Cô thuyết minh phim và 14 năm 'mất tích'

Cô thuyết minh phim và 14 năm 'mất tích'
TP - Số phận đưa đẩy khiến cô thuyết minh phim nổi tiếng với chất giọng truyền cảm, xinh đẹp Giáp Thị Minh Nguyệt của rạp Hòa Bình, thị xã Bắc Ninh (tỉnh Hà Bắc cũ) bị bán sang Trung Quốc làm vợ...
Cô thuyết minh phim và 14 năm 'mất tích' ảnh 1
Chị Giáp Thị Minh Nguyệt

Quãng đời 14 năm lưu lạc được kể trong nước mắt người thiếu phụ bất hạnh ngày trở về...

Người thiếu phụ trước mặt tôi không còn trẻ, nhưng thời gian và giông tố cuộc đời không thể xóa nhòa được vẻ đẹp một thời xuân sắc.

Chị Giáp Thị Minh Nguyệt bật khóc khi  kể câu chuyện quãng đời lưu lạc bao nhiêu năm nơi đất khách của mình.

Sinh năm 1963, chị là con gái đầu lòng của một chiến sĩ Điện Biên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, bố Nguyệt lập gia đình và ở lại Tây Bắc cùng xây dựng Nông trường Điện Biên trên vùng đất chiến trường xưa. Khi bố bị bệnh phải nghỉ việc, ông đã đưa gia đình về quê tại chợ Sỏi, xóm Đình, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, Bắc Giang sinh sống.

Cô gái Giáp Thị Minh Nguyệt lớn lên xinh đẹp. Vừa hết cấp hai, 15 tuổi, Nguyệt đã phải khai tăng tuổi lý lịch thêm 4 tuổi xin đi làm để giúp đỡ gia đình có bố mẹ đau yếu, năm đứa em còn nhỏ đang tuổi học hành. Nơi Nguyệt xin đi làm đầu tiên ấy là Đội quy hoạch ruộng đất huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Ít lâu sau, cô về công tác tại trường 12-75 của Bộ Nội vụ đóng ở Bắc Giang. Thế rồi Tây Nguyên gọi, cô gái trẻ lại hăm hở lên đường đến vùng đất mới giải phóng, những mong đem sức trẻ cống  hiến cho Tổ quốc. Cô được điều về làm cán bộ thuyết minh phim cho rạp Nhân Dân thuộc thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai – Kon Tum.

Năm năm phục vụ tại đây cô vừa làm vừa học lớp thuyết minh chiếu bóng mở tại thị xã Kon Tum. Cái giọng Bắc chuẩn mực, dễ nghe cộng với vẻ xinh xắn và nhiệt tình tuổi trẻ đã góp phần kéo khán giả đến rạp ngày một đông.

Những bộ phim đặc sắc của điện ảnh Liên Xô, Trung Quốc và các nước qua giọng thuyết minh của Nguyệt hình như tăng thêm phần hấp dẫn lạ kỳ. Đó là thời kỳ vàng son của ngành chiếu bóng. Mỗi ngày đêm, rạp phục vụ hàng chục buổi chiếu mà vẫn đông người xem.

Vì hoàn cảnh gia đình ngày một khó khăn, bố mẹ đau yếu luôn trong khi các em còn nhỏ, Nguyệt đành xin chuyển công tác về quê Hà Bắc để được gần gũi gia đình. Nguyện vọng của Nguyệt được cơ quan Phát hành phim và Chiếu bóng Gia Lai chấp nhận, cô chuyển về ngành văn hóa thông tin Hà Bắc và được điều về làm thuyết minh tại rạp Hòa Bình, thị xã Bắc Ninh.

Vốn xinh đẹp duyên dáng, cô thuyết minh phim Minh Nguyệt thường được mời tham gia thuyết minh giới thiệu tại các triển lãm của tỉnh Hà Bắc và đôi lần được cả tỉnh Gia Lai - Kon Tum mời thuyết minh cho triển lãm của tỉnh tại Hà Nội.

Trong những lần đi như vậy, cô đã quen và yêu anh công an Hà Nội người cùng quê chợ Sỏi, Tân Yên. Sau khi thành vợ chồng, họ có với nhau một cô con gái xinh xắn. Hạnh phúc những tưởng như không thể nào rời khỏi tổ ấm lý tưởng ấy.

Ngày anh chồng Nguyệt đi học Liên Xô, cô một mình vừa đi làm vừa nuôi con mong ngày anh trở về. Nhưng sự đời thật trớ trêu, anh trở về mang theo người phụ nữ khác về cùng. Đau đớn tột cùng, Nguyệt ôm con về cơ quan ở.

Đây cũng là thời gian khó khăn nhất của ngành chiếu bóng khi băng đĩa lậu tràn lan, phim ảnh đến tận mỗi nhà. Ngành chiếu bóng từng đêm đỏ đèn mỏi mắt chờ mà khách chả thấy đâu.

Công ăn việc làm không có, đội chiếu bóng tỉnh gần như giải thể, mỗi người tản mát tự cứu lấy mình. Chị Nguyệt cũng như bao chị em khác tự lo bươn chải kiếm sống từng ngày. Ngày ngày chị chạy chợ lấy tiền nuôi con và nuôi mình. Lúc thì đi Hà Nội cất hàng miền Nam đưa về Bắc Ninh bỏ mối, khi thì đi Lạng Sơn buôn hàng chuyến kiếm thêm... Đem con gửi bạn bè cơ quan, chị ngày đêm xuôi ngược buôn bán khắp nơi.

Cùng đi tuyến Lạng Sơn với Nguyệt có hai người bạn hàng tên Vân và Huệ. Chị em họ cùng trú tại Bắc Ninh và thường xuyên đi về biên giới làm ăn. Nguyệt đâu biết rằng, những tiểu thương này kiêm luôn nghề buôn người. Nghe lời ngon ngọt của Vân và Huệ, Nguyệt đã đồng ý đi Trung Quốc “lấy hàng tận gốc”. Nhưng chị đâu biết được đó là chuyến đi định mệnh để rồi từ cái đêm đầu năm 1994 ấy, cuộc đời chị biến thành chuỗi ngày lưu lạc nơi đất khách.

Khi xe qua khỏi biên giới, Nguyệt cùng sáu cô gái khác bị đưa lên một chiếc xe tải Trung Quốc và đi sâu vào nội địa. Tại đây chị được một người thanh niên Trung Quốc đưa lên xe ôm chạy về một nơi xa xôi hẻo lánh. Sau này Nguyệt mới hay đó là một huyện rất xa của tỉnh Quảng Đông. 

Một mình bị giữ nơi đất khách, Nguyệt ngày đêm kêu khóc như điên như dại. Nhưng đáp lại, chị chỉ được gặp người đàn ông sau này lấy chị làm vợ.

Không biết tiếng, Nguyệt đành chấp nhận ở lại gia đình người nông dân này, hy vọng đến một ngày có cơ hội trốn thoát. Gia đình người Trung Quốc sau khi mua Nguyệt về thì làm mâm cơm mời anh em đến chứng kiến để con trai họ có vợ. Không hôn lễ, không thủ tục. Nguyệt bị bắt làm vợ người đàn ông ít hơn chị hai tuổi. Ngày ngày lên nương rẫy làm lụng, nhưng đêm đêm chị ôm gối nước mắt lưng tròng. Chị không thể ngờ được cuộc đời mình lại đen tối đến như vậy.

Mười bốn năm “mất tích”, chị đã phải làm vợ người trong đau đớn căm hận. Cùng lúc chị đã bất đắc dĩ thành “lưỡng quốc phu nhân” khi người chồng cũ chưa ly hôn. Sống với người chồng mới Trung Quốc không tình yêu, chị đã sinh tới ba con. Ký ức về những ngày tươi đẹp trong ngành chiếu bóng, dĩ vãng về hạnh phúc gia đình luôn giày vò chị.

Không chịu nổi cảnh sống trong nỗi đau giày vò, đầu năm nay, chị đã nói với chồng: “Tôi đã sinh cho anh ba đứa con. Em gái anh còn được về thăm mẹ hàng năm, còn tôi thì mười mấy năm nay rồi không được về nhà”.

Một đêm, chị bỏ chạy khỏi ngôi nhà, bỏ 3 đứa con đứt ruột đẻ ra đến bến xe phố huyện mua vé rồi dò hỏi đường về Việt Nam. Sau mấy ngày tìm đường vất vả, chuyển qua nhiều chuyến xe, chị đã về đến ngôi nhà thân yêu của mình.

Ngày Nguyệt trở về, cả nhà không tin nổi. Bố mẹ chị lập cập ra mở cửa, rồi như không tin vào mắt mình. Mười bốn năm nay, ngày rằm mồng một mẹ chị đi khắp các chùa kêu cầu cho con gái còn sống tìm về. Niềm hạnh phúc ngày về nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ cho nỗi đau khi chồng có người khác, khi đứa con gái bây giờ đã đi làm tận TPHCM. Lúc mới về, chị quên cả tiếng mẹ đẻ, cứ nói lẫn cả hai thứ tiếng.

Chị lần mò xuống Hà Nội để tìm lại người chồng cũ đặng nói với nhau một lần trút nỗi khổ đau. Không nơi nương tựa, chị đã xin đi rửa bát làm thuê ở Hà Nội để mong gặp được chồng con và để khuây khỏa nhưng rồi dự định cũng không thành.

Chị trở về cơ quan cũ, ai cũng mừng cho Nguyệt còn sống mà về được quê hương. Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10/2007, lần đầu tiên sau 14 năm, Nguyệt được sống lại trong tình cảm bạn bè đồng nghiệp ở Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bắc Ninh.

Chị kể với tôi trong nước mắt: “Tôi đã về bỏ lại ba đứa con đứt ruột đẻ ra, nhưng không còn đường quay lại vì không có quốc tịch bên ấy. Mười bốn năm sống bất hợp pháp trên đất người ta. Còn bây giờ, một thân một mình, tôi chỉ mong sao mọi người coi tôi là nạn nhân của bọn buôn người, để giúp đỡ tôi có việc làm để sống nốt những ngày còn lại, dù phải đi chiếu bóng lưu động cũng được... Tôi  đã có gần hai mươi năm công tác, nguyện vọng bây giờ là muốn được làm việc tiếp. Đó cũng là nơi nương tựa trong quãng đời còn lại…”.

Chị đã làm đơn tố cáo tội ác bọn buôn người nhưng bọn vô lương giờ đã định cư bên Trung Quốc. Hiện chị đương nương nhờ nhà người bạn ở TP Bắc Ninh. Rạp chiếu bóng Hòa Bình xưa nơi mỗi ngày có chục suất chiếu phim thì nay đã là trụ sở một cơ quan thuộc phường Vũ Ninh...

Tại Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bắc Ninh, những người đồng nghiệp ai cũng thương Nguyệt, nhưng muốn nhận lại chị đi làm thì cần có ý kiến của tổ chức cấp trên bởi mười mấy năm nay chị đã bị đưa vào diện “mất tích”...

Nguyệt đã trở về giữa quê hương, đồng nghiệp, bạn bè nhưng cuộc đời phía trước của chị chưa biết sẽ ra sao. Cô gái thuyết minh phim thủa nào bây giờ đang ở tuổi xế chiều. Bao nhiêu đau đớn bất hạnh ập xuống và giờ đây chị đã gần như mất tất cả. Chị chỉ mong sao chính quyền và các tổ chức xã hội mở rộng vòng tay cưu mang giúp đỡ chị để chị vơi bớt đi thiệt thòi, bất hạnh lúc cuối đời.

Tháng 11/2007

MỚI - NÓNG