đến tối mới dám mò về làng, vừa đi vừa sợ cứ nhìn trước ngó sau.

“Về  đến nhà không thấy ai tôi liền chạy sang hàng xóm gặp được cụ Huyến, cụ ấy bảo: Trốn đi không nó cắt cổ đấy, sáng nay nó cắt cổ ông Khung ở đình và đâm chết chục người rồi” – Bà Ngan buồn rầu nhìn ra mảnh vườn trước sân nơi ngày xưa bên bờ ao có những bụi khoai  nước mà mình đã ẩn nấp, gió trong vườn dậy lên, rồi mưa…

Giọng bà đều đều: “Thế mà đã hơn nửa thế kỷ rồi, lúc ấy tôi mới 16 tuổi ngẫm lại cuộc đời con người thật là ngắn ngủi, mà sao nhiều điều sợ hãi quá! Sau vụ ấy làng tôi ảm đạm hàng tháng trời lúc nào quạ cũng bay đầy trời. Từ đầu thôn đến cuối xóm đâu đâu cũng vang vọng tiếng than khóc, căm hờn đòi trả thù”- bà Ngan nói.

Kinh hoàng…

Ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Tòng đưa chúng tôi đến nhà ông Đoàn Văn Vận, người đã từng tham gia kháng chiến từ khi 15 tuổi, nay ông đã 83, nhưng những gì về cuộc thảm sát ngày ấy cũng như lịch sử cái làng nhỏ mà ông sinh ra và chiến đấu để giữ từng tấc đất vẫn nguyên vẹn trong ký ức. 

Mở đầu câu chuyện ông bảo: “Các chú muốn biết chuyện thảm sát đó thì đi theo tôi ra đình làng”. Đó là một ngôi đình cổ kính nằm im lìm dưới bóng cây cổ thụ, những vết rêu phong xen lẫn những mảng vữa mới chứng tích của sự khôi phục lại sau những lần bom đạn cứ làm người ta liên tưởng đến những thăng trầm của một ngôi làng nhỏ.

Ông Vận dẫn chúng tôi đến bên tấm bia cao chừng 5 m dựng ở bên trái cửa rồi ông như lặng đi  chỉ tay lên những hàng chữ được khắc một cách cẩn thận, nhỏ nhẹ: “Hôm đó là ngày 29/4/1949.

Cái ngày mà người dân làng tôi không thể nào quên được. Sau trận càn, 70 lính Pháp từ hai đồn phối hợp đã lùa cả làng ra đình để hành quyết man rợ theo kiểu thời trung cổ.

Chúng bắt  gần 400 người, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ra đình, lột hết quần áo bắt quỳ ở sân để hành quyết! Tiếng kêu khóc thảm thiết của những phụ nữ chân yếu tay mềm. Tiếng la khóc của trẻ nhỏ vì kinh sợ.

Trước mắt gần 400 con người đang kêu khóc thảm thiết như vậy, bốn tên lính Pháp lực lưỡng lôi xềnh xệch ông Nguyễn Văn Khung, một du kích trong đội “Sao Vuông” vào sân đình.

Chúng đè ông lên một chiếc bàn gỗ, bốn tên giữ chặt ông, một tên cầm lưỡi lê đâm vào cổ ông trước những tiếng la ré lên vì kinh sợ. Nhiều người đã ngất xỉu, gục xuống sân đình. Chúng lấy bát hương ra hứng máu.

Sau khi chém giết gần chục người, chúng lùa hết số người còn lại trần truồng ra bờ sông, xua xuống sông để bơi sang Thanh Hà (một xã bên kia sông) rồi từ trên bờ chúng dùng liên thanh xả vào dòng người đang ngụp lặn trên sông.

Rất nhiều người đã chết ngay tại chỗ, máu đỏ cả một khúc sông, tiếng kêu la thảm thiết vang vọng cả một vùng trời đến nỗi người ở bên huyện Thanh Hà cách xa cả hơn mấy cây số cũng còn nghe thấy mà sởn gai ốc.

Hai gia đình ông Thướng và ông Lịch mỗi nhà chết 4 người. Sáng hôm sau chúng còn bắt 8 người mang ra cống hạ đâm chết, vứt  xác xuống sông.

Chỉ riêng sáng hôm ấy ngay tại sân đình làng đã có hàng chục người  bị chúng đâm chết. Người chết bị chúng giẫm đạp không còn nhận ra hình hài. 

Ông Vận nói rồi kính cẩn nhìn lên bàn thờ lầm rầm khấn vái… rồi ông đưa tay lên với cuốn lịch sử làng để trên hương án ông đọc tên từng người, từng người một, còn nói hồi ấy họ bao nhiêu tuổi là chồng, vợ, con ai… 

Còn nữa
Minh Thụy

MỚI - NÓNG